Bảng phân loại sáng chế quốc tế (International Patent Classification - IPC), được xây dựng trên cơ sở Thỏa ước Strasbourg năm 1971 và hiện do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới quản lý.
Bảng phân loại cung cấp một hệ thống thứ bậc của các ký hiệu ngôn ngữ để phân loại các sáng chế và giải pháp hữu ích theo các lĩnh vực công nghệ khác nhau mà chúng thuộc về.
Bảng phân loại sáng chế quốc tế được chia thành 8 Phần với khoảng 70.000 phân nhóm, mỗi Phần được đặc trưng bằng một chữ cái La-tinh, cụ thể:
Phần A - Các nhu cầu đời sống con người;
Phần B - Các quy trình công nghệ - Giao thông vận tải;
Phần C - Hoá học; Luyện kim;
Phần D - Dệt; Giấy;
Phần E - Xây dựng; Mỏ;
Phần F - Cơ khí; Chiếu sáng; Cấp nhiệt; Vũ khí; Chất nổ;
Phần G - Vật lý;
Phần H - Điện.
Bảng phân loại sáng chế quốc tế được phát triển dựa trên sự phân loại theo thứ bậc nhằm phân loại sáng chế phục vụ cho mục đích xây dựng cơ sở dữ liệu và công cụ tra cứu sáng chế, nhờ đó việc tra cứu sáng chế được dễ dàng, thuận tiện và nhanh chóng. Các thứ bậc của Bảng phân loại sáng chế quốc tế như sau: Phần - Lớp – Phân lớp – Nhóm chính – Phân nhóm. Mỗi một sáng chế sẽ được phân nhóm và có chỉ số phân loại sáng chế quốc tế, ví dụ như: A61N1/24 là chỉ số phân loại sáng chế quốc tế đối với “Thắt lưng điện để chữa bệnh nối liền với nguồn điện là dòng điện một chiều được sử dụng bằng các điện cực tiếp xúc”.
Bảng phân loại sáng chế quốc tế được sửa đổi, bổ sung định kỳ để cải thiện hệ thống phân loại và đảm bảo phù hợp với sự phát triển kỹ thuật và công nghệ. Từ năm 1968 đến năm 2006, Bảng phân loại sáng chế quốc tế thường được sửa đổi năm năm một lần, và sau mỗi lần sửa đổi, một phiên bản mới được phát hành. Phiên bản thứ tám của Bảng phân loại sáng chế quốc tế có hiệu lực vào ngày 01/01/2006 . Từ năm 2006, Bảng phân loại sáng chế quốc tế đã được điều chỉnh thường xuyên hơn và mỗi phiên bản được chỉ định bởi năm và tháng ước có hiệu lực. Từ năm 2010, Bảng phân loại sáng chế quốc tế được điều chỉnh mỗi năm một lần và mỗi phiên bản mới có hiệu lực vào ngày 01 tháng 01.
Việt Nam chưa tham gia Thỏa ước Strasbourg song hiện đang sử dụng Bảng phân loại sáng chế quốc tế trong quá trình đăng ký sáng chế. Các sáng chế được phân loại phù hợp với Bảng phân loại sáng chế quốc tế, trên cơ sở đó các cơ sở dữ liệu và công cụ tra cứu sáng chế như Thư viện số về sở hữu công nghiệp hoặc Thư viện số về Bằng sáng chế của Việt Nam được xây dựng và khai thác. Để thuận tiện cho việc tham khảo Bảng phân loại sáng chế quốc tế trong quá trình đăng ký sáng chế, Cục Sở hữu trí tuệ đã tổ chức dịch sang tiếng Việt Bảng phân loại sáng chế quốc tế phiên bản 2011. Với sự phức tạp và đa dạng của các thuật ngữ kỹ thuật trong tất cả các lĩnh vực, việc dịch sang tiếng Việt khó tránh khỏi có những sai sót. Chính vì vậy, bản dịch tiếng Việt được đưa lên trang tin điện tử của Cục Sở hữu trí tuệ để công chúng có thể tham khảo và đóng góp đối với phần dịch tiếng Việt nhằm hoàn thiện phiên bản tiếng Việt.
- Bản tiếng Anh Bảng phân loại sáng chế quốc tế 2011 có thể tải về tại đây;
- Bản tiếng Việt Bảng phân loại sáng chế quốc tế 2011 có thể tải về tại đây.
0/5
(0 Reviews)