Tranh chấp chung cư: Tìm tiếng nói chung trong hài hòa lợi ích

Nội dung bài viết

Trong bài viết Tranh chấp chung cư: Tìm tiếng nói chung trong hài hòa lợi ích đăng trên Tri thức trẻ có trích dẫn ý kiến của luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW, mời quý vị xem nội dung bài viết tại đây:

Thị trường bất động sản Hà Nội đang chứng kiến hàng loạt vụ tranh chấp chung cư giữa chủ đầu tư và khách hàng. Tuy nhiên, có không ít trường hợp tranh chấp diễn ra một cách tự phát, không dựa trên các tài liệu có giá trị pháp lý cao nhất dẫn đến tranh chấp đi vào bế tắc và gây thiệt hại cho cả hai bên.

Nhộn nhịp…tranh chấp

Theo thống kê, chỉ trong chưa đầy 3 tháng đầu năm, thị trường Bất động sản Hà Nội đã có khoảng 10 vụ tranh chấp lớn nhỏ. Các vụ tranh chấp này diễn ra ở hầu hết các phân khúc, bao gồm cả ở các dự án đã hoàn thành, đang hoàn thành và hình thành trong tương lai.

Nội dung tranh chấp chủ yếu xoay quanh các vấn đề về bàn giao quỹ bảo trì, thiết kế – thi công công trình, đo đạc diện tích căn hộ, phân định sở hữu chung – riêng, xác định đường ra vào chung cư hay chỉ đơn thuần là màu sơn của dự án…

Có thể kể ra đây một số sự vụ tranh chấp điển hình trong thời gian qua như Home City (177 Trung Kính, Cầu Giấy), New Horizon City (87 Lĩnh Nam, Hoàng Mai), Sky City (88 Láng Hạ, Đống Đa), C14 Bắc Hà (Tố Hữu, Nam Từ Liêm), HJK Parkview Residence (Tố Hữu, Hà Đông), CT1 Trung Văn (Cương Kiên, Nam Từ Liêm), Gamuda Gardens (Tam Trinh, Hoàng Mai), Hồ Gươm Plaza (Mộ Lao, Hà Đông) vv…

Giai đoạn bàn giao nhà là giai đoạn thường phát sinh tranh chấp
Giai đoạn bàn giao nhà là giai đoạn thường phát sinh tranh chấp

Mỗi vụ tranh chấp là một câu chuyện riêng, không dự án nào giống dự án nào, tuy nhiên tất cả đều thống nhất ở điểm chung, đó là kéo dài và đi vào ngõ cụt. Bởi hầu hết các vụ tranh chấp này cho đến nay vẫn chưa được giải quyết, bất chấp cộng đồng cư dân đã sử dụng mọi biện pháp đấu tranh, từ viết đơn khiếu nại, tố cáo, căng băng rôn, biểu tình hay thậm chí là đem nhau ra tòa.

Có thể nói, chưa bao giờ như bây giờ, tranh chấp chung cư lại “nở rộ” và đa dạng đến như vậy. Dường như nghịch lý “thị trường càng phát triển văn minh càng tụt hậu” đang ngày càng trở nên phổ biến và đúng hơn bao giờ hết.

Theo nhận định của các chuyên gia, sở dĩ tranh chấp chung cư ngày càng gia tăng về số lượng bởi các dự án mọc lên ngày càng nhiều. Đặc biệt giai đoạn hiện nay là thời điểm hàng loạt chung cư đi vào hoàn thiện và bàn giao cho khách hàng sau nhiều năm xây dựng. Sự hối hả muốn tận dụng đà tăng trưởng của thị trường đã khiến không ít chủ đầu tư chạy đua tiến độ, chạy đua lợi nhuận mà xem nhẹ quyền lợi của người mua nhà.

Tìm tiếng nói chung

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, một số vụ tranh chấp cũng có nguyên nhân từ việc người mua nhà đã hiểu chưa đúng về các điều khoản dẫn đến việc “làm khó” chủ đầu tư. Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, trong nhiều trường hợp, người mua nhà còn có thể có những yêu cầu vượt quá những điều đã cam kết, đẩy chủ đầu tư vào thế khó.

“Chúng tôi nghĩ rằng những tranh chấp phải được xem xét trên cơ sở những tài liệu thiết kế đã được duyệt của các cấp có thẩm quyền chứ không phải là tranh chấp trên cơ sở mong muốn của một phía. Người dân cũng phải xem xét kỹ các yếu tố này trước khi tiến hành khiếu nại, tránh tình trạng đưa ra những yêu cầu vượt quá những điều đã thỏa thuận cũng như đã được phê duyệt trước đó”, ông Hà nói.

Lấy ví dụ cho nhân định trên, ông Hà dẫn vụ tranh chấp tại dự án Tràng An Complex (do GP.Invest làm chủ đầu tư). Theo ông Hà, khiếu nại của cư dân về việc chủ đầu tư làm sai thiết kế hiện nay khá nhiều nhưng qua tìm hiểu thì thấy rằng đối với nhà đầu tư có trách nhiệm và tính chuyên nghiệp thì không bao giờ làm sai thiết kế so với những gì đã được duyệt. Bởi với hệ thống thanh tra từ bộ, thành phố đến quận, phường mọi sai phạm trong xây dựng sẽ bị kiểm tra rất nghiêm túc và xử lý triệt để.

Vị Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam nhấn mạnh rằng cư dân nên tỉnh táo, tránh tình trạng một số người lợi dụng tranh chấp gây ra những điều không đáng có nhằm đưa ra những yêu cầu vượt quá cam kết đã được phê duyệt, gây tổn hại cho cộng đồng.

Trong khi đó, theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Công ty luật SBLaw, người mua nhà hình thành trong tương lai cần trang bị dần các kiến thức, hoặc có thể tính tới việc thuê luật sư riêng (nếu có điều kiện) để giúp mình an tâm trong mọi giao dịch dân sự, kể cả việc mua nhà.

“Theo tôi, dù là nguyên nhân nào thì trước hết người dân cần bình tĩnh để nhìn nhận vấn đề một cách đúng đắn cũng như đưa ra cách hành xử văn minh, không nên manh động để có những hành vi vi phạm pháp luật như gây rối trật tự công cộng, huỷ hoại tài sản. Điều này vừa đảm bảo quá trình đấu tranh một cách công khai minh bạch, vừa đảm bảo chủ đầu tư cũng phải thận trọng khi hành xử với người mua nhà…Sau đó, nên tiến hành thương lượng, hòa giải; thể hiện quyền tự do thỏa thuận của các bên. Trong trường hợp các bên không thể thống nhất được một thỏa thuận chung thì có thể khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền”, Luật sư Hà nói.

A.D

Theo Trí thức trẻ.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan