Xử lý các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh khẩu trang, nước sát khuẩn tay kém chất lượng

Nội dung bài viết

Thưa ông, trong thời điểm dịch Covid-19 như hiện nay, lợi dụng nhu cầu của thị trường, nhiều doanh nghiệp đã sản xuất và kinh doanh khẩu trang, nước sát khuẩn tay giả, kém chất lượng. Để hiểu rõ hơn vấn đề này chúng ta cùng đến với phần trao đổi của BTV và LS Nguyễn Thanh Hà, Đoàn LS Tp HN.

1. Những hành vi này có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt như thế nào, thưa ông?

Trả lời:

Việc làm giả, kém chất lượng khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn rất nguy hiểm vì gây mất an toàn đối với sức khoẻ người sử dụng. Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi này có thể bị xử lý hình sự. Bởi với sản phẩm khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn, nếu sản phẩm này không đảm bảo chất lượng sẽ không có tác dụng phòng chống dịch bệnh, đe dọa sự an toàn về sức khỏe, tính mạng người dân.

Do vậy, theo quy định hiện hành, tổ chức, cá nhân có hành vi buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Căn cứ Điều 11, Điều 12 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, theo đó đối với hành vi buôn bán hàng giả hàng kém chất lượng sẽ bị xử phạt hành chính lên tới 100 triệu đồng; đối với hàng vi sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng có thể bị xử phạt hành chính lên tới 120 triệu đồng, ngoài ra còn phải chịu thêm các hình phạt bổ sung như tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề; đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất,…

Về xử lý hình sự, cá nhân, pháp nhân có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả có thể bị truy cứu hình sự về tội Sản xuất, buôn bán hàng gia quy định tại Điều 192 BLHS 2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi BLHS năm 2017). Theo đó, người vi phạm có thể bị phạt tù với mức cao nhất là 15 năm tù, và bị phạt tiền lên tới 50 triệu đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, bị tịch thu toàn bộ hoặc một phần tài sản. Đối với pháp nhân có thể bị phạt tiền lên tới 9 tỷ đồng, bị đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực và cấm huy động vốn 1 năm.

2/ Những hành vi sản xuất hàng giả đối với các mặt hàng này trong tình cảnh dịch bệnh như hiện nay không chỉ vi phạm pháp luật mà còn vi phạm đến đạo đức kinh doanh. Vậy theo ông, với các chế tài xử lý theo Luật như ông vừa nêu đã đủ sức răn đe hay chưa?

Trả lời:

Các đối tượng trực tiếp sản xuất hàng giả ngày một gia tăng, số lượng hàng giả ngày càng lưu thông nhiều trên thị trường (trong đó có cả hàng giả trực tiếp sản xuất ở trong nước và hàng giả từ nước ngoài vào thị trường Việt Nam). Nhưng các hình thức xử lý các hành vi phạm tội này được xử lý bằng hình thức xử phạt vi phạm hành chính và tịch thu hàng hóa, chưa áp dụng mạnh chế tài hình sự nên chưa đủ sức răn đe.Từ đó dẫn đến coi thường pháp luật, coi thường các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng như người thực thi pháp luật.

Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) đã quy định rõ về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Khung hình phạt cao nhất của tội danh này là 15 năm tù giam.
Việc khởi tố vụ án làm hàng giả sẽ răn đe tất cả các đối tượng làm ăn phi pháp, tạo sự tin tưởng của nhà sản xuất và người tiêu dùng đối với hệ thống pháp luật nhà nước.

Để các chế tài được áp dụng một cách hiệu quả, thiết nghĩ, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, đồng thời, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần phải tổ chức bài bản từ khâu tuyên truyền, tổ chức thực hiện để điều chỉnh hành vi đầu tư, sản xuất, kinh doanh, phân phối các sản phẩm có nguy cơ bị xâm phạm sở hữu trí tuệ.Đặc biệt, xây dựng ngay danh mục nhiệm vụ, căn cứ theo lộ trình để thấy trách nhiệm của các các bên trong quá trình triển khai để mang lại hiệu quả cao nhất.

3/ Việc sử dụng khẩu trang, nước sát khuẩn tay giả gây ra nhiều nguy hại đối với người sử dụng để phòng chống dịch bệnh. Vậy xin ông cho biết, chúng ta cần thực hiện những giải pháp gì để quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng này, đặc biệt là trong thời điểm dịch như hiện nay?

Trả lời:

Trong thời điểm tâm dịch như hiện nay, việc đề ra phương án quản lý chặt chẽ hoạt động thanh kiểm tra các mặt hàng khẩu trang nước sát khuẩn là cấp bách và cần được thực hiện nghiêm túc. Các cơ quan chức năng cần vận động các cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế thực hiện việc niêm yết giá bán, ký cam kết không vi phạm về giá, nguồn gốc xuất xứ đối với mặt hàng khẩu trang và nước sát khuẩn. Bên cạnh đó, khẩu trang cũng là mặt hàng đang rất khan hiếm tại thời điểm hiện tại.

Tại TP.HCM hàng trăm người dân đã xếp hàng để mua khẩu trang nhưng cuối cùng cũng có người không mua được cái nào. Do đó,cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần hỗ trợ trong việc kết nối nguồn cung, đặc biệt là nguồn cung về vải để có thể sản xuất được khẩu trang đủ số lượng yêu cầu, hay cũng cần sớm đưa ra hướng dẫn, hỗ trợ các thủ tục để công nhận sản phẩm khẩu trang đạt yêu cầu chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật.

Để công tác quản lý diễn ra hiệu quả không chỉ cần nhà nước mà cũng cần sự phối hợp của người dân báo cáo kịp thời những nhà thuốc, cơ sở đang kinh doanh các mặt hàng này bất hợp pháp để kịp thời xử lý, tạo tính răn đe cao.

 

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan