Xung quanh vụ việc ban hành văn bản của Bộ VHTT&DL: Sự lạm quyền của cơ quan quản lý

Nội dung bài viết

Trong bài “Xung quanh vụ việc ban hành văn bản của Bộ VHTT&DL: Sự lạm quyền của cơ quan quản lý” đăng trên báo Kinh tế & Đô thị có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Không phải đến công văn yêu cầu UBND TP Đà Nẵng xử lý phát biểu của ông Huỳnh Tấn Vinh trong một cuộc tọa đàm về du lịch, ngành văn hóa mới bộc lộ những yếu kém trong cách ứng xử với văn bản. Rất nhiều văn bản trước khi ra đời đã bị mắc lỗi, và sau khi thu hồi càng lộ lỗi của “người làm quan”.Mắc lỗi rồi… không ai có lỗi
Tuần qua, ngành du lịch “nóng” không phải liên quan trực tiếp đến du khách như phòng nghỉ, dịch vụ tham quan… mà chính là câu chuyện ứng xử bằng văn bản của người làm quản lý. Tổng Cục Du lịch tham mưu cho Thứ trưởng Bộ VHTT&DL ban hành công văn yêu cầu UBND TP Đà Nẵng xử lý ông Huỳnh Tấn Vinh – Chủ tịch Hiệp hội vì những phát biểu thiếu căn cứ, dễ gây hiểu lầm trong tọa đàm sáng 30/5. Chuyện nực cười là công văn đó yêu cầu cơ quan Nhà nước là UBND TP không có thẩm quyền can thiệp vào hoạt động chuyên môn của Hiệp hội để xử lý. Hơn nữa, công văn đó còn đòi xử lý một cá nhân chỉ vì lỡ trình bày ý kiến không đúng với suy nghĩ của đơn vị chủ tọa.2 ngày sau tọa đàm, Bộ VHTT&DL ra công văn. 2 ngày sau lại ra quyết định thu hồi công văn này. Và 2 ngày sau liên tiếp Thứ trưởng Bộ VHTT&DL, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch đứng ra nhận lỗi, xin chịu trách nhiệm. Theo tâm sự của Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái, thì ông đã có một đêm không ngủ. “Ngay sáng hôm sau tôi đã ngồi viết báo cáo trình bày với Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ Chính trị…, đồng thời gửi để vợ con ở xa nắm bắt được sự việc, đỡ lo lắng” – Thứ trưởng Ái tâm sự. Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đẩy lỗi cho người tham mưu, còn người tham mưu cụ thể là ông Nguyễn Văn Tuấn – Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch thì đổ lỗi ngôn từ dẫn đến hiểu sai.

Dẫu rằng trong văn bản yêu cầu xử lý ông Huỳnh Tấn Vinh đưa ra của Bộ VHTT&DL kết luận rất rõ ràng: “Việc phát ngôn như trên của ông Huỳnh Tấn Vinh là chủ quan, thiếu cơ sở và làm cho dư luận hiểu sai vấn đề… Bộ VHTT&DL đề nghị Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng có biện pháp xử lý, yêu cầu ông Vinh có văn bản giải trình, trả lời Bộ VHTT&DL trước ngày 15/6 tới để Bộ báo cáo các cấp có thẩm quyền”. Thế nhưng, sau khi ra công văn sai buộc phải thu hồi công văn thì ông Nguyễn Văn Tuấn lại lý giải: Công văn đó chỉ nhằm mục đích muốn trao đổi, hiểu rõ hơn ý của anh Vinh trong hội thảo. “Từ xử lý ở đây là xử lý công việc, xử lý văn bản giải thích về việc quy hoạch này vi phạm pháp luật như thế nào trong ý kiến anh Vinh biện dẫn… Chúng tôi cần nhận thông tin giải thích của anh Vinh, không có ý khác. Với mong muốn và ngụ ý là như vậy nhưng việc sử dụng từ ngữ trong văn bản dẫn đến cách hiểu khác nhau. Chúng tôi nhận thấy đây là sai sót” – ông Tuấn biện dẫn. Quanh co đổ lỗi, nhưng rồi vẫn không ai có lỗi.
Lây bệnh từ cấp Sở lên Bộ
Năm 2017, lý do sử dụng từ ngữ không rõ nghĩa gây nên hiểu lầm trong các văn bản, công văn của ngành văn hóa được khởi xướng từ Công văn số 336/BC-SVHTTDL của Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang liên quan đến việc cấm lưu hành 354 bài hát, trong đó có bài hát “Màu hoa đỏ” của nhạc sĩ Thuận Yến. Ngay sau đó, qua phản ánh của một số tổ chức cá nhân vì sao ca khúc “Màu hoa đỏ” không được phổ biến, Sở này có ban hành công văn giải thích, và thu hồi Công văn 336. Trong công văn giải trình, ông Nguyễn Đức Đảm – Giám đốc Sở VHTT&DL Tiền Giang chỉ ra rất nhiều nguyên nhân, trong đó không thiếu lý do chủ quan trong việc sử dụng từ ngữ chưa rõ, gây hiểu lầm về việc cấm lưu hành bài hát “Màu hoa đỏ” của nhạc sĩ Thuận Yến.
Cũng trong tháng 2/2017, Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) thuộc Bộ VHTT&DL khiến dư luận 1 phen choáng váng vì bỗng dưng ra văn bản thu hồi, xem xét phổ biến 5 ca khúc bolero đã được người dân thuộc lòng: “Con đường xưa em đi”, “Đừng gọi anh bằng chú”… Sự kiện không tiếp tục cho phép phổ biến 5 ca khúc bolero chưa lắng, đầu tháng 3/2017, đời sống nghệ thuật biểu diễn lại rộ lên thông tin một chương trình nhạc Trịnh Công Sơn ở Huế không thể diễn ra theo kịch bản vì có 3 ca khúc chưa xin phép, trong đó có bài “Nối vòng tay lớn”. Để xảy ra lỗi, chưa kịp sửa sai, Cục NTBD lại làm một việc thừa, giữa tháng 5/201, Cục cho cập nhật, công bố danh mục hơn 300 bài hát đã đi cùng năm tháng, gây ra chuyện hiểu lầm phổ biến thành cấp phép. Hậu quả của sự việc là ông Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương phải đứng ra xin lỗi công chúng. Nhưng lời xin lỗi không được chấp nhận, Cục trưởng mất chức, rời vị trí về văn phòng Bộ VHTT&DL chờ được sắp xếp công việc phù hợp. Căn bệnh lỗi dùng từ của ngành văn hóa cứ thế vẫn tiếp tục lây lan.
Sau sai, ứng xử như thế nào?
Dẫu rằng công văn yêu cầu xử lý ông Huỳnh Tấn Vinh hay việc ra phổ biến, cập nhật danh mục hơn 300 bài hát của Bộ VHTT&DL và Cục NTBD không gây ra hậu quả nghiêm trọng, nhưng theo quan điểm của luật sư Nguyễn Thanh Hà – Giám đốc Công ty SBLAW đây là hiện tượng lạm quyền của cơ quan quản lý Nhà nước. “Hiệp hội chỉ có thể phải đưa ra xử lý nếu vi phạm về pháp luật, vi phạm hành chính. Đối với những ý kiến phát biểu trong tọa đàm của ông Huỳnh Tấn Vinh có thể đúng, có thể sai, chủ tọa có quyền tiếp thu hoặc lý giải ngược lại. Tuy nhiên, không thể áp dụng mệnh lệnh hành chính để đòi xử lý hoặc bắt giải trình được” – luật sư Nguyễn Thanh Hà cho biết.
Trong sự việc sai sót khi ra công văn yêu cầu xử lý ông Huỳnh Tấn Vinh, ông Lê Hồng Sơn – nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái không nên chỉ xin lỗi suông mà cần phải kiểm điểm nhận hình thức kỷ luật. “Văn bản đã ra rồi có giải thích làm sao thì cũng đều lộ rõ sai sót. Thứ trưởng là người ký văn bản đó thì phải có trình độ, bản lĩnh đọc ra động cơ, mục đích kịp thời ngăn chặn ngay từ đầu, không phải ban hành rồi thu hồi” – ông Lê Hồng Sơn nhấn mạnh. Sau khi nhận trách nhiệm, ông Huỳnh Vĩnh Ái đã thông tin, trong chiều ngày 5/6, Bộ VHTT&DL sẽ yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm của cán bộ trực tiếp tham mưu. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Sơn “Khi đã ký thì phải chịu trách nhiệm về văn bản mình ký chứ không đổ cho tham mưu được, đương nhiên tham mưu cũng có lỗi vì đề xuất không chuẩn, khiến thủ trưởng ban hành văn bản không phù hợp phải thu hồi. Nhưng thu hồi và nêu ra lý do vì lỗi câu từ nên gây hiểu sai như Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng là không chấp nhận được” – ông Sơn nhận xét. “Chuyện sau khi văn bản ban hành phải thu hồi, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch lại giải thích lý do là “dùng sai câu từ” đã bộc lộ sự thiếu bản lĩnh của chính khách. Đã sai thì anh nhận sai rồi sửa chứ có gì đâu. Khi lãnh đạo Bộ, Tổng Cục đã nhận lỗi, xin lỗi, ta cũng nên chấp nhận, bỏ qua nhưng vấn đề quan trọng phải xem là việc sửa lỗi như thế nào. Trong chuyện này, dư luận nhìn vào, đánh giá ở cả khía cạnh đạo lý chứ không chỉ về pháp lý. Người làm “quan” cũng phải chấp nhận việc “có công được thưởng, có tội phải chịu” – nhà sử học Dương Trung Quốc (đại biểu quốc hội đoàn Đồng Nai) bày tỏ.
Qua sự việc ra văn bản của Bộ VHTT&DL về những phát biểu của ông Huỳnh Tấn Vinh trong cuộc tọa đàm sáng 30/5, trước đó là những công văn liên quan đến vấn đề cấp phép, phổ biến ca khúc đã đi cùng năm tháng, nhiều chuyên gia nhận định quá trình xem xét ban hành văn bản xác lập cơ chế quản lý của Bộ VHTT&DL có nhiều vấn đề. Muốn chấn chỉnh, phát triển nền văn hóa thì từ trong cấp Bộ cần xem lại toàn bộ cơ chế, phương thức, nhân sự để đáp ứng nhu cầu thực tế.

Nguồn: http://kinhtedothi.vn/xung-quanh-vu-viec-ban-hanh-van-ban-cua-bo-vhttdl-su-lam-quyen-cua-co-quan-quan-ly-290223.html

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan