Nền tảng pháp lý nào cho phát triển ngân hàng số?

Nội dung bài viết

  1. Hiện nay, một số ngân hàng đã chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh và sản phẩm, dịch vụ theo hướng số hóa, tuy nhiên nhiều ngân hàng còn dè chừng vì những rủi ro liên quan tới tính pháp lý khi thực hiện chuyển đổi. Theo luật sư tình trạng này nói lên điều gì ?

Trả lời:

Ngân hàng số (digital banking) đang được coi là xu thế phát triển của các ngân hàng thương mại hiện nay. Đây cũng là xu hướng của ngành ngân hàng nhằm góp phần đẩy mạnh triển khai định hướng tài chính toàn diện (Financial Inclusion) trong Quyết định 2545/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020. Tuy nhiên, xu hướng mới này đang gặp một số hạn chế cơ bản như sau:

Thứ nhất, hành lang pháp lý của hoạt động này còn chưa cụ thể, gần như chưa có quy phạm điều chỉnh trực tiếp. Hiện nay, việc tổ chức, hoạt động của các ngân hàng được thực hiện theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng 2010 sửa đổi bổ sung 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành; hoạt động giao dịch điện tử được thực hiện theo quy định của Luật Giao dịch điện tử 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành, các văn bản này hiện không theo kịp công nghệ mới, có thể làm chậm phát triển ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng đồng thời có

thể gây ra rủi ro pháp lý cho các ngân hàng cũng như các công ty công nghệ ngân hàng khi triển khai các ứng dụng công nghệ cao.

Thứ hai, thói quen sử dụng dịch vụ của khách hàng. Hiện nay, đa phần khách hàng vẫn giữ thói quen truyền thống là giao dịch trực tiếp tại trụ sở hoặc các chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng thay vì thực hiện giao dịch qua các ứng dụng ngân hàng số trên điện thoại thông minh.

Thứ ba, chi phí đầu tư để phát triển ngân hàng số là rất lớn. Điều này cũng khiến các ngân hàng phải cân nhắc liệu khi bỏ ra một khoản đầu tư lớn như vậy có thể đem lại hiệu quả như mình mong muốn hay không.

Thứ tư là thách thức về tính an toàn, hoạt động trực tuyến kết nối mọi nơi mọi lúc, nhưng dữ liệu thì hoàn toàn có nguy cơ bị lộ, đánh cắp, bị tấn công… Bên cạnh đó, các quy định pháp luật về quản lý văn bản điện tử và văn bản giấy vẫn chưa đồng bộ, chưa rõ ràng; quản lý còn lỏng lẻo, nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Đơn cử như việc xác thực người dùng thông qua chữ ký số, nhận diện khách hàng vẫn gặp khó khi thực hiện.

2. Nhiều ý kiến cho rằng để khắc phục tình trạng này, về dài hạn, cần nghiên cứu, xây dựng và ban hành Luật về Hệ thống thanh toán? Theo luật sư điều này có cần thiết hay không và nếu xây dựng luật thì cần đảm bảo những yếu tố gì?

Trả lời:

Việc nghiên cứu, xây dựng các quy phạm pháp luật để phù hợp với xu thế triển khai các ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động ngân hàng là hết sức cần thiết. Như tôi đã nói ở trên, các quy định hiện hành, nhất là các quy định về hoạt động giao dịch điện tử, không thể tránh khỏi việc không theo kịp xu thế phát triển của xã hội. Vì vậy, để đảm bảo cho việc phát triển cho hoạt động ngân hàng, các cơ quan hữu quan cần tiến hành nghiên cứu, xây dựng một cách nghiêm túc hành lang pháp lý để đảm bảo cho hoạt động triển khai ứng dụng công nghệ trong hoạt động ngân hàng.

Các quy định này cần phải phù hợp với sự phát triển xã hội, mang tính thúc đẩy các ngân hàng triển khai ứng dụng công nghệ trong hoạt động của mình. Đồng thời, cũng cần phải có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ với các ngân hàng triển khai ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động. Bên cạnh đó, các quy định này vẫn cần phải tuân thủ tính hợp hiến, hợp pháp; phù hợp, thống nhất với Hiến pháp cũng như là quy định của các luật, bộ luật khác như Luật các tổ chức tín dụng, Luật thương mại, Bộ Luật dân sự… hay đặc biệt là Luật An ninh mạng mới được ban hành gần đây.

3. Để giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra, luật sư có lời khuyên gì về phía người dùng cũng như khuyến nghị đối với các tổ chức tín dụng, ngân hàng?

Trả lời:

Về phía khách hàng, người sử dụng các dịch vụ ngân hàng số nên trang bị thêm cho mình những kiến thức cơ bản về việc sử dụng dịch vụ, qua đó, tiếp thu và làm quen với việc sử dụng các công nghệ mới.

Về phía các ngân hàng, thách thức lớn nhất mà các ngân hàng phải đối mặt là việc phải đối diện với các lỗ hổng về công nghệ. Cùng với sự phát triển của công nghệ, các tội phạm công nghệ cũng xuất hiện nhiều hơn với tính chất, thủ đoạn phạm tội ngày một tinh vi, nguy hiểm hơn. Do đó, bên cạnh việc đầu tư phát triển sản phẩm/dịch vụ, để hạn chế tối đa rủi ro, NH cần tập trung đầu tư bảo mật thông tin, từ quy trình đến công nghệ và con người.

 

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan