Xin tư vấn luật sư về việc thành lập công ty liên doanh tại Việt Nam

Nội dung bài viết

Câu hỏi: Hiện tại tôi mong muốn được tư vấn của luật sư về thủ tục mở công ty liên doanh giữa nhà đầu tư Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài về lĩnh vực bán lẻ trong đó mã ngành nghề chính là mã 4759.
Mô hình kinh doanh: Mở các showroom trong các trung tâm thương mại để bán hàng, không bán buôn.
Khu vực kinh doanh gồm Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Dương, Đà Nẵng
Các sản phẩm kinh doanh chính: Máy hút mùi, lò ví sóng, lò nướng, bếp điện từ, máy lọc không khí, máy hút bụi, dụng cụ nhà bếp, cổng thông tin, xúc tiến thương mại
Hình thức: Công ty sẽ nhập khẩu trực tiếp các sản phẩm này về để bán lẻ.
Theo những thông tin trên luật sư có thể tư vấn giúp tôi :
1/ Mức vốn điều lệ tối thiểu để thành lập công ty liên doanh này khoảng bao nhiêu?
2/ Với hình thức liên doanh thì cụ thể có thể lựa chọn theo loại hình nào: góp vốn, cổ phần … và mức đóng góp của nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư việt nam nên theo tỉ lệ như thế nào?
Trả lời: Thay mặt SB Law, trân trọng cảm ơn chị đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến các câu hỏi của chị, chúng tôi có ý kiến sơ bộ như sau:

1. Đa số các ngành nghề chị dự kiến đăng ký không có khống chế về mức vốn tối thiểu cũng như tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài.
2. Một số ngành nghề và hoạt động chị bắt buộc phải loại bỏ khi dự kiến thành lập công ty liên doanh (nước ngoài không được tham gia), bao gồm:
+ Bán lẻ sách, báo, truyện, tạp chí.
+ Tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại.
Ngành nghề là cổng thông tin thì chị phải làm rõ là mình sẽ tiến hành hoạt động gì? Ví dụ, trang thông tin điện tử tổng hợp hay mạng xã hội hay là trang thương mại điện tử hoặc sàn giao dịch thương mại điện tử. Nếu là hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp hoặc mạng xã hội thì sẽ không được xem xét cấp phép chị nhé.
Đối với hoạt động sản xuất, chị phải có địa điểm phù hợp và chứng minh được mình có địa điểm hợp pháp để xây dựng nhà máy phù hợp với quy hoạch của tỉnh, thành phố.
Đối với hoạt động bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng khác, chị vui lòng nêu rõ đích danh mặt hàng cùng với mã HS (lấy 4 số đầu tiên). Trên cơ sở đó, SB Law sẽ đánh giá tính khả thi của hoạt động này.
Theo kinh nghiệm của SB Law, nếu bên chị tập trung chủ yếu vào hoạt động bán lẻ thì chỉ nên đăng ký hoạt động bán lẻ, không nên đăng ký ôm đồm các ngành khác khi công ty không có dự kiến hoạt động trong lĩnh vực đó trong ngắn hạn. Việc bổ sung quá nhiều ngành nghề tại thời điểm bắt đầu thành lập công ty sẽ làm tăng chi phí và thời gian thực hiện.
3. Hoạt động bán lẻ:
Công ty liên doanh là công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Hoạt động bán lẻ hàng hóa của công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được kiểm soát rất chặt chẽ.
Công ty có quyền mở cửa hàng (cơ sở bán lẻ thứ nhất). Địa điểm mở cửa hàng nên tại các trung tâm thương mại đã được quy hoạch.
Trong trường hợp cửa hàng nằm ngoài trung tâm thương mại đã được quy hoạch hoặc có diện tích từ 500m2 trở lên, việc cấp phép sẽ khó khăn hơn và cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ thành lập hội đồng thẩm định riêng để đánh giá.
Cơ sở bán lẻ từ thứ 2 trở lên, Việt Nam có quyên từ chối cấp phép (vì không trong cam kết mở cửa ra thị trường nước ngoài).
Chi phí để thành lập cơ sở bán lẻ từ thứ 2 trở lên khá cao, độ rủi ro lớn. Chúng tôi chỉ có thể báo giá cho chị khi đã có đầy đủ thông tin cụ thể về địa chỉ dự kiến đặt cửa hàng và diện tích dự kiến của cửa hàng.
Hy vọng những thông tin trên đây có thể giúp ích cho chị. Trong trường hợp cần trao đổi thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ lại với chúng tôi.
0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan