Bản chất và những rủi ro pháp lý khi kí kết hợp đồng cộng tác viên

Nội dung bài viết

Câu hỏi: Bản chất của hợp đồng cộng tác viên và những rủi ro pháp lý khi ký kết hợp đồng cộng tác viên thay cho hợp đồng lao động?

Luật sư tư vấn:

  1. Bản chất của hợp đồng cộng tác viên:

Thực tế, hợp đồng cộng tác viên là tên gọi mà các bên đặt cho hợp đồng chứ không phải là một loại hợp đồng đặc thù có quy định cụ thể theo pháp luật. Tùy thuộc vào bản chất của giao dịch mà hợp đồng này đề cập đến mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể nhận định hợp đồng này mang tính chất “quan hệ dịch vụ” hay tính chất “quan hệ lao động”.

  • Trường hợp đối tượng của hợp đồng cộng tác viên được xác định là “mối quan hệ dịch vụ”:

Theo Điều 513 Bộ luật Dân sự 2015, Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.

Theo đó, cộng tác viên sẽ là bên cung ứng dịch vụ. Bên nhận cộng tác viên làm việc sẽ chi trả chi phí dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ này. Cộng tác viên chỉ việc hoàn thành công việc trong một khoảng thời gian cụ thể mà hai bên đã thỏa thuận.

Trường hợp này, cộng tác viên (bên cung ứng dịch vụ) không được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ bên nhận cộng tác viên. Thêm vào đó, bên cung ứng phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định tại Luật thuế thu nhập cá nhân. Thông thường mức nộp thuế thường là 10%.

  • Trường hợp đối tượng của hợp đồng cộng tác viên được xác định là “mối quan hệ lao động”:

Theo khoản 1 Điều 13 Bộ luật lao động 2019, Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tin lương, điều kiện lao động, quyn và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.

Như vậy, nếu hợp đồng giữa cộng tác viên và người sử dụng lao động có thỏa thuận các điều khoản như trên thì có thể xem Hợp đồng cộng tác viên là Hợp đồng lao động.

Trường hợp này, người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật.

Lưu ý rằng Cơ quan nhà nước có thể xác định đối tượng của hợp đồng là “mối quan hệ dịch vụ” hay “mối quan hệ lao động” dựa vào bản chất của hợp đồng chứ không dựa vào tên gọi của văn bản đó.

  1. Những rủi ro về mặt pháp lý khi ký kết hợp đồng cộng tác viên thay cho hợp đồng lao động

Nếu người cộng tác viên nắm được các quy định của pháp luật lao động và khởi kiện doanh nghiệp tại Tòa án để bảo vệ quyền lợi của họ thì doanh nghiệp có thể gặp rủi ro là Tòa án sẽ không công nhận tính pháp lý của hợp đồng cộng tác viên và doanh nghiệp sẽ buộc phải giao kết hợp đồng lao động với người cộng tác viên đó để xác lập mối quan hệ lao động giữa các bên theo đúng quy định của pháp luật lao động. Khi đó, ngoài việc phải giao kết hợp đồng lao động, doanh nghiệp có thể sẽ phải thực hiện đúng các nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với người lao động cho khoảng thời gian mà người lao động đã làm việc cho doanh nghiệp trước đó theo hợp đồng cộng tác viên (bao gồm cả các quyền lợi về đóng các loại bảo hiểm bắt buộc cho người lao động, trả tiền lương làm thêm giờ, thanh toán các khoản trợ cấp thôi việc/mất việc làm khi chấm dứt hợp đồng…). Ngoài ra, doanh nghiệp còn có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tối đa là 50.000.000 đồng về việc không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan