Câu hỏi: Công ty mình có làm hồ sơ cho một bạn để hưởng chế độ thai sản. Vì bạn ấy không đưa cho mình bản sao Giấy chứng sinh mà đưa cho mình bản gốc. Mình sợ bản gốc còn phải giữ lại để bạn ấy làm Giấy khai sinh cho bé, nếu nộp bản gốc Giấy chứng sinh lên cơ quan BHXH thì cơ quan BHXH sẽ thu luôn. Vì vậy mình muốn hỏi là mình scan Giấy chứng sinh, in ra và nộp bản scan Giấy chứng sinh đấy cho cơ quan BHXH thay vì nộp bản gốc (hoặc thay vì nộp bản sao) có được không?
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dichjv ụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 101 Luật bảo hiểm xã hội 2014, hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con bao gồm:
"Điều 101. Hồ sơ hưởng chế độ thai sản
1. Hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con bao gồm:
a) Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con;
b) Bản sao giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết, bản sao giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau khi sinh con mà mẹ chết;
c) Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con;
d) Trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh;
đ) Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 31 của Luật này...".
Như vậy, đối với trường hợp lao động nữ của công ty sinh con thì phải nộp bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con.
Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định Giá trị pháp lý của bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính như sau:
+ Bản sao được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
+ Bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại Nghị định 23/2015/NĐ-CP có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Như vậy, có nhiều bản sao có thể hình thành từ một bản chính (bản chụp, phô tô, scan, ...) nhưng chỉ những bản sao được cấp từ sổ gốc và bản sao được chứng thực từ bản chính là có giá trị pháp lý sử dụng thay cho bản chính.
Đồng thời, theo quy định tại Điều 16 Luật hộ tịch 2014 về thủ tục đăng ký khai sinh thì người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh. Như vậy, trường hợp lao động nữ sinh con ở bệnh viện phải có giấy chứng sinh và phải nộp bản chính giấy chứng sinh cho Ủy ban nhân dân cấp xã, phường nơi cư trú để làm thủ tục đăng ký khai sinh.
Do đó, bạn có thể hướng dẫn người lao động đi chứng thực bản sao giấy chứng sinh từ bản chính để hoàn tất hồ sơ gửi lên cơ quan Bảo hiểm xã hội giải quyết chế độ thai sản.
>> Xem thêm : luật sư giải quyết tranh chấp