Luật Sư Nguyễn Thanh Hà trả lời kênh truyền hình VITV về vấn đề mua bán nợ xấu và các vấn đề pháp luật kinh doanh.

Nội dung bài viết

Kênh truyền hình tài chính kinh doanh VITV vừa có buổi phỏng vấn Luật Sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLAW về những vấn đề kinh tế và thị trường, chi tiết liên quan đến hình thức vay ngang hàng và việc mua nợ xấu của Nhà đầu tư nước ngoài gần đây, cụ thể:

1. Thưa Ông, Đơn giản và nhanh hơn ngân hàng, không phạt trả trước hạn và không phí ngầm là những ưu điểm của mô hình cho vay ngang hàng. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng hình thức huy động này tiềm ẩn nhiều rủi ro.Theo ông những rủi ro này là gì? Nên có giải pháp nào để việc cho vay ngang hàng được hiệu quả và giảm thiểu rủi ro một cách tối đa?

Trả lời:

Thuật ngữ vay ngang hàng, hay còn gọi là peer-to-peer lending (P2P) đã không còn là mới mẻ gần đây. Đây là hình thức cho vay mà là thực tế cho vay tiền cho cá nhân hoặc doanh nghiệp thông qua các dịch vụ trực tuyến phù hợp với người cho vay với người vay. Vì các công ty cho vay ngang hàng cung cấp các dịch vụ này thường hoạt động trực tuyến, chúng có thể hoạt động với chi phí thấp hơn và cung cấp dịch vụ rẻ hơn các tổ chức tài chính truyền thống. các sản phẩm được ngân hàng cung cấp, trong khi khách hàng vay có thể vay tiền với lãi suất thấp hơn. Nó giống như grab, hay uber nhưng kết nối và phục vụ trong lĩnh vực hỗ trợ tài chính.

Do những đặc thù của việc vay ngang hàng này, mà có những rủi ro như sau:

Thứ nhất, về rủi ro pháp lý,pháp luậtViệt Nam hiện hành chưa có một hành lang pháp lý, một quy định cụ thể cho hoạt động vay ngang hàng này. Điều đó dẫn đến việc thiếu cơ sở pháp lý cho các vấn đề: giải quyết tranh chấp; trình tự , thủ tục thực hiện; Điều kiện đầu tư, kinh doanh, thực hiện giao dịch….

P2P là hoạt động nhận tiền đầu tư và cho vay không qua trung gian tài chính, không được coi là hoạt động tín dụng thông thường, nên hiện nay, hoạt động này không phải tuân thủ các quy định về an toàn hoạt động cũng như các quy định về giám sát, kiểm soát chặt chẽ như với các tổ chức tín dụng hay công ty quản lý đầu tư.

Thứ hai, về rủi ro tín dụng, không có biện pháp bảo đảm cho khoản vay nợ ngang hàng. Toàn bộ khâu thẩm định hồ sơ vay đều do người cho vay tự đánh giá. Công ty P2P chỉ đóng vai trò là “người mai mối” do đó, Công ty này không chịu trách nhiệm trong trường hợp bên vay không có khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ, khi ấy, bên cho vay sẽ phải chịu hoàn toàn rủi ro nếu không có kinh nghiệm thẩm định khả năng tài chính của bên vay.

Giải pháp: Thiết nghĩ, cần có một khung pháp lý, hay một sự điều chỉnh tương đối từ cơ quan Nhà nước nhằm điều chỉnh hoạt động cho vay ngang hàng. Song song là phải đề ra những tiêu chuẩn, định mức cho việc vay ngang hàng, đảm bảo được sự an toàn cho các nhà đầu tư, các bên tham gia giao dịch.

2. Từ việc Công ty chuyên tái cấu trúc tài sản xấu của Nhật Bản là Samurai Power bất ngờ đặt chân vào thị trường Việt Nam, khi rót 31 triệu USD mua lại một lượng cổ phần trong IDS Equity Holdings Việt Nam (Công ty chuyên đầu tư vốn nhắm tới các công ty có tiềm năng trong lĩnh vực phát triển sản xuất và kinh doanh thương mại). Theo Ông đánh giá việc các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường mua bán nợ xấu của thị trường VN có ý nghĩa như thế nào trong việc xử lý nợ xấu?

Trả lời:

Tuy xấu nhưng các khoản nợ có vấn đề (NPLs) vẫn còn những giá trị, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đã vượt qua cơn suy thoái.

Nhìn chung việc các NĐT nước ngoài mua nợ xấu thị trường chúng ta là tín hiệu tốt. Tác động tích cực đầu tiên có thể thấy được là giảm nợ xấu trực tiếp trên thị trường. Năm 2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 Về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, trong đó lần đầu tiên cho phép tư nhân và nước ngoài tham gia xử lý nợ, đồng thời cho phép tài sản được chuyển nhượng theo cơ chế thị trường. Sau khi chính sách mới có hiệu lực, tính đến tháng 6-2018 đã có hơn 138.000 tỷ đồng nợ xấu được xử lý, đưa tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống giảm còn 2,09% so với 2,46% cuối năm 2016. Nợ xấu đã được giải quyết một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất, đó là điều đáng mừng với nền kinh tế chúng ta.

Ngoài việc giảm trực tiếp nợ xấu, việc mua bán nợ xấu từ NĐT nước ngoài góp phần tăng cường thị trường kinh tế của Việt Nam, tăng cường khả năng thanh khoản và khả năng đầu tư vốn cho thị trường kinh tế. Nhìn chung, sẽ góp phần giúp thị trường chúng ta thành thị trường cạnh tranh hơn.

3. Việc các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt mua nợ xấu tại VN bên cạnh những điểm tích cực, theo Ông sẽ tiềm ẩn những rủi ro nào mà chúng ta cần phải lưu ý?

Trả lời:

Trên thực tế, Nghị quyết 42 thời gian qua mới chỉ mở đường cho việc hình thành thị trường mua bán nợ chứ chưa có quy định cụ thể về hoạt động của thị trường này. Do rủi ro đầu tiên cần phải lưu ý là rủi ro về pháp lý. Theo đó, thời gian tới, cần phải có một ủy ban đứng ra để quản lý, giám sát hoạt động, đề ra những yêu cầu, quy định đối với người tham gia thị trường cũng như các giao dịch mua bán. Bên cạnh đó, cần phải có cơ sở hạ tầng cho thị trường này như hình thành sàn giao dịch mua bán nợ (nơi đấu giá mua bán nợ) hay minh bạch tất cả những thông tin về khoản nợ.

– Rủi ro thứ hai có thể gặp phải là rủi ro về các yếu tố kinh tế, ta cũng cần lưu ý đến khả năng NĐT nước ngoài làm dao động thị trường trong nước. Trường hợp NĐT nước ngoài đã nắm được một phần vốn của thị trường VN, dễ gây nên ảnh hưởng cho toàn bộ nền kinh tế nếu các động thái của Doanh nghiệp, NĐT nước ngoài sai lầm. Hay nên xem xét xem dòng vốn đó đầu tư đó có phải vốn đầu tư lâu dài hay không.

4.Thưa Ông, việc thanh toán không dùng tiền mặt sẽ đem lại lợi ích gì cho người tiêu dùng và nền kinh tế của Việt Nam? Theo Ông để đẩy mạnh việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt chúng ta nên có những giải pháp gì?

Trả lời:

Thứ nhất, thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán trực tuyến, thanh toán qua thẻ,… tạo nhiều sự thuận lợi cho việc thực hiện các giao dịch. Hiện nay thanh toán online, chúng ta có thể mua hàng tại Mỹ, Nhật, … với nhấp chuột tại nhà. Rõ ràng trong thế giới số hóa hiện đại bây giờ, thuận tiện là yếu tố quyết định sống còn trong mọi giao dịch, kích thích cho nền kinh tế phát triển tối đa.

Thứ hai, tăng cường tính cạnh tranh của những dịch vụ thanh toán trên thị trường. Đối với bất kỳ thị trường nào, cạnh tranh là cần thiết để phát triển. Hầu hết các ngân hàng thương mại đã thiết lập được hệ thống ngân hàng lõi và liên tục nâng cấp hệ thống, tích hợp thanh toán đa kênh… nhằm đem đến cho khách hàng nhiều tiện ích. Trong đó thanh toán di động hiện đang dần trở thành xu hướng mới.

Thứ ba, thanh toán không dùng tiền mặt ra đời làm giảm được khối lượng tiền mặt trong lưu thông, tiết giảm được chi phí trong khâu in ấn tiền, bảo quản, vận chuyển tiền, giảm được chi phí lao động xã hội. Nâng cao hiệu quả thanh toán trong nền kinh tế, góp phần tăng tốc độ luân chuyển vốn của xã hội, thúc đẩy phát triển sản xuất lưu thông hàng hoá và lưu thông tiền tệ. Đặc biệt là góp phần rất quan trọng vào công tác phòng, chống rửa tiền đang ngày càng nhức nhối hiện nay.

Một số giải pháp để đẩy mạnh việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt là:

Thứ nhất, nâng cao nền tảng thanh toán trực tuyến của thị trường. Nói cách khác là hiện đại hoá công nghệ và các hệ thống thanh toán. Xây dựng một hệ thống thanh toán hiện đại cần được xác định là mục tiêu dài hạn của ngành ngân hàng Việt Nam. Một hệ thống thanh toán được tổ chức tốt hơn, an toàn hơn, ít rủi ro hơn thì không chỉ làm tăng doanh số thanh toán, làm cho dịch vụ thanh toán ngày càng trở nên hoàn thiện hơn trong mắt của người tiêu dùng mà còn góp phần hỗ trợ tích cực cho các hoạt động của các dịch vụ khác phát triển. Hiện đại hoá hệ thống thanh toán điện tử của ngân hàng sẽ giúp ngân hàng xây dựng được kết cấu hạ tầng hiện đại để cung cấp các sản phẩm dịch vụ đa dạng, ngày càng thoả mãn tốt hơn các nhu cầu của khách hàng, giảm chi phí vận hành, tăng cường hiệu quả quản lý và tăng hiệu quả kinh doanh.

Thứ hai, về phía người dân, người tiêu dùng chính là chủ thể sử dụng cách phương thức thanh toán này, có nghĩa họ chính là người quyết định sống còn của thanh toán trực tuyến. Ở Việt Nam hình thức thanh toán cũ vẫn còn áp dụng rất nhiều bởi đại bộ phận vẫn có thói quen tiêu dùng cũ. Chính vì vậy, muốn phát triển thanh toán không trực tiếp thì trước hết phải giúp cho mỗi người dân hiểu rõ những tiện ích của phương tiện thanh toán này. Nếu người dân có hiểu biết đầy đủ hơn thì họ sẽ cảm thấy an toàn hơn, thuận tiện và thoải mái hơn khi sử dụng dịch vụ mà ngân hàng cung cấp, từ đó tất yếu nảy sinh nhu cầu sử dụng. Ngoài ra đi cùng là việc tuyên truyền phổ biến lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt.

Thứ ba, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và cơ chế giám sát trong thanh toán không dùng tiền mặt. Thực tiễn phát triển nhanh và mạnh các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt như vậy đã đặt ra các yêu cầu đòi hỏi nhất định về cơ sở pháp lý điều chỉnh các hoạt động, dịch vụ thanh toán mới. Những nội dung cần hoàn thiện không chỉ là hệ thống các văn bản pháp quy liên quan đến các hoạt động thanh toán nói chung trong nền kinh tế, cả thanh toán bằng tiền mặt và thanh toán không dùng tiền mặt mà còn cần tạo lập một môi trường cạnh tranh công bằng, bảo đảm khả năng tiếp cận thị trường và tiếp cận dịch vụ đối với các chủ thể có chức năng tương tự như nhau; hình thành cơ chế bảo vệ khách hàng hữu hiệu và bảo đảm quy trình giải quyết tranh chấp hiệu quả và khách quan.

 

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan