Nguy cơ ngồi tù vì livestream video vô tội vạ?

Nội dung bài viết

Trong bài viết Nguy cơ ngồi tù vì livestream video vô tội vạ? đăng trên báo An ninh thủ đô có trích dẫn ý kiến của luật sư SBLAW.

ANTD.VN -Tại nhiều buổi chiếu phim, chương trình biểu diễn, mặc dù ngay từ đầu, đơn vị tổ chức đã khuyến cáo khán giả không thực hiện livestream video trong khi các nghệ sỹ biểu diễn, nhưng nhiều khán giả vẫn phớt lờ và không hề biết hành vi này có thể vi phạm pháp luật.

Cứ thích là... livestream!

Livestream hay streaming trực tiếp là truyền tải một số nội dung trực tiếp qua internet. Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, tính năng livestream ngày càng được sử dụng phổ biến. Chỉ bằng một vài thao tác đơn giản, mỗi cá nhân có thể phát bất cứ nội dung gì thông qua camera smartphone.

Song, do ý thức về bản quyền của hầu hết người sử dụng còn hạn chế, nên khi có trong tay điện thoại thông minh, họ sẵn sàng livestream những gì họ thấy, đặc biệt là những hình ảnh liên quan đến người nổi tiếng.

ảnh 1

Với thao tác đơn giản, người sử dụng smartphone có thể livestream ở mọi nơi, mọi lúc

Là người đã từng đi xem nhiều chương trình ca nhạc với sự tham dự của không ít nghệ sỹ nổi tiếng, chị Phạm Ngân Hà ở khu đô thị Ciputra, quận Tây Hồ, Hà Nội, chia sẻ, ở một số buổi biểu diễn, mặc dù tại hai bên cánh gà, đơn vị tổ chức đã bố trí bảo vệ đứng rải rác để nhắc nhở khán giả hạn chế sử dụng điện thoại để chụp ảnh, quay phim trực tiếp khi các nghệ sỹ đang biểu diễn nhưng không ít người vẫn có suy nghĩ “mình thích thì mình livetreams thôi”.

Tiếng là đi xem ca nhạc nhưng phần lớn thời gian họ “tác nghiệp” bằng điện thoại rồi trả lời bình luận trên mạng xã hội, bất chấp sự khó chịu của những người xung quanh do bị ánh sáng của chiếc smartphone lập lòe trước mặt.

“Họ cho rằng, mình bỏ tiền ra mua vé thì có thể chụp ảnh, quay phim các tiết mục biểu diễn và phát tán rộng rãi trên mạng xã hội để bạn bè, người thân của họ ở nhà có thể xem miễn phí. Trong khi đó, hành động hồn nhiên ấy đã thể hiện sự ngược đãi, coi thường sức lao động của các nghệ sĩ và cả ê - kíp thực hiện chương trình” - chị Hà bày tỏ.

Có thể nói, khi cho phép người dùng tự do chia sẻ video trực tiếp, một số mạng xã hội vẫn chưa đủ khả năng kiểm soát các nội dung đó. Trong khi đó, những nội dung có yếu tố bản quyền (phim, thể thao, ca nhạc) hiện đang được tự do đưa lên các kênh livestream đã vi phạm các quy định về bản quyền khá nghiêm trọng, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế cho những người làm nội dung trên internet, các hãng phim, đài truyền hình…

Livestream bừa bãi có thể bị phạt tiền, xử lý hình sự

Có thể nói, việc không giới hạn nội dung có thể chia sẻ dẫn tới việc các nội dung dù có bản quyền hay không đều được tự do phát trên các kênh livestream. Thói quen livestream ở mọi nơi mọi lúc, kể cả những điểm đã có biển cấm quay phim chụp ảnh có thể khiến người thực hiện hành vi bị phạt tiền, thậm chí là xử lý hình sự.

Theo luật sư Nguyễn Thành Trung - Công ty Luật SBLAW, hành vi quay phim, chụp ảnh trong rạp chiếu phim, sân khấu khi đã có biển cấm là một hành vi phạm pháp luật về bản quyền. Theo Điều 27 Nghị định 131/2013/NĐ - CP về xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, người thực hiện hành vi sao chép bản ghi âm, ghi hình mà không được phép của chủ sở hữu, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình sẽ bị phạt tiền từ 15-35 triệu đồng.
Ngoài ra, cá nhân vi phạm còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc dỡ bỏ bản sao bản ghi âm, ghi hình dưới hình thức điện tử, trên internet và kĩ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi xâm phạm quyền sao chép, ghi âm ghi hình.
Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người có hành vi vi phạm còn có thể bị xử lí hình sự. Điều 225 Bộ luật Hình sự năm 2015 nêu rõ, người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình. Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam, thu lợi bất chính từ 50 - dưới 300 triệu đồng, hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100 - dưới 500 triệu đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100 - dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 50 -300 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Điều đáng nói là việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ với những trường hợp này không đơn giản do đối tượng vi phạm thường là cá nhân. Bên cạnh đó, bên bị hại dù thiệt hại, nhưng thường “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì lo ngại mất thời gian, công sức cho việc khởi kiện và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Thành Trung, để livestream phát huy hiệu quả như mong muốn, mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hãy livestream đúng lúc, đúng chỗ. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất, tổ chức chương trình cần áp dụng các thiết bị công nghệ cao để bảo vệ mình.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan