Việt Kiều khi làm việc tại Việt Nam có cần phải làm Giấy phép lao động hay không?

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã tư vấn về Việt Kiều khi làm việc tại Việt Nam có cần phải làm Giấy phép lao động hay không? trong Chương trình Nhịp cầu Netviet. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Câu hỏi: Có khá nhiều Việt Kiều sau thời gian sinh sống ở nước ngoài, được nhập quốc tịch nước ngoài đã quay trở lại Việt Nam làm việc. Vậy Việt Kiều là khi làm việc tại Việt Nam có cần phải làm Giấy phép lao động hay không?

Trả lời:

Bạn là Việt Kiều sinh sống tại nước ngoài nhưng nếu bạn vẫn giữ quốc tịch Việt Nam, bạn có thể trở về Việt Nam làm việc bình thường và không cần xin Giấy phép lao động.

Ngược lại, nếu bạn không còn quốc tịch Việt Nam, khi trở về làm việc tại Việt Nam thì bạn bắt buộc phải xin cấp Giấy phép lao động như người lao động nước ngoài.

Việt Kiều có điều kiện thuận lợi hơn người lao động nước ngoài là có thể làm Giấy miễn visa 05 năm, nếu có giấy tờ chứng minh có nguồn gốc tại Việt Nam.

Để được cấp giấy phép lao động, bạn cần đáp ứng những điều kiện quy định tại Điều 9 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP của Chính phủ:

1. Đủ 18 tuổi trở lên.

2. Có sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc.

3. Là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật.

4. Không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài.

5. Được chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sử dụng người lao động nước ngoài.”

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động cho Việt Kiều khi làm việc tại Việt Nam được quy định tại Điều 10 của Nghị định 11/2016/NĐ-CP, bao gồm:

  • Văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động của người sử dụng lao động theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
  • Giấy chứng nhận sức khỏe hoặc giấy khám sức khỏe do cơ quan, tổ chức y tế có thẩm quyền của nước ngoài hoặc của Việt Nam cấp có giá trị trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày ký kết luận sức khỏe đến ngày nộp hồ sơ.
  • Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự của nước ngoài cấp. Trường hợp người lao động nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam thì chỉ cần phiếu lý lịch tư pháp do Việt Nam cấp.
  • Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự được cấp không quá 06 tháng, kể từ ngày cấp đến ngày nộp hồ sơ.
  • Văn bản chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật.
  • 02 ảnh mầu (kích thước 4cm x 6cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu), ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ.
  • Bản sao có chứng thực hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế còn giá trị theo quy định của pháp luật.
  • Các giấy tờ khác liên quan đến người lao động.

Hồ sơ trên phải khai bằng tiếng Việt Nam hoặc 02 thứ tiếng (Tiếng Việt và tiếng nước ngoài) và các giấy tờ được lập ở nước ngoài phải được Hợp pháp hóa lãnh sự và được dịch ra tiếng Việt và chứng thực.

Sau khi chuẩn bị hồ sơ xin cấp giấy phép lao động, bạn nộp hồ sơ tại Sở lao động Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố nơi mà đơn vị sử dụng lao động của bạn đặt trụ sở. Giấy phép Lao động được cấp có thời hạn tối đa là 03 năm và có thể được gia hạn.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan