Nhập cảnh vào Việt Nam trong diễn biến dịch Covid

Nội dung bài viết

Dịch Covid - 19 đang bùng phát lần 2 gây hoang mang cho người dân với số lượng người phát hiện mắc covid mới gia tăng, bên cạnh đó liên tục các vụ việc nhập cảnh trái phép bị bắt giữ, số người cư trú bất hợp cũng bị phát giác ở các tỉnh, thành phố như thành phố Đà Nẵng, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh,... Nhập cảnh trái phép đang đặt ra mối nguy hại cho việc bùng phát dịch, do không thể kiểm soát và thực hiện cách ly các đối tượng từ nước ngoài vào Việt Nam. Vậy người nhập cảnh trái phép và người tổ chức cho đối tượng nhập cảnh trái phép sẽ phải chịu hình phạt gì trước phát luật?

Phóng sự 1: Tổ chức nhập cảnh trái phép và người nhập cảnh trái phép bị xử lý ra sao?

  1. Những tình huống nào được cho là nhập cảnh trái phép?

Nhập cảnh trái phép là hành vi từ ngoài biên giới Việt Nam vào Việt Nam trái với những quy định về nhập cảnh của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trước tình hình dịch quay trở lại, việc đáng lo ngại nhất hiện nay là nhiều đối tượng vì đồng tiền mà vẫn tiếp tục đưa người nhập cảnh trái phép sang Việt Nam. Các đối tượng này sẽ không phải cách ly y tế cũng như không được phát hiện để theo dõi khiến cho việc truy tìm F0 vô cùng khó khăn. Chưa kể những người này còn dễ dàng đi lại trong cộng đồng khiến người dân không thể đề phòng.

Ngày 17/3/2020, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo 102/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19. Việt Nam tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong khoảng thời gian 30 ngày bắt đầu từ 00 giờ ngày 18 tháng 3 năm 2020. Các trường hợp được miễn thị thực hoặc có Giấy miễn thị thực cấp cho người gốc Việt và thân nhân, một số trường hợp đặc biệt khác (như chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động tay nghề cao…) khi nhập cảnh phải có Giấy xác nhận không dương tính với vi-rút COVID-19 do cơ quan có thẩm quyền nước sở tại cấp và Giấy này được Việt Nam chấp thuận. Các biện pháp nêu trên không áp dụng đối với người nhập cảnh vì mục đích ngoại giao, công vụ.

Về việc cách ly, theo Công văn số 1440/CV-BCĐ tổ chức cách ly tập trung với tất cả người nhập cảnh từ các quốc gia, vùng lãnh thổ vào Việt Nam từ 0 giờ 00 ngày 21/3/2020. Trường hợp người nhập cảnh có dấu hiệu sốt, ho, khó thở được đưa ngay về cơ sở y tế để cách ly, điều trị và lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Trường hợp người nhập cảnh mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ, nếu có sức khỏe bình thường, không có các dấu hiệu bệnh và được cơ quan đại diện cam kết đảm bảo tuyệt đối về các điều kiện cách ly thì: Có thể được cách ly tại cơ quan đại diện hoặc nơi cư trú cho đến khi đủ 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh vào Việt Nam.

  1. Người tổ chức đường dây nhập cảnh phại chịu mức hình phạt ra sao?

Về xử phạt hành chính:

Theo Khoản 3,4,5 Điều 17, Nghị định 167/2013/NĐ-CP có quy định chi tiết với các đối tượng nhập cảnh trái phép cũng như các đối tượng giúp cho người nhập cảnh trái phép như sau:

"3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định;

b) Trốn hoặc tổ chức, giúp đỡ người khác trốn vào các phương tiện nhập cảnh, xuất cảnh nhằm mục đích vào Việt Nam hoặc ra nước ngoài;

đ) Người nước ngoài không khai báo tạm trú theo quy định hoặc sử dụng chứng nhận tạm trú, thẻ tạm trú, thẻ thường trú ở Việt Nam quá thời hạn từ 16 ngày trở lên mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép;

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Chủ phương tiện, người điều khiển các loại phương tiện chuyên chở người nhập cảnh, xuất cảnh Việt Nam trái phép;

b) Sử dụng hộ chiếu giả, giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu giả, thị thực giả, thẻ tạm trú giả, thẻ thường trú giả, dấu kiểm chứng giả để xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú.

Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác đi nước ngoài, ở lại nước ngoài, vào Việt Nam, ở lại Việt Nam hoặc qua lại biên giới quốc gia trái phép;

b) Người nước ngoài nhập cảnh, hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam; ...”.

Về xử lý hình sự:

Việc xử lý hình sự cũng áp dụng với người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và người tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép. Cụ thể:

- Với người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam: Nếu đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn tái phạm thì bị phạt tiền từ 05 - 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 06 tháng - 03 năm (theo Điều 347 Bộ luật Hình sự năm 2015 về Tội Vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép);

- Với người tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép: Theo Điều 348 Bộ luật Hình sự về Tội Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, người nào có hành vi nêu trên sẽ bị phạt tù từ 01 - 05 năm.

Nếu vi phạm một trong các hành vi như lợi dụng chức vụ, quyền hạn; phạm tội 02 lần trở lên; phạm tội từ 05 - 10 người; có tính chất chuyên nghiệp; thu lợi bất chính từ 100 - dưới 500 triệu đồng; tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ 05 - 10 năm;

Nếu vi phạm một trong các hành vi như đối với 11 người trở lên; thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên; làm chết người thì bị phạt tù từ 07 - 15 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.

Như vậy, hành vi đưa người nước ngoài, đặc biệt thời gian gần đây là người Trung Quốc vào Việt Nam trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn hết sức phức tạp là hành vi vô cùng nguy hiểm.

  1. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra phức tạp như hiện nay, người nhập cảnh trái phép làm lây lan trong cộng đồng khi bị mắc bệnh sẽ phải chịu trách nhiệm ra sao trước pháp luật?

Đối với người nhâp cảnh trái phép vào Việt Nam sau đó làm lây lan dịch bệnh COVID-19, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 2 tội danh. Cụ thể:

Nếu việc nhập cảnh này là do chính những người này tự thực hiện, không thông qua tổ chức hay cá nhân nào, họ có thể bị khởi tố theo quy định tại Điều 347 BLHS 2015 với "Tội vi phạm quy định về xuất nhập cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép". Theo đó có thể bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Yếu tố để khởi tố vụ án là trước đó họ đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

Việc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam của người vi phạm là nhằm mục đích lan truyền dịch bệnh COVID-19, khi họ biết rằng họ đến từ vùng dịch hoặc nghi ngờ mắc bệnh, ngoài tội danh có thể bị khởi tố theo điều 347 BLHS, họ có thể bị khởi tố vụ án theo Điều 240 BLHS với tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác.

Tùy theo mức độ hậu quả gây ra, người này có thể bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 1-10 năm.

  1. Cơ quan nào phải chịu trách nhiệm khi để người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam?

Hiện nay, dịch Covid 19 đang trở lại với chủng mới và sức lây lan nhanh. Điều này đang đặt ra một thử thách vô cùng lớn cho Nhà nước cũng như một mối đe doạ đối với tất cả mọt người.

Nguyên nhân có thể là do người nhập cư trái phép khi mà gần đây các địa phương phát hiện và bắt giữ rất nhiều đường dây đưa người nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam. Những đối tượng này lợi dụng đường biên giới dài giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như rất nhiều các đường mòn dẫn sang giữa hai nước.

Để xảy ra tình trạng nhập cảnh trái phép, trách nhiệm trước tiên thuộc về các cơ quan, ban, ngành chức năng. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan thì sau 99 ngày không có ca nhiễm Covid -19 thì tâm lý chủ quan trong cộng đồng là điều dễ xảy ra, và đã xuất hiện tình trạng quản lý lỏng lẻo, chủ quan ở một số ngành, địa phương. Các đối tượng vì lợi ích cá nhân đã thông đồng, cấu kết với nhau để tổ chức đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam cần phải được ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh theo các quy định của pháp luật để răn đe, tránh những hậu quả khôn lường khi làn sóng Covid quay trở lại và bùng phát mạnh mẽ như nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt.

Thiết nghĩ, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương tổ chức quán triệt, chỉ đạo các lực lượng chức năng nâng cao cảnh giác, đề cao hơn nữa trách nhiệm đối với cộng đồng, đất nước, kiên quyết không để xảy ra tình trạng có người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam trong thời gian tới.

  1. Khi phát hiện người nhập cảnh trái phép, người dân phát hiện thì có thể thông tin đến cho ai, cơ quan nào?

Khi phát hiện người nhập cảnh trái phép, người dân có thể báo cho lực lượng chức năng như: công an phường/quận, lực lượng biên phòng, ... xác minh vụ việc và xử lý theo quy định của pháp luật

Phóng sự 2: Người Việt Nam muốn về nước cần tuân thủ quy định gì?

  1. Có thể thấy bối cảnh dịch bệnh, các thủ tục nhập cảnh đã khác trước, một số lượng lớn người nước ngoài vào Việt Nam làm việc lần đầu và đối tượng đã ở việt Nam về nước giờ quay trở lại làm việc thiếu thông tin về quy định nhập cảnh, vậy xin ông cung cấp những quy định nhập cảnh cho đối tượng này?

Trong bài phát biểu kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 24/6/2020 về phòng chống Covid-19, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ Chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục ngừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài, kể cả người có Giấy miễn thị thực. Chỉ có công dân Việt Nam, người nước ngoài với mục đích ngoại giao hoặc công vụ, hoặc lao động kỹ thuật cao mới được phép nhập cảnh Việt Nam. Mọi hành khách nhập cảnh vào Việt Nam phải thực hiện khai báo y tế bắt buộc bằng hình thức khai giấy khi nhập cảnh hoặc bằng hình thức điện tử ngay trước khi thực hiện chuyến đi đến Việt Nam. Tất cả các cá nhân nhập cảnh Việt Nam đều phải tiến hành kiểm tra y tế và cách ly 14 ngày.

Như vậy, bên cạnh các thủ tục bình thường, cá nhân nhập cảnh vào Việt Nam còn phải thực hiện tờ khai y tế kiểm tra y tế. Các bước cụ thể như sau:

Bước 1: Kiểm tra về y tế từ các vùng có dịch bệnh (nếu có).

Bước 2: Xuất trình hộ chiếu, khai báo địa điểm, thời gian tạm trú tại Việt Nam cho Công an xuất nhập cảnh để kiểm tra, đóng dấu thị thực hoặc cấp thị thực tại chỗ. Việc này được thực hiện ngay sau khi khách từ máy bay vào sân bay.

Bước 3: Sau khi đã đóng dấu thị thực, khách nhập cảnh đến nhận hành lý ký gửi tại băng chuyền.

Bước 4: Hành khách đưa hành lý từ băng chuyền ra khu vực soi chiếu hành lý của Hải quan. Hải quan sẽ thu thuế (nếu có); lập biên bản và xử lý vi phạm nếu phát hiện vi phạm.

Bước 5: Đi qua cửa kiểm soát của lực lượng An ninh trật tự để vào nội địa.

  1. Đối với các đối tượng là sinh viên và người nước ngoài quay lại Việt Nam, có cần được xét ưu tiên hay có thể đăng ký và về nước không cần trong diện ưu tiên?

Để tìm hiểu về các thông tin liên quan đến thủ tục đăng ký về nước, công dân Việt Nam tại nước ngoài có thể theo dõi cổng thông tin điện tử - trang web chính thức của Đại sứ quán Việt Nam tại các nước cụ thể.

Trong thời điểm hiện nay, các đại sứ quán thường tổ chức các đợt mở đăng ký chuyến bay về nước. Công dân Việt Nam tại nước ngoài cần theo dõi thông tin về các đợt mở đăng ký nguyện vọng này để đăng ký đúng thời hạn. Sau đó, dựa vào cơ sở đăng ký nhu cầu của công dân Việt Nam tại nước ngoài, Đại sứ quán sẽ tổng hợp thông tin và chuyển về các cơ quan chức năng ở trong nước xem xét, quyết định tùy thuộc vào khả năng bố trí chuyến bay thương mại và khả năng đáp ứng về cơ sở hậu cần cho cách ly, điều trị y tế...ở trong nước. Trong trường hợp sắp xếp được chuyến bay, công dân Việt Nam sẽ được thông báo để tiến hành các thủ tục tiếp theo.

Như vậy, mỗi công dân Việt Nam tại nước ngoài chỉ cần đăng ký nguyện vọng về nước mà không cần làm thủ tục xét ưu tiên, các cơ quan nhà nước sẽ có trách nhiệm tổng hợp thông tin và xét xem công dân có thuộc diện ưu tiên hay không. Các đối tượng thuộc diện ưu tiên sẽ được hỗ trợ về nước sớm hơn. Các công dân chưa lập tức được về nước sẽ được xét duyệt đợt sau.

  1. Hiện có những con đường nào có thể nhập cảnh vào Việt Nam? Những đơn vị nào đang quản lý và kiểm soát hoạt động xuất nhập cảnh trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay?

Hiện nay, có thể nhập cảnh vào Việt Nam tại các cảng hàng không (nhập cảnh bằng đường hàng không); cảng biển, các cảng thủy nội địa (nhập cảnh bằng đường thủy) và cửa khẩu biên giới (nhập cảnh bằng đường bộ). Đối với trường hợp đi vào Việt Nam bằng đường tiểu ngạch không qua cửa khẩu là vi phạm pháp luật.

Theo Điều 3 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước Ngoài tại Việt Nam thì Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh là cơ quan chuyên trách thuộc Bộ Công an làm nhiệm vụ quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Lực lượng Quản lý xuất nhập cảnh bao gồm Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Cục An ninh cửa khẩu và các Phòng Quản lý xuất nhập cảnh thuộc Công an 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Các thành phần gồm có:

+ Công an cửa khẩu: Kiểm tra hộ chiếu, cấp và đóng dấu thị thực; kiểm tra thời hạn tạm trú; kiểm soát người (không kiểm soát hành lý, hàng hoá nhập khẩu). Tại các cảng biển và cửa khẩu biên giới, Biên phòng cửa khẩu sẽ thực hiện công việc như của Công an cửa khẩu tại sân bay.

Hải quan: Kiểm tra hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh để ngăn chặn việc buôn lậu, vận chuyển trái phép ngoại tệ, tiền Việt Nam, vàng, kim loại quý, đá quý và hàng hóa qua biên giới như các mặt hàng cấm xuất khẩu, nhập khẩu; kiểm tra giấy phép đối với các mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu có điều kiện, hoàn thuế GTGT đối với hành lý của người xuất cảnh, thu thuế xuất nhập khẩu (nếu có) đối với hành lý của người xuất nhập cảnh.

+ An ninh sân bay: Kiểm tra người và hành lý của người xuất cảnh nhằm đảm bảo an toàn, an ninh hàng không và an ninh tại sân bay (đảm bảo không có vũ khí, vật liệu nổ, hoá chất hoặc các loại hàng hoá, vật dụng khác có thể gây mất an toàn chuyến bay).

Trong tình hình dịch bệnh, các cơ quan quản lý xuất nhập cảnh còn phối hợp liên ngành với các đơn vị y tế để thực hiện các biện pháp phòng chống, kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh.

  1. Có sự khác biệt gì trong quy định nhập cảnh giữa các đường nhập cảnh?

Về cơ bản, sau khi nhập cảnh vào Việt Nam, trường hợp người nhập cảnh có dấu hiệu sốt, ho, khó thở được đưa ngay về cơ sở y tế để cách ly, điều trị và lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Trường hợp người nhập cảnh mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ, nếu có sức khỏe bình thường, không có các dấu hiệu bệnh và được cơ quan đại diện cam kết đảm bảo tuyệt đối về các điều kiện cách ly thì có thể được cách ly tại cơ quan đại diện hoặc nơi cư trú cho đến khi đủ 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh vào Việt Nam.

Phóng sự 3: Người nước ngoài ở Việt Nam muốn về nước cần tuân thủ quy định nào khi xuất cảnh?

  1. Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam khi muốn xuất cảnh phải tuân thủ quy định gì? Thủ tục ra sao ạ?

Hiện nay theo thông báo mới nhất của Bộ công an về Tự động gia hạn tạm trú cho người nước ngoài thì người nước ngoài nhập cảnh theo diện miễn thị thực, nhập cảnh bằng thị thực điện tử hoặc thị thực du lịch từ ngày 01/3/2020 đến nay tiếp tục được “tự động gia hạn tạm trú” đến hết ngày 31/8/2020, có thể xuất cảnh trong thời gian trên mà không phải làm thủ tục gia hạn tạm trú. Trường hợp nhập cảnh trước ngày 01/3/2020 nếu chứng minh được bị mắc kẹt do dịch Covid-19, được Cơ quan đại diện ngoại giao xác nhận bằng Công hàm (có bản dịch tiếng Việt) hoặc có văn bản xác nhận của cấp có thẩm quyền Việt Nam về việc bị cách ly, điều trị Covid-19 hoặc lý do bất khả kháng khác… cũng được xem xét áp dụng “tự động gia hạn tạm trú” đến hết ngày 31/8/2020 và phải xuất trình Công hàm hoặc văn bản xác nhận nêu trên khi xuất cảnh.

  1. Có bao nhiêu đường bay tới quốc tế được mở và đối tượng nào được xuất cảnh?

Trong tháng 07 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản trình Chính phủ về việc tổ chức các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ giữa Việt Nam và các nước. Trong văn bản này, trong đó các chuyến bay quốc tế thường lệ đến các khu vực ưu tiên gồm Quảng Châu (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Đài Loan

(Trung Quốc), Viêng Chăn (Lào), Phnôm-pênh (Campuchia) với tần suất một chuyến/tuần/điểm đến.

Điều kiện đối với hành khách nhập cảnh trên các đường bay nói trên là phải có visa hợp lệ khi làm thủ tục chuyến bay (check-in); thực hiện cách ly theo quy định về phòng, chống dịch khi nhập cảnh, dự kiến mỗi tuần sẽ có từ 2.500 - 3.000 hành khách được đưa vào Việt Nam trên các chuyến bay thường lệ (ngoài các chuyến bay giải cứu công dân, chuyến bay thuê chuyến chở chuyên gia từ các địa điềm khác trên thế giới vào Việt Nam)

  1. Hiện nay có bao nhiêu nước cho phép người Việt nhập cảnh vào và quy định như thế nào khi muốn nhập cảnh?

Trước tình hình diễn biến bệnh dịch căng thẳng như hiện nay, một số nước vẫn đang đóng cửa biên giới. Trong khi đó, nhờ quy trình kiểm soát dịch Covid hiệu quả, nhiều nước đã cởi mở hơn cho phép người Việt Nam nhập cảnh, cụ thể như: Anh, Đức, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, …Tùy vào quy định của mỗi nước mà thủ tục nhập cảnh cũng khác nhau, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo nghiêm ngặt quy trình phòng, chống dịch. Ví dụ như tại Hàn Quốc, người nước ngoài đang cư trú tại Hàn Quốc phải xuất trình 'Giấy phép tái nhập cảnh' và giấy khám sức khỏe khi nhập cảnh trở lại nước này gồm các nội dung như thời điểm, người tiến hành và kết quả xét nghiệm COVID-19, cấp hai ngày trước khi nhập cảnh; hay tại Singapore Bộ y tế cũng thông báo những người mang hộ chiếu dài hạn đã có 14 ngày trước đó ở các nước như New Zealand, Hàn Quốc, Đài Loan,Việt Nam,… khi nhập cảnh vào Singapore sẽ được cho phép tự cách ly tại nhà theo các quy tắc mới. Trước đó, tất cả những người đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ nói trên đều cách ly tại các cơ sở được chỉ định.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan