Luật cạnh tranh: Thay đổi để tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB Law đã trả lời trên Truyền hình Nhân dân về nội dung: Luật Cạnh tranh - Thay đổi để tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Câu hỏi 1: Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, Luật cạnh tranh đang bộc lộ nhiều điểm hạn chế, không còn phù hợp với tình hình thực tế. Quan điểm của ông như thế nào?

Luật sư trả lời:

Luật Cạnh tranh năm 2004 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2005) đã thiết lập nền tảng pháp lý đầu tiên cho môi trường cạnh tranh ở Việt Nam, Luật Cạnh tranh ra đời nhằm đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các chủ thể, cũng như hạn chế, ngăn chặn, xử lý các hành vi gây thiệt hại doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm áp dụng Luật Cạnh tranh đang bộc lộ rõ những điểm không phù hợp với thực tiễn hiện nay, cụ thể:

Thứ nhất, các quy định hiện hành trong Luật Cạnh tranh còn cứng nhắc, mang tính môt tả, chỉ hướng tới hình thức biểu hiện bên ngoài của hành vi mà chưa đi vào bản chất phản cạnh tranh của hành vi, chưa bắt kịp sự biến động thường xuyên của thị trường.

Thứ hai, trong quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh:

Hành vi hạn chế cạnh tranh bao gồm hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền và tập trung kinh tế phụ thuộc nhiều vào yếu tố thị phần của doanh nghiệp trên thị trường liên quan. Trong khi đó, các yếu tố để xác định thị trường liên quan không phù hợp với thực tế và gây nhiều khó khăn trong quá trình thực thi.

Thứ ba, Luật Cạnh tranh còn chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa phát huy được sứ mệnh bảo vệ môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng.

Ví dụ: các hành vi cạnh tranh không lành mạnh được phát hiện, xử lý còn hạn chế trong khi môi trường cạnh tranh Việt Nam tồn tại nhiều hành vi vi phạm.

Thiết nghĩ, Luật Cạnh tranh nên được sửa đổi để phù hợp với tình hình thực tế hơn.

Câu hỏi 2: Vậy theo ông, Luật cạnh tranh hiện nay cần sửa đổi bổ sung điều gì?

Luật sư trả lời:

Theo tôi, Luật Cạnh tranh cần sửa đổi, bổ sung những điều sau:

  • Về phạm vi áp dụng của Luật Cạnh tranh phải mở rộng với cả doanh nghiệp nước ngoài, hiểu theo nghĩa được thành lập và hoạt động theo pháp luật nước ngoài, trong luật hiện hành đối tượng này chưa được quy định rõ ràng.
  • Phải bổ sung một điều luật riêng quy định cụ thể các cách thức khác nhau cho việc xác định thị phần.
  • Bổ sung thêm các công cụ định tính nhằm xác định khả năng chi phối của một doanh nghiệp đối với thị trường.
  • Với hành vi cạnh tranh không lành mạnh, nên bãi bỏ các hành vi đã được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác, đồng thời cập nhật, bổ sung thêm các hành vi mới phát sinh trên thực tế hiện nay. Bên cạnh đó, cũng nên quy định thủ tục điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh theo hướng đơn giản, nhanh gọn hơn.
  • Doanh nghiệp là đối tượng áp dụng của Luật Cạnh tranh, tuy nhiên trong thực tiễn tư vấn pháp luật về cạnh tranh thì tôi thấy có rất ít doanh nghiệp quan tâm và vận dụng các quy định của Luật Cạnh tranh 2004 để bảo vệ quyền lợi của mình, thiết nghĩ cần bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong Luật Cạnh tranh.
  • Cần sửa đổi, bổ sung Luật Cạnh tranh theo hướng nâng cao tính độc lập và thẩm quyền của cơ quan cạnh tranh để đảm bảo khả năng thực thi hiệu quả Luật Cạnh tranh.
  • Việt Nam có pháp luật cạnh tranh nhưng chưa có chính sách cạnh tranh như: chính sách cạnh tranh ngành, điều kiện gia nhập thị trường, … Do đó, cần có một chương riêng quy định vấn đề này.

Câu hỏi 3: Dự thảo mới của Luật cạnh tranh sẽ tác động như thế nào tới hoạt động sản xuất kinh doanh trong giai đoạn này, thưa ông?

Luật sư trả lời:

Dựa trên những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong thời gian tới, Luật Cạnh tranh (sửa đổi) sẽ góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, cụ thể:

  • Những quy định mới trong Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) nếu được Quốc hội thông qua sẽ góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo hành lang pháp lý ổn định trên nguyên tắc đảm bảo cạnh tranh minh bạch, bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
  • Việc sửa đổi Luật Cạnh tranh cũng sẽ góp phần giảm thiểu các rào cản chính đối với cạnh tranh (kỹ thuật, tài chính và pháp lý), qua đó góp phần giảm thiểu các hình thức và hành vi hạn chế cạnh tranh trong cả khu vực tư nhân và khu vực công, tạo cơ hội thúc đẩy sáng tạo, đổi mới và tăng trưởng, đồng thời tạo sự ổn định và công bằng cho môi trường kinh doanh và môi trường đầu tư.
  • Đảm bảo môi trường cạnh tranh hữu hiệu, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế, các doanh nghiệp có thể dễ dàng gia nhập thị trường; góp phần hoàn thiện khung chính sách cạnh tranh toàn diện nhằm mở cửa thị trường cho doanh nghiệp gia nhập và cạnh tranh, hiệu lực thực thi chính sách cạnh tranh sẽ được tăng cường, qua đó nâng cao tính ổn định của môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, góp phần cho nền kinh tế tăng trưởng bền vững.
  • Luật Cạnh tranh (sửa đổi) sẽ đảm bảo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong nước hay nước ngoài, tạo sự nhất quán trong việc áp dụng các quy định đối với mọi thành phần kinh tế.
  • Bên cạnh đó, Luật Cạnh tranh (sửa đổi) sẽ góp phần xây dựng một chính sách cạnh tranh minh bạch, ổn định và thống nhất, là cơ sở cho việc xây dựng, mở rộng và đẩy mạnh các quan hệ hợp tác thương mại song phương và đa phương với nhiều quốc gia trên thế giới, phù hợp thông lệ quốc tế và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết; đảm bảo việc thực thi có hiệu quả các nội dung cạnh tranh trong các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia.

Câu hỏi 4: Theo ông, làm thế nào để phát huy được sứ mệnh bảo vệ môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh làm tiền đề cho sự phát triển kinh tế đất nước?

Luật sư trả lời:

Để phát huy được sứ mệnh bảo vệ môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh làm tiền đề cho sự phát triển kinh tế đất nước, trước hết phải đưa các quy định của Luật Cạnh tranh đi vào thực tế cuộc sống từ đó việc thi hành luật sẽ có hiệu quả hơn.

Luật Cạnh tranh cần được xác định là luật công, để bảo vệ các quan hệ cạnh tranh, một loại quan hệ công, thực sự được coi là hiến pháp của nền kinh tế thị trường, bảo vệ môi trường cạnh tranh lành mạnh, làm động lực phát triển cho nền kinh tế.

Điều chỉnh cách tiếp cận về quản lý cạnh tranh mang tính khả thi và phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế theo hướng ổn định.

Bên cạnh đó, phải nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng xã hội về vai trò và tầm quan trọng của cạnh tranh, định hình văn hóa cạnh tranh trong kinh doanh và điều chỉnh hành vi ứng xử cho phù hợp không chỉ đối với cộng đồng doanh nghiệp mà cả đối với các cơ quan quản lý nhà nước và toàn thể cộng đồng xã hội.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan