Khảo sát, đánh giá tình tình thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh

Nội dung bài viết

Trên cơ sở Kế hoạch năm 2017 của Bộ Tư pháp, từ ngày 10-12/10/2017 tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp phối hợp với Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện năm 2017 (Dự án GIG) tiến hành khảo sát, đánh giá, tìm hiểu thực trạng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Bắt đầu kế hoạch khảo sát, trong ngày 10/10/2017 tại TP. Hồ Chí Minh Bộ Tư pháp phối hợp với Dự án GIG tổ chức Tọa đàm khảo sát, phỏng vấn sâu để đánh giá về tình hình thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhằm nghiên cứu, đề xuất giải pháp hỗ trợ pháp lý hiệu quả cho doanh nghiệp, xây dựng cơ chế phối hợp, cách thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Tham dự Tọa đàm có các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, các luật sư và doanh nghiệp trao đổi với 02 chuyên gia của Dự án GIG tham gia Đoàn khảo sát là TS. Nguyễn Phương Bắc – Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế tỉnh Bắc Ninh và Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cùng chuyên gia đại diện Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế, Bộ Tư pháp, Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020. Tọa đàm do TS. Nguyễn Thanh Tú – Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế, Bộ Tư pháp chủ trì.
Tại Tọa đàm, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, các luật sư và doanh nghiệp đã trao đổi về thực trạng, vướng mắc khó khăn trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, trong đó tập trung vào các nội dung sau:
Thứ nhất, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tuy đã được triển khai từ năm 2008 trên cơ sở Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 12/10/2010 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp không trực tiếp nắm rõ các quy định này để áp dụng, vận dụng thực hiện tốt pháp luật mà các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thường khi có các vướng mắc pháp lý sẽ thông qua các văn phòng luật sư, công ty luật để thực hiện. Ngoài ra, trên thực tế, mặc dù Điều 10 Nghị định số 66/2008/NĐ-CP đã quy định rõ trách nhiệm giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp nhưng nhiều cơ quan nhà nước khi được doanh nghiệp hỏi, đề nghị giải đáp thì không có hồi âm trả lời có nhận được hay không và không trả lời cho doanh nghiệp hoặc ý kiến trả lời chung chung, không rõ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện, vì vậy, để triển khai hiệu quả cơ chế này cần có chế tài khi đưa ra các quy định trách nhiệm của các cơ quan có liên quan, nhất là trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của các cơ quan trong thời gian tới.
Thứ hai, về vai trò của Luật sư trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Đại diện một số luật sư tham gia tọa đàm cho rằng, vai trò của luật sư nói chung và trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ở Việt Nam nói riêng vẫn chưa thực sự phát huy được sức mạnh, nguồn lực hiện có của luật sư để giúp luật sư gần với doanh nghiệp hơn, phát huy vai trò của luật sư trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Để luật sư phát huy được vai trò này, đại diện luật sư tham gia tọa đàm cũng có ý kiến ngoài các giải pháp cụ thể, đề nghị các cơ quan nhà nước cần nâng cao hiệu quả trong công tác xây dựng pháp luật, vì trên thực tế nhiều văn bản pháp luật được ban hành nhưng khi áp dụng thực hiện bản thân luật sư cũng rất khó thực hiện, nhiều văn bản được ban hành khi nhưng ý kiến các luật sư lại khác nhau khi áp dụng văn bản đó, nhất là việc ban hành văn bản nhiều, liên tục thay đổi nhưng công tác cập nhật, hệ thống hóa cho luật sư dễ nghiên cứu, áp dụng cũng là vấn đề đáng quan tâm và cần được nghiên cứu, xử lý trong thời gian tới.
Thứ ba, để nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nói riêng và trên địa bàn phạm vi cả nước nói chung, ý kiến các đại biểu tham dự tọa đàm đề nghị các cơ quan nhà nước cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền vai trò, ý nghĩa của việc sử dụng luật sư đối với doanh nghiệp, tương tự như việc “bác sỹ luật sư khám định kỳ sức khỏe doanh nghiệp” để nâng cao ý thức pháp luật cho doanh nghiệp và kịp thời phát hiện các “căn bệnh pháp lý hiểm nghèo” có thể rơi vào “giai đoạn khó chữa trị” nhằm hạn chế chi phí pháp lý cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Bộ Tư pháp cần nghiên cứu việc xây dựng mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp chính thức theo mô hình của Hàn Quốc, Nhật Bản… theo đó, nhà nước đóng vai trò hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhưng chỉ làm công tác điều phối, xây dựng mạng lưới luật sư tư vấn pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp, các luật sư sẽ trực tiếp thực hiện hoạt động này, Nhà nước hỗ trợ 30-50% phí tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa ở địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn nhằm thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước đã được thể hiện trong Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 và Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vừa được Quốc hội thông qua ngày 12/6/2017 trong việc chuyển Nhà nước từ đối tượng quản lý doanh nghiệp sang đối tượng phục vụ doanh nghiệp, người dân nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong thời gian tới.
Kết thúc Tọa đàm, TS. Nguyễn Thanh Tú đã đánh giá cao các ý kiến của các luật sư và doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã trao đổi nhiều ý kiến trên cơ sở thực tế thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại đơn vị mình và một lần nữa thay mặt Ban Tổ chức TS. Nguyễn Thanh Tú chúc mừng ngày truyền thống Luật sư 10/10 và qua các ý kiến góp ý Ban Tổ chức sẽ tổng hợp ý kiến của các đại biểu để báo cáo Lãnh đạo Bộ Tư pháp đề xuất, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới./.

Trần Minh Sơn, Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế, Bộ Tư pháp.
0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan