BẢN TIN PHÁP LUẬT TUẦN 16

Nội dung bài viết

1. Nghị định 73/2012/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26/9/2012 quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

- Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài công nhận về chất lượng và được cơ quan có thẩm quyền của VN công nhận chỉ được liên kết đào tạo trong phạm vi ngành, nghề và trình độ đào tạo được phép thực hiện và được cơ quan có thẩm quyền của VN công nhận.

Bằng tốt nghiệp của chương trình liên kết đào tạo do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp phải tuân thủ quy định của pháp luật nước đó và được cơ quan có thẩm quyền của VN công nhận.

- Văn bản đề nghị phê duyệt Đề án liên kết đào tạo với nước ngoài do các bên liên kết cùng ký. Các bên liên kết nộp hồ sơ liên kết đào tạo cho cơ quan có thẩm quyền để phê duyệt.

- Nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư trực tiếp thành lập cơ sở giáo dục 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài hoặc cơ sở giáo dục liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài có quyền cấp hoặc đề nghị cấp văn bằng, chứng chỉ thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của VN; văn bằng, chứng chỉ thuộc hệ thống văn bằng, chứng chỉ của nước ngoài tuân thủ quy định của pháp luật nước ngoài và được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội VN công nhận. Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài có trách nhiệm đăng ký bằng tốt nghiệp với Bộ GDĐT, Bộ LĐTBXH để được công nhận giá trị pháp lý trên toàn lãnh thổ VN.

- Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động từ 20 năm trở lên tại VN phải có kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất của cơ sở giáo dục và phải được UBND cấp tỉnh đồng ý về việc giao đất hoặc cho thuê đất để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động dưới 20 năm không phải xây dựng cơ sở vật chất riêng, nhưng phải có hợp đồng hoặc thỏa thuận cho thuê trường, lớp, nhà xưởng, diện tích phụ phù hợp và ổn định trong thời gian ít nhất 5 năm.

- Cơ sở giáo dục và phân hiệu của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được hoạt động giáo dục sau khi được cấp Giấy phép hoạt động giáo dục. Trrong thời hạn quy định, kể từ ngày được cấp Quyết định cho phép thành lập hoặc Quyết định cho phép mở phân hiệu, cơ sở giáo dục và phân hiệu của cơ sở giáo dục phải hoàn tất công tác chuẩn bị và nộp hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục.

- Tổ chức, cơ sở giáo dục nước ngoài đề nghị cho phép thành lập văn phòng đại diện tại VN gửi hồ sơ đến Bộ Giáo dục và Đào tạo (đối với cơ sở hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo) hoặc Bộ LĐTBXH (đối với cơ sở hoạt động trong lĩnh vực dạy nghề). Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày được cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện giáo dục nước ngoài, tổ chức, cơ sở giáo dục thành lập văn phòng đại diện phải làm thủ tục đăng ký hoạt động với Sở GDĐT, Sở LĐTBXH nơi văn phòng đại diện đặt trụ sở.

2. Thông tư 28/2012/TT-BCT của Bộ Công thương ngày 27/9/2012 quy định chi tiết việc đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam.

- Thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại VN đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu được xuất khẩu/nhập khẩu các mặt hàng không thuộc danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu/nhập khẩu, danh mục hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu/nhập khẩu, danh mục hàng hóa không được quyền xuất khẩu/nhập khẩu theo các cam kết quốc tế.

- Thương nhân không hiện diện chỉ được trực tiếp mua hàng hóa của thương nhân VN có đăng ký kinh doanh hoặc có quyền xuất khẩu hoặc quyền phân phối hàng hóa đó để xuất khẩu; không được tổ chức mạng lưới mua gom hàng hóa tại VN để xuất khẩu, trừ trường hợp pháp luật VN hoặc điều ước quốc tế mà VN là thành viên có quy định khác.

- Thương nhân không hiện diện chỉ được trực tiếp bán hàng nhập khẩu cho các thương nhân VN có đăng ký kinh doanh hoặc có quyền phân phối hàng hóa đó, không được tổ chức hoặc tham gia hệ thống phân phối hàng hóa tại VN, trừ trường hợp pháp luật VN hoặc điều ước quốc tế mà VN là thành viên có quy định khác.

3. Công văn 6565/BKHĐT-QLKKT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 30/8/2012 v/v hoạt động gia công của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

- Hoạt động gia công, gia công lại sản phẩm phù hợp với mục tiêu đã quy định tại Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư là quyền của doanh nghiệp, do vậy, doanh nghiệp không nhất thiết phải bổ sung mục tiêu hoạt động gia công trong Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư.

4. Công văn 13089/BTC-TCHQ của Bộ Tài chính ngày 26/9/2012 v/v thực hiện Chỉ thị 02/CT-TTg.

- Trong khi chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 02/CT-TTg ngày 9/1/2012 (về quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản) thì:

+ không làm làm thủ tục xuất khẩu một số loại khoáng sản nêu tại điểm 6 Chỉ thị 02/CT-TTg như quặng chì – kẽm, quăng và tinh quặng crommit, quặng mangan và tinh quặng mangan, quặng đồng, quặng apatit, đá khối hoa trắng, đá khối granit (trừ trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép)

+ đối với trường hợp phát sinh (doanh nghiệp đã đăng ký tờ khai xuất khẩu), cơ quan hải quan không giải quyết thủ tục xuất khẩu của doanh nghiệp và không xử lý vi phạm do không xác định được hành vi khi chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan