BẢN TIN PHÁP LUẬT TUẦN 11

Nội dung bài viết

Nghị định 58/2012/NĐ-CP của Chính phủ ngày 20/7/2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.

– Đối tượng được chào bán cổ phiếu riêng lẻ là công ty cổ phần được thành lập theo Luật Doanh nghiệp và công ty TNHH chào bán cổ phiếu riêng lẻ để chuyển đổi thành công ty cổ phần. Tổ chức phát hành gửi hồ sơ đăng ký chào bán cố phiếu riêng lẻ tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tổ chức phát hành và các tổ chức, cá nhân có liên quan không được quảng cáo việc chào bán trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc công bố thông tin không được chứa đựng nội dung có tính chất quảng cáo hoặc mời chào mua cổ phiếu được chào bán riêng lẻ.

– Công ty cổ phần chào bán cổ phiếu tại nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện: Không thuộc danh mục ngành nghề mà pháp luật VN cấm bên nước ngoài tham gia và phải đảm bảo tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài theo quy định của pháp luật; Có quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua việc chào bán cổ phiếu tại nước ngoài và phương án sử dụng vốn thu được; Tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối; Đáp ứng quy định của pháp luật nước sở tại; Được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng; Bộ Tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm; Ủy ban Chứng khoán NN đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán).

– Tổ chức phát hành phải gửi UBCKNN tài liệu đăng ký chào bán chứng khoán tại nước ngoài trước khi gửi hồ sơ đăng ký chào bán chính thức cho cơ quan có thẩm quyền tại nước ngoài.

– Công ty đại chúng mua lại cổ phiếu của chính mình để làm cổ phiếu quỹ phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định này. Không được thực hiện việc mua lại cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ trong các trường hợp: Đang có nợ quá hạn căn cứ báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán; Đang trong quá trình chào bán cổ phiếu để huy động thêm vốn; Cổ phiếu của công ty đang là đối tượng chào mua công khai; Đã thực hiện việc mua lại cổ phiếu trong vòng 6 tháng (trừ trường hợp mua lại cổ phiếu theo Điều 90 Luật Doanh nghiệp, mua lại cổ phần lẻ theo phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu được thực hiện theo Nghị định này, và công ty chứng khoán mua lại cổ phần của chính mình để sửa lỗi giao dịch)

– Trường hợp tổ chức đồng thời niêm yết ở thị trường chứng khoán trong nước và nước ngoài, báo cáo tài chính định kỳ phải được lập theo chuẩn mức kế toán quốc tế; trường hợp có yêu cầu của Đại hội đồng cổ đồng thì phải lập thêm báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán VN kèm theo bản giải trình các điểm khác biệt giữa các chuẩn mực kế toán.

– Công ty đầu tư chứng khoán chỉ phát hành một loại cổ phiếu và không có nghĩa vụ mua lại cổ phiếu đã phát hành trừ trường hợp hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp. Công ty đầu tư chứng khoán đại chúng phải ủy thác vốn cho một công ty quản lý quỹ quản lý. Công ty đầu tư chứng khoán riêng lẻ được tự quản lý vốn đầu tư hoặc ủy thác vốn cho một công ty quản lý quỹ quản lý.

– Công ty đầu tư chứng khoán đại chúng không được kinh doanh, sản xuất và cung cấp dịch vụ; không được phát hành chứng khoán ra công chứng ngoại trừ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng để thành lập công ty, hoặc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ hoặc phát hành cổ phiếu để chuyển đổi trong trường hợp hợp nhất, sáp nhập. Việc thay đổi tên, thay đổi công ty quản lý quỹ, thay đổi ngân hàng giám sát của công ty chứng khoán đại chúng phải được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

– Quỹ đầu tư bất động sản được tổ chức và hoạt động dưới hình thức quỹ đầu tư chứng khoán đại chúng, hoặc công ty đầu tư chứng khoán đại chúng. Quỹ đầu tư bất động sản phải được quản lý bởi một công ty quản lý quỹ. Hoạt động quản lý vốn và tài sản của quỹ phải được giám sát bởi ngân hàng giám sát.

2. Nghị định 57/2012/NĐ-CP của Chính phủ ngày 20/7/2012 về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

– Tổ chức tín dụng không được góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác là cổ đông, thành viên góp vốn của chính tổ chức tín dụng đó.

– Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trích 5% lợi nhuận sau thuế vào quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng hoặc vào quỹ dự trữ bổ sung vốn được cấp của chi nhánh ngân hàng nước ngoài; trích 10% lợi nhuận sau thuế vào quỹ dự phòng tài chính, số dư tối đa của quỹ này không vượt quá 25% vốn điều lệ, vốn được cấp của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

– Trường hợp một ngân hàng nước ngoài có hai hoặc nhiều chi nhánh hoạt động tại VN và thực hiện chế độ tài chính, hạch toán, báo cáo hợp nhất thì ngân hàng nước ngoài phải ủy quyền cho một Tổng giám đốc (Giám đốc) chi nhánh chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại VN.

3. Luật Biển Việt Nam (Luật số 18/2012/QH13) được Quốc hội thông qua ngày 21/6/2012.

– Tổ chức, cá nhân nước ngoài được tham gia thăm dò, sử dụng, khai thác tài nguyên, nghiên cứu khoa học, lắp đặt các thiết bị và công trình trong vùng đặc quyền kinh tế/thềm lục địa của VN trên cơ sở các điều ước quốc tế mà VN là thành viên, hợp đồng được ký kết theo quy định của pháp luật VN hoặc được phép của Chính phủ VN.

– Nhà ước có quyền tài phán đối với các đảo nhân tạo và thiết bị, công trình trên biển trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN, bao gồm cả quyền tài phán theo quy định của pháp luật về hải quan, thuế, y tế, an ninh và xuất nhập cảnh.

– Không xây dựng đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển cũng như không thiết lập vành đai an toàn xung quanh đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển ở nơi có nguy cơ gây trở ngai cho việc sử dụng các đường hàng hải đã được thừa nhận là thiết yếu cho hàng hải quốc tế.

– Khi hết hạn sử dụng, thiết bị, công trình trên biển phải được tháo dỡ khỏi vùng biển VN, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của VN cho phép.

– Tàu thuyền, tổ chức, cá nhân không được thải, nhận chìm hay chôn lấp các loại chất thải công nghiệp, chất thải hạt nhân hoặc các chất thải độc hại khác trong vùng biển VN.

4. Quyết định 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/7/2012 phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015”.

– Doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trong các lĩnh vực độc quyền nhà nước, quốc phòng, an ninh; xuất bản; thủy nông; bảo đảm an toàn giao thông; xổ số kiến thiết; phân phối điện quy mô lớn đa mục tiêu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội gắn với quốc phòng-an ninh; quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đô thị; các cảng hàng không; cảng biển loại I; in, đúc tiền.

– Nhà nước nắm giữ trên 75% vốn điều lệ khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, hoạt động trong các lĩnh vực khai thác, chế biến tài nguyên, khoáng sản; cung cấp hạ tầng mạng thông tin truyền thông.

– Nhà nước nắm giữ từ 65% đến 75% vốn điều lệ khi cổ phần hóa các doanh nghiệp quy mô lớn, hoạt động trong các lĩnh vực hóa chất cơ bản, phân hóa học; bán buôn lương thực; bán buôn thuốc phòng bệnh, chữa bệnh; hóa dược; tài chính, tín dụng; bảo hiểm; cấp, thoát nước; vệ sinh môi trường, chiếu sáng ở đô thị lớn; sản xuất, lữu giữ giống gốc cây trồng vật nuôi; sản xuất văc xin phòng bệnh; quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ, đường thủy nội địa; quản lý, khai thác cảng biển; sản xuất điện quy mô lớn; vận tải đường sắt, hàng không.

5. Thông báo 263/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ ngày 20/7/2012 ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp về tiến độ các dự án điện trong Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.

– Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thành đàm phán, ký bộ hợp đồng BOT dự án Vĩnh Tân 1 trong quý III năm 2012.

– Bộ Tài chính hỗ trợ Tập đoàn Điện lực VN trong quá trinh thu xếp vốn cho dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và các công trình lưới điện đồng bộ.

– Tập đoàn Điện lực VN đôn đốc nhà thầu khẩn trương hoàn thành các bản vẽ thiết kế, tổ chức thẩm định, phê duyệt theo quy định; yêu cầu nhà thầu sớm đưa chuyên gia thiết kế hiện trường đến công trường để giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình thi công; làm việc với các cơ quan liên quan để bố trí đủ, kịp thời vốn cho các nhà thầu cho hợp đồng đã ký.

– Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản VN thu xếp nguồn vốn, thực hiện san lấp mặt bằng theo nhiệm vụ được giao tại kênh thải nước tuần hoàn, khu vực đê bao, khu vực thi công cảng dầu và cảng than … hoàn thành trong tháng 8 năm 2012 để bàn giao cho nhà thầu.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan