Nhiều trường hợp đào móng xây nhà gây nên tình trạng nứt tường, sụt lún hay thậm chí là nghiêng đổ, sập nhà hàng xóm. Vậy quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề này thế nào?
Đầu tiên khi xảy ra tình trạng nứt tường, sụt lún hay thậm chí là nghiêng đổ, sập nhà hàng xóm, trước tiên cần xác minh nguyên nhân khiến cho căn nhà sập đổ là do bên thi công nhà mới hay do chính ngôi nhà đã cũ và tự sụp đổ. Bên cạnh đó, cũng cần xác định thêm việc có lỗi của bên thi công hay không. Chẳng hạn, đơn vị thi công đã không khảo sát các công trình lân cận; khi thi công không có người giám sát nên để sự cố xảy ra...
Khi xây nhà hay thực hiện các quyền với tài sản thì theo Điều 174 Bộ luật Dân sự 2015: “Khi xây dựng công trình, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản phải tuân theo pháp luật về xây dựng, bảo đảm an toàn, không được xây vượt quá độ cao, khoảng cách mà pháp luật về xây dựng quy định và không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, người có quyền khác đối với tài sản là bất động sản liền kề và xung quanh.”
Theo đó việc xây dựng sẽ không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, người có quyền khác đối với tài sản là bất động sản liền kề và xung quanh.
Vậy nếu như trong quá trình xây dựng, có căn cứ cho rằng, việc thi công móng nhà là nguyên nhân dẫn đến việc sập đổ nhà hàng xóm thì chủ nhà đang thi công có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại theo quy định. Việc bồi thường sẽ căn cứ vào mức độ lỗi và mức độ thiệt hại gây ra.
Theo Điều 605 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra như sau:
“Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác.
Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường.”
Như vậy trong trường hợp có lỗi thì việc bồi thường sẽ do chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa thực hiện. Nếu trong quá trình thi công mà có lỗi của đơn vị thi công thì phải liên đới chịu trách nhiệm.
Mức phạt, bồi thường khi xây nhà làm ảnh hưởng đến nhà hàng xóm?
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 03/2018/TT-BXD hướng dẫn Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở thì việc bồi thường thiệt hại do các bên tự thỏa thuận, trường hợp các bên không thỏa thuận được thì việc bồi thường thiệt hại được giải quyết theo quy định của pháp luật dân sự. Nếu một bên không thống nhất với mức bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu Chủ tịch UBND cấp xã giải quyết hoặc khởi kiện tại Tòa án.
Các thiệt hại có thể bao gồm các khoản như thiệt hại về tài sản hoặc người (nếu có).
Thiệt hại về tài sản sẽ bao gồm một số khoản như tài sản bị mất, bị phá huỷ hoặc bị hư hỏng, chi phí hợp lý để hạn chế, ngăn chặn và khắc phục thiệt hại…
Trong trường hợp gây ra thiệt hại về người thì phải chịu các chi phí bồi thường cho thiệt hại về sức khỏe hoặc tính mạng bị xâm phạm.
Bên cạnh đó, các hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng, gây ra hiện tượng lún, nứt hoặc làm hư hỏng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình lân cận (trong trường hợp các bên không thể tự thỏa thuận bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự); gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận nhưng không dẫn đến thiệt hại về sức khỏe hay tính mạng của người khác, có thể bị xử phạt hành chính lên đến 30 triệu đồng, căn cứ vào các Khoản 1, 2, 3 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP về vi phạm quy định trật tự xây dựng.
|