Bài toán nào lấp "lỗ hổng" quản lý các hoạt động trên môi trường mạng?

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLaw đã tham gia bàn luận về "lỗ hổng" quản lý các hoạt động trên môi trường mạng cùng Câu chuyện thời sự trên đài VOV1. Dưới đây là nội dung chi tiết:

1/ BTV Minh Khánh: Trân trọng cảm ơn Luật sư Nguyễn Thanh Hà đã tham gia chương trình với chúng tôi.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời:

Vâng, chào chị Minh Khánh, các biên tập viên dẫn chương trình và xin chào quý thính giả.

2/ BTV Minh Khánh: Thưa Luật sư Nguyễn Thanh Hà, khi tham gia môi trường mạng, nhất là các mạng xã hội hiện nay, ông lo ngại nhất là vấn đề gì?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời:

Những năm gần đây, mạng xã hội (MXH) đang trở lên phổ biến hơn, đến nay có khoảng 270 MXH được cấp giấy phép hoạt động với khoảng 35 triệu người dùng, chiếm 37% dân số. Với nội dung phong phú và cách thức sử dụng dễ dàng, MXH mang lại rất nhiều tiện ích.

Tuy nhiên, bên cạnh đó có không ít những hệ lụy khi tham gia vào MXH, đơn cử như việc có một số cá nhân, tổ chức lợi dụng MXH để đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng như tin nhắn, mật khẩu, tài khoản ngân hàng hay những dữ liệu nhạy cảm khác hòng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, trục lợi từ những thông tin đó của họ. Nhất là trong thời gian gần đây số lượng tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản ngày càng gia tăng cùng với những thủ đoạn tinh vi, phức tạp hơn.

Vì vậy khi tham gia MXH hiện nay, người dùng cần hết sức cảnh giác, tự bảo vệ mình thật tốt, hạn chế tối đa cung cấp các thông tin cá nhân của mình cho người khác.

3/ BTV Minh Khánh: Tôi chắc là ông cũng đã nhiều lần gặp phải những rắc rối như kiểu bị gọi điện để mời chào mua bất động sản, hay là nhận được các tin nhắn trúng thưởng xe SH?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời:

Với tư cách là Chủ tịch một Công ty Luật, số điện thoại của tôi luôn được công khai trên các trang web của công ty nên việc bị gọi điện để mời chào mua bất động sản là điều thường xuyên, khó tránh khỏi. Mỗi ngày ngoài nhận được điện thoại của khách hàng, đối tác thì tôi cũng nhận được không dưới 10 cuộc gọi giới thiệu là em bên chung cư này, em thuộc dự án bất động sản kia không biết anh có nhu cầu muốn mua hay đầu tư vào dự án này không. Nhất là những lúc đang họp hay tiếp xúc với khách hàng các cuộc gọi như thế đến liên tục, làm ảnh hưởng đến công việc của tôi rất nhiều.

4/ BTV Minh Khánh: Vâng, có thể thấy là song song với những tiện ích thì môi trường mạng cũng đang mang đến cho chúng ta không ít những phiền toái, thậm chí là nhiều hệ luỵ xấu. Với góc nhìn của một luật sư, xin ông phân tích cụ thể về thực trạng này?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời:

MXH là một con dao hai lưỡi. Một mặt nó góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế; giúp cho Đảng, Nhà nước xây dựng một chính quyền gần dân hơn; văn hóa cộng đồng phát triển một cách đáng kể. Mặt khác, bên cạnh những kết quả tích cực, nó lại tồn tại không ít yếu tố tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường xã hội, lợi ích cộng đồng và an ninh trật tự. Điển hình như:

  • MXH đã và đang trở thành công cụ hàng đầu để các thế lực thù địch lợi dụng tiến hành phá hoại tư tưởng:

Lợi dụng việc lập và sử dụng các trang MXH một cách dễ dàng, các thế lực thù địch, phản động đã tuyên truyền phá hoại tư tưởng, xuyên tạc nói xấu tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác-Lenin và Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng lập các trang web phản động sau đó đăng tải lên đó các bài viết với lời lẽ chống Đảng, chống chế độ, lợi dụng chiêu bài phản biện xã hội, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ môi trường, … để đăng tải những bài viết có thông tin sai lệch, không được kiểm chứng, suy diễn xuyên tạc

  • MXH tác động tiêu cực đối với sự phát triển văn hóa:

MXH phát triển làm gia tăng nguy cơ xói mòn bản sắc dân tộc. Khi MXH phát triển, xuất hiện các trào lưu tuyên truyền văn hóa bạo lực, đồi trụy, … không phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, làm lệch lạc văn hóa ứng xử.

  • Lừa đảo, bảo mật:

Việc lừa đảo thông tin online, lấy đi thông tin người sử dụng với một đường dẫn dính virus không hề hiếm. Nạn nhân thường không hề biết mình đã bị lừa cho tới khi hậu quả dần trở nên rõ ràng hơn. Ngoài ra, vấn đề bảo mật cũng có thể trở nên hết sức đáng lo nếu không may bạn vô tình truy cập vào một đường dẫn nào đó tưởng chừng an toàn do chính bạn bè của mình gửi. Tài khoản của bạn bị mất và sẽ có người mạo danh bạn thực hiện các hành động trái pháp luật.

Và còn rất nhiều hệ lụy khác đều xuất phát từ việc sử dụng MXH. Vì vậy, người dùng hãy sử dụng MXH một cách thông minh và có trách nhiệm.

5/ BTV Minh Khánh: Ông có thể chia sẻ thêm về những vụ việc điển hình mà ông từng tư vấn cho khách hàng khi vướng phải những rắc rối từ môi trường mạng?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời:

Các trường hợp mà khách hàng đến nhờ tôi tư vấn liên quan đến môi trường mạng rất đa dạng. Có người nhận được cuộc gọi liên tục hoặc nhận được tin nhắn nói là đã may mắn trúng một giải thưởng giá trị nếu muốn nhận giải thì gửi một số tiền để làm “thủ tục”. Nhiều người cả tin nên đã làm theo gửi tiền cho chúng. Sau khi gửi xong thì không liên lạc được với chủ nhân số điện thoại mới biết mình bị lừa.

Có trường hợp thì bị hack facebook, đối tượng lừa đảo chiếm quyền sử dụng và giả mạo là chủ tài khoản rồi liên lạc với bạn bè theo danh sách để lừa đảo. Các đối tượng nhờ bạn bè của chủ tài khoản Facebook đã chiếm đoạt nạp card điện thoại hoặc mượn tài khoản ngân hàng để nhận tiền gửi từ nước ngoài về. Đối với thủ đoạn mượn tài khoản ngân hàng được thực hiện tinh vi, kẻ lừa đảo yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin số tài khoản và số điện thoại đăng ký dịch vụ Internet banking. Lúc này, nạn nhân nhận được tin nhắn có nội dung tài khoản ngân hàng được cộng thêm một số tiền kèm theo một đường link giả. Khi truy cập vào đường link trên, nạn nhân tiếp tục thực hiện thao tác nhập thông tin về tên ngân hàng, số tài khoản, họ tên chủ tài khoản, tên đăng nhập, mật khẩu đăng nhập dịch vụ Internet banking. Ngay lập tức, kẻ lừa đảo lấy thông tin để khởi tạo giao dịch chuyển tiền trên trang website của ngân hàng. Ngoài ra, khi nạn nhân nhận được mã OTP từ ngân hàng nhắn vào điện thoại và nhập vào đường link trên để hoàn tất giao dịch đã giúp đối tượng chiếm đoạt tiền trong tài khoản trong khi vẫn nghĩ rằng mình đang thực hiện giao dịch nhận tiền từ nước ngoài.

Còn rất nhiều trường hợp khác bị lừa đảo với các hành vi, thủ đoạn gian xảo, phức tạp hơn.

6/ BTV Minh Khánh: Tôi đã thực sự cảm thấy sốc với câu chuyện một nữ sinh 15 tuổi ở Đồng Nai tự tử vì không chịu được áp lực của cộng đồng mạng, khi clip riêng tư của em bị phát tán trên mạng. Và còn đau lòng hơn là dù cô bé ấy đã mất, trên mạng vẫn còn rất nhiều bình luận vô cảm, khiến gia đình cô bé phải khẩn cầu: “Xin cộng đồng mạng tha cho cháu”. Luật sư có thể cho biết, phải xét xử những vụ việc này như thế nào mới đủ sức răn đe, vì sau vụ việc này, vẫn còn khá nhiều nữ sinh tự tử vì bị cộng đồng mạng “ném đá” bằng sự vô cảm của họ, thưa ông?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời:

Đối với những “anh hùng bàn phím” trên không gian mạng, hiện nay luật pháp đã có những quy định, chế tài xử lý những hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác, hành vi bịa đặt, vu khống nhưng chế tài pháp luật vẫn chưa theo kịp thực tiễn. Cụ thể là những mức phạt này còn chưa đủ sức răn đe so với hậu quả gây ra cho bị hại.

Cụ thể, theo Điểm a Khoản 3 Điều 64 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điệnngười vi phạm có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đến 30.000.000 đồng với hành vi “cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.

Điểm g Khoản 3 Điều 66 Nghị định cũng quy định: Xử phạt 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”.

Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần soạn thảo, ban hành đưa ra những chế tài nghiêm khắc hơn như tăng mức phạt lên đồng thời phải công khai xử lý các trường hợp như trên nhằm răn đe các cá nhân khác. Phải nhanh chóng kịp thời xử lý tránh gây hậu quả đáng tiếc xảy ra cho nạn nhân.

7/ BTV Minh Khánh: Tuy nhiên, để đến lúc xảy ra những hậu quả đau lòng, rồi mới xử lý thì sẽ là quá muộn. Vậy, chúng ta nên có những biện pháp như thế nào, để ngăn chặn những tác động xấu từ môi trường mạng, nhất là sự lan truyền các thông tin xấu, thông tin sai sự thật với tốc độ quá nhanh tên các mạng xã hội? Ví dụ như mới đây, hàng loạt tài khoản mạng xã hội đã chia sẻ thông tin sai sự thật là ở khu vực chùa Bộc xuất hiện virus lạ - virus viêm cơ tim, gây đột tử chẳng hạn?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời:

Trước những tác động xấu từ môi trường mạng hiện đang lan rộng trên MXH thì chúng ta cần đưa ra các biện pháp, giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả, chủ động ngăn chặn các hiểm họa từ MXH. Cụ thể:

  • Thứ nhất, tuyên truyền, giáo dục nâng cao trách nhiệm, ý thức tuân thủ pháp luật cho mỗi người dân khi tham gia sử dụng mạng xã hội. Tích cực tuyên truyền, giúp mọi người nhận thức được các tác động tiêu cực. Khuyến cáo người dân không nên tin cũng như truyền tay nhau các thông tin sai lệch khi chưa có thông tin chính thức từ các cơ quan có thẩm quyền.
  • Thứ hai, cơ quan chức năng cần theo dõi sát sao, chủ động phát hiện kịp thời và xử lý các thông tin sai lệch. Đính chính thông tin và đăng tải lên các trang web chính thức của Cơ quan, Bộ, ngành, … nhằm giúp ổn định tâm lý của người dân.
  • Thứ ba, xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản lý truyền thông mạng xã hội. Giải pháp về công nghệ đưa ra các biện pháp kỹ thuật phù hợp, theo kịp sự phát triển của Internet, đưa các công cụ giúp quản lý, thu thập, phòng ngừa và cảnh báo các thông tin giả, thông tin sai sự thật, ...
  • Cuối cùng là hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến An ninh mạng. Đưa ra các cơ chế phối hợp giữa các cơ quan đơn vị với doanh nghiệp giúp ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin xấu, độc trên MXH. Cần thường xuyên theo dõi, khảo sát, đánh giá, nếu cần thiết thì phải kịp thời điều chỉnh, bổ sung, ...

8/ BTV Minh Khánh: Thưa Luật sư Nguyễn Thanh Hà, với các quy định pháp luật hiện hành, thì ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền từ 10 đến 20 triệu đồng khi tung tin thất thiệt trên môi trường mạng, thì những tài khoản cá nhân khi chia sẻ, làm các thông tin đó lan truyền với tốc độ chóng mặt, có thể xử lý như thế nào, thưa ông?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời:

Việc tung tin đồn thất thiệt thông qua mạng xã hội vì bất cứ lí do gì đều là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào nội dung, mức độ hậu quả nghiêm trọng của việc tung tin đồn. Ngoài bị xử phạt về hành chính thì trong trường hợp, nếu xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt có tính chất vu khống thì xử lý theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015. Người phạm tội vu khống có thể bị phạt tù từ 03 tháng đến 07 năm.

Trường hợp không xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt mà chỉ xác định được người đưa tin lên mạng thì áp dụng theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự, tội “Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật” (nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 117,155 và Điều 326 của Bộ luật này). Hành vi xâm phạm đó gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm tù.

9/ BTV Minh Khánh: Mời quý vị thính giả cùng luật sư Nguyễn Thanh Hà nghe ý kiến của ông Lê Quang Tự Do – Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông về vấn đề này:

(Nội dung: Bất cứ nội dung quảng cáo nào cũng được đăng trên facebook, chỉ mua quảng cáo là được đăng tải. Chúng tôi đã làm việc và yêu cầu họ phải gỡ bỏ. Họ cũng đã gỡ nhưng chưa nhiều như yêu cầu. Bởi vì các tài khoản sai trái đó lại núp dưới tài khoản cá nhân, chưa kể là mức chế tài xử phạt quá thấp, không đủ sức răn đe. Chẳng hạn, một người người phát tán nội dung phản động bằng tờ rơi như kiểu truyền đơn, thì có thể bị đi tù từ 15 đến 20 năm, nhưng khi làm như vậy trên môi trường mạng, tác động đến hàng triệu người, thì lại chưa có giải pháp và biện pháp nghiêm khắc để xử phạt. Vì thế, hiện tượng này khá nhiều.)

Thưa luật sư Nguyễn Thanh Hà, quan điểm của ông như thế nào sau khi nghe ý kiến của ông Lê Quang Tự Do – Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông? Có lẽ là chế tài xử phạt của chúng ta chưa đủ mạnh với những cá nhân lan truyền tin xấu độc, tin sai sự thật trên mạng và kể cả đơn vị cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như facebook?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời:

Trước đây, các trang mạng xã hội nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam gần như chưa bị điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật Việt Nam dẫn đến tình trạng việc theo dõi, xử lý các thông tin vi phạm còn gặp khó khăn do có sự khác biệt về môi trường pháp lý. Tuy nhiên, sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT ngày 26/12/2016 quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới, đã tạo cơ sở pháp lý để yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thông tin qua biên giới phải có trách nhiệm phối hợp, gỡ bỏ thông tin vi phạm theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Ngày 12/06/2018, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Luật An ninh mạng số 24/2018/QH14. Từ ngày 1/1/2019, Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực. Luật An ninh mạng được ban hành đã bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế và góp phần tích cực nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ an ninh mạng, góp phần tạo nên một không gian mạng có tính an toàn hơn, lành mạnh hơn.

10/ BTV Minh Khánh: Thưa ông, phải chăng là chúng ta đang thiếu các quy định của pháp luật?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời:

Hành lang pháp lý quy định đối với việc xử lý các thông tin xấu độc trên mạng đang dần được hoàn thiện. Luật An ninh mạng được ban hành là một ví dụ, từ khi được ban hành và áp dụng Luật đã giúp các cơ quan có thẩm quyền xử lý những hành vi cấm được quy định trong Luật góp phần bảo vệ an ninh mạng hơn.

Thiết nghĩ, bên cạnh việc tạo hành lang pháp lý để quản lý các trang mạng xã hội để chủ động ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xấu độc trên internet và mạng xã hội, đòi hỏi trước hết mỗi người dân tham gia mạng xã hội, nhận biết tính hai mặt của internet và mạng xã hội; nhận diện các thủ đoạn, nội dung thông tin xấu độc, tính chất nguy hại của nó đối với cá nhân và xã hội; đồng thời các cơ quan, ban ngành, đơn vị, địa phương cần tiếp tục chủ động, kịp thời cung cấp thông tin một cách đầy đủ, toàn diện cho người dân. Qua đó, trang bị kiến thức cần thiết để mỗi người có thể tự sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống, đồng thời “miễn dịch” với những thông tin xấu độc làm nhiễu loạn môi trường xã hội.

11/ BTV Minh Khánh: Như ông vừa phân tích, không phải là thiếu các quy định pháp lý, mà là do quá nhiều tài khoản cá nhân, nên họ có thể xoá nick, lập tài khoản mới,… tức là chúng ta rất khó để tìm chứng cứ cũng như hình thức xử lý. Vậy, theo ông cần có thêm những biện pháp như thế nào để xử lý mạnh hơn nữa những vụ việc lan truyền thông tin xấu, độc trên môi trường mạng?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời:

Việc lập nhiều tài khoản cá nhân rồi sau đó xóa nick, lập tài khoản mới là hiện tượng phổ biến trên mạng xã hội hiện nay và việc tìm chứng cứ để xử lý rất khó khăn. Do đó, thiết nghĩ các trang mạng xã hội với một nguồn dẫn mạng hoặc với một nguồn truy cập mạng nên hạn chế số tài khoản được lập.

Đồng thời, cần nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng mạng xã hội, chủ động gìn giữu các giá trị đạo đức. Các cơ quan cần tổ chức một chiến dịch truyền thông cụ thể, rõ ràng và phù hợp, điều chỉnh hành vi ở trên mạng xã hội.

12/ BTV Minh Khánh: Vâng, trân trọng cảm ơn Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch điều hành công ty Luật SB Law đã tham gia Câu chuyện Thời sự hôm nay!

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan