Bản tin pháp luật tháng 2-2022

Nội dung bài viết

1. Điều chỉnh tiền lương tháng đóng Bảo hiểm xã hội năm 2022

Ngày 31/12/2021, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 36/2021/TT-BLĐTBXH quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Theo đó, tiền lương tháng đã đóng BHXH đối với người lao động đóng BHXH bắt buộc quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư số 36/2021/TT-BLĐTBXH được điều chỉnh theo công thức sau:

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội sau điều chỉnh của từng năm

=

Tổng tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của từng năm

x

Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội của năm tương ứng

Trong đó, mức điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội của năm tương ứng được thực hiện theo Bảng dưới đây:

NămTrước 199519951996199719981999200020012002200320042005200620072008
Mức điều chỉnh5,104,334,093,963,683,533,583,593,463,353,112,872,672,472,01
Năm20092010201120122013201420152016201720182019202020212022
Mức điều chỉnh1,881,721,451,331,251,201,191,161,121,081,051,021,001,00 

Đối với người lao động vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện tiền lương do Nhà nước quy định vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng BHXH đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định từ ngày 01/01/2016 trở đi và tiền lương tháng đã đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được điều chỉnh theo quy định trên.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 02 năm 2022; các quy định tại Thông tư này áp dụng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

2. Sửa đổi quy định về xuất xứ hàng hóa ghi trên nhãn hàng hóa

Ngày 09/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 111/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa, trong đó có sửa đổi quy định về xuất xứ hàng hóa.

Cụ thể, tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

(So với hiện hành, bổ sung đối tượng là tổ chức, cá nhân xuất khẩu hàng hóa).

Xuất xứ hàng hóa ghi trên nhãn thể hiện bằng một trong các cụm từ sau: “sản xuất tại”; “chế tạo tại”; “nước sản xuất”; “xuất xứ”; “sản xuất bởi”; “sản phẩm của” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc ghi theo quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa.

(So với hiện hành, bổ sung cụm từ “sản phẩm của”).

Trường hợp hàng hóa không xác định được xuất xứ theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 43/2017/NĐ-CP thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.

Thể hiện bằng một trong các cụm hoặc kết hợp các cụm từ thể hiện công đoạn hoàn thiện hàng hóa như sau: “lắp ráp tại”; “đóng chai tại”; “phối trộn tại”; “hoàn tất tại”; “đóng gói tại”; “dán nhãn tại” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.

Nghị định 111/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/02/2022.

3. Giảm thuế Giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15, trong đó có hướng dẫn giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% trong năm 2022 (Điều 1 Nghị định 15/2022/NĐ-CP)

Theo đó, các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất VAT 10% sẽ được giảm 2% trong năm 2022, xuống còn 8%. Việc giảm thuế VAT sẽ không áp dụng cho một số nhóm hàng hóa, dịch vụ gồm: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% đối với hàng hóa, dịch vụ. Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng quy định trên. Thuế VAT được giảm trực tiếp ngay khi xuất hóa đơn.

Bên cạnh chính sách giảm VAT, Nghị định 15 cũng cho phép tính khoản chi ủng hộ, tài trợ phòng chống dịch Covid-19 vào chi phí được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022. Dự kiến, ngân sách nhà nước năm 2022 giảm thu 51.400 tỷ đồng, chủ yếu do giảm 49.400 tỷ đồng từ việc hạ VAT, còn lại là phần khấu trừ chi phí tính vào thuế thu nhập doanh nghiệp.

Điều 1 Nghị định 15/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/02/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

4. Tăng giờ làm thêm tối đa với lao động thời vụ

Theo Thông tư 18/2021/TT-BLĐTBXH, thời gian làm việc, làm thêm tối đa của người làm công việc thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng tăng 12 giờ/tuần và 8 giờ/tháng. Cụ thể được quy định tại Điều 6 như sau:

  • Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày;
  • Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm không quá 72 giờ/tuần; (Hiện hành, theo Thông tư 54/2015/TT-BLĐTBXH là 60 giờ/tuần)
  • Tổng số giờ làm thêm không quá 40 giờ/tháng; (Hiện hành là 32 giờ/tháng)
  • Người sử dụng lao động quyết định lựa chọn áp dụng quy định về thời giờ làm việc, làm thêm theo tuần hoặc theo tháng, ghi vào kế hoạch thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi trong năm quy định tại khoản 2, Điều 8 Thông tư 18/2021/TT-BLĐTBXH.
  • Tổng số giờ làm thêm đối với mỗi NLĐ không quá 300 giờ/năm.

Thông tư 18/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 01/02/2022 và thay thế Thông tư 54/2015/TT-BLĐTBXH.

5. 4 trường hợp đi xuất khẩu lao động không cần phải đóng tiền dịch vụ

Thông tư số 21/2021/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định chi tiết một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động.

Theo đó, căn cứ vào phụ lục XI quy định về mức trần tiền dịch vụ thu từ người lao động đối với một số thị trường, ngành, nghề, công việc thì có 4 trường hợp người lao động không phải nộp khoản tiền này gồm:

  • Sang Nhật Bản làm thực tập sinh kỹ năng số 3 (trường hợp không thay đổi doanh nghiệp dịch vụ và tổ chức quản lý).
  • Sang Nhật Bản làm lao động kỹ năng đặc định (trường hợp hoàn thành chương trình Thực tập sinh kỹ năng số 2 hoặc Thực tập sinh kỹ năng số 3 đủ điều kiện tiếp nhận sang lao động kỹ năng đặc định).
  • Sang Ma-lai-xi-a làm giúp việc gia đình.
  • Sang các nước Tây Á làm giúp việc gia đình.

Trong khi đó, nếu sang Nhật Bản làm lao động kỹ thuật cao, lao động xây dựng đóng tàu theo chế độ hoạt động đặc định; sang Đài Loan làm hộ lý và y tế tại bệnh viện, trung tâm dưỡng lão; sang Hàn Quốc làm thuyền viên đánh cá gần bờ thì người lao động phải nộp tiền dịch vụ bằng 0,7 tháng tiền lương cho mỗi hợp đồng 12 tháng, và tối đa 1 tháng lương cho mỗi hợp đồng từ 36 tháng trở lên.

Nếu sang Đài Loan làm người chăm sóc bệnh nhân tại gia đình, giúp việc gia đình, làm nông nghiệp, thuyền viên tàu cá gần bờ thì mức phí này là 0,4 tháng lương cho mỗi hợp đồng 12 tháng và tối đa 1 tháng lương cho mỗi hợp đồng từ 36 tháng trở lên.

Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực kể từ ngày 01/02/2022.

6. 4 hình thức xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn sau thu hồi

Thông tư 17/2021/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

Theo đó, tại Điều 13 của Thông tư này quy định rõ 4 hình thức xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn sau thu hồi, bao gồm:

  • Khắc phục lỗi của sản phẩm, lỗi ghi nhãn: Khắc phục lỗi của sản phẩm áp dụng đối với trường hợp thực phẩm có thể xử lý bằng các biện pháp kỹ thuật để bảo đảm thực phẩm an toàn; khắc phục lỗi ghi nhãn áp dụng đối với trường hợp thực phẩm ghi nhãn chưa đúng theo quy định.
  • Chuyển mục đích sử dụng: Áp dụng đối với trường hợp thực phẩm không bảo đảm an toàn, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người tiêu dùng, không được sử dụng làm thực phẩm nhưng có thể sử dụng vào mục đích khác sau khi xử lý phù hợp.
  • Tái xuất: Áp dụng đối với các trường hợp thực phẩm nhập khẩu không bảo đảm an toàn và thuộc diện tái xuất theo quy định pháp luật.
  • Tiêu hủy: Áp dụng đối với trường hợp thực phẩm có mức giới hạn an toàn không phù hợp với hồ sơ tự công bố, quy chuẩn kỹ thuật, quy định an toàn thực phẩm gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, không thể chuyển mục đích sử dụng hoặc tái xuất.

Thông tư 17/2021/TT-BNNPTNT có hiệu lực kể từ ngày 02/02/2022.

7. Bổ sung một số nội dung bắt buộc trong hợp đồng xuất khẩu lao động

Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 đã bổ sung một số nội dung bắt buộc trong hợp đồng xuất khẩu lao động.

Theo đó, căn cứ tại Điều 14 của Thông tư này có bổ sung những nội dung bắt buộc trong hợp đồng xuất khẩu lao động phải có, bao gồm: giáo dục định hướng trước khi đi làm việc; bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng; cơ chế, thủ tục và pháp luật áp dụng để giải quyết tranh chấp.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định mức trần thù lao theo hợp đồng mô giới là theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp dịch vụ với tổ chức, cá nhân trung gian nhưng không được vượt quá 0,5 tháng tiền lương theo hợp đồng của người lao động cho mỗi 12 tháng làm việc.

Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực kể từ ngày 01/02/2022.

8. Quy định mới về giấy phép vận tải đường bộ qua biên giới

Nghị định số 119/2021/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép vận tải đường bộ qua biên giới, được Chính phủ thông qua ngày 24 tháng 12 năm 2021.

Cụ thể, Nghị định này quy định rõ ràng và đầy đủ các bước, trình tự mà các đơn vị kinh doanh vận tải cần biết để được cấp giấy phép vận tải đường bộ quốc tế và giấy phép liên vận, cụ thể bao gồm: Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế ASEAN; Giấy phép liên vận ASEAN; Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế GMS; Giấy phép liên vận GMS hoặc sổ TAD; Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc cho cả phương tiện các hạng A, B, C, E, F, G của cả 2 nước Việt Nam và Trung Quốc; Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế giữa Việt Nam và Lào; Giấy phép liên vận giữa Việt Nam và Lào; Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế giữa Việt Nam và Campuchia; Giấy phép liên vận giữa Việt Nam và Campuchia; Giấy phép liên vận giữa Việt Nam, Lào và Campuchia.

Nghị định 119/2021/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 15/02/2022.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan