Thu phí 2000 đồng/bài karaoke có đúng luật?

Nội dung bài viết

ANTD.VN – Tới đây, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) sẽ tiến hành thu phí tác quyền đối với hơn 10.000 tác phẩm âm nhạc với mức phí 2.000 đồng/bài/đầu máy karaoke trong 1 năm. Liên quan đến vấn đề này, bài viết dưới đây có trích dẫn ý kiến của luật sư Phạm Duy Khương – Công ty luật SBLAW.

Theo RIAV, đơn vị này sẽ tiến hành thu phí tác quyền đối với hơn 10.000 tác phẩm âm nhạc thuộc quyền sở hữu và quản lý của RIAV tại các tụ điểm ca nhạc trên cả nước (gồm các trung tâm kinh doanh dịch vụ karaoke, các địa điểm kinh doanh dịch vụ ca hát có sử dụng thiết bị karaoke).

Thu phí dựa trên cơ sở nào?

Thông tin trên khiến khá nhiều người lo lắng, đặc biệt là các chủ điểm kinh doanh dịch vụ karaoke đồng thời đặt câu hỏi liệu việc thu phí này của RIAV có đúng quy định, Luật sư Phạm Duy Khương – Giám đốc Công ty Luật SBLAW – Phó Giám đốc Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam cho biết, để trả lời câu hỏi này cần làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của RIAV là gì, các điểm kinh doanh dịch vụ karaoke có các bài hát từ nguồn nào và sử dụng các bài hát nằm trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của RIAV hay không?

Website của RIAV đã nêu rõ về nhiệm vụ của hội gồm “bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà sản xuất băng đĩa âm thanh tại Việt Nam, tuân thủ theo các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ ….” và theo quy định tại Điều 5.3 của Điều lệ Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số Quyết định số 70/2003/QĐ-BNV ngày 07/10/2003 của Bộ Nội vụ, thì RIAV có nhiệm vụ “thực hiện các quyền do hội viên ủy thác theo Hợp đồng”. Điều lệ RIAV cũng nêu rõ, RIAV có quyền “Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Hiệp hội và hội viên theo quy định của pháp luật”.

Ngoài ra, do RIAV được coi một tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định tại Điều 56.1 của Luật Sở hữu trí tuệ, nên theo quy định tại Điều 56.2 của Luật này, tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan được thực hiện quản lý quyền tác giả, quyền liên quan, đàm phán cấp phép, thu và phân chia tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác từ việc cho phép khai thác các quyền được ủy quyền; Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thành viên; tổ chức hòa giải khi có tranh chấp theo ủy quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan.

“Từ các căn cứ nêu trên, có thể thấy, RIAV có quyền thương lượng để thu và phân chia thù lao, các quyền lợi vật chất khác từ việc khai thác các bản ghi âm/ghi hình được sử dụng tại các điểm kinh doanh dịch vụ karaoke. Tuy vậy, RIAV chỉ được thực hiện quyền trên khi quyền này thuộc phạm vi quyền của các hội viện của RIAV” – Luật sư Phạm Duy Khương nhận định.

Điều đó có nghĩa là RIAV sẽ sai nếu tiến hành thu phí tác quyền đối với tác phẩm không được chủ sở hữu uỷ thác. Đối với trường hợp được phép thu phí thì mức thu sẽ là kết quả thương lượng của RIAV với các điểm kinh doanh dịch vụ karaoke. Ngoài ra, RIAV phải chứng minh được rằng các điểm kinh doanh dịch vụ này đang sử dụng trái phép/không phép các tác phẩm thuộc quyền sở hữu của các hội viên RIAV. Tuy nhiên, việc liệt kê các tác phẩm thuộc quyền sở hữu của các hội viên đang được sử dụng tại các điểm kinh doanh karaoke đối với RIAV là không đơn giản.

Mức phí có thể không chỉ là 2000 đồng

Thực tế, RIAV sẽ gặp khó khăn khá lớn trong việc thương lượng để đạt được con số 2.000 VNĐ/bài hát. Bởi, trên thế giới mức phí này thường mang tính chất ước lượng, linh động, thay vì đưa một mức phí cố định. Để có thể đạt được các lợi thế trong thương lượng thì RIAV sẽ phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan và sử dụng quyền yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả theo thủ tục hành chính/hình sự đối với các điểm kinh doanh karaoke có hành vi vi phạm quyền tác giả của các hội viên của mình – Luật sư Phạm Duy Khương phân tích.

Cũng cần phải lưu ý rằng, với các bài hát được sử dụng tại các điểm kinh doanh Karaoke, không những chỉ có quyền của các hội viên của RIAV mà có thể có cả quyền của tác giả bài hát, quyền của người biểu diễn. Do đó, việc thu phí sử dụng bài hát này sẽ có nhiều bên liên quan nên có thể mức phí mà các điểm kinh doanh karaoke phải thanh toán sẽ không dừng lại ở con số 2.000VNĐ/bài hát như đề xuất của RIAV.

Về những thắc mắc liên quan đến chế tài xử lý đối với các cơ sở kinh doanh không đóng phí, Luật sư Phạm Duy Khương cho rằng, bản chất đây là một vụ việc dân sự giữa một bên đang nắm quyền và một bên muốn khai thác quyền đó. Vì vậy, việc các cơ sở kinh doanh sử dụng quyền mà không xin phép, không trả phí là trái với quy định của luật sở hữu trí tuệ nên sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật dân sự. Trường hợp đặc biệt thì có thể áp dụng quy định về hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan và/hoặc khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường thiệt hại và thanh toán phí tác quyền cho các bài hát của hội viên bị xâm phạm.

Nguồn: http://m.anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/thu-phi-2000-dong-bai-karaoke-co-dung-luat/724669.antd

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan