Quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư

Nội dung bài viết

Dưới đây là những chia sẻ của Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law trong bài Tư vấn Pháp luật tháng 12/2019 liên quan đến vấn đề quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư.

1.Thưa luật sư…Tại khoản 1 Điều 21 Hiến pháp quy định “mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình, có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình…” như vậy có nghĩa, thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn. Tuy nhiên hiện nay, nhiều báo chí, thông tin mạng khai thác quá mức cần thiết thông tin đời tư, gây bất lợi, thiệt hại về kinh tế, thậm chí nguy hiểm cho tính mạng các cá nhân. Dưới góc độ là 1 luật sư, Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Trả lời:

Điều 21 Hiến pháp quy định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình; Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”.

Thể chế hoá tinh thần của Hiến pháp năm 2013, Điều 38 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:

“1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

  1. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
  2. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.

  1. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Bộ luật dân sự năm 2015 đã quy định khá hoàn chỉnh, cụ thể, rõ ràng quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của cá nhân, đây là quyền nhân thân của cá nhân bất khả xâm phạm.

Thực trạng trên báo chí, mạng xã hội ở Việt Nam trong những năm trở lại đây đã tồn tại nhiều thông tin làm lộ bí mật đời tư của một cá nhân, làm lộ bí mật của một gia đình, … ngoài ý chí của cá nhân và những gia đình đó.

Không ít trường hợp, mạng xã hội bị lạm dụng để công khai nhiều thông tin, sự kiện liên quan đến cá nhân, tổ chức trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội gây ra những phản cảm cho người xem, người nghe khi sử dụng mạng xã hội, … và thậm chí những người vi phạm pháp luật sử dụng mạng xã hội để để nói sai sự thật nhiều vấn đề nóng được nhiều người quan tâm và hệ quả của những thông tin này đã gây ra những biến đổi về nhận thức, đánh giá sai lệch một sự kiện hay một cá nhân, tổ chức cụ thể.

2. Liên quan đến vấn đề này, ngoài điều 21 hiến pháp đã quy định, chúng ta còn có luật An ninh mạng, luật Báo chí để ngăn chặn những thông tin tiêu cực này, tuy nhiên nó vẫn diễn ra ngày càng nhiều. Thea ông, phải chăng vì các chế tài xử phạt còn chưa cứng rắn và hành lang pháp lý vẫn còn nhiều lỏng lẻo? và chúng ta cần có giải pháp gì để có thể hạn chế điều này?
Trả lời:

Bất kỳ một đạo Luật nào được xây dựng, ban hành đều nhằm mục đích là điều chỉnh các hành vi xã hội, bảo vệ mọi công dân. Luật An ninh mạng năm 2018 ra đời không nằm ngoài mục đích này, chỉ đặc biệt hơn là bảo vệ an toàn cho cá nhân, tổ chức, rộng hơn là một quốc gia trên môi trường ảo là không gian mạng nhưng hậu quả gây ra là thực.

Bên cạnh đó, với tính chất đặc thù của nghề nghiệp, báo chí là lĩnh vực có liên quan nhiều nhất đến bí mật đời tư cá nhân, đồng thời cũng là lĩnh vực mà việc xâm phạm bí mật đời tư cá nhân xảy ra mọt cách thường xuyên, như một sự việc hiển nhiên của ngành, thậm chí việc xâm phạm bí mật đời tư là một việc không thể thiếu nếu muốn có một bài báo “giật gân”, “nổi”, thu hút dư luận chú ý. Khoản 5 Luật Báo chí năm 2016 có quy định hành vi bị nghiêm cấm, trong đó, bao gồm hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh Mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật.

Về xử phạt vi phạm hành chính, Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP quy định rõ: “Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật; Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”.

Về xử lý hình sự, Khoản 1 Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định rõ Tội làm nhục người khác, trong đó, “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm”.

Tại Điểm b Khoản 1 Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định: Người nào thực hiện hành vi “Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó, thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.

Như vậy người có hành vi xâm phạm đến thông tin cá nhân thì tùy từng trường hợp cụ thể, hành vi đó có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo đó, hành lang pháp lý và chế tài xử phạt liên quan đến hành vi xâm phạm bí mật cá nhân, tổ chức đã được quy định khá hoàn thiện. Tuy nhiên, để xác định được những cá nhân, tổ chức tung tin thất thiệt trên mạng xã hội làm lộ quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người khác thật sự phức tạp, vì có những tên ảo, địa chỉ ảo.

Việc xác định chủ thể trên mạng xã hội đã có hành vi trái pháp luật là xâm phạm đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người khác thật sự khó khăn, do vậy, không có căn cứ pháp lý để có thể quy trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân có hành vi trái pháp luật này.

3. Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tại kỳ họp thứ 8-QH khoá XIV vừa qua, có đại biểu cho rằng cần có Luật bảo vệ thông tin đời tư, bí mật cá nhân. Và Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã trả lời “chúng ta cần có một bộ luật, vì các quốc gia đều có Bộ luật về bảo vệ thông tin cá nhân và hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ và bước một có thể là sẽ ban hành một nghị định. “ Ông nghĩ sao về điều này? Có thực sự cần thiết ra 1 bộ luật riêng về vấn đề này không?

Trả lời:

Mặc dù chưa có văn bản chính thức quy định riêng, nhưng việc bảo vệ thông tin đời tư, bí mật cá nhân đã được quy định rải rác ở nhiều văn bản luật. Sự rải rác của các văn bản luật khiến việc giám sát và quản lý không có sự đồng bộ, thống nhất.

Theo đó, việc ban hành một văn bản luật quy định riêng về vấn đề này là cần thiết. Tuy nhiên, khi ban hành một văn bản luật riêng, thì Luật mới cần tổng hợp những vấn đề liên quan đến bảo vệ đời tư, bí mật cá nhân trong nhiều lĩnh vực, quy định cụ thể, chi tiết hơn, đồng thời có thể rút bớt những vấn đề tương tự trong các văn bản luật chuyên ngành để tránh chồng chéo.

 

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan