Một số lưu ý cho doanh nghiệp khi ký kết hợp đồng với thương nhân nước ngoài

Nội dung bài viết

Hàng loạt các hiệp định thương mại được ký kết thời gian qua đang mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp Việt.

Tuy nhiên, khi thị trường rộng mở cũng đồng nghĩa với việc DN phải phải tìm hiểu kỹ hơn luật pháp cũng như các quy định, quy chế của các nước, tập quán thương mại quốc tế… để không thua thiệt và phòng ngừa rủi ro khi ký các hợp đồng thương mại.

Thực tế cho thấy, rất nhiều DN Việt Nam thường hiểu biết hạn chế hành lang pháp lý giao dịch, nhưng lại chủ quan cho rằng tranh chấp sẽ không xảy ra.

Đặc biệt, rất nhiều DN cũng không quan tâm đầy đủ vấn đề sở hữu trí tuệ, thẩm quyền của người ký kết hợp đồng thương mại cũng như các vấn đề về vận chuyển hàng hóa, thanh toán…

Vì vậy mà các doanh nghiệp Việt thường bị thua thiệt khi có tranh chấp xảy ra. Vậy những lưu ý nào cho doanh nghiệp khi ký kết và thực hiện hợp đồng với thương nhân nước ngoài?

Đây sẽ là nội dung chính trong chương trình Kinh doanh và pháp luật trên VTV2 với chủ đề: Một số lưu ý cho doanh nghiệp khi ký kết hợp đồng với thương nhân nước ngoài.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW tham gia chương trình và đã nêu ra một số nội dung quan trọng về vấn đề này:

Câu hỏi: Theo luật sư, nguyên nhân do đâu mà các doanh nghiệp Việt Nam thường bị thua thiệt như vậy? Ông hãy phân tích một tình huống cụ thể đến với khán giả?

Luật sư trả lời:

Qua những vụ việc xảy ra ở trên, có thể thấy nhiều doanh nghiệp không có khả năng hoặc thiếu kinh nghiệm thẩm tra năng lực của đối tác, không xem xét kỹ lưỡng các điều khoản trong hợp đồng và lúng túng việc giải quyết các tranh chấp thương mại trong hoạt động giao thương quốc tế. Doanh nghiệp Việt không nắm rõ các nguyên tắc khi giao kết với khách hàng, không chủ động trong khâu soạn thảo các hợp đồng có giá trị lớn, mà thường do đối tác soạn thảo.

Dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp bị hủy hợp đồng, mất hàng, mất tiền xảy ra thường xuyên, gây nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp, mà dường như hiện nay các doanh nghiệp Việt chưa có biện pháp chống đỡ, phản ứng phù hợp để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Năm 2016, câu chuyện một số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ thuộc dạng nhỏ ở Đồng Nai, Đà Nẵng hơn một năm nay loay hoay đòi đối tác là Công ty Global Home S.R.O (có trụ sở ở Cộng hòa Czech) cả trăm tỷ đồng tiền nợ nhưng bất thành cho thấy tranh chấp thương mại vẫn là điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam.

Trước sức ép phải có đơn hàng để duy trì đội ngũ công nhân đông đảo đã khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ vội vã trong việc xúc tiến làm ăn với các đối tác nước ngoài, dẫn đến “hớ hênh” trong các điều khoản hợp đồng và chịu thiệt thòi. Đây là bài học đắt giá đối với các doanh nghiệp trong nước khi làm ăn với đối tác nước ngoài.

Câu hỏi: Vậy luật sư có dự báo gì về nguy cơ, lợi thế của các DN Việt khi ký kết với thương nhân nước ngoài trong bối cảnh hội nhập Kinh tế quốc tế hiện nay?

Luật sư trả lời:

Việt Nam đang được đánh giá là một thị trường cực kỳ có tiềm năng và đang thu hút lượng lớn các nguồn đầu tư từ nước ngoài và là đối tác được các thương nhân nước ngoài quan tâm trong việc giao dịch thực hiện các hợp đồng hàng hóa dịch vụ. Cùng với đó, việc Việt Nam tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do mở ra cánh cửa lớn cho doanh nghiệp đưa hàng hóa ra khỏi phạm vi Việt Nam, tìm đến được với nhiều thị trường mới, đối tác mới trên thế giới. Nhiều hợp đồng thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác trên toàn thế giới được ký kết.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế thì có rất nhiều nguy cơ mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt. Cụ thể là hiện nay trong hợp đồng thương mại quốc tế có thể bằng văn bản, email, thư đặt hàng. Trong đó, viện dẫn điều khoản chung của hiệp hội hoặc doanh nghiệp đính kèm hợp đồng tiềm ẩn khả năng vi phạm hợp đồng rất lớn nếu doanh nghiệp không đọc kỹ trước khi ký hợp đồng.

Bên cạnh đó, vấn đề hiệu lực hợp đồng như người ký không đúng thẩm quyền, chủ thể không có tư cách pháp nhân, hàng hóa, dịch vụ không được phép kinh doanh,…cũng có thể phát sinh nếu doanh nghiệp không xem xét kỹ trước khi ký kết.

Hơn nữa, việc ký kết hợp đồng đôi khi cũng gặp nhiều rắc rối do hệ thống pháp luật khác nhau và bất đồng trong ngôn ngữ, văn hóa kinh doanh. Ví dụ: Theo pháp luật Việt Nam, người đại diện theo pháp luật có thẩm quyền ký kết hợp đồng hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện hành vi này thông qua giấy ủy quyền hoặc Điều lệ công ty.

Nhưng pháp luật mỗi quốc gia lại khác nhau, ví dụ như Luật Anh. Anh theo hệ thống thông luật, nên không có quy định cụ thể về ủy quyền. Các án lệ tại Anh công nhận sự ủy quyền mặc nhiên, tức là một CEO khi thực hiện nhiệm vụ điều hành công ty thì có quyền thực hiện những hành vi mà một CEO thông thường cần làm, nên có thể không cần giấy ủy quyền. Do đó, khi giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam nên tìm hiểu các quy định về thẩm quyền và ủy quyền của đối tác hoặc yêu cầu đối tác cung cấp các giấy tờ để chứng minh hoặc cam kết mình có thẩm quyền ký kết hợp đồng.

Câu hỏi: Theo luật sư, Doanh nghiệp Việt cần có giải pháp gì để tránh được các vi phạm thường gặp của thương nhân nước ngoài?

Luật sư trả lời:

Trước hết việc tìm hiểu rõ thông tin là vô cùng quan trọng, doanh nhiệp Việt cần phải nắm được đầy đủ về lịch sử hoạt động, giấy phép kinh doanh và các giấy tờ liên quan, văn phòng đại diện. Đồng thời phải xác thực được tính chính xác của nó trước khi hợp tác với thương nhân nước ngoài để giảm thiểu những rủi ro đến từ vi phạm của thương nhân đó.

Ngoài ra những vi phạm có thể do khác biệt về văn hoá và ngôn ngữ khiến cho thương nhân nước ngoài đầu tư tại Việt Nam chưa hiểu đúng về quy định pháp luật hay cách làm việc vì vậy trước khi hợp tác doanh nghiệp Việt cần phải giải thích và nêu thật rõ về cách làm việc và các điều khoản cụ thể về thủ tục, quy trình để thương nhân nước ngoài có thể nắm được tránh những sai sót không đáng có.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu kỹ về các điều khoản trong Hợp đồng và phải lường trước những trường hợp tranh chấp có thể xảy ra. Vì khi xảy ra tranh chấp kiện tụng thì vấn đề quan trọng chính là “án tại hồ sơ”, căn cứ vào hợp đồng đã ký chứ không phải là những thỏa thuận miệng giữa hai bên. Để đảm bảo quyền lợi, doanh nghiệp có thể tìm đến các công ty luật để được tư vấn về việc soạn thảo, rà soát Hợp đồng.

Câu hỏi: Luật sư có thể phân tích thêm những lưu ý gắn với 02 hiệp định lớn là EVFTA và CPTPP?

Luật sư trả lời:

Thuật ngữ “Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới” được sử dụng để chỉ các FTA với những cam kết sâu rộng và toàn diện, bao hàm những cam kết về tự do thương mại hàng hóa và dịch vụ như các “FTA truyền thống”; mức độ cam kết sâu nhất (cắt giảm thuế gần như về 0%, có thể có lộ trình).

Đối với Hiệp định CPTPP thì Các nước cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 65-95% số dòng thuế và xóa bỏ hoàn toàn từ 97-100% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, các mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế quan trong vòng 5-10 năm.

Đối với Hiệp định EVFTA: Các nội dung chính của Hiệp định, bao gồm: Thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại; các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, …Bên cạnh đó Việt Nam và EU cũng cam kết sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99% số dòng thuế trong khoảng thời gian 7 năm đối với EU và 10 năm đối với Việt Nam.

Như vậy, việc ký kết các Hiệp định mang lại những thuận lợi rất lớn cho thương nhân Việt Nam đặc biệt là về ưu đãi thuế.

Tuy nhiên, Với đặc trưng của FTA “thế hệ mới”, các hiệp định CPTPP và EVFTA cũng đưa ra những cam kết trong các lĩnh vực, như lao động, doanh nghiệp nhà nước, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ và phát triển bền vững. Đây là những cam kết chưa xuất hiện trong đa số các FTA trước đây.

Hiệp định EVFTA có một chương riêng về các vấn đề phát triển bền vững, trong đó quy định các bên ký kết sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, như các nguyên tắc của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cam kết trong công ước đa phương về môi trường, Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu biển, Công ước quốc tế về buôn bán động, thực vật hoang dã bị đe dọa…

Đây cũng chính là những lưu ý cho doanh nghiệp Việt Nam trước khi tiến hành giao thương với thương nhân nước ngoài. Các doanh nghiệp cần lưu ý các điều khoản liên quan đến vấn đề trên khi ký kết hợp đồng để hai bên hợp tác bền lâu và tránh phát sinh các vấn đề sau này.

Xin cám ơn luật sư về những chia sẻ hữu ích.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan