Những điểm mới của Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 (phần 2)

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty Luật SB Law đã trả lời về những vấn đề liên quan đến Luật Cảnh sát biển năm 2018 trên Đài Tiếng nói Việt Nam chuyên mục Bạn và pháp luật. Dưới đây là nội dung chi tiết:

  1. Câu hỏi từ bạn Xuân Lan, ở Phú Thọ: “ Tôi thấy Luật cảnh sát biển mới ra đời có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay, và tôi cũng có một thắc mắc là hiện thì lực lượng cảnh sát biển cũng có những kích thước rất lớn, nhưng hình như chưa có trang bị vũ khí để có thể trấn áp tội phạm hay các xâm phạm khác trên biển như các tàu của Hải quân. Có quy định nào trong Luật mới quy định về việc trang bị vũ khí cho lực lượng cảnh sát biển không, vì lực lượng này thường trực trên biển?

Trả lời:

Hiện theo Luật cảnh sát biển Việt Nam năm 2018, việc trang bị, sử dụng vũ khí của lực lượng cảnh sát biển được quy định tại Điều 14 như sau: “Khi thi hành nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam sử dụng vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và được nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.”

Căn cứ theo điểm c, Khoản 1, Điều 18 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, cảnh sát biển thuộc đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng. Theo Khoản 2 Điều 3 Luật này, vũ khí quân dụng là vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật này để thi hành công vụ, bao gồm:

- Súng cầm tay bao gồm: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu;

- Vũ khí hạng nhẹ bao gồm: súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân;

- Vũ khí hạng nặng bao gồm: máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, xe tăng, xe thiết giáp, tàu chiến, tàu ngầm, pháo mặt đất, pháo phòng không, tên lửa;

- Bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi; đạn sử dụng cho các loại vũ khí quy định tại các điểm a, b và c khoản này.

  1. Trong những điều luật mới của Luật Cảnh sát biển Việt Nam, thì có một điểm quy định về phạm vi hoạt động của lực lượng cảnh sát biển như sau: Trong một số trường hợp thì Cảnh sát biển Việt Nam (CSBVN) được hoạt động ở địa bàn liên quan và vùng biển ngoài vùng biển Việt Nam. Điều này, theo Luật sư, chúng ta có thể hiểu như thế nào?

Trả lời:

Điều này được quy định cụ thể tại Khoản 2 Điều 11 Luật Cảnh sát biển năm 2018 (LCSB). Cụ thể: “Trong trường hợp vì mục đích nhân đạo, hòa bình, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, Cảnh sát biển Việt Nam được hoạt động ngoài vùng biển Việt Nam khi hoạt động phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam.”

Đây là điểm mới về phạm vi hoạt động của CSBVN quy định trong LCSB. Cụm từ “ngoài vùng biển Việt Nam” có thể được hiểu bao gồm: các địa bàn liên quan và vùng biển ngoài vùng biển Việt Nam (đất liền, vùng biển quốc tế). Quy định này phù hợp với pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã họi chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; phù hợp với đặc điểm, tình hình vùng biển Việt Nam; phù hợp với thực tiễn hoạt động của CSBVN và đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ biển, đảo hiện nay.

Thực tế Vịnh Bắc Bộ, Vùng nước lịch sử Việt Nam – Campuchia chưa xác định đường cơ sở, chưa xác định được nội thủy, lãnh hải nên không có cơ sở để phân chia phạm vi hoạt động cho từng lực lượng. Hơn nữa, vùng biển Việt Nam rộng, khó kiểm soát, quản lý và bảo vệ, trong đó khu vực biển phía Nam có nội thuỷ từ 80 -100 hải lý (từ Hòn Hải đến Côn Đảo, Thổ Chu) là vùng biển chiến lược quan trọng, có nhiều nguồn tài nguyên cần bảo vệ, đồng thời có nhiều hoạt động khai thác biển, đã xảy ra nhiều hành vi vi phạm pháp luật như: buôn lậu, gian lận thương mại, tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam, khai thác tài nguyên biển trái phép, cướp có vũ trang trên biển...

Trong khi đó, các lực lượng chức năng khác hoạt động trên biển còn mỏng; phương tiện, trang bị và năng lực hoạt động còn hạn chế. Nếu phân chia phạm vi hoạt động trên từng vùng biển cho các lực lượng, sẽ dễ dẫn đến bỏ trống vùng biển, bỏ sót, lọt vi phạm, tội phạm trên biển; lãng phí nguồn lực Đảng, Nhà nước đã đầu tư cho CSBVN, làm hạn chế việc phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển và quản lý, bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc; bảo đảm tương đồng về phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển (lực lượng bảo vệ bờ biển) của một số nước.

Cho nên việc mở rộng phạm vi hoạt động của CSBVN như vậy là hợp lý.

  1. Câu hỏi từ bạn Thanh Lan, ở Hà Nội: “Tôi thấy lực lượng cảnh sát biển không chỉ cứu nạn cứu hộ ngư dân trên biển, còn phối hợp với các lực lượng quốc tế để đấu tranh phòng chống tội phạm trên biển. Vậy có quy định cụ thể nào về công tác phối hợp này hay không?”

Trả lời:

Từ năm 2011 đến nay, Cảnh sát biển Việt Nam đã phối hợp với các lực lượng, địa phương trao đổi gần 27.000 tin liên quan đến chức năng, nhiệm vụ; tuyên truyền, đấu tranh, yêu cầu hàng chục nghìn lượt tàu thuyền nước ngoài vi phạm ra khỏi vùng biển Việt Nam; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho hàng trăm nghìn lượt người; bắt giữ, xử lý gần 3.000 đối tượng với trên 2.000 lượt tàu thuyền vi phạm; tổng số tiền xử phạt và giá trị hàng hóa tịch thu ước đạt hàng nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Cảnh sát biển Việt Nam đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thiết lập mối quan hệ song phương, đa phương với các tổ chức, lực lượng thực thi pháp luật của các nước trong khu vực và trên thế giới. Nhờ đó, sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành, địa phương, nhất là các lực lượng thực thi pháp luật trên biển luôn được phát huy; việc tranh thủ các nguồn lực, kinh nghiệm của lực lượng thực thi pháp luật của các nước trong khu vực và quốc tế thường xuyên được tăng cường, góp phần củng cố thế trận quốc phòng, an ninh trên biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác để phát triển đất nước.

Điều 8 Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 quy định về nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam. Trong đó có quy định cảnh sát biển Việt Nam có nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh, trật tự,an toàn trên biển; thực hiện hợp tác quốc tế trên cơ sở điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam.

Như vậy, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam trong phạm vi quyền hạn của mình tích cực phối hợp với các lực lượng nước ngoài để thực hiện công cuộc phòng chống tội phạm trên biển.

  1. Câu hỏi từ bạn Thế Nam, ở Nam Định: “Luật Cảnh sát biển mới nâng cao nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của lực lượng cảnh sát biển, vậy rất nhiều các ngư dân trên biển, họ có được những lợi ích gì từ Luật này, thưa Luật sư?”

Trả lời:

Trong thời gian qua, ngư dân cả nước luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, nhà nước, Chính phủ và của các ngành các cấp chính quyền địa phương giúp đỡ, hỗ trợ ngư dân sản xuất an toàn trên biển, phòng chống thiên tai, thực hiện các quy định của pháp luật, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát biển luôn sát cánh cùng bà con ngư dân trên các vùng biển.

Theo đó bà con ngư dân đã được tuyên truyền về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển đảo và phổ biến các Hiệp định ranh giới trên biển giữa Việt Nam với các nước trong khu vực; các văn bản pháp luật của Việt Nam về biển và khai thác, đánh bắt hải sản an toàn, bền vững, đúng pháp luật gắn với bảo vệ môi trường, chống khai thác hải sản bất hợp pháp.

Thông tin về diễn biến tình hình trên các vùng biển; tình hình vi phạm quy định pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế; các vị trí đảm bảo hậu cần nghề cá và hoạt động hỗ trợ cho bà con ngư dân khi sản xuất trên biển của Hải quân Nhân dân Việt Nam; khám, tư vấn sức khỏe, phát thuốc miễn phí cho ngư dân, góp phần đảm bảo sức khỏe để bà con yên tâm vươn khơi, bám biển, bám ngư trường; tặng các dụng cụ trang thiết bị phục vụ hoạt động của ngư dân; tặng quà các hộ gia đình chính sách, gia đình ngư dân khó khăn, tặng cờ Tổ quốc, tủ thuốc, phao cứu sinh cho các chủ tàu, ngư dân; tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao;... giúp bà con có thêm động lực để cùng với các lực lượng chức năng tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ ngư trường truyền thống.

Các lực lượng chức năng dốc hết sức của mình để bảo vệ ngư dân, chăm lo đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của họ, từ đó ngư dân yên tâm sản xuất, vươn khơi bám biển, khai thác thủy sản có trách nhiệm.

  1. Tiếp nối câu hỏi của bạn Thế Nam, tôi được biết là trong Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 có quy định về việc các Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát biển Việt Nam trong quá trình làm nhiệm vụ sẽ có những chế độ chính sách rất cụ thể, được luật ghi nhận, luật sư hãy chia sẻ rõ hơn về các chế độ, chính sách này?

Trả lời:

Các chế độ, chính sách quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát biển Việt Nam được quy định cụ thể tại Điều 6 Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018. Cụ thể:

- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi hoạt động trong vùng biển Việt Nam có trách nhiệm tham gia, phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát biển Việt nam thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

- Cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện quyết định huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự của cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát biển Việt Nam được Nhà nước bảo vệ và giữ bí mật khi có yêu cầu; có thành tích thì được khen thưởng; bị thiệt hại về tài sản thì được đền bù; bị tổn hại về danh dự, nhân phẩm thì được khôi phục; người bị thương tích, tổn hại về sức khoẻ, tính mạng thì bản thân hoặc gia đình được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

Theo đó, tổ chức, cá nhân, cơ quan tham gia phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát biển Việt Nam trên cơ sở quan điểm của Đảng, Nhà nước về phát huy sức mạnh tổng hợp trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển. Trong đó, lực lượng vũ trang nói chung, lực lượng Cảnh sát biển nói riêng là nòng cốt.

  1. Thưa Luật sư, Xuất phát từ đặc điểm môi trường hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam trên các vùng biển rộng, do đó, công tác phối hợp cần được triển khai không chỉ ở trong nước mà phối hợp quốc tế cũng đặt ra, so với Pháp lệnh trước đây thì trong Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định về hợp tác quốc tế được quan tâm ra sao?

Trả lời:

Hiện nay, tình hình vùng biển Việt Nam diễn biến ngày một khó lường, các tình huống liên quan tới quốc phòng – an ninh trên biển liên tiếp xảy ra, do chiến lược, tham vọng kiểm soát biển của các nước trong khu vực (vụ giàn khoan HD981 năm 2014; HD 760 năm 2017; các vụ nổ súng vào ngư dân Việt Nam trên biển,…); các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyển thống, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia về ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại; vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn trên biển.

Đặc biệt là các tổ chức tội phạm quốc tế đã lợi dụng chính sách mở cửa thông thương trong hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam để thực hiện hành vi phạm pháp của mình. Để giải quyết vấn đề này, đòi hỏi sự chung tay giải quyết của cộng đồng quốc tế. Không một quốc gia nào có thể tự giải quyết nếu không có sự hợp tác với các nước khác. Vì vậy, hợp tác quốc tế trong đấu tranh, phòng chống tội phạm quốc tế đang là một đòi hỏi mang tính cấp thiết.

So với Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam trước đây, Luật Cảnh sát biển Việt Nam đã quy định rõ ràng hơn về hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam, bố cục một mục riêng cụ thể là Mục 3 Luật Cảnh sát biển năm 2018 gồm 3 Điều về nguyên tắc, nội dung và hình thức hợp tác quốc tế, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi để Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện trách nhiệm quốc gia ven biển theo quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Theo đó với nguyên tắc tuân thủ pháp luật, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hôi chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế theo thẩm quyền; tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế; bảo đảm độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên biển; phát huy sức mạnh nội lực và sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, bảo đảm thực thi pháp luật trên biển.

Bằng mọi hình thức hợp tác quốc tế hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam trong phạm vi hoạt động của mình đã, đang và sẽ toàn tâm giúp sức vào công cuộc đấu tranh, phòng chống tội phạm quốc tế với các lực lượng nước ngoài.

  1. Với tất cả những điểm mới trong Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 mà chúng ta đã trao đổi từ đầu chương trình tới giờ, theo ông, để áp dụng và thực thi pháp luật trên biển có hiệu quả vào thực tế thì thời gian tới chúng ta cần làm gì?

Trả lời:

Nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng và quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Cảnh sát biển Việt Nam, thiết thực đưa Luật đi vào thực tiễn cuộc sống là nghĩa vụ, quyền lợi, trách nhiệm chính trị của mọi công dân, tổ chức, đoàn thể của cả hệ thống chính trị. Với vai trò là lực lượng chuyên trách, nòng cốt, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tiếp tục nghiên cứu, tham mưu với Bộ Quốc phòng đề xuất Chính phủ ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật. Trước mắt, xây dựng, ban hành các nghị định: Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Quy định về việc quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Trên cơ sở đó, tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành các thông tư: Quy định quy trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; Quy định điều kiện, tiêu chuẩn chọn công dân vào lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam,… nhằm hướng dẫn, triển khai thực hiện Luật. Cùng với đó, cần tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn Lực lượng nhằm quán triệt, học tập, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ, chấp hành, thực hiện Luật trong thi hành nhiệm vụ.

Đối với các bộ, ngành có liên quan và cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là 28 tỉnh, thành phố ven biển, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nội dung cơ bản của Luật cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là ngư dân để mọi người nắm vững, hiểu rõ, sẵn sàng chấp hành việc huy động nhân lực, phương tiện nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển khi thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ trên biển đặt ra. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá Luật trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm thu hút sự quan tâm, ủng hộ của các nước trong phối hợp thực thi pháp luật trên biển, tạo sự đồng thuận, sức mạnh tổng hợp để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, an ninh quốc gia, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan