1. Bộ luật Lao động (số 10/2012/QH13) được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012.
- Tiền lương trong thời gian thử việc ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.
- Khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật, thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp người lao động vi phạm.
- Hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ khi thuộc một trong các trường hợp sau: toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động trái pháp luật; người ký kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền; công việc mà hai bên giao kết trong hợp đồng lao động là công việc bị pháp luật cấm; nội dung của hợp đồng hạn chế hoặc ngăn cản quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động.
- Hoạt động cho thuê lại lao động là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và chỉ được thực hiện đối với một số công việc nhất định. Doanh nghiệp cho thuê lại lao động và bên thuê lại lao động phải ký kết hợp đồng cho thuê lại lao động bằng văn bản. Hợp đồng cho thuê lại lao động không được có những thỏa thuận về quyền và lợi ích của người lao động thấp hơn so với hợp đồng lao động mà doanh nghiệp cho thuê lại lao động đã ký với người lao động.
- Khi xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và công bố công khai tại nơi làm việc của người lao động trước khi thực hiện, đồng thởi gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
- Thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần. Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 01 tuần.
- Số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm.
- Lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
- Công dân nước ngoài vào làm việc tại VN phải có đủ các điều kiện sau: có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có trình độ chuyên môn, tay nghề và sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc; không phải và người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; có giấy phép lao động do cơ quan có thẩm quyền của VN cấp. Thời hạn của giấy phép lao động tối đa là 02 năm.
- Kể từ ngày Bộ luật này có hiệu lực thi hành (1/5/2013), các hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, những thỏa thuận hợp pháp khác đã giao kết và những thỏa thuận có lợi hơn cho người lao động so với quy định của Bộ luật này được tiếp tục thực hiện; những thỏa thuận không phù hợp với quy định của Bộ luật này phải được sửa đổi, bổ sung.
2. Luật Công đoàn (số 12/2012/QH13) được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012.
- Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có quyền, trách nhiệm cử cán bộ công đoàn đến cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người lao động thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.
- Đơn vị sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, sa thải, buộc thôi việc hoặc thuyên chuyển công tác đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách nếu không có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Trường hợp không thỏa thuận được, hai bên phải báo cáo với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Sau 30 ngày, kể từ ngày báo cáo, đơn vị sử dụng lao động có quyền quyêt định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
- Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
3. Luật Quảng cáo (số 16/2012/QH13) được Quốc hội thông qua ngày 21/6/2012.
- Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo: Hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật; Thuốc lá; Rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên; Sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung cho trẻ dưới 06 tháng tuổi, bình bú và vú ngậm nhân tạo; Thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc; Sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục; Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực; Các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác do Chính phủ quy định khi có phát sinh trên thực tế.
- Luật quy định các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo như: quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác; quảng cáo sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có các tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; quảng cáo có nội dung cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh ….
- Người tiếp nhận quảng cáo được yêu cầu người quảng cáo hoặc người phát hành quảng cáo bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân đã quảng cáo.
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài được hợp tác, đầu tư với người kinh doanh dịch vụ quảng cáo của VN theo hình thức liên doanh và hợp đồng hợp tác kinh doanh.
- Doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài được phép thành lập văn phòng đại diện tại VN. Văn phòng đại diện chỉ được xúc tiến quảng cáo, không được trực tiếp kinh doanh dịch vụ quảng cáo.
4. Luật Bảo hiểm tiền gửi (số 06/2012/QH13) được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012.
- Tổ chức tín dụng (trừ Ngân hàng chính sách), chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân phải tham gia bảo hiểm tiền gửi.
- Chậm nhất 15 ngày trước ngày khai trương hoạt động, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nộp hồ sơ đề nghị cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi.
- Tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng VN của cá nhân gửi tiền tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, trừ tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là người sở hữu trên 5% vốn điều lệ của chính tổ chức tín dụng đó; tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là thành viên Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc của chính tổ chức tín dụng đó; tiền gửi tại chi nhánh ngân hàng nước ngoài của Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc của chính chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó; tiền mua các giấy tờ có giá vô danh do tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phát hành
- Tổ chức bảo hiểm tiền gửi trở thành chủ nợ của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đối với số tiền bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm tiền gửi, kể từ ngày trả tiền bảo hiểm theo thông báo quy định tại Luật này.
5. Nghị quyết 26/NQ-CP của Chính phủ ngày 9/7/2012 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2012.
- Từ nay đến 2015, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước phải hoàn thành việc thoái vốn đầu tư không thuộc ngành nghề kinh doanh chính. Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước khẩn trương xây dựng đề án tái cơ cấu, trong đó có đề án thoái vốn đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính (bao gồm cả các khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết không liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính), trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện.
6. Công văn 9048/BTC-CST của Bộ Tài chính ngày 6/7/2012 về thuế bảo vệ môi trường.
- Thuế bảo vệ môi trường chỉ phải nộp một lần tại khâu sản xuất bán ra hoặc tại khâu nhập khẩu. Hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế BVMT được sản xuất trong nước hoặc trong khu phi thuế quan và bán ra giữa trong nước và khu phi thuế quan, trong khu phi thuế quan, giữa các khu phi thuế quan với nhau và xuất nhập khẩu tại chỗ thì doanh nghiệp sản xuất hàng hóa phải khai, nộp thuế bảo vệ môi trường khi bán hàng hóa.
- Trường hợp doanh nghiệp đã nộp thuế bảo vệ môi trường đối với hàng hóa bán ra hoặc nhập khẩu từ nước ngoài vào VN thì hàng hóa đó sẽ không phải chịu thuế bảo vệ môi trường ở các khâu mua bán sau đó.