Thủ tục đầu tư trực tiếp ra nước ngoài

Nội dung bài viết

Hiện tại, cùng với việc đón dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam (FDI), các doanh nghiệp Việt Nam cũng tiến hành đầu tư ra các thị trường nước ngoài, gần đây là Viettel cũng như Hoàng Anh Gia Lai tiến hành đầu tư ra Myanmar và một loạt các nước Châu Phi.

Để khách hàng hiểu thêm về thủ tục này, chúng tôi xin giới thiệu các quy định pháp luật về vấn đề này:

I. Cơ sở pháp lý:

  1. Chương VIII (Từ điều 74 – 79) Luật đầu tư số 59/2005/QH11 ngày 29/11/2005;
  2. Nghị định 78/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006.

II. Nội dung:

2.1 Đối tượng áp dụng:

Các loại hình doanh nghiệp theo quy định của Pháp luật Việt Nam hiện hành.

  1. Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần, Công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp;
  2. Doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước chưa đăng ký lại theo Luật Doanh nghiệp;
  3. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập theo Luật Đầu tư nước ngoài chưa đăng ký lại theo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư;
  4. Doanh nghiệp thuộc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội chưa đăng ký lại theo Luật Doanh nghiệp;
  5. Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã được thành lập theo Luật Hợp tác xã;
  6. Cơ sở dịch vụ y tế, giáo dục, khoa học, văn hóa, thể thao và các cơ sở dịch vụ khác có hoạt động đầu tư sinh lợi;
  7. Hộ kinh doanh, cá nhân Việt Nam.

2.2 Điều kiện đầu tư trực tiếp ra nước ngoài:

  1. Có dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (sau đây gọi là dự án đầu tư);
  2. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam;
  3. Tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn nhà nước đối với các trường hợp sử dụng vốn nhà nước để đầu tư trực tiếp ra nước ngoài;
  4. Được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

2.3 Vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài:

  1. Vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài thể hiện dưới các hình thức sau:
  2. Ngoại tệ.
  3. Máy móc, thiết bị; vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu, hàng hoá thành phẩm, hàng hoá bán thành phẩm.
  4. Giá trị quyền sở hữu công nghiệp, bí quyết kỹ thuật, quy trình công nghệ, dịch vụ kỹ thuật, quyền sở hữu trí tuệ.
  5. Các tài sản hợp pháp khác.

2.4 Hình thức đầu tư trực tiếp ra nước ngoài:

Đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp;

Hình thức đầu tư gián tiếp hiện nay chưa có văn bản quy định. (Khoản 2, Điều 16, Nghị định 160/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 quy định: “Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cụ thể điều kiện, trình tự, thủ tục và việc sử dụng ngoại hối để đầu tư gián tiếp ra nước ngoài”.

2.5 Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư trực tiếp ra nước ngoài:

Thủ Tướng chính phủ chấp thuận đầu tư:

  1. Dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực ngân hàng, kinh doanh bảo hiểm, tài chính, tín dụng, báo chí, phát thanh, truyền hình, viễn thông có sử dụng vốn nhà nước từ 150 tỷ đồng Việt Nam trở lên hoặc vốn của các thành phần kinh tế từ 300 tỷ đồng Việt Nam trở lên;
  2. Dự án đầu tư không quy định nêu trên có sử dụng vốn nhà nước từ 300 tỷ đồng Việt Nam trở lên hoặc vốn của các thành phần kinh tế từ 600 tỷ đồng Việt Nam trở lên.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp GCN Đầu tư:

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án đầu tư sau:

  1. Dự án đầu tư quy định sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận;
  2. Dự án đầu tư không quy định phải cần sự chấp thuận của Thủ tướng.

2.6 Quy trình cấp Giấy chứng nhận đầu tư trực tiếp ra nước ngoài:

Việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư thực hiện theo các quy trình sau:

  1. Quy trình đăng ký, cấp Giấy chứng nhận đầu tư áp dụng đối với dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư dưới 15 tỷ đồng Việt Nam;
  2. Quy trình thẩm tra, cấp Giấy chứng nhận đầu tư áp dụng đối với dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 15 tỷ đồng Việt Nam trở lên.
  3. Biểu mẫu hồ sơ quy định tại 1175/2007/QĐ-BKH ngày 10/10/2007

2.7 Điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư trực tiếp ra nước ngoài:

Khi có nhu cầu điều chỉnh dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư liên quan đến mục tiêu đầu tư, quy mô dự án đầu tư, vốn đầu tư, chủ đầu tư, nước tiếp nhận dự án đầu tư, thời hạn thực hiện dự án đầu tư thì nhà đầu tư phải làm thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư theo quy trình sau:

  1. Quy trình đăng ký, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư áp dụng đối với các trường hợp sau: (Điều 16, Nghị định 78)

a) Nội dung điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư không liên quan đến quy mô vốn đầu tư và lĩnh vực đầu tư.

b) Nội dung điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư không liên quan đến lĩnh vực đầu tư quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định này và tổng vốn đầu tư sau khi tăng thêm không lớn hơn 15 tỷ đồng Việt Nam.

2.Quy trình thẩm tra, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư áp dụng đối với các trường hợp không quy định đăng ký, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư. (Điều 17, Nghị định 78)

2.8 Triển khai dự án đầu tư:

  1. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày dự án đầu tư được chấp thuận theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư, Chủ dự án phải thông báo cho Cơ quan chức năng;
  2. Quá thời hạn 12 tháng, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư mà dự án đầu tư không được nước tiếp nhận đầu tư chấp thuận, hoặc quá thời hạn 06 tháng, kể từ ngày dự án đầu tư được cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư chấp thuận mà dự án đầu tư không được triển khai thì nhà đầu tư phải có văn bản nêu rõ lý do và đề nghị kéo dài thời hạn triển khai dự án đầu tư hoặc đề nghị chấm dứt dự án đầu tư gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
  3. Hàng năm, trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày có báo cáo quyết toán thuế hoặc văn bản có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư, nhà đầu tư có văn bản báo cáo tình hình hoạt động của dự án đầu tư kèm theo báo cáo quyết toán thuế hoặc văn bản có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư gửi Cơ quan có thẩm quyền.

2.9 Chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài: (Điều 23, 24 Nghị định 78)

1. Nhà đầu tư được chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư sau khi đáp ứng các điều kiện sau:

a) Đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư;

b) Dự án đầu tư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư chấp thuận theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.

2. Việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư để nghiên cứu, chuẩn bị dự án đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối và quy định khác của pháp luật có liên quan;

3. Việc chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài phải tuân thủ các quy định của pháp luậtvề quản lý ngoại hối, xuất khẩu, chuyển giao công nghệ và quy định khác của pháp luật có liên quan;

4. Mọi giao dịch chuyển ngoại tệ từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam liên quan đến dự án đầu tư được thực hiện thông qua một tài khoản ngoại tệ mở tại một tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối tại Việt Nam và được đăng ký với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

2.10 Chuyển lợi nhuận về nước:

  1. Trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày có quyết toán thuế hoặc văn bản có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư, nhà đầu tư phải chuyển toàn bộ lợi nhuận và các khoản thu nhập khác từ dự án đầu tư về Việt Nam;
  2. Trường hợp có nhu cầu kéo dài thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này, nhà đầu tư phải có văn bản đề nghị và nêu rõ lý do gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, quyết định. Việc gia hạn được thực hiện không quá 02 lần, mỗi lần không quá 06 tháng.
  3. Nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật.
  4. Trường hợp dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư thì mức thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam đối với phần lợi nhuận chuyển về nước được áp dụng như mức thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng đối với dự án đầu tư trong nước trong cùng lĩnh vực đầu tư.
  5. Trường hợp nước tiếp nhận đầu tư là quốc gia hoặc thuộc vùng lãnh thổ đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam thì nghĩa vụ về thuế của nhà đầu tư đối với Nhà nước Việt Nam thực hiện theo quy định của Hiệp định đó.
  6. Trường hợp nước tiếp nhận đầu tư là quốc gia hoặc thuộc vùng lãnh thổ chưa ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam thì khoản thuế thu nhập doanh nghiệp đã được nộp ở nước tiếp nhận đầu tư sẽ được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam.
  7. Việc miễn thuế xuất khẩu đối với tài sản mang ra nước ngoài để triển khai dự án đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

2.11 Chấm dứt hiệu lực của Dự án đầu tư:

Giấy chứng nhận đầu tư chấm dứt hiệu lực trong các trường hợp sau:

  1. Hết thời hạn quy định ghi tại Giấy chứng nhận đầu tư hoặc hết thời hạn đầu tư theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.
  2. Quá thời hạn quy định tại Điều 21 Nghị định này mà dự án đầu tư không được triển khai.
  3. Tổ chức kinh tế ở nước ngoài bị giải thể hoặc phá sản theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.
  4. Nhà đầu tư bị phá sản hoặc giải thể dẫn tới việc phải giải thể tổ chức kinh tế ở nước ngoài hoặc phải chuyển nhượng toàn bộ vốn đầu tư ở nước ngoài cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.
  5. Quá 12 tháng, kể từ ngày có báo cáo quyết toán thuế hoặc văn bản có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư mà nhà đầu tư không có văn bản báo cáo về tình hình hoạt động của dự án đầu tư quy định tại Điều 22 Nghị định này.
  6. Nhà đầu tư vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam hoặc pháp luật nước tiếp nhận đầu tư dẫn tới việc phải chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đầu tư.
  7. Nhà đầu tư có văn bản đề nghị chấm dứt dự án đầu tư và được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận.

Để biết thêm chi tiết về thủ tục đầu tư ra nước ngoài,Quý khách có thể liên hệ với S&B Law tại địa chỉ email info@sblaw.vn hoặc tham khảo website www.sblaw.vn

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan