Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực từ 1.1.2025, tuy nhiên điều 248 và điều 190 sẽ có hiệu lực sớm từ 1.4.2024.
Điều 190 Luật Đất đai 2024 quy định về hoạt động lấn biển. Theo đó, Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng vốn, kỹ thuật, công nghệ thực hiện các hoạt động lấn biển; có chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho nhà đầu tư thực hiện hoạt động lấn biển theo quy định của pháp luật.
Hoạt động lấn biển phải tuân thủ các nguyên tắc bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia trên biển; phù hợp với quy định của luật khác có liên quan và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Dựa trên cơ sở đánh giá đầy đủ về kinh tế, xã hội, môi trường, bảo đảm phát triển bền vững, đa dạng sinh học, các yếu tố tự nhiên, tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng...
Trong khi đó, điều 248 Luật Đất đai 2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 16/2023/QH15. Theo đó, Luật yêu cầu không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ các dự án như: Dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh; dự án cấp thiết khác theo tiêu chí do Chính phủ quy định.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty luật SB Law cho rằng, việc Quốc hội thông qua Luật Đất đai 2024 là yếu tố quan trọng tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý tại nhiều dự án bất động sản hiện nay. Đồng thời, đây còn là “đòn bẩy” cần thiết để đưa thị trường bất động sản thoát đáy, tăng trưởng bền vững. Từ đó, bảo vệ lợi ích tối đa cho người dân.
Với điều 190 của Luật Đất đai sửa đổi chủ yếu tập trung vào việc kiểm soát và quản lý hoạt động lấn biển. Việc có hiệu lực sớm hơn từ ngày 1.4.2024 đồng nghĩa với việc chính phủ đang cần mạnh mẽ can thiệp và quản lý ngay lập tức các hoạt động lấn biển để ngăn chặn những tác động tiêu cực đối với môi trường và cộng đồng. Chính sách này có thể bao gồm các biện pháp tăng cường giám sát, xử lý nhanh chóng các trường hợp vi phạm, và thậm chí có thể áp dụng các hình phạt để đảm bảo tuân thủ.
Trong khi đó, điều 248, sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Lâm nghiệp mang lại sự linh hoạt và thích ứng hơn với thực tế môi trường và kinh tế hiện nay. Việc có hiệu lực sớm hơn cung cấp cơ hội để chính phủ điều chỉnh các quy định và chính sách liên quan đến lâm nghiệp một cách linh hoạt hơn, nhằm đảm bảo bền vững trong quản lý nguồn lâm sản và bảo vệ môi trường tự nhiên. Có thể kỳ vọng rằng sự thay đổi này sẽ tăng cường quản lý rừng, khuyến khích sử dụng bền vững và bảo vệ đa dạng sinh học.
Do đó, việc sửa đổi và ban hành Luật Đất đai 2024 với hai điều luật có hiệu lực sớm hơn mang lại sự quyết liệt trong việc quản lý đất đai, lâm nghiệp và lấn biển, góp phần đảm bảo sự bền vững và phát triển toàn diện của đất nước.
Nguồn bài viết: https://laodong.vn/bat-dong-san/2-ngoai-le-cua-luat-dat-dai-2024-1305951.ldo