Bản tin pháp luật 14/3/2013

Nội dung bài viết

1. Thông tư 227/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 27/12/2012 hướng dẫn thành lập, tổ chức hoạt động và quản lý công ty đầu tư chứng khoán

– Công ty đầu tư chứng khoán bao gồm công ty đầu tư chứng khoán đại chúng và công ty đầu tư chứng khoán riêng lẻ. Công ty đầu tư chứng khoán đại chúng phải ủy thác vốn cho một công ty quản lý quỹ quản lý. Công ty đầu tư chứng khoán riêng lẻ được ủy thác vốn cho một công ty quản lý quỹ quản lý hoặc tự quản lý.

– Công ty đầu tư chứng khoán không được thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện. Công ty đầu tư chứng khoán ủy thác vốn cho công ty quản lý quỹ quản lý được sử dụng trụ sở của công ty quản lý quỹ làm trụ sở chính.

– Trường hợp điều lệ công ty đầu tư chứng khoán có quy định cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu trên 49% vốn điều lệ, công ty phải đăng ký mã số giao dịch chứng khoán và chịu sự điều chỉnh bởi các quy định pháp luật về hạn chế sở hữu áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài.

– Công ty đầu tư chứng khoán đại chúng không được sử dụng vốn và tài sản của công ty để cho vay, bảo lãnh cho các khoản vay; không được sử dụng tài sản của công ty để thực hiện các giao dịch vay mua tài sản, giao dịch ký quỹ chứng khoán, cho vay tài sản để bán, cho vay chứng khoán để bán (bán khống).

– Cơ cấu đầu tư của công ty đầu tư chứng khoán đại chúng được phép sai lệch nhưng không quá 15% so với các hạn chế đầu tư quy định tại Thông tư này và chỉ do các nguyên nhân sau: Biến động giá trên thị trường của tài sản trong danh mục đầu tư của công ty đầu tư chứng khoán; Thực hiện các thanh khoản hợp pháp của công ty đầu tư chứng khoán; Hoạt động hợp nhất, sáp nhập, mua cổ phiếu quỹ, chào mua công khai chứng khoán của các tổ chức phát hành; Công ty đầu tư chứng khoán mới được cấp phép thành lập hoặc điều chỉnh vốn hoặc hợp nhất, sáp nhập với công ty đầu tư chứng khoán khác mà thời gian thực hiện chưa quá 6 tháng kể từ ngày giấy phép thành lập hoặc giấy phép điều chỉnh có hiệu lực; Công ty đầu tư chứng khoán đang trong thời gian thanh lý để giải thể.

– Trường hợp công ty đầu tư chứng khoán riêng lẻ đầu tư vào bất động sản, công ty đầu tư chứng khoán phải lựa chọn tổ chức thẩm định giá độc lập. Tổ chức thẩm định giá phải đáp ứng các tiêu chí quy định tại Thông tư này.

2. Thông tư 228/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 27/12/2012 hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ đầu tư bất động sản.

– Quỹ đầu tư bất động sản là một loại hình quỹ đóng, thực hiện chào bán chứng chỉ quỹ ra công chúng và không được mua lại theo yêu cầu của nhà đầu tư.

– Trong thời hạn 10 ngày sau khi hoàn thành đợt chào bán hoặc giấy chứng nhận đăng ký chào bán hết hiệu lực, công ty quản lý quỹ phải gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hồ sơ đăng ký thành lập quỹ.

– Quỹ đầu tư bất động sản được đầu tư vào bất động sản đáp ứng các điều kiện sau:

  • là bất động sản được phép đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản;
  • là nhà, công trình xây dựng đã hoàn thành theo quy định của pháp luật về xây dựng. Trường hợp bất động sản đang trong quá trình xây dựng, chỉ được đầu tư khi đáp ứng các điều kiện sau: đã có hợp đồng giao dịch với khách hàng tiềm năng, bảo đảm bất động sản có thể bán được hoặc có thể sử dụng, cho thuê ngay sau khi hoàn tất; dự án đã được thực hiện đúng tiến độ tính đến thời điểm quỹ tham gia góp vốn; tổng giá trị các dự án bất động sản trong quá trình xây dựng không vượt quá 10% tổng giá trị tài sản ròng của quỹ; không phải là đất chưa có công trình xây dựng theo quy định về kinh doanh bất động sản và Luật đất đai.

– Trước khi đầu tư vào một hạng mục bất động sản, công ty quản lý quỹ phải xây dựng kế hoạch khai thác và sử dụng bất động sản đó trong 5 năm. Kế hoạch này phải được ban đại diện quỹ phê duyệt.

– Công ty quản lý quỹ phải ủy quyền cho tổ chức cung cấp dịch vụ quản lý bất động sản để bảo quản, giữ gìn, trong coi, bảo trì, sửa chữa, nâng cấp, vận hành và khai thác bất động sản theo hợp đồng quản lý bất động sản. Công ty quản lý quỹ có trách nhiệm mua đầy đủ bảo hiểm cho các bất động sản trong danh mục đầu tư của quỹ.

– Giá mua bất động sản không được vượt quá 110% và giá bán bất động sản không được thấp hơn 90% so với giá tham chiếu do tổ chức thẩm định giá xác định trong thời hạn 6 tháng tính tới thời điểm thực hiện giao dịch, trừ trường hợp được thông qua bởi đại hội nhà đầu tư.

– Công ty quản lý quỹ phải ký hợp đồng thẩm định giá với các tổ chức đã được đại hội nhà đầu tư lựa chọn. Tối thiểu hai năm một lần, công ty quản lý quỹ phải trình đại hội nhà đầu tư thay đổi tổ chức thẩm định giá.

3. Thông tư 02/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng ngày 8/3/2013 hướng dẫn việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ các dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và chuyển đổi nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội hoặc công trình dịch vụ.

– Các trường hợp được điều chỉnh cơ cấu căn hộ, chuyển đổi mục đích sử dụng từ nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội là những dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nhưng chưa triển khai thi công xây dựng hoặc đã được triển khai thi công nhưng cơ cấu căn hộ hoặc mục đích sử dụng nhà ở thương mại không phù hợp với nhu cầu của thị trường.

– Việc điều chuyển cơ cấu căn hộ, chuyển đổi mục đích sử dụng phải được Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt. Các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có quy mô từ 500 căn hộ trở lên thì trước khi UBND cấp tỉnh ra quyết định cho phép phải có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng.

– Việc điều chuyển cơ cấu căn hộ, chuyển đổi mục đích sử dụng chỉ được thực hiện đối với các hạng mục công trình xây dựng và căn hộ mà chủ đầu tư chưa ký hợp đồng góp vốn, hợp đồng mua bán với khách hàng. Trường hợp đã ký hợp đồng, thì trước khi thực hiện điều chỉnh phải được sự đồng ý bằng văn bản của tất cả khách hàng đã ký hợp đồng.

– Các dự án đã nộp tiền sử dụng đất thì được Nhà nước hoàn trả lại số tiền đã nộp hoặc được khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính mà chủ đầu tư phải nộp cho Nhà nước trên cơ sở tính toán lại tiền sử dụng đất của dự án sau khi điều chỉnh.

4. Công văn 993/BKHĐT-ĐTNN của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 7/2/2013 v/v cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

– Cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho quá trình giảng dạy ngoại ngữ không được quy định cụ thể tại Biểu cam kết WTO, tuy nhiên thuộc phân ngành kinh tế của Việt Nam, không thuộc lĩnh vực cấm đầu tư.
– Do nhà đầu tư nước ngoài được thành lập tại BVI – không thuộc các quốc gia là thành viên WTO nên đề nghị Sở KHĐT lấy ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo để xem xét, quyết định.

5. Công văn 994/BKHĐT-ĐTNN của Bộ KHĐT ngày 7/2/2013 v/v điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư.

– Hoạt động kinh doanh dịch vụ Trung tâm rèn luyện sức khỏe (huấn luyện và luyện tập Yoga, trung tâm thể dục thể hình) không có trong Biểu cam kết WTO, đồng thời nhà đầu thư thuộc BVI nên về nguyên tắc Việt Nam không có nghĩa vụ mở cửa. Tuy nhiên mục tiêu này thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu từ theo Nghị định 108/2006 nên đề nghị Sở KHĐT căn cứ ý kiến thẩm tra của các cơ quan quản lý chuyên ngành (Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao-Du lịch) làm căn cứ cho việc cấp giấy phép điều chỉnh cho dự án.

6. Công văn 440/TCT-CS của Tổng cục Thuế ngày 31/1/2013 v/v chính sách thuế.

– Chi phí đóng góp làm đường giao thông đi ngang qua doanh nghiệp do UBND tỉnh chỉ định không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

– Nếu doanh nghiệp do nguyên nhân khách quan phải làm thêm giờ thì Cục Thuế phối hợp với Sở LĐTBXH để xem xét tình hình thực tế tại doanh nghiệp. Trường hợp vì các lý do chính đáng doanh nghiệp phải tăng thời gian làm thêm giờ thì khoản chi phí làm thêm giờ doanh nghiệp thực chi trả cho người lao động và có đủ chứng từ theo quy định được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan