Luật An ninh mạng: Thể hiện tính chịu trách nhiệm của người dùng mạng xã hội

Nội dung bài viết

Luật sư Phạm Duy Khương – Giám đốc Công ty Luật TNHH SB LAW đã chia sẻ với báo Tin tức quan điểm về sự cần thiết phải có Luật An ninh mạng để nâng cao tính trách nhiệm của người dùng mạng xã hội trong bài viết dưới đây:

Theo Luật sư Phạm Duy Khương, Giám đốc sở hữu trí tuệ Công ty Luật SB LAW, quy định của Luật An ninh mạng thể hiện tính chịu trách nhiệm cho mọi hành vi của người dùng mạng xã hội. Mỗi một bài đăng, mỗi một lượt thích hay chia sẻ, đều bao gồm cả trách nhiệm của mỗi người.

Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ 1/1/2019. Luật sư Phạm Duy Khương, Giám đốc sở hữu trí tuệ Công ty Luật SB LAW đã chia sẻ với báo Tin tức quan điểm về sự cần thiết phải có Luật An ninh mạng để nâng cao tính trách nhiệm của người dùng mạng xã hội trong bài viết dưới đây:
Mạng xã hội (MXH) là một trong những sản phẩm của công nghệ hữu ích cho đời sống con người, tạo điều kiện dễ dàng hơn bao giờ hết để kết nối con người với nhau và cũng là một trong những cách thức để mỗi một cá nhân, công dân có thể truyền tải các thông điệp của mình đến với người khác và với toàn xã hội. Tuy nhiên, đi kèm với những lợi ích đạt được, MXH cũng đã đặt ra những vấn đề nan giải cần giải quyết.
Nếu như trước đây, muốn nhìn nhận ý thức, nhận thức, tinh thần tôn trong pháp luật của một cộng đồng thì có thể đánh giá thông qua ý thức chấp hành luật lệ giao thông. Còn bây giờ, nếu muốn đánh giá về ý thức, nhận thức của một cá nhân hay một xã hội thì có thể dựa vào các hoạt động của họ ngay trên MXH.

Mạng xã hội tuy là ảo, nhưng cũng có thể một phần nào đó hiểu được một cá nhân qua cách tương tác nội dung trên MXH. Và thậm chí, những đơn vị cung cấp mạng xã hội có thể hiểu rõ con người của bạn hơn cả những gì bạn có thể nghĩ thông qua việc thu thập, xử lý, phân tích lịch sử hoạt động của bạn trên MXH.

Sự ra đời của MXH cũng là thời kỳ bùng nổ của Tin giả (Fake news) khi mà nhiều thông tin có thể được chia sẻ, lan truyền mà không cần kiểm chứng hoặc thậm chí là được biên tập làm sai lệch so với bản chất vụ việc. Vấn nạn tin giả này không phải chỉ có Việt Nam mới phải đối mặt mà rất nhiều quốc gia khác cũng đang gặp phải, thậm chí ngay tại Mỹ, quê hương của Facebook.
Để quản lý hoạt động của MXH bao gồm hoạt động của đơn vị cung cấp mạng xã hội và hoạt động của người dùng. Rất nhiều quốc gia đã ban hành các văn bản pháp lý để điều chỉnh hành vi của con người trên MXH. Mục đích của việc ban hành các luật này chính là để đảm bảo việc tuân thủ pháp luật trên môi trường mạng.
Tại Việt Nam, thời gian qua đã có rất nhiều MXH ra đời và hoạt động bao gồm cả các MXH của các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài và cả các nhà cung cấp dịch vụ trong nước. Tuy nhiên, cũng tương tự như tình trạng mà nhiều quốc gia khác đã và đang gặp phải, các hoạt động trên MXH của người dùng Việt Nam ở một phạm vi nhất định nào đó vượt qua ngoài khả năng tài phán của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam khi các MXH phổ biến tại Việt Nam vẫn là các MXH của các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. Điều này là dễ hiểu khi các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài này chỉ phải chịu trách nhiệm tuân thủ pháp luật của quốc gia nơi họ đặt trụ sở và/hoặc đăng ký thành lập.
Thời gian gần đây, chúng ta cũng đã thấy các cơ quan nhà nước có thẩm quyền Việt Nam đã phải vất vả như thế nào khi yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội nước ngoài gỡ bỏ những nội dung trái với quy định của pháp luật Việt Nam.
Luật An ninh mạng mới được Quốc hội thông qua quy định “Tổ chức, cá nhân soạn thảo, đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này (Điều 16) phải gỡ bỏ thông tin khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật” (Điều 16 của Luật An ninh mạng).
Quy định trên tuy ngắn gọn, nhưng đã đủ để bao hàm hết trách nhiệm của một cá nhân khi tham gia hoạt động trên mạng xã hội. Đơn giản, đấy chính là “tính chịu trách nhiệm cho mọi hành vi của mình”. Mỗi một bài đăng, mỗi một lượt thích hay chia sẻ, đều bao gồm cả trách nhiệm của mỗi người khi phát tán các thông tin vi phạm quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, Luật An ninh mạng không phải chỉ mục đích duy nhất là quy trách nhiệm của cá nhân, tổ chức khi hoạt động trên MXH. Bên cạnh những mục tiêu vĩ mô khác, một trong những mục đích quan trọng khác của Luật An ninh mạng chính là bảo hộ tốt nhất trong phạm vi có thể cho các công dân của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khi hoạt động trên MXH.

Với việc quy định các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài phải có văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại Việt Nam, các cá nhân, tổ chức nếu có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm trên MXH bởi hành vi vi phạm pháp luật của người dùng khác, họ có thể làm việc trực tiếp với các đơn vị này căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam mà không phải chỉ là quy định riêng của các đơn vị cung cấp dịch vụ hoặc pháp luật của bất cứ quốc gia nào khác.

Nguồn: https://baotintuc.vn/thoi-su/luat-an-ninh-mang-the-hien-tinh-chiu-trach-nhiem-cua-nguoi-dung-mang-xa-hoi-20180618101639891.htm

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan