Tại sao chủ đầu tư dễ "phủi trách nhiệm" khi tranh chấp chung cư?

Nội dung bài viết

Trong “bài toán” giải quyết tranh chấp ở các khu chung cư, nhất là tranh chấp giữa khách hàng và chủ đầu tư trong việc hoàn thiện hồ sơ cấp sổ hồng, phải nhìn nhận một thực tế là quy định hiện nay khiến chủ đầu tư rất dễ “phủi” đi trách nhiệm của mình.

Những ngày qua, câu chuyện được thị trường quan tâm nhiều nhất xảy ra tại Chung cư The Harmona do CTCP Vật tư Xuất nhập khẩu Tân Bình (Tamexim) làm chủ đầu tư. Đơn vị này đã thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất tại địa chỉ số 33 Trương Công Định, phường 14, quận Tân Bình, TP. HCM (dự án The Harmona) cho Ngân hàng BIDV, nhằm đảm bảo nghĩa vụ trả nợ vay của CTCP Thanh Niên (Thanh Nien Corp).
Thông tin này đã khiến cho hàng trăm hộ dân đang sinh sống tại chung cư này bàng hoàng, bởi họ đã mua nhà, đã nhận nhà và sinh sống ổn định tại đây hơn 3 năm qua, đồng thời, cư dân đang chờ chủ dự án bàn giao Giấy chứng nhận sở hữu nhà (sổ hồng). Điều đáng nói hơn cả, nháo nhào đi kiểm tra, họ mới phát hiện thêm, căn hộ mà mình đổ cả tỷ đồng ra mua đã bị chủ đầu tư mang cầm cố 2 lần, chứ không chỉ 1 lần.
Sau rất nhiều lùm xùm, Thanh Nien Corp cam kết tất toán toàn bộ khoản vay tại ngân hàng trước ngày 15/6/2016, để giải chấp dự án và làm “sổ hồng” cho cư dân (đã trả nợ xong vào ngày 16/6). Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra bức xúc và đặt dấu hỏi trách nhiệm khi Tamexim bán căn hộ cho khách hàng sau khi đã thế chấp Dự án The Harmona cho BIDV. Liệu sau khi Thanh Nien Corp hoàn thành nghĩa vụ trả nợ vay là Tamexim sẽ thoát “tội” làm sai?
Vụ tai tiếng tại The Harmona chưa lắng xuống, thì thị trường lại đón nhận thêm thông tin Chung cư Bảy Hiền Tower bị cắt điện nước khi đã bàn giao căn hộ mà lỗi cũng do chủ dự án, đã tiếp tục tác động mạnh đến tâm lý người mua nhà. Theo Thanh tra Sở Xây dựng TP. HCM, Chung cư Bảy Hiền Tower đã xây dựng sai phép so với thiết kế được duyệt, chưa hoàn thành hệ thống điện, nước, phòng cháy chữa cháy, thang máy chỉ mới lắp ráp tạm, hệ thống hạ tầng chưa xong…
Tuy nhiên, điều quan tâm hơn cả là việc dự án chưa hoàn thành nên chưa được nghiệm thu, nếu những sai phạm không được khắc phục, hoặc khắc phục không được, thì dự án này sẽ khó được ra “sổ hồng” cho khách hàng.
Hai câu chuyện trên mới chỉ là số nhỏ “vô tình” bị khơi lên vì lý do bất đắc dĩ trong thời gian gần đây, chẳng hạn như trường hợp của The Harmona khi Ngân hàng BIDV ra tối hậu thư siết nợ tới Thanh Nien Corp, còn tại dự án Bảy Hiền Tower thì vì cực chẳng đã bị cắt điện, cắt nước, bị tra tấn bởi tiếng ồn do việc thi công những hạng mục còn dở dang mang lại nên một số cư dân đã phải gửi đơn “kiến nghị” đến báo chí và cơ quan chức năng.
Trên thực tế, tình trạng tình trạng chủ đầu tư “lờ” đi việc làm sổ đỏ, sổ hồng cho người dân diễn ra khá phổ biến tại rất nhiều các chung cư trên cả nước, đặc biệt là tại 2 thành phố lớn là Thủ đô Hà Nội và TP. HCM, bất chấp các dự án đã hoàn thiện và đi vào sử dụng được 2 – 3 năm, thậm chí tới 5 – 7 năm.
Phòng đăng ký thống kê đất đai thuộc Sở Tài Nguyên – Môi trường Hà Nội cho biết, trên địa bàn Hà Nội, có khoảng 300 dự án có sai phạm đã cơ bản được tháo gỡ xong để cấp sổ hồng cho người dân. Tuy nhiên, hiện vẫn có khoảng 33 dự án còn vướng mắc và 50.000 trường hợp chưa cấp được sổ hồng.
Tại nhiều dự án như dự án Sakura trên đường Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân, chủ đầu tư còn biến cả tầng kỹ thuật thành nhiều căn hộ để bán, khiến toàn bộ khách hàng sau gần chục năm nhận bàn giao nhà không làm được sổ hồng. Một trường hợp khác thuộc dự án căn hộ cao cấp tại quận Đống Đa (Hà Nội) mới đây cũng tương tự. Dự án khi sắp hoàn thiện thì bị phát hiện xây thêm gần chục căn hộ bán cho khách hàng và đang bị thanh tra xây dựng tiến hành thanh tra.
Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SBLaw, có nhiều lý do dẫn tới việc chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho người dân trong các dự án phát triển nhà ở, trong đó chủ yếu là do chủ đầu tư có sai phạm về thủ tục xây dựng, như sai giấy phép, sai quy hoạch, hay vi phạm nghĩa vụ về tài chính với Nhà nước.
Tuy nhiên, theo ông Hà, nguyên nhân gốc rễ là do các chính sách pháp luật hiện nay dường như vẫn chưa theo kịp để điều chỉnh lĩnh vực này.
Đồng quan điểm, một chuyên gia bất động sản cho hay, hiện tại, pháp luật Việt Nam có nhiều văn bản có thể điều chỉnh quan hệ giao dịch liên quan đến chung cư như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai… và những văn bản hướng dẫn luật này. Tuy nhiên, những văn bản này chưa đủ để giải quyết các tranh chấp đặc thù ở chung cư.
“Trong khi những sai phạm đang ngày một tăng thì các chế tài xử lý sai phạm của các chủ đầu tư vẫn nằm trên giấy hoặc chưa thực sự có hiệu lực như mong muốn. Chẳng hạn, Bộ Xây dựng đang xin ý kiến các thành viên thị trường về Dự thảo sửa đổi Nghị định 121/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong các hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản… Tuy nhiên, quy định này vừa chồng chéo với Nghị định 102/2014/NĐ-CP, lại không thực sự đề ra được một cơ chế giám sát cụ thể đối với vấn đề về bàn giao sổ đỏ, sổ hồng cho người mua nhà sau khi đã bàn giao. Đây là một bất cập rất lớn cần nhìn lại”, vị chuyên gia này cho biết thêm.
0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan