1. Thông tư 229/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 27/12/2012 hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ hoán đổi danh mục.
- Quỹ hoán đổi danh mục (gọi tắt là quỹ ETF) là một loại hình quỹ mở, hình thành từ việc tiếp nhận, hoán đổi danh mục chứng khoán cơ cấu lấy chứng chỉ quỹ. Chứng chỉ quỹ ETF được niêm yết và giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán.
- Danh mục chứng khoán cơ cấu trong giao dịch hoán đổi phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: Bao gồm tối thiểu 50% số chứng khoán cơ sở hình thành chỉ số tham chiếu và chỉ bao gồm phần chứng khoán mà thành viên lập quỹ, nhà đầu tư không bị hạn chế chuyển nhượng theo quy định của pháp luật; Giá trị danh mục chứng khoán không thấp hơn 95% giá trị của danh mục chứng khoán tương ứng của chỉ số tham chiếu, không tính chứng khoán mà thành viên lập quỹ, nhà đầu tư bị hạn chế chuyển nhượng theo quy định của pháp luật.
- Việc chào bán lần đầu chứng chỉ quỹ ETF, huy động danh mục chứng khoán cơ cấu để lập quỹ ETF phải đăng ký với UBCK Nhà nước. Nhà đầu tư nước ngoài không bị hạn chế tỷ lệ sở hữu tại các quỹ ETF.
- Toàn bộ danh mục chứng khoán cơ cấu của thành viên lập quỹ, nhà đầu tư phải được phong tỏa tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán. Ngay sau khi giấy chứng nhận đăng ký thành lập quỹ có hiệu lực, các tài sản này phải được lưu ký trên tài khoản lưu ký chứng khoán của quỹ ETF mở tại ngân hàng giám sát.
- Thành viên lập quỹ đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: Là công ty chứng khoán có nghiệp vụ môi giới và tự doanh chứng khoán, ngân hàng lưu ký; Trong vòng 12 tháng gấn nhất, trước ngày nộp hồ sơ đăng ký thành lập quỹ ETF, duy trì tỷ lệ vốn khả dụng tối thiểu đạt 220%, hoặc một tỷ lệ khác cao hơn theo yêu cầu của công ty quản lý quỹ. Ngân hàng lưu ký phải đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của pháp luật về ngân hàng; Đã ký hợp đồng lập quỹ ETF với công ty quản lý quỹ; Đáp ứng các điều kiện khác (nếu có) tại hợp đồng lập quỹ.
- Trường hợp hoán chuyển danh mục chứng khoán cơ cấu cho nhà đầu tư dẫn tới nhà đầu tư đó sở hữu trên 25% số cổ phiếu đang lưu hành của một tổ chức, hoặc nhà đầu tư đó sở hữu cổ phiếu phát hành bởi chính nhà đầu tư mà nhà đầu tư đó chưa thực hiện thủ tục chào mua công khai hoặc giao dịch cổ phiếu quỹ theo quy định của pháp luật liên quan, thì công ty quản lý quỹ có trách nhiệm bán phần chứng khoán vượt trội so với tỷ lệ phải thực hiện chào mua công khai hoặc bán toàn bộ phần chứng khoán phát hành bởi chính nhà đầu tư đó và thanh toán bằng tiền cho các nhà đầu tư này.
2. Thông tư 07/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước VN ngày 14/3/2013 quy định về kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng.
- Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu chủ sở hữu của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt triển khai việc tăng vốn điều lệ để đảm bảo giá trị thực của vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định, bảo đảm các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định trong một thời hạn được xác định cụ thể; hoặc yêu cầu chủ sở hữu của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt trình NHNN phê duyệt kế hoạch tái cơ cấu hoặc bắt buộc sáp nhập, hợp nhất, mua lại với các tổ chức tín dụng khác trong trường hợp tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt không có khả năng hoặc không thể thực hiện được việc tăng vốn điều lệ theo yêu cầu và trong thời hạn được NHNN xác định.
- Thống đốc NHNN quyết định thời điểm, nội dung và hình thức công bố thông tin về việc kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng trong từng trường hợp cụ thể.
- Khi tổ chức tín dụng được NHNN chấm dứt kiểm soát đặc biệt do không khôi phục được khả năng thanh toán, NHNN gửi văn bản tới tòa án về việc chấm dứt áp dụng các biện pháp phục hồi thanh toán và yêu cầu tổ chức tín dụng đó làm đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản.
3. Thông tư 08/2013/TT-BYT của Bộ Y tế ngày 13/3/2013 hướng dẫn về quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.
- Loại thực phẩm phải đăng ký nội dung khi quảng cáo gồm: thực phẩm chức năng; thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng; nước khoáng thiên nhiên; nước uống đóng chai; phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; dụng cụ vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
- Cấm quảng cáo thực phẩm khi chưa có giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm của cơ quan y tế có thẩm quyền cấp. Cấm quảng cáo thực phẩm có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Cấm quảng cáo thực phẩm dưới hình thức các bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.
- Trước khi tổ chức hội thảo, hội nghị giới thiệu thực phẩm, tổ chức, cá nhân phải gửi hồ sơ xin xác nhận nội dung hội thảo, hội nghị đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi tổ chức hội thảo, hội nghị và chỉ được tổ chức khi đã có giấy xác nhận hồ sơ đăng ký hội thảo, hội nghị giới thiệu thực phẩm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
4. Công văn 1265/TCHQ-GSQL của Tổng cục Hải quan ngày 13/3/2013 v/v quyền nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
- Trường hợp hàng hóa được cấp quyền nhập khẩu trên Giấy phép đầu tư của doanh nghiệp nằm trong Danh mục hàng hóa không được quyền nhập khẩu và hàng hóa nhập khẩu theo lộ trình tại Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Quyết định 10/2007/QĐ-BTM của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) thì thực hiện theo Quyết định của Bộ Công thương.
5. Công văn 501/TCT-CS của Tổng cục Thuế ngày 6/2/2013 v/v chính sách thuế GTGT.
- Trường hợp ngân hàng thu phí bất hợp lệ của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài thanh toán thì khoản phí này không được áp dụng thuế suất 0%.
- Các khoản phí thu từ khách hàng thuộc quy trình dịch vụ cấp tín dụng gồm phí trả nợ trước hạn, phạt chậm trả nợ, cơ cấu lại nợ, quản lý khoản vay … thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Những khoản phí giao dịch thẻ thông thường là phí cấp lại mã pin cho thẻ tín dụng, phí cung cấp bản sao hóa đơn giao dịch, phí đòi bồi hoàn khi sử dụng thẻ, phí thông báo mất cắp, thất lạc thẻ tín dụng, phí hủy thẻ tín dụng, phí chuyển đổi loại thẻ tín dụng … không thuộc quy trình cấp tín dụng thì thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.
6. Công văn 1266/TCHQ-GSQL của Tổng cục Hải quan ngày 13/3/2013 v/v thực hiện Thông tư liên tịch 34/2012/TTLT-BCT-BTNMT v/v nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
- Trường hợp có phát sinh vướng mắc không thống nhất giữa cơ quan Hải quan và chủ hàng đối với lô hàng phế liệu nhập khẩu thì sẽ tiến hành thành lập Hội đồng thẩm định chuyên ngành. Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc (trừ trường hợp phức tạp phải trưng cầu giám định) Hội đồng thẩm định chuyên ngành phải đưa ra kết luận lô hàng phế liệu có đáp ứng điều kiện nhập khẩu hay không.
0/5
(0 Reviews)