Những chủ thể nào được ký hợp đồng chăm sóc người cao tuổi?

Nội dung bài viết

Câu hỏi: Mình ở Hà Nội. Mình có một Trung tâm chăm sóc người cao tuổi. Hiện tại, khi người cao tuổi được vào chăm sóc tại trung tâm thì thông thường người đại diện để ký Hợp đồng chăm sóc thay người cao tuổi với trung tâm sẽ là con ruột – người có quyền và nghĩa vụ phụng dưỡng người cao tuổi. Tuy nhiên, trên thực tế, có gia đình con cái ở nước ngoài hết, nên người đứng ra ký Hợp đồng là anh em họ hàng. Trong các trường hợp đó, trung tâm mình cần có giấy tờ gì để được hợp pháp?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 Luật người cao tuổi năm 2009 thì Hợp đồng ủy nhiệm chăm sóc người cao tuổi phải được ký kết giữa:

(i) Người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng người cao tuổi; và

(ii) Tổ chức cung ứng dịch vụ

Đồng thời, hợp đồng ủy nhiệm chăm sóc người cao tuổi phải được sự đồng ý của người cao tuổi.

Theo quy định tại Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, thì những người sau được coi là những người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng:

– Con đối với cha mẹ (bao gồm con ruột; con nuôi; con riêng của vợ hoặc chồng sống chung với cha/mẹ kế; con dâu/rể sống chung với cha mẹ vợ/chồng);

– Cháu đã thành niên đối với ông/bà nội/ngoại trong trường hợp ông/bà không còn con cái.

– Anh/chị/em trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện để nuôi dưỡng con.

– Cô, dì, cậu, chú, bác ruột và cháu ruột trong trường hợp không còn những người thân thích nêu trên hoặc còn nhưng những người đó không có đủ điều kiện để nuôi dưỡng.

DO VẬY:

– Đối với trường hợp còn những người thân thích nêu trên và người cao tuổi còn có đủ khả năng nhận thức thì bên bạn ký hợp đồng dịch vụ trực tiếp với những người thân thích đó và có xác nhận đồng ý của người cao tuổi.

– Đối với trường hợp người cao tuổi sống ở Việt Nam với anh/em/cô/dì/câu/chú/bác/cháu ruột trong khi con ruột ở nước ngoài thì bên bạn ký hợp đồng với anh/em/cô/dì/cậu/chú/bác/cháu ruột và có xác nhận đồng ý của người cao tuổi.

– Đối với trường hợp không còn bất kỳ người thân thích nào nêu trên và người cao tuổi bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế về khả năng nhận thức thì bên bạn ký hợp đồng dịch vụ với người giám hộ do Ủy ban nhân dân cấp xã cử hoặc Tòa án chỉ định theo quy định tại Khoản 1, Điều 46 Bộ luật dân sự 2015.

– Đối với trường hợp không có bất kỳ người thân thích nào và người cao tuổi vẫn còn có khả năng nhận thức, tự làm chủ hành vi thì bên bạn ký hợp đồng trực tiếp với người cao tuổi đó. Tuy nhiên, trong trường hợp trong quá trình sinh sống tại Cơ sở chăm sóc sức khỏe của bên bạn, người cao tuổi bị hạn chế hoặc gặp khó khăn về nhận thức thì bên bạn cân nhắc tiến hành các thủ tục hành chính để Tòa án hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã/phường nơi người cao tuổi đăng ký thường trú cử bên bạn làm Người giám hộ cho người cao tuổi đó. Trong trường hợp được cử làm Người giám hộ thì bên bạn được quyền quản lý tài sản của người được giám hộ và được quyền sử dụng tài sản của người được giám hộ để thực hiện việc chăm sóc và nuôi dưỡng họ. Trường hợp bên bạn không có đủ điều kiện để thực hiện vai trò người giám hộ thì bên bạn nên liên hệ với Ủy ban nhân dân xã/phường nơi người cao tuổi có đăng ký thường trú để họ cử người khác/tổ chức khác thực hiện vai trò người giám hộ.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan