Nhượng quyền thương mại vấn đề doanh nghiệp cần lưu ý

Nội dung bài viết

Trong thời gian gần đây, sự phát triển thành công của các chuỗi cửa hàng mang nhãn hiệu “PHỞ 24”; LOTTERIA”; “KFC”;"PARKSON” tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, và đặc biệt gần đây nhất là sự kiện liên kết sử dụng nhãn hiệu dịch vụ giữa hai hãng hàng không PACIFIC AIRLINE và JETSTAR AIRWAY đang nhận được sự quan tâm đặc biệt trong giới kinh doanh.

Có thể khẳng định rằng, đây là một trong những dấu hiệu xâm nhập của một trào lưu kinh doanh mới tại Việt Nam – trào lưu kinh doanh theo mô hình nhượng quyền thương mại hay còn gọi là franchise.

Nhượng quyền thương mạithực chất là việc bên có quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, hay bí mật kinh doanh -bên nhượng quyền- cấp phép cho bên thứ hai đủ điều kiện –bên nhận nhượng quyền- kinh doanh/sản xuất dưới nhãn hiệu/tên thương mai, bí quyết... của mình. Trong đó, bên nhượng quyền còn có thể tiến hành những hoạt động cần thiết để đào tạo và trợ giúp bên nhận nhượng quyền thiết lập những nền tảng ban đầu trong hoạt động kinh doanh. Đổi lại, bên nhận nhượng quyền buộc phải trả một khoản phí duy trì nhất định để hoạt động kinh doanh theo mô hình đã được nhượng quyền.

Thực vậy, kinh doanh theo hình thức nhượng quyền thương mại đã tồn tại tương đối lâu đời ở nhiều nước trên thế giới. Vậy nhưng, tại Việt Nam hình thức này chỉ mới bước đầu nở rộ trong thời gian mấy năm trở lại đây, và đang được nhiều doanh nghiệp lựa chọn sử dụng trong các chiến lược mở rộng quy mô hoạt động của mình. Tuy nhiên, không phải mọi doanh nghiệp đều triển khai thành công chiến lược kinh doanh theo mô hình này, và đã có không ít tên tuổi, nhãn hiệu đã bị thiệt hại đáng kể cả về mặt doanh thu cũng như uy tín trên thương trường do những sai lầm trong quá trình thực hiện chiến lược franchise.

Vậy Doanh nghiệp có thể thu được những lợi ích gì và có khả năng phải đối mặt với những rủi ro gì khi tiến hành triển khai mô hình kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại là gì?

Đối với doanh nghiệp nhượng quyền

Nhượng quyền thương mại có khả năng tạo dựng cho doanh nghiệp nhượng quyền một hệ thống liên kết mạnh về thương mại và tài chính. Thông qua hệ thống liên kết này, doanh nghiệp có khả năng thu được một nguồn thu tương đối ổn định từ khoản phí nhượng quyền cùng với phần trăm doanh thu hàng năm từ phía các bên nhận nhượng quyền. Đây cũng được coi là một kênh huy động nguồn lực tài chính vô cùng hiệu quả và đáng tin cậy cho doanh nghiệp nhượng quyền trong việc xây dựng và triển khai các chiến lược đầu tư kinh doanh của mình.

Bên cạnh đó, thông qua mạng lưới các bên nhận nhượng quyền, doanh nghiệp có thể thâm nhập và thăm dò hiệu quả đầu tư trên các thị trường mới một cách nhanh chóng với chi phí rủi ro thấp nhất. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã coi “nhượng quyền thương mại” như là một lựa chọn tối ưu bằng cách tận dụng nguồn lực “địa phương” để thâm nhập hiệu quả vào thị trường nội địa của các quốc gia đang phát triển mà không phải đối mặt với bất kỳ một rào cản thương mại hoặc pháp lý nào. Đặc biệt, chiến lược đầu tư này đặc biệt tỏ ra vô cùng hiệu quả đối với những lĩnh vực hạn chế hiện diện thương mại hoặc sự tham gia kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài tại khu vực thị trường nội địa. Trong khi đó, chi phí mà doanh nghiệp nhượng quyền phải bỏ ra để triển khai mô hình nhượng quyền thương mại hầu như không đáng kể.

Mặt khác, xét về khía cạnh quản trị doanh nghiệp, doanh nghiệp nhượng quyền không phải tốn bất kỳ một chi phí nào để duy trì và quản lý một bộ máy sản xuất kinh doanh khổng lồ và thường xuyên có nguy cơ phải đối mặt với các vấn đề kinh niên như cơ sở vật chất, nhà xưởng, máy móc và những xung đột về văn hoá tại quốc gia sở tại. Trong khi đó, những vấn đề này hoàn toàn có thể được giải quyết một cách hiệu quả và nhanh chóng thông qua hệ thống các bên nhận nhượng quyền trong nội địa nhờ những lợi thế kinh doanh mà nhà đầu tư nước ngoài không thể có được. Như vậy, doanh nghiệp nhượng quyền sẽ có thể tiết kiệm được nhiều thời gian và tiền bạc hơn để đầu tư vào các vấn đề ở tầm vĩ mô khác như chiến lược phát triển, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, phát triển thương hiệu, đầu tư công nghệ mới…

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích có thể thu được, doanh nghiệp nhượng quyền cũng cần phải nhận thức được những rủi ro có thể phát sinh trong quá trình thực hiện chiến lược kinh doanh thông qua mô hình nhượng quyền thương mại.

Rủi ro đầu tiên có thể phát sinh từ mô hình nhượng quyền thương mại là khả năng nhãn hiệu, tên thương mại của doanh nghiệp nhượng quyền bị chính hệ thống các bên nhận nhượng quyền của mình làm tổn hại. Thông thường, các doanh nghiệp nhận nhượng quyền thương mại phải tuân thủ một cách hết sức chặt chẽ những tiêu chuẩn bắt buộc về giá cả, chất lượng hàng hoá dịch vụ được cung cấp, quy cách phục vụ và thậm chí cả về quy mô kinh doanh do bên nhượng quyền đặt ra. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhượng quyền vẫn có thể cho phép có những thay đổi, cải tiến nhất định trong phong cách phục vụ, thậm chí là tiêu chuẩn hàng hoá, dịch vụ … để có thể nhanh chóng xâm nhập vào thị trường nội địa và để phù hợp với phong tục, văn hoá và thói quen tiêu dùng của người dân sở tại. Trong những trường hợp này, nếu doanh nghiệp nhượng quyền không kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh của hệ thống các bên nhận nhượng quyền thì rất có thể uy tín và thương hiệu của chính doanh nghiệp đó sẽ bị tổn hại nghiêm trọng và buộc phải đối mặt với nguy cơ bị mất thị trường.

Mô hình nhượng quyền thương mại luôn luôn đi kèm với việc bên nhượng quyền cho phép bên nhận nhượng quyền được quyền sử dụng một số tài sản thuộc quyền sở hữu trí tuệ của bên nhượng quyền như nhãn hiệu, kiểu dáng hoặc sáng chế. Đây được coi là một trong những điều kiện không thể thiếu để tạo điều kiện cho bên nhận nhượng quyền có thể tạo lập cơ sở kinh doanh. Tuy nhiên, việc chấp nhận trao quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ cũng đồng nghĩa với việc bên nhượng quyền phải chấp nhận khả năng bên nhận nhượng quyền trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp của mình ngay trên một thị trường thứ ba khác do ảnh hưởng của cơ chế cạn quyền trong sở hữu trí tuệ.

Đối với bên nhận nhượng quyền

Lơi ích mà bên nhận nhượng quyền có thể thu được trong việc triển khai kinh doanh theo mô hình nhượng quyền thương mại thường rất lớn. Thay vì phải tốn công sức vào việc thiết lập một dự án kinh doanh mới thường chứa nhiều yếu tố rủi ro khó dự đoán, doanh nghiệp chỉ việc mua lại công nghệ kinh doanh từ bên giao, tiếp tục ý tưởng đã được thử nghiệm và thực hiện thành công của bên giao. Đồng thời, bên nhận nhượng quyền hoàn toàn có thể tận dụng và phát huy những lợi thế kinh doanh từ thương hiệu, công nghệ sản xuất… đã được bên nhượng quyền tạo lập, hoàn thiện trong nhiều năm để nhanh chóng xâm nhập và tạo dựng chỗ đứng vững chắc của mình trên thị trường. Ví dụ về sự thành công của thương hiệu thời trang AN PHƯỚC đặt bên cạnh nhãn hiệu nổi tiếng PIERE CARDIN là một minh chứng điển hình.

Ngoài ra, kinh doanh theo phương thức nhận nhượng quyền thương mại, bên nhận còn được đào tạo những phương thức và kỹ năng quản lý trong thực tiễn hoạt động kinh doanh từ những nhà đầu tư danh tiếng trên thế giới. Thông qua cơ hội được tiếp xúc và được chia sẻ những bí quyết và kinh nghiệm kinh doanh đã được thử nghiệm và đúc rút trong nhiều năm của bên nhượng quyền thương mại, bên nhận nhượng quyền tự xây dựng và phát triển cho mình những tri thức quản lý riêng, có thể áp dụng cho các chiến lược kinh doanh tương tự khác của mình.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm thuận lợi có thể khai thác được từ mô hình kinh doanh franchise, doanh nghiệp phía nhận nhượng quyền thương mại cũng buộc phải chịu chấp nhận sự kiểm soát tương đối chặt chẽ của bên nhượng quyền đối với một số vấn đề trong hoạt động kinh doanh của mình, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến quy trình sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm, việc nhập khẩu nguyên liệuNgoài ra, bên nhượng quyền thường bảo lưu quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và yêu cầu bên nhận nhượng quyền ngay lập tức chấm dứt toàn bộ hoạt động kinh doanh dưới nhãn hiệu hoặc mô hình kinh doanh đã được nhượng quyền trước đó nếu bên nhận nhượng quyền không đáp ứng được một số điều kiện nhất định do bên nhượng quyền đưa ra. Trong trường hợp này, rủi ro mà doanh nghiệp nhận nhượng quyền có thể rất lớn, đặc biệt là trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến hàng hoá hoặc các đơn đặt hàng còn đang tồn đọng…

Vì vậy, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, franchise có thể được coi là một trong những lựa chọn hàng đầu để có thể đứng vững trong điều kiện thị trường có sự cạnh tranh khốc liệt. Tuy nhiên, trước khi chính thức ký kết hợp đồng để trở thành bên nhận nhượng quyền thương mại, các doanh nghiệp cũng cần phải xem xét và nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng đối với một số vấn đề và điều khoản quan trọng như: Thế mạnh về thị trường, tài chính và thương hiệu của bên giao tiềm năng, chất lượng đào tạo ban đầu và trong quá trình triển khai mô hình franchise, quy trình kiểm tra, giám sát của bên giao và các quy chuẩn bắt buộc phải tuân thủ, trách nhiệm về các hoạt động quảng cáo và phát triển thương hiệu của bên giao, quyền phân phối sản phẩm, dịch vụ của bên nhận… Ngoài ra để đảm bảo tối đa sự linh hoạt và độc lập trong hoạt động kinh doanh của bên nhận, doanh nghiệp cũng cần phải nghiên cứu một cách kỹ lưỡng hình thức pháp lý của hợp đồng sẽ được ký kết giữa hai bên. Thông thường, trong trường hợp này, các doanh nghiệp nên tìm đến sự hỗ trợ của một bên tư vấn pháp lý độc lập để tránh những bất lợi không đáng có xảy ra.

Kết luận

Việt Nam đã và đang là thị trường nhiều tiềm năng, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư quốc tế. Trong đó, phương thức nhượng quyền thương mại đang là một trong những phương thức phát triển hoạt động kinh doanh được nhiều doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn nhằm nhanh chóng tạo dựng chỗ đứng trên thị trường Việt Nam thay vì phải tiến hành những thủ tục pháp lý phức tạp để thiết lập hiện diện thương mại với phạm vi quyền kinh doanh có nhiều hạn chế bởi các cam kết quốc tế theo lộ trình gia nhập WTO. Đây cũng là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước tận dụng để học hỏi các kinh nghiệm quản lý kinh doanh, tiếp thu công nghệ tiên tiến và hiện đại của thế giới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, không kể bên nhượng quyền hay bên nhận nhượng quyền thương mại cũng cần phải hết sức quan tâm tìm hiểu những mặt lợi và hại của mô hình kinh doanh này trước khi triển khai áp dụng trên thực tế.

Thạc sỹ Trần Trung Kiên
Công ty luật S&B Law
0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan