Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 12/2017

Nội dung bài viết

  1. Giảm mức thu phí công chứng hợp đồng mua bán tài sản đấu giá

Đây là nội dung nổi bật tại Thông tư số 111/2017/TT-BTC sửa đổi Thông tư số 257/2016/TT-BTC về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí công chứng; phí chứng thực.

Theo đó, điều chỉnh giảm mức thu phí đối với việc công chứng hợp đồng mua bán tài sản đấu giá (tính trên giá trị tài sản bán được) so với quy định hiện hành, cụ thể như sau:

- Tài sản có giá trị dưới 5 tỷ đồng: giảm từ 100 nghìn đồng xuống còn 90 nghìn đồng/trường hợp;

- Tài sản giá trị từ 5 tỷ đồng đến dưới 20 tỷ đồng: giảm từ 300 nghìn đồng xuống còn 270 nghìn đồng/trường hợp;

- Tài sản có giá trị trên 20 tỷ đồng: giảm từ 500 nghìn đồng xuống còn 450 nghìn đồng/trường hợp.

Mức thu phí công chứng hợp đồng kinh tế, thương mại, đầu tư; hợp đồng thuê quyền sử dụng đất, thuê nhà ở; thuê, thuê lại tài sản,…tiếp tục duy trì theo quy định tại Thông tư số 257/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016.

Thông tư số 111/2017/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 11/12/2017.

2. Giảm một số mức phí đăng ký giao dịch bảo đảm từ 11/12/2017

Ngày 20/10/2017, Bộ Tài Chính ban hành Thông tư số 113/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 202/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm.

Theo đó, một số mức phí đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản (trừ tàu bay), tàu biển sẽ được Bộ Tài Chính giảm xuống so với mức thu hiện nay, cụ thể như sau:

- Hoạt động đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm chỉ còn là 30.000đồng/hồ sơ (mức phí thu hiện tại là 70.000 đồng/hồ sơ).

- Đối với hoạt động cấp bản sao văn bản chứng nhận nội dung đăng ký giao dịch bảo đảm còn là 25.000 đồng/trường hợp (mức phí thu hiện tại là 30.000 đồng/trường hợp).

Thông tư số 113/2017/TT-BTC bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/12/2017.

  1. Vi phạm trong sản xuất mũ bảo hiểm, phạt đến 40 triệu đồng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 119/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Theo đó, phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Sản xuất mũ bảo hiểm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mũ bảo hiểm; Sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản sản xuất mũ bảo hiểm đã hết hiệu lực.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định:

Phạt cảnh cáo nếu lợi dụng giải thưởng chất lượng quốc gia được trao tặng để gây hại đến uy tín của giải thưởng.

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng nếu vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất ô xy hóa, các hợp chất ô xít hữu cơ, các chất ăn mòn khi chưa được cấp giấy phép.

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất mũ bảo hiểm khi chưa được cấp giấy chứng nhận (GCN) đủ điều kiện sản xuất hoặc sử dụng GCN đã hết hiệu lực.

- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, pha chế khí, xăng dầu khi chưa được cấp GCN hoặc sử dụng GCN đã hết hiệu lực.

Nghị định số 119/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2017, đồng thời thay thế Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013.

4. Hồ sơ chứng minh thu nhập để người Việt được vào chơi casino

Thông tư số 102/2017/TT-BTC hướng dẫn công dân Việt Nam tham gia chơi casino phải có hồ sơ chứng minh tài chính theo một trong các trường hợp sau:

- Trường hợp chứng minh thu nhập chịu thuế từ bậc 3 trở lên:

Bản sao chứng thực tờ khai thuế TNCN đã được cơ quan thuế quyết toán hoặc bản xác nhận đã nộp thuế chứng minh có thu nhập chịu thuế từ bậc 3 trở lên trong vòng 01 năm trước khi vào chơi casino.
- Trường hợp chứng minh thu nhập hàng tháng từ 10 triệu đồng trở lên, là một trong các chứng từ sau:
+ Bản sao chứng thực xác nhận thu nhập hàng tháng, bảng lương hoặc quyết định trả lương có xác nhận của cơ quan công tác trong 3 tháng gần nhất kể từ ngày vào chơi casino có thu nhập từ 10 triệu đồng/tháng trở lên;

+ Bản sao chứng thực hợp đồng cho thuê nhà, tài sản còn hiệu lực có tổng số tiền cho thuê từ 10 triệu đồng/tháng trở lên;

+ Bản sao chứng thực sổ tiết kiệm, sao kê tài khoản tiền gửi ngân hàng có thời hạn từ 01 năm trở lên và có phát sinh lãi từ 10 triệu đồng/tháng trở lên;

+ Các giấy tờ chứng minh khác.

Thông tư số 102/2017/TT-BTC có hiệu lực từ 01/12/2017.

5. Từ 01/12/2017: Cấm người dân ở, mở bãi đỗ xe dưới gầm cầu

Ngày 09/10/2017, Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Theo đó, về nguyên tắc không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ kinh doanh khác từ ngày 01/12/2017.

Tuy nhiên, đối với các vị trí gầm cầu đường bộ đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận sử dụng làm bãi đỗ xe tạm thời trước 01/12 thì:

+ Khi hết thời hạn sử dụng tạm thời, người được giao sử dụng có trách nhiệm hoàn trả hiện trạng ban đầu và bàn giao cho cơ quan quản lý đường bộ.

+ Nếu hết thời hạn sử dụng tạm thời, người được giao sử dụng không thực hiện hoàn trả, cơ quan quản lý đường bộ xử lý theo thẩm quyền và thông báo cho UBND các cấp để tổ chức cưỡng chế giải tỏa theo quy định.

Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT có hiệu lực kể từ ngày 01/12/2017.

6. Nhiều biểu mẫu mới trong xử phạt giao thông đường bộ được bổ sung

Ngày 09/10/2017, Bộ GTVT ban hành Thông tư số 37/2017/TT-BGTVT thay thế Thông tư số 05/2014/TT-BGTVT về biểu mẫu sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.

Cụ thể, Thông tư 37 ban hành 30 biểu mẫu gồm 20 mẫu quyết định và 10 mẫu biên bản; trong đó có một số biểu mẫu mới như sau:

- MQĐ 13: Quyết định trả lại tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt;

- MQĐ 14: Quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt;

- MQĐ 18: Quyết định sửa đổi, bổ sung quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt;

- MBB 08: Mẫu biên bản về xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt…

Thông tư số 37/2017/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/12/2017.

7. Bảo hiểm y tế sẽ chi trả khi sử dụng gói dịch vụ y tế cơ bản ở tuyến xã

Ngày 18/10/2017, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 39/2017/TT-BYT quy định về gói dịch vụ y tế cơ bản (DVYTCB) cho tuyến cơ sở.

Theo đó, gói dịch vụ y tế cơ bản gồm “Gói DVYTCB do quỹ bảo hiểm y tế chi trả” và “Gói DVYTCB phục vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khoẻ”, cụ thể:
- Người tham gia BHYT sử dụng gói DVYTCB do quỹ BHYT chi trả (áp dụng với cơ sở y tế tuyến xã) sẽ được hưởng quyền lợi theo phạm vi hưởng và mức hưởng theo quy định pháp luật về BHYT.
(Danh mục dịch vụ thuộc gói DVYTCB do quỹ BHYT chi trả gồm các dịch vụ kỹ thuật khám, chữa bệnh tại Phụ lục I và danh mục thuốc tại Phụ lục II)

- Gói DVYTCB phục vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khoẻ gồm các dịch vụ thiết yếu quy định tại Phụ lục III Thông tư này áp dụng tại Trung tâm y tế huyện và các trạm y tế cấp xã.

- Gói DVYTCB được cập nhật định kỳ 1 – 2 năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu.
Thông tư số 39/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/12/2017.

8. Quy định mới về sổ đỏ phải ghi tên thành viên trong gia đình

Việc ghi tên thành viên trong gia đình trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được quy định tại Khoản 5 Điều 6 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT về hướng dẫn Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi nghị định hướng dẫn Luật đất đai và sửa đổi thông tư hướng dẫn thi hành Luật đất đai do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, cụ thể như sau:

Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “Hộ gia đình, gồm ông” (hoặc “Hộ gia đình, gồm bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình như quy định tại Điểm a Khoản này; địa chỉ thường trú của hộ gia đình. Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình. Dòng tiếp theo ghi “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với … (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất).

Như vậy, đây là điểm mới trong quy định của pháp luật, nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi cho từng cá nhân trong hộ gia đình, nếu người đó có quyền sử dụng đất trong hộ gia đình theo pháp luật. Bởi đối với những trường hợp nhà nước giao đất cho các hộ gia đình không thu tiền nông nghiệp, thì tức là tất cả những người trong gia đình đều có quyền sử dụng, nhưng trước đây chỉ ghi tên chủ hộ trên sổ đỏ, còn những người khác không được công nhận quyền trên sổ đỏ.

Nhưng nếu thực hiện việc ghi tên đầy đủ tên các thành viên trong gia đình sẽ tăng thêm phần thủ tục giấy tờ trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vậy nên thông tư cũng đã đưa ra những phương án để người dân lựa chọn cách thức phù hợp đó là.

- Trong gia đình có thể cử người đại diện đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, và lúc này trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ ghi tên người đại diện cho hộ gia đình, chứ không phải ghi như trước kia là hộ ông (hộ bà).

-Và có thể lựa chọn phương án ghi tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì sẽ ghi tên tất cả trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Và với phương án này, thông tư đã quy định cụ thể về cách thức thực hiện để không phát sinh thủ tục.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 12 năm 2017.

9. Hậu kiểm sau khi cấp GCN đủ điều kiện an ninh, trật tự

Bộ Công an vừa ban hành Thông tư số 42/2017/TT-BCA hướng dẫn Nghị định số 96/2016/NĐ-CP về điều kiện an ninh, trật tự (ANTT) đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Theo đó, trong thời hạn không quá 60 ngày, kể từ ngày được cấp mới, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT, cơ sở phải được hậu kiểm bởi cơ quan Công an có thẩm quyền.

Trước khi hậu kiểm, cơ sở kinh doanh được thông báo bằng văn bản nêu rõ nội dung hậu kiểm và thời gian thực hiện công tác hậu kiểm.

Nội dung hậu kiểm bao gồm:

- Kiểm tra về điều kiện đối với người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh (chỉ áp dụng đối với trường hợp có nghi vấn) bằng hình thức xác minh lý lịch;

- Kiểm tra trực tiếp các điều kiện về an ninh, trật tự tại cơ sở kinh doanh.

Thông tư số 42/2017/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 06/12/2017.

10. Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài phải chuyển khoản khi thanh toán

Đây là nội dung được hướng dẫn tại Nghị định số 117/2017/NĐ-CP quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với hoạt động đối ngoại.

Theo đó, Thủ trưởng Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài phải lựa chọn ngân hàng có uy tín hàng đầu ở nước sở tại để mở tài khoản phục vụ cho việc sử dụng ngân sách.

Khi trả tiền cho bên thụ hưởng, Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài phải sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để chi trả; trừ các trường hợp sau đây:

- Hệ thống tài khoản thanh toán tại nước đó chưa phát triển, đơn vị cung cấp dịch vụ không mở tài khoản ngân hàng.

- Các khoản chi được phép chi trả bằng tiền mặt theo quy định của Bộ Tài chính.

- Các chứng từ chi được gửi về Việt Nam và Cơ quan chủ quản căn cứ vào đó để thực hiện kiểm soát chi.

Nghị định số 117/2017/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 10/12/2017 và áp dụng từ năm ngân sách 2017.

 

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan