Sa thải người lao động có thai, để “né” thưởng Tết có thể phải ngồi tù tới 3 năm

Nội dung bài viết

Trong bài “Sa thải người lao động có thai, để “né” thưởng Tết có thể phải ngồi tù tới 3 năm” đăng trên Báo An ninh thủ đô, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thị Thu – Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:

ANTD.VN -Điều 162 BLHS 2015 sửa đổi về Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật quy định, từ 1-1-2018, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà sa thải trái pháp luật đối với người lao động có thể bị phạt 200 triệu đồng hoặc ngồi tù tới 3 năm.

Nghiêm cấm việc sa thải lao động trái pháp luật

Theo Điều 162 BLHS 2015 sửa đổi 2017 về Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà thực hiện một trong các hành vi: Ra quyết định buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức, viên chức; Sa thải trái pháp luật đối với người lao động; Cưỡng ép, đe dọa buộc công chức, viên chức, người lao động phải thôi việc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng -1 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Đối với 2 người trở lên; Đối với phụ nữ mà biết là có thai; Đối với người đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;Làm người bị buộc thôi việc, người bị sa thải tự sát; Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác thì bị phạt tiền từ 100-200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1-3 năm.

Như vậy, theo quy định trên, người có hành vi sa thải người lao động trái pháp luật như sa thải vì lý do mang thai, nuôi con nhỏ, để “né” tiền thưởng Tết, để “xí chỗ’ cho người nhà, vì tư thù cá nhân…nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân này có thể bị phạt tới 200 triệu đồng hoặc phải ngồi tù tới 3 năm” – Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Thị Thu, so với điều 128 BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009, Điều 162 BLHS 2015 (sửa đổi) tuy giữ nguyên khung hình phạt tù song đã thay hình phạt cảnh cáo bằng hình phạt tiền, đồng thời, bổ sung quy định phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 162 thì bị phạt tiền từ 100-200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1-3 năm. Ngoài ra, quy định mới còn có thêm hình phạt bổ sung đối với người phạm tội. Theo đó, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ 1-5 năm.

Bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người lao động

Theo quy định trên, để cấu thành Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật thì phải có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm. Trong đó, trước hết cần xem xét trách nhiệm hình sự của người thực hiện việc sa thải.

Thứ 2, việc sa thải người lao động phải trái pháp luật. Về nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động được quy định tại BLLĐ. Trường hợp việc sa thải người lao động không được thực hiện đúng quy định về nguyên tắc, trình tự thủ tục, căn cứ sa thải người lao động thì hành vi sa thải người lao động là trái pháp luật.

Thứ 3, người sa thải có mục đích là vì vụ lợi cá nhân hoặc động cơ cá nhân khác. Hậu quả do việc sa thải trái pháp luật gây ra làm cho người bị sa thải hoặc gia đình họ lâm vào tình trạng khó khăn hoặc dẫn đến đình công. Như vậy, khi hành vi sa thải trái pháp luật cấu thành các yếu tố nêu trên, chủ thể thực hiện hành vi này có thể bị xử lý hình sự và chịu mức hình phạt là phạt tiền lên đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng-3 năm.

Hậu quả pháp lý của việc sa thải trái pháp luật đối với doanh nghiệp là người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…Nếu người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường người sử dụng lao động còn phải trả trợ cấp thôi việc…

Sa thải là một trong các hình thức kỷ luật mà người sử dụng lao động được quyền áp dụng để kỷ luật người lao động khi có các căn cứ theo quy định tại Điều 126 BLLĐ. Song đây một biện pháp kỷ luật khá nặng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người lao động nên người ra quyết định sa thải còn có khả năng phải chịu trách nhiệm hình sự nếu hành vi đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm.

“Có thể nói, việc sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 162 BLHS 2015 sửa đổi nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, có tác dụng răn đe đối với người sử dụng lao động, buộc họ phải tuân thủ theo đúng trình tự thủ tục luật định để xem xét một cách toàn diện và không bỏ sót quyền lợi của người lao động trước khi quyết định sa thải, kể cả trong trường hợp người lao động có lỗi” – Luật sư Nguyễn Thị Thu bày tỏ quan điểm.

Nguồn: http://anninhthudo.vn/phap-luat/sa-thai-nguoi-lao-dong-co-thai-de-ne-thuong-tet-co-the-phai-ngoi-tu-toi-3-nam/749906.antd

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan