Trong năm 2015, theo báo cáo của cục đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 22,757 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2014. Số liệu này khẳng định vốn FDI là một trong những dòng vốn quan trọng và đóng góp vào sự phát triển kinh tế Việt Nam. Để tìm hiểu rõ hơn điều này, mời quý vị và các bạn theo dõi cuộc trao đổi của luật sư Nguyễn Thanh Hà trên báo Doanh nghiệp và đầu tư về những triển vọng và tồn tại trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
PV: Là một luật sự chuyên tư vấn cho các nhà đầu tư nước ngoài, ông có nhận định gì về con số gần 23 tỷ USD vốn FDI?
Ông Nguyễn Thanh Hà: Số vốn đầu tư nước ngoài nêu trên là một con số rất đáng mừng, thể hiện Việt Nam đang là một trong những địa điểm đầu tư tại Đông Nam Á được nhà đầu tư rất quan tâm.
Con số này cũng khẳng định là Việt Nam là một thị trường tiềm năng, với gần 93 triệu dân, quy mô GDP của nền kinh tế là 190 tỷ USD, Việt Nam đang là quốc gia có cơ cấu dân số vàng, nguồn nhân lực dồi dào và đang được cải thiện về chất lượng. Bên cạnh đó, nguồn vốn FDI cũng thể hiện sự cải cách thể chế kinh tế và pháp luật đầu tư của Việt Nam đang mang lại những kết quả tích cực.
PV: Vậy theo ông, những cải cách gì của pháp luật ảnh hưởng tới việc duy trì và tăng trưởng nguồn vốn FDI?
Ông Nguyễn Thanh Hà: Trong năm 2014, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định mới liên quan tới Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư, đến tháng 07/2015, 2 Luật này đã chính thức có hiệu lực. Đến thời điểm này (Qúy 1 năm 2016), đã có các Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành 2 luật nêu trên được ban hành.
Hai luật nêu trên đã mang đến những cải cách quan trọng, khắc phục những điểm hạn chế của Luật Doanh nghiệp và Luật đầu tư cũ.Những quy định mới của Luật Doanh nghiệp như về con dấu, về thủ tục đầu tư, về người đại diện theo pháp luật gần tiệm cận những quy định của khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, Luật Đầu tư mới đã quy định rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, các ngành nghề kinh doanh có điều kiện dành cho nhà đầu tư nước ngoài cũng được ban hành, đây là cơ sở rất quan trọng trong việc làm rõ phạm vi và ngành nghề kinh doanh để nhà đầu tư thuận lợi trong việc tiếp cận và quyết định thực hiện dự án đầu tư.
Luật cũng quy định về danh mục các ngành nghề cấm kinh doanh và 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, công bố rõ ràng các điều kiện kinh doanh này, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư và doanh nghiệp.
PV: Khi nhà đầu tư vào Việt Nam, họ cần quan tâm tới vấn đề pháp lý như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Hà: Để một dự án đầu tư vào Việt Nam thành công, ngoài việc nghiên cứu thị trường, chọn địa điểm đầu tư, lựa chọn nguồn nhân lực thì một trong những vấn đề mà nhà đầu tư nên quan tâm đó là vấn đề pháp lý. Vấn đề pháp lý của một dự án đầu tư mà nhà đầu tư nên quan tâm đó là ngành nghề kinh doanh mà họ dự định đăng ký, có nhiều ngành nghề Việt Nam hiện nay quy định phải đáp ững những điều kiện nhất định về vốn, về nguồn nhân lực về chứng chỉ hành nghề.
Cũng có nhiều ngành nghề Việt Nam quy định tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài, nhiều ngành nghề phải lập liên doanh chứ không được thành lập 100% vốn nước ngoài. Tất cả các vấn đề này nhà đầu tư cần tham khảo các luật chuyên ngành và biểu cam kết mở rộng thị trường của Việt Nam khi gia nhập WTO và các hiệp định song phương, ví dụ như hiệp định song phương Việt Nam, Nhật Bản. Các vấn đề pháp lý về đất đai cũng ảnh hưởng tới sự thành công của dự án, vấn đề thuế đất ở đâu, như thế nào cũng rất quan trọng.
PV: Vai trò của các luật sư như thế nào trong việc tư vấn dự án, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Hà: Có thể nói, vai trò của các luật sư trong việc tư vấn là rất quan trọng, các luật sư Việt Nam cần nắm vững các quy định của Luật doanh nghiệp, luật Đầu tư, các luật chuyên ngành và các điều ước quốc tế để có thể tư vấn và giải đáp các thắc mắc của nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, các luật sư cũng cần có trình độ ngoại ngữ để có thể trao đổi trực tiếp với nhà đầu tư, tư vấn và thuyết phục nhà đầu tư trong việc lựa chọn đầu tư tại Việt Nam. Chính bằng các hoạt động tư vấn của luật sư, cũng góp phần vào việc thuyết phục nhà đầu tư có lựa chọn Việt Nam hay không? Nhận định được tầm quan trọng của các luật sư, công ty chúng tôi luôn coi trọng hoạt động bồi dưỡng chuyên môn, trình độ ngoại ngữ và rút kinh nghiệm để có thể cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất cho nhà đầu tư.
PV: Ông có nhận định gì về tình hình đầu tư nước ngoài năm 2016 và có những đề xuất gì để hoạt động thu hút đầu tư được tăng lên?
Ông Nguyễn Thanh Hà: Theo quan điểm của tôi, với việc Việt Nam chính thức gia nhập hiệp định TPP, làn sóng đầu tư nước ngoài trong năm 2016 và những năm tiếp theo sẽ tiếp tục tăng thêm. Các nhà đầu tư đều rất nhanh nhạy, họ mong muốn đầu tư vào Việt Nam để hưởng những ưu đãi từ TPP và đồng thời thực hiện chính sách dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc tới Việt Nam. Với việc gia tăng FDI, với tư cách là một luật sư với nhiều năm tư vấn cho các doanh nghiệp nước ngoài, tôi có kiến nghị Chính phủ cần theo sát quy trình thực thi Luật đầu tư và Luật Doanh nghiệp mới, khi có những vướng mắc, cản trở đầu tư, tạo môi trường đầu tư thuận lợi và thân thiện.
Các cơ quan chức năng cũng nên lựa chọn các dự án đầu tư, kiên quyết không chấp nhận những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường và khuyến kích những dự án đổi mới công nghệ, hiện đại và có giá trị gia tăng cao.
Những tiêu chuẩn mới này cũng đã được các quốc gia trong TPP đề cập tới trong hiệp định, hy vọng, Việt Nam sẽ nắm bắt để đón đầu làn sóng đầu tư mới.