Những điểm đáng chú ý về Luật tín ngưỡng tôn giáo

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời phỏng vấn trong Chương trình Bạn & Pháp luật về nội dung: Những điểm đáng chú ý về Luật tín ngưỡng tôn giáo. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Câu 1: Vâng, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, theo ông, Luật Tín ngưỡng tôn giáo được ban hành và có hiệu lực thay thế Pháp lệnh tín ngưỡng, Tôn giáo mang lại những ý nghĩa như thế nào?

Luật sư trả lời:

Hiến pháp mới năm 2013 đã có những sửa đổi rất quan trọng về chủ thể của quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ là của “công dân” Việt Nam mà là của “mọi người”, ghi nhận quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền con người quan trọng, cơ bản, được Nhà nước tôn trọng và bảo đảm. Hiến pháp cũng đã phân định thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ trong quyết định các chính sách tôn giáo, quản lý nhà nước về tôn giáo.

Từ những căn cứ nêu trên, yêu cầu phải có một đạo luật để điều chỉnh hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn, phù hợp với Hiến pháp 2013, phù hợp với các điều ước quốc tế đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn công tác về tín ngưỡng, tôn giáo là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Việc xây dựng và ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo sẽ góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tạo điều kiện để quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và các giá trị dân chủ, văn minh của loài người và chủ nghĩa xã hội được phát huy; giữ vững niềm tin của người có tín ngưỡng, tôn giáo vào chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; góp phần thực hiện tốt chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đấu tranh chống hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo chống Đảng và Nhà nước.

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội thông qua ngày 18/11/2016 với 9 chương, 68 Điều bên cạnh các nội dung kế thừa từ các quy định của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 18/12/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật đã bổ sung các quy định mới nhằm đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.

Có thể nói, việc xây dựng và ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo với nhiều điểm mới có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người. Trên cơ sở kế thừa, phát huy những ưu điểm của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cũng được đánh giá là một bước tiến mới trong vấn đề đảm bảo hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta, phù hợp với xu thế hội nhập của thế giới trong tình hình hiện nay.

Câu 2: So với Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, Luật tín ngưỡng, tôn giáo có những điểm mới gì đáng chú ý, thưa Luật sư?

Luật sư trả lời:

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 được ban hành trên tinh thần của bản Hiến pháp năm 2013, vì vậy, bên cạnh việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Luật đã có rất nhiều nội dung mới. Ví dụ như:

– Luật mở rộng chủ thể thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; bổ sung một chương về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; có quy định về đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung.

-Một số nội dung theo quy định của Pháp lệnh thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ thì nay Luật phân cấp cho cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương. Thời gian được công nhận là tổ chức tôn giáo từ 23 năm giảm còn 5 năm.

-Luật điều chỉnh theo hướng tạo điều kiện sinh hoạt tôn giáo cho người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam; bổ sung nội dung phong phẩm hoặc suy cử phẩm vị cho người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Một số nội dung hoạt động tôn giáo chỉ cần thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

-Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo được phân định rõ. Các vấn đề về tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo; cơ sở đào tạo tôn giáo, mở lớp bồi dưỡng về tôn giáo; đăng ký hoạt động tín ngưỡng, thông báo danh mục hoạt động tôn giáo; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, … đã được quy định trong Luật.

Câu 3: Một trong những điểm mới của Luật là mở rộng pháp nhân tôn giáo. Vậy, những người bị hạn chế quyền công dân sẽ thực hành tín ngưỡng, tôn giáo của mình như thế nào, thưa ông?

Luật sư trả lời:

Câu hỏi này đang nói đến vị thế pháp lý, quyền và nghĩa vụ của đối tượng, chủ thể được hưởng thụ các quy định của pháp luật, đó là vị thế, quyền của tổ chức khi được thừa nhận là pháp nhân phi thương mại và công dân có nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo.

Đối với tổ chức tôn giáo, việc Luật thừa nhận tổ chức tôn giáo là một pháp nhân phi thương mại cũng chính là xác định rõ địa vị pháp lý của tổ chức, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của tổ chức khi tham gia các quan hệ pháp luật. Việc quy định này sẽ dẫn đến những quyền lợi của tổ chức khác so với tổ chức tôn giáo trước đây chưa được pháp luật thừa nhận là pháp nhân phi thương mại. Chẳng hạn hiện nay Luật thừa nhận và bảo vệ tên gọi, trụ sở của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; tổ chức tôn giáo được gia nhập tổ chức tôn giáo nước ngoài; … những nội dung này Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo chưa có quy định.

Quy định tổ chức tôn giáo là pháp nhân phi thương mại phù hợp với xu thế quản lý trong nhà nước pháp quyền, pháp luật quốc tế cũng như thực tiễn hoạt động của các tổ chức tôn giáo hiện nay.

Còn đối với những người bị hạn chế quyền công dân được quy định tại Khoản 5 Điều 6 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, đó là những “người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo”. Tuy nhiên đây là quyền bị giới hạn chứ không có đầy đủ.

Hiện nay được quy định cụ thể tại Điều 4 Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo:

“1. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc (sau đây gọi là người bị quản lý, giam giữ) được sử dụng kinh sách xuất bản dưới hình thức sách in, phát hành hợp pháp để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của cá nhân và được thể hiện niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo bằng lời nói hoặc hành vi của cá nhân theo quy định của pháp luật về nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc (sau đây gọi là cơ sở quản lý, giam giữ).

2. Việc sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo của người bị quản lý, giam giữ tại cơ sở quản lý, giam giữ không được làm ảnh hưởng đến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của người khác và không trái với quy định của pháp luật có liên quan.

3. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn cách thức qun lý kinh sách, thời gian, địa điểm sử dụng kinh sách và bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo cho người bị quản lý, giam giữ tại cơ sở quản lý, giam giữ”.

Câu 4: Vâng, thưa quý vị, thưa các bạn! Thời gian qua chúng tôi nhận được rất nhiều thắc mắc của quý thính giả về Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Một câu hỏi được nhiều thính giả đề cập đó là: mặc dù tín ngưỡng tôn giáo là quyền tự do của mọi người nhưng cũng phải tuân thủ một số quy định của pháp luật. Vậy theo Luật này thì những hành vi nào được coi là vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo?

Luật sư trả lời:

Theo quy định tại Điều 5 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 thì những hành vi sau sẽ bị nghiêm cấm:

-Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.

– Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo.

– Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo.

– Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo:

+ Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường;

+ Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;

+ Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân;

+ Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.

– Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.

Câu 5: Anh Lê Bá Nam ở Lò Đúc, Hà Nội gọi điện đến chương trình có hỏi: Tôi có một người bạn người Ấn Độ đang cư trú hợp pháp và làm việc ở Việt Nam. Quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của những người nước ngoài cư trú hợp pháp như bạn tôi được thể hiện như thế nào trong Luật?

Luật sư tư vấn:

Điều 8 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 có quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam như sau:

1. Người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

2. Người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam có quyền:

a) Sinh hoạt tôn giáo, tham gia hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo;

b) Sử dụng địa điểm hợp pháp để sinh hoạt tôn giáo tập trung;

c) Mời chức sắc, chức việc, nhà tu hành là người Việt Nam thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo; mời chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài giảng đạo;

d) Vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng về tôn giáo của tổ chức tôn giáo ở Việt Nam;

đ) Mang theo xuất bản phẩm tôn giáo, đồ dùng tôn giáo để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tôn giáo theo quy định của pháp luật Việt Nam.

3. Chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được giảng đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác ở Việt Nam”.

Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì người bạn ngưới Ấn Độ của bạn sẽ được Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và có các quyền sau:

-Sinh hoạt tôn giáo, tham gia hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo;

– Sử dụng địa điểm hợp pháp để sinh hoạt tôn giáo tập trung;

– Mời chức sắc, chức việc, nhà tu hành là người Việt Nam thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo; mời chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài giảng đạo;

– Vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng về tôn giáo của tổ chức tôn giáo ở Việt Nam;

– Mang theo xuất bản phẩm tôn giáo, đồ dùng tôn giáo để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tôn giáo theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Câu 6: Vâng, rất nhiều thính giả cũng thắc mắc là Nhà nước có trách nhiệm như thế nào trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của người dân?

Luật sư trả lời:

Điều 3 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 có quy định về trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo như sau:

– Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

– Nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của Nhân dân.

– Nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo.

Câu 7: Câu hỏi của một thính giả khác ở số điện thoại đuôi 982 có nội dung sau: Tôi hiện đang muốn tham gia một tổ chức tôn giáo nước ngoài đã được Nhà nước Việt Nam công nhận. Xin hỏi hồ sơ thủ tục đề nghị gia nhập tổ chức tôn giáo nước ngoài nói chung bao gồm những gì?

Luật sư trả lời:

Theo Điều 53 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 thì trước khi gia nhập tổ chức tôn giáo nước ngoài, tổ chức tôn giáo có trách nhiệm gửi hồ sơ đề nghị đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương.

– Hồ sơ đề nghị gồm:

+ Văn bản đề nghị nêu rõ tên tổ chức tôn giáo, mục đích, thời điểm gia nhập; tên, hiến chương, tôn chỉ, mục đích hoạt động, trụ sở chính của tổ chức tôn giáo nước ngoài;

+ Văn bản chấp thuận hoặc văn bản mời gia nhập của tổ chức tôn giáo nước ngoài.

– Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

– Khi chấm dứt tham gia tổ chức tôn giáo nước ngoài, tổ chức tôn giáo có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày chấm dứt.

Văn bản thông báo nêu rõ tên tổ chức tôn giáo, tên tổ chức tôn giáo nước ngoài đã gia nhập, lý do chấm dứt, thời điểm bắt đầu chấm dứt.

Câu 8: Thính giả ở địa chỉ email shunnie.baka@gmail.com có thắc mắc như sau: Tôi nghe nhiều đến các chức danh, các cụm từ như là “tín đồ, chức sắc, chức việc” nhưng thực sự không hiểu hết. Trong Luật tín ngưỡng, tôn giáo thì các khái niệm như là Tín đồ, Nhà tu hành, Chức sắc, Chức việc được quy định như thế nào?

Luật sư trả lời:

Những chức danh này đều đã được quy định trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, theo đó:

– Tín đồ là người tin, theo một tôn giáo và được tổ chức tôn giáo đó thừa nhận.

– Nhà tu hành là tín đồ xuất gia, thường xuyên thực hiện nếp sống riêng theo giáo lý, giáo luật và quy định của tổ chức tôn giáo.

– Chức sắc là tín đồ được tổ chức tôn giáo phong phẩm hoặc suy cử để giữ phẩm vị trong tổ chức.

– Chức việc là người được tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo bổ nhiệm, bầu cử hoặc suy cử để giữ chức vụ trong tổ chức.

Câu 9: Có một câu hỏi cũng được nhiều thính giả đề cập đó là việc khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về tín ngưỡng, tôn giáo được thực hiện như thế nào. Xin mời Luật sư Nguyễn Thanh Hà giải đáp về vấn đề này.

Luật sư trả lời:

Theo quy định hiện hành tại Điều 63 Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016 thì việc khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về tín ngưỡng, tôn giáo được thực hiện như sau:

1. Người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ và các tổ chức, cá nhân khác có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có quyền khiếu nại, khởi kiện vụ án hành chính, khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật có liên quan.

2. Cá nhân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Việc giải quyết tố cáo vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo.

Câu 10: Vâng, còn một số câu hỏi khác liên quan đến các quy định pháp lý về bất động sản. Tuy nhiên do thời lượng chương trình có hạn, chúng tôi xin hẹn quý thính giả trong một chương trình khác. Câu hỏi cuối cùng xin được hỏi Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Đây là một Luật mới và có nhiều vấn đề quan trọng. Vậy chúng ta cần làm gì để luật tín ngưỡng, tôn giáo thực sự đi vào cuộc sống?

Luật sư trả lời:

Hiện nay, để đưa Luật vào cuộc sống, thiết nghĩ các cơ quan có thẩm quyền nên tích cực triển khai thực hiện các văn bản dưới luật. Trong đó, Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo đã có hiệu lực đồng thời với Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo. Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo cần được cân nhắc thời điểm ban hành cũng như thời điểm có hiệu lực.

Đồng thời, mặt trận tổ quốc Việt Nam cũng cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của mình trong công tác tôn giáo để phù hợp với thực tiễn.

5/5 (1 Review)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan