BẢN TIN PHÁP LUẬT THÁNG 01 NĂM 2019

Nội dung bài viết

Trong tháng 01 năm 2019, có nhiều chính sách pháp luật mới sẽ phát sinh hiệu lực, SBLAW trân trọng gửi tới Quý khách hàng và đối tác bản tóm tắt nội dung những văn bản này:

  1. Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực

Luật An ninh mạng 2018 quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.


Luật này sẽ góp phần vào việc bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Đồng thời, Luật An ninh mạng 2018 quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm, như là:

- Tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước;

- Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; …

Luật An ninh mạng 2018 bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019.

  1. Lương tối thiểu vùng áp dụng từ 01/01/2019

Ngày 16/11/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 157/2018/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ ngày 01/01/2019 tăng từ 160.000 - 200.000 đồng/tháng, cụ thể như sau:

- Đối với NLĐ làm việc ở doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng I: 4.180.000 đồng/tháng (tăng 200.000 đồng so với quy định hiện hành tại Nghị định số 141/2017/NĐ-CP);

- Đối với NLĐ làm việc ở doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng II: 3.710.000 đồng/tháng (tăng 180.000 đồng so với Nghị định số 141);

- Đối với NLĐ làm việc ở doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng III: 3.250.000 đồng/tháng (tăng 160.000 đồng so với Nghị định số 141);

- Đối với NLĐ làm việc ở doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng IV: 2.920.000 đồng/tháng (tăng 160.000 đồng so với Nghị định số 141).

Mức lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở cho doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương.

Nghị định Nghị định 157/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.

  1. Dự án nông nghiệp, nông thôn được ưu tiên khuyến khích đầu tư

Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư số 04/2018/TT-BKHĐT hướng dẫn thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018.

Theo đó, Danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được tổng hợp theo nguyên tắc ưu tiên các dự án sau:

- Dự án chế biến nông sản sử dụng nguyên liệu địa phương hoặc sử dụng nhiều lao động (100 lao động trở lên).

- Dự án sản xuất sản phẩm cơ khí, thiết bị, linh kiện thiết bị, sản phẩm phụ trợ cho ngành nông nghiệp.

- Dự án có quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, tiêu tốn ít năng lượng, ít phát thải.

- Dự án liên kết sản xuất tạo ra chuỗi giá trị trong lĩnh vực nông nghiệp, dự án sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao.

Thông tư số 04/2018/TT-BKHĐT có hiệu lực từ ngày 21/01/2019.

  1. Điểm mới về hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập ngân hàng thương mại

Thông tư số 28/2018/TT-NHNN sửa đổi Thông tư số 40/2011/TT-NHNN được Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam ban hành ngày 30/11/2018.

Điều 14 Thông tư 40 quy định cụ thể về thành phần hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng thương mại.

Nay Thông tư 28 sửa đổi, bổ sung quy định về Phiếu lý lịch tư pháp của bộ máy kiểm soát, điều hành dự kiến như sau:

- Do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp (người có quốc tịch Việt Nam), cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài (người không có quốc tịch Việt Nam) cấp;

- Được cấp trước thời điểm nộp hồ sơ đề nghị không quá 06 (sáu) tháng;

- Gồm các thông tin: tình trạng án tích, việc cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

Thông tư số 28/2018/TT-NHNN có hiệu lực kể từ ngày 15/01/2019.

  1. Các trường hợp phong tỏa tài sản chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 27/2018/TT-NHNN quy định về trường hợp phong tỏa, chấm dứt phong tỏa vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo đó, so với quy định hiện hành tại Thông tư số 03/2007/TT-NHNN thì ở Thông tư 27 đã có sự thay đổi về các trường hợp phong tỏa vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài như sau:

- Bổ sung thêm trường hợp khi số lỗ lũy kế của chi nhánh ngân hàng nước ngoài lớn hơn 50% giá trị của vốn được cấp và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất;

- Không còn đề cập 2 trường hợp:

+ Chi nhánh ngân hàng nước ngoài vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật;

+ Khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện giải thể, kết thúc hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài và thu hồi Giấy phép mở chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Thông tư số 27/2018/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 10/01/2019.

  1. Trình tự thanh tra lao động, an toàn vệ sinh lao động đột xuất vào ban đêm

Thông tư số 20/2018/TT-BLĐTBXH hướng dẫn cơ chế phối hợp trong việc thực hiện thanh tra chuyên ngành lao động, an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) vào ban đêm, ngoài giờ hành chính được ban hành ngày 26/11/2018.

Theo đó, trình tự thanh tra lao động, ATVSLĐ đột xuất tại nơi làm việc xảy ra vào ban đêm, ngoài giờ hành chính được thực hiện như sau:

- Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH hoặc Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thông báo đến đơn vị làm đầu mối tại các cơ quan chức năng có liên quan để xác nhận việc tham gia đoàn thanh tra;

- Các cơ quan chức năng có liên quan biết có hành vi vi phạm và đề nghị cử người tham gia đoàn thanh tra;

- Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH hoặc Giám đốc Sở LĐ-TB&XH hoặc Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH nơi xảy ra vụ việc ban hành Quyết định thanh tra;

- Trưởng đoàn thanh tra phải công bố Quyết định thanh tra, đồng thời triển khai thanh tra tại nơi xảy ra vi phạm;

- Thực hiện hoặc kiến nghị thực hiện các biện pháp xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Thông tư số 20/2018/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.

  1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm

Đây là nội dung nổi bật tại Thông tư số 43/2018/TT-BCT về quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương.

Theo đó, đối với trường hợp đề nghị cấp lần đầu giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị theo Mẫu số 01a.

- Bản thuyết minh cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm vệ sinh ATTP theo Mẫu số 02a (với cơ sở sản xuất), 02b (với cơ sở kinh doanh) hoặc Mẫu số 02a và 02b (với cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh).

- Giấy xác nhận đủ sức khỏe/Danh sách tổng hợp xác nhận đủ sức khỏe của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp (bản sao có xác nhận của cơ sở).

- Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về ATTP/Giấy xác nhận kiến thức ATTP của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm (bản sao có xác nhận của cơ sở).

Như vậy, hồ sơ cấp lần đầu không còn yêu cầu nộp GCN đăng ký kinh doanh/GCN đăng ký doanh nghiệp/GCN đầu tư có ngành nghề sản xuất, kinh doanh thực phẩm so với quy định hiện hành tại Thông tư 58/2014/TT-BCT ngày 22/12/2014.

Thông tư số 43/2018/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.

  1. Từ ngày 01/01/2019, thủ tục cấp C/O mẫu AANZ được thực hiện theo quy định mới

Ngày 12/11/2018, Bộ Công thương ban hành Thông tư 42/2018/TT-BCT SĐ, BS Thông tư 31/2015/TT-BCT quy định thực hiện quy tắc xuất xứ trong Hiệp định thành lập khu vực thương mại tự do ASEAN- ÚC- Newzealand (AANZFTA).

Theo đó, thủ tục cấp C/O mẫu AANZ thực hiện theo Nghị định 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa và Thông tư 05/2018/TT-BCT quy định về xuất xứ hàng hóa.

Trước đây, thủ tục cấp C/O mẫu AANZ được thực hiện theo Thông tư 06/2011/TT-BCT quy định thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi và Thông tư 01/2013/TT-BCT sửa đổi bổ sung Thông tư 06.

Việc thực hiện thủ tục này còn được thực hiện theo Phụ lục III Thông tư 31/2015/TT-BCT.

Ngoài ra, Phụ lục II - Quy tắc cụ thể mặt hàng ban hành kèm theo Thông tư 31/2015/TT-BCT được thay thế bằng phụ lục kèm theo Thông tư 42.

Thông tư 42/2018/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019.

 

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan