Các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tiền ảo qua qua không gian mạng ở Việt Nam

Nội dung bài viết

Trong bài tư vấn Pháp luật Tháng 2/2020, LS. Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có một số chia sẻ xung quanh vấn đề tiền ảo.

1. Thưa luật sư! Tiền ảo, tài sản ảo là gì? Hiện nay, khái niệm tiền ảo, tài sản ảo đã được nêu trong văn bản quy phạm pháp luật nào ở nước ta chưa?

LS. Nguyễn Thanh Hà:

Tiền ảo (virtual currency) là một dạng tiền kỹ thuật số (digital money) không được kiểm soát, phát hành bởi chính phủ, mà được tạo ra và quản lý bởi các nhà phát triển (developer). Loại tiền này được sử dụng, chấp nhận giữa các thành viên trong một cộng đồng ảo cụ thể.

Theo định nghĩa của Cơ quan Giám sát Ngân hàng châu Âu (EBA), tiền ảo không phải một đơn vị tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương hoặc cơ quan công quyền phát hành, cũng không nhất thiết phải gắn liền với tiền pháp định. Tiền ảo được nhóm, cộng đồng cụ thể chấp nhận làm phương tiện thanh toán và có thể chuyển nhượng, lưu trữ hoặc giao dịch điện tử.

Tiền ảo chỉ có sẵn ở dạng điện tử và không ở dạng vật lý. Nó được lưu trữ và giao dịch chỉ thông qua phần mềm được chỉ định, ứng dụng di động, máy tính hoặc qua ví kỹ thuật số chuyên dụng và các giao dịch xảy ra qua Internet hoặc qua các mạng chuyên dụng an toàn.

Ở Việt Nam, khái niệm về tài sản ảo, tiền ảo chưa được quy định trong bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào.

Khoản 6 và Khoản 7 Điều 1 Nghị định số 80/2016/NĐ-CP về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt

“6. Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

7. Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định tại Khoản 6 Điều này”.

Như vậy, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt bao gồm Séc, Lệnh chi, Ủy nhiệm chi, Nhờ thu, Ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của NHNN. Theo quy định này, các loại tiền ảo khác sẽ không được coi là phương tiện thanh toán, việc cung ứng, phát hành và sử dụng các đồng tiền ảo là không hợp pháp.

Như vậy, tại Việt Nam không công nhận tiền ảo, tài sản ảo là một phương tiện thanh toán, nếu phát hành, tàng trữ, cung ứng sử dụng chúng như một phương tiện thanh toán thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Thời gian qua, các cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều cảnh báo về rủi ro liên quan tiền ảo, cũng như nguy cơ sử dụng tiền ảo cho hoạt động tội phạm. Ông có thể phân tích rõ hơn về những nguy cơ này?

LS. Nguyễn Thanh Hà:

Hoạt động tội phạm khi sử dụng tiền ảo trong môi trường giao dịch quốc tế ẩn chứa nhiều nguuy cơ, rõ nhất là các nguy cơ sau đây:

– Các giao dịch thương mại hay dân sự thanh toán bằng tiền ảo mang tính chất ẩn danh, chủ thể của quan hệ không xác định được danh tính và chủ thể của các bên quan hệ không biết rõ về nhau, mà chỉ thông qua mạng Internet. Chính bởi vậy các chủ thể rất dễ gặp trường hợp lừa đảo khi sử dụng loại tiền này.

– Thuộc tính của tiền ảo được lưu giữ dưới dạng kỹ thuật số nên có nhiều nguy cơ bị xâm phạm, bị chiếm đoạt, bị thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch.

– Hiện nay tiền ảo được coi là bất hợp pháp và nhà nước chưa ban hành quy định cụ thể nào để quản lý tiền ảo. Vì vậy, sẽ không có cơ quan giám sát, không có cơ quan trung gian, quan hệ sử dụng tiền ảo tự do, tự phát theo một quy ước giữa các bên chủ thể tham gia giao dịch không công khai. Giá trị tiền ảo biến động mạnh theo thời gian hoạt động ngắn nên ẩn chứa nhiều nguy cơ bong bóng và những rủi ro tiềm ẩn trong giao dịch, bị thiệt hại về tài sản mà không được bảo vệ bằng các cơ chế pháp lý. Ngược lại, tiền ảo không bị chi phối và kiểm soát giao dịch bởi một cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nào, nên chủ sở hữu tiền ảo phải tự chịu mọi rủi ro.

– Thêm nữa, tiền ảo gây khó khăn trong việc kiểm soát mức cung tiền. Điều này tạo ra thách thức không nhỏ cho ngân hàng nhà nước. Trong khi đó, đồng tiền pháp định do Ngân hàng trung ương phát hành làm phương tiện thanh toán cho nền kinh tế. Khối lượng phát hành tiền do Ngân hàng trung ương quyết định căn cứ vào nhu cầu của nền kinh tế. Vì vậy, Ngân hàng nhà nước dễ dàng kiểm soát lượng tiền pháp định.

3. Xét về góc độ tài sản, câu hỏi đặt ra là tiền ảo có phải là tài sản hay không phải là tài sản? Nếu là tài sản thì thuộc loại tài sản nào ?

LS. Nguyễn Thanh Hà:

Theo Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản, có thể hiểu tài sản phải tồn tại khách quan và theo khả năng của con người thì phải chiếm hữu, chi phối, kiểm soát được.

Tuy nhiên, tiền ảo không phải là tài sản, về mặt lý luận thì tiền ảo chỉ có thể coi là tài sản ảo. Chúng ta không kiểm soát được, hoặc có thể nói là rất khó để kiểm soát được tiền ảo trong các giao dịch, cũng như không xác định được các thuộc tính của nó, do vậy không thể dùng làm đối tượng của các quan hệ pháp luật dân sự.

Tài sản thông thường phải thỏa mãn các thuộc tính của tài sản, nhằm xác định giá trị pháp lý của các quan hệ có đối tượng là tài sản, đồng thời là căn cứ để xác định các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý phát sinh từ các quan hệ tài sản có đối tượng là tài sản. Xác định nghĩa vụ của một hoặc các bên chủ thể trong giao dịch dân sự chuyển giao tài sản hay bồi thường thiệt hại về tài sản. Tiền ảo không thỏa mãn các đặc điểm của tài sản thông thường, vì vậy nó chỉ là một loại tài sản ảo mang nhiều rủi ro.

4. Hiện nay có hai khái niệm khiến nhiều người nhầm lẫn, đó là tiền điện tử và tiền ảo. Luật sư có thể phân tích rõ hơn về khai hái niệm này?

LS. Nguyễn Thanh Hà:

Hiểu theo cách đơn giản nhất, tiền điện tử là tiền giấy/tiền xu (tiền pháp định) được số hóa với giá trị tương ứng để lưu trữ và giao dịch trong môi trường mạng internet. Như vậy cũng giống như tiền giấy/tiền xu, tiền điện tử vẫn nằm trong sự quản lý của Ngân hàng Trung ương và những quy định pháp luật liên quan của quốc gia nó được phát hành hoặc được chấp nhận cho phép giao dịch.
Ở Việt Nam, có thể thấy tiền điện tử tồn tại dưới 3 hình thức phổ biến là các ví điện tử như: Viettelpay, AirPay, ZaloPay, Momo…; Các loại thẻ điện thoại; và các tài khoản ngân hàng giao dịch trên internet (thường gọi là E-banking, Online-banking hoặc Smart-banking….). Các tài khoản ngân hàng này thường phát hành dưới dạng cấp cho khách hàng tài khoản để giao dịch trên internet hoặc phát hành kèm theo thẻ thanh toán như: Thẻ ATM, Thẻ tín dụng/Credit card, Thẻ ghi nợ/Debit card và Thẻ thông minh/Smart card. Tuy nhiên, để có tiền điện tử ở trong ví điện tử hay trong các tài khoản ngân hàng online, người dùng phải nộp vào tài khoản ngân hàng (qua quầy giao dịch) một lượng tiền giấy tương ứng. Riêng với các ví điện tử thì phải liên kết với tài khoản ngân hàng online mới có thể nạp tiền vào ví được (chuyển tiền điện tử từ các tài khoản ngân hàng sang tài khoản của ví).

Còn với tiền ảo hay còn gọi là tiền mã hoá (Cryptocurrency) không phải là đồng tiền pháp định, không được phát hành hay bảo đảm bởi bất kì Chính phủ hay NHTW, cơ quan quản lý tiền tệ ở bất kì quốc gia nào. Nó có hoạt động phân tán và mang tính ẩn danh cao, không chịu sự quản lí và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Theo Tổ chức quốc tế về Tiêu chuẩn hoá (ISO), tiền ảo là tài sản ảo có tính chất tiền tệ tức có thể sử dụng nó làm phương tiện trao đổi hay một tài sản có giá trị trong một môi trường cụ thể.

Theo Quốc hội và Hội đồng của Liên minh Châu Âu (EU): Tiền ảo là thể hiện giá trị dưới dạng số. Giá trị này không được một ngân hàng trung ương hay một cơ quan nhà nước nào phát hành hay đảm bảo, nó không gắn liền với một đồng tiền pháp định nào và không có địa vị pháp lí của tiền tệ nhưng lại được chấp nhận bởi cá nhân hoặc pháp nhân như một phương tiện trao đổi. Nó có thể được chuyển đổi, lưu trữ hay giao dịch bằng phương thức điện tử.

5. Thời gian gần đây, hoạt động đầu tư, mua bán tiền ảo, huy động vốn qua phát hành tiền ảo, đặc biệt là hoạt động sử dụng tiền ảo để huy động vốn theo phương thức đa cấp ngày càng diễn biến phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tài chính, trật tự an toàn xã hội và có thể gây rủi ro rất lớn đối với tổ chức, cá nhân tham gia. Những nguy cơ mà người dân có thể gặp phải khi tham gia các hoạt động giao dịch tiền ảo theo hình thức đa cấp này là gì?

LS. Nguyễn Thanh Hà:

Có thể nhận thấy vì là tiền ảo nên mọi giao dịch sẽ thực hiện hoàn toàn qua hệ thống kỹ thuật số. Hiện nay tại Việt Nam tiền ảo chưa phổ biến như thế giới nên hạ tầng thiết bị số của chúng ta cũng chưa ổn định, tạo thuận lợi cho các hacker tấn công đánh sập sàn giao dịch tiền ảo, sử dụng thiết bị người dùng cuối để biến nó thành các máy đào tiền ảo. Ngoài ra, người dùng còn có nguy cơ bị mất thông tin ví điện tử hoặc bị đánh cắp tiền khi thiết bị của họ bị tội phạm mạng tấn công. Bên cạnh đó Việt Nam cũng chưa có khung pháp lý điều chỉnh về vấn đề này nên người dùng sẽ hoàn toàn bị thiệt hại nếu các giao dịch tiền ảo này không thành công.

6. Hiện nay trên thế giới cũng chưa hình thành khung pháp lý thống nhất để quản lý, xử lý tiền ảo. Tùy thuộc vào mỗi quốc gia có 3 xu hướng xây dựng khung pháp lý về tiền ảo. Cụ thể: Thứ nhất: Cấm sử dụng giao dịch tiền ảo (Trung Quốc, Algeria). Hai là: Cho phép sử dụng, giao dịch tiền ảo và quản lý chặt các trung gian giao dịch tiền ảo (Nhật Bản, Singapore…). Ba là: Chưa có quan điểm chính thức nhưng Chính phủ, Quốc hội một số nước đã và đang thực hiện nghiên cứu, điều trần về bản chất, vai trò, khung pháp lý đối với loại hình tiền ảo. Đồng thời đưa ra các cảnh báo đầu tư, kinh doanh tiền ảo như (Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Úc). Rõ ràng có thể thấy, ngay cả các quốc gia phát triển cũng đang rất lúng túng và thận trọng khi ứng xử với tiền ảo, việc này cho thấy điều gì, thưa luật sư?

LS. Nguyễn Thanh Hà:

Viêc các quốc gia có những cách xử lý khác nhau có thể xuất phát từ rất nhiều yếu tố: như quốc gia nào là nơi phát sinh loại tiền này, đâu là nơi tiến hành nhiều giao dịch tiền ảo nhất, ngoài ra còn là yếu tố về nền kinh tế hay chính trị, …điều đó giải thích cho lý do vì sao mỗi quốc gia lại ban hành 1 khung pháp lý khác nhau về việc này. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận vì tiền ảo là loại tiền giao dịch hoàn toàn mới nên biện pháp quản lý thế nào cũng phải cần thời gian để thực nghiệm thì mới đưa được phương hướng quản lý tốt nhất.

7. Ngày 21/7/2017, Ngân hàng Nhà nước có công văn số 5747/NHNN-PC gửi Văn phòng Chính phủ trả lời về vấn đề bitcoin, litecoin với nội dung xác định các loại tiền ảo như trên không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định chung của pháp luật Việt Nam. “Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm.”. Vậy hành vi cố tình phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo thì chúng ta có chế tài gì để xử lý không, thưa luật sư?

LS. Nguyễn Thanh Hà:

Theo Khoản 6 Điều 26 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng thì các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp sẽ bị phạt tiền từ 50-100 triệu đồng:

Bên cạnh đó, theo Điều 206 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, từ 1/1/2018, người nào thực hiện các hành vi trong đó có hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán gây thiệt hại về tài sản từ 100 -300 ngàn đồng đến dưới 300.000.000 đồng sẽ bị phạt tiền từ 50-300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

8. Quan điểm của Luật sư ra sao về sự cần thiết hoàn thiện một khung pháp lý liên quan đến tiền ảo ở Việt Nam hiện nay?

LS. Nguyễn Thanh Hà:

Hiện nay, nhận thức của người dân về tiền ảo và bản chất của nó chưa thật sự đầy đủ. Điều này đã dẫn tới không ít các hoạt động liên quan đến tiền ảo lợi dụng tính phức tạp về công nghệ và sự thiếu hiểu biết của công chúng để huy động vốn trái phép, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân và làm phức tạp thêm tình hình kinh tế – xã hội. Do đó, việc xây dựng khung pháp lý về tiền ảo là cần thiết. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung của các quốc gia và cũng là giải pháp mà Việt Nam chủ động hội nhập cũng như ứng phó với tác động của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0. Hơn nữa, khung pháp lý liên quan đến tiền ảo được xây dựng cộng với sự quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước, các nhà đầu tư sẽ yên tâm hơn trong quá trình kinh doanh, hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của tổ chức, cá nhân theo đó cũng được hạn chế, góp phần tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh, ổn định kinh tế – xã hội.

9. Theo luật sư thì việc hoàn thiện khung pháp lý này cần lưu ý những điều gì?

LS. Nguyễn Thanh Hà:

Quan điểm của các quốc gia về xây dựng khung pháp lý về tiền ảo hiện nay không giống nhau, theo đó, có thể chia thành 4 cấp độ sau đây:

– Cấm lưu hành trên diện rộng;

– Cấm sử dụng, lưu thông tiền ảo trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng;

– Không cấm sử dụng, lưu thông tiền ảo, không thừa nhận quy chế pháp lý của tiền ảo;

– Chấp nhận tiền ảo như một phương tiện thanh toán chính trong nền kinh tế.

Theo đó, Việt Nam cần nghiên cứu cẩn trọng cách tiếp cận và quan điểm để bảo đảm việc sản xuất và lưu thông, đầu tư tiền ảo không gây nguy hại đến chính sách tiền tệ quốc gia và việc điều hành nền kinh tế.

10. Trước khi chúng ta có một khung pháp lý để quản lý tiền ảo, ông có khuyến cáo gì với người dân khi có ý định tham gia vào những giao dịch liên quan đến tiền ảo?

LS. Nguyễn Thanh Hà:

Việc đầu tư tiền ảo gặp rất nhiều rủi ro bởi các sàn giao dịch trực tuyến về tiền ảo không được cơ quan chức năng giảm sát, quản lý, hệ thống máy chủ được đặt tại nước ngoài nên bất cứ sự thay đổi hoặc chấm dứt hoạt động nào của sàn đều ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, kinh doanh tiền ảo theo hình thức đa cấp về bản chất là lấy tiền của người vào sau để trả cho người vào trước, nếu không có thêm người tham gia thì hệ thống xem như sụp đổ.

Tại Việt Nam, tiền ảo không được xem là tiền tệ để thanh toán và không được pháp luật Việt Nam bảo vệ khi có tranh chấp xảy ra. Do đó, người dân khi tham gia vào bất cứ hoạt động kinh doanh tiền ảo nào đều cần tự trang bị cho mình kỹ năng đánh giá và nhận định thị trường, kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin và pháp luật để tự bảo vệ chính mình.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan