Hàng Việt bị nhái thương hiệu

Nội dung bài viết

Trong bài viết “Hàng Việt bị nhái thương hiệu của tác giả Ngọc Bảo được đăng tải trên báo An Ninh Thủ Đô có ý kiến đóng góp của Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, luật sư thành viên Công ty luật S&B (S&B Law). Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài viết này:

ANTĐ – Trong khi người Việt đang tẩy chay các mặt hàng kém chất lượng có xuất xứ từ Trung Quốc thì không ít các loại quần áo gia công chất lượng kém mang nhãn hiệu Trung Quốc lại được các chủ cửa hàng “phù phép” thành hàng “Made in Vietnam” để qua mặt khách hàng.

Mua hàng Việt không dễ

Thời gian gần đây, nhiều người tiêu dùng có xu hướng chuộng đồ Việt Nam do bền, đẹp, đặc biệt, những chiếc áo len, váy len, áo khoác phao có chất liệu tốt hơn rất nhiều so với hàng Trung Quốc. Chị Mai Thu Trang, nhân viên văn phòng thừa nhận: “Nhiều chiếc váy len, áo vest công sở kiểu dáng lịch sự được gắn mác các thương hiệu nổi tiếng nhưng lại chỉ có giá từ 300.000 – 450.000 đồng/chiếc, rẻ hơn hẳn hàng hiệu “xịn” bày bán trong các trung tâm thương mại lớn”. Cũng theo chị Trang, nếu đem so những chiếc áo, váy “Made in Vietnam” thật với những chiếc áo, váy cao cấp của các hãng như Mango, Zara, H&M,… nhìn chung đều khá giống nhau. Các hãng nổi tiếng ra mẫu mới nào là ở các cửa hàng thời trang “Made in Vietnam” đều cập nhật ngay các mẫu “hot” đó. Tuy nhiên, nhiều mẫu mã lại được thiết kế khá lạ, tìm mỏi mắt trên các website chính hãng cũng không thấy nên chị Trang không biết đó là hàng “độc” bị lỗi hay hàng “chợ” gắn mác “Made in Vietnam”…

Theo kinh nghiệm của những khách hàng chuyên dùng hàng Việt Nam thì hiện có không ít cửa hàng trà trộn các loại quần áo gia công, Trung Quốc rẻ tiền rồi gắn mác “Made in Vietnam”. Kể lại câu chuyện mua hàng “Made in Vietnam” rởm, chị Trần Thu Vân, ở đường Đê La Thành, quận Ba Đình cho biết, chị đã mua một chiếc váy len giá 450.000 đồng tại một cửa hàng bán đồ Việt Nam xuất khẩu. Người bán giải thích do đây là hàng H&M may lỗi nên chủ sản xuất đã cắt mác để bán cho khách hàng trong nước với giá cả phải chăng.

Tuy nhiên, vài hôm sau chị lại nhìn thấy một chiếc váy len giống hệt từ chất liệu, kiểu dáng ở một cửa hàng bán quần áo gần nhà. Chiếc váy này cũng gắn mác H&M nhưng “Made in China” và giá của nó chỉ bằng một nửa chiếc váy mà chị đã mua. “Muốn mua được hàng Việt Nam “xịn” khách hàng phải có kinh nghiệm xem chất liệu vải, đường may, mẫu mã của sản phẩm. Bởi, nếu chỉ nhìn vào nhãn mác mà người ta gắn lên đó thì khó mà biết được đó có phải là hàng cao cấp xuất khẩu của các hãng thời trang “xịn” trên thế giới hay không. Ngày càng có nhiều cửa hàng lợi dụng tâm lý khách hàng nên đã cắt và thay nhãn mác “Made in China” thành “Made in Vietnam”, bởi vậy muốn đặt lòng tin vào hàng Việt, dùng hàng Việt cũng không phải là chuyện dễ…”, chị Vân phàn nàn.

Mác loại nào cũng có

Thực tế, hàng “Made in Vietnam” của các hãng thời trang có tiếng như Zara, Mango, H&M,… là những mặt hàng có chất lượng tốt, do các hãng nước ngoài đặt hàng và sản xuất tại Việt Nam nhằm mục đích xuất khẩu. Những mặt hàng lỗi mốt hoặc sai sót về kỹ thuật được trả về hoặc tồn đọng lại mới được xuất bán ở thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều cửa hàng “Made in Vietnam” xuất khẩu bày bán nhiều loại quần áo nhãn hiệu nổi tiếng có kiểu dáng và mẫu mã đa dạng phong phú hơn cả những sản phẩm mang nhãn hiệu nổi tiếng cùng loại tại showroom chính hãng và các trung tâmthương mại. Điều này khiến không ít người tiêu dùng nghi ngờ.

Tìm đến phố Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm – một trong những con phố chuyên bán đồ phụ kiện may mặc có tiếng ở Hà Nội, chúng tôi đã tìm ra câu trả lời vì sao người ta có thể dễ dàng “phù phép” quần áo gia công, quần áo Trung Quốc thành “Made in Việt Nam”. Trong vai chủ xưởng may cần tìm một số mác, gắn logo “Made in Vietnam”, chúng tôi được chủ một cửa hàng đưa cho xem một loạt các loại mác mang thương hiệu lớn như Burberry, Chanel, Zara, Bebe, Mango, H&M, “Made in Vietnam”. Chủ cửa hàng còn bật mí: “Bọn em muốn mác thương hiệu nổi tiếng nào chị cũng có. Nếu chưa chọn được mẫu nào ưng ý, cứ để lại mẫu nhãn, mác rồi đặt hàng, chậm nhất là 1 tuần sẽ có những chiếc mác giống y như thật….”. Cũng theo chủ cửa hàng này thì sau khi mua mác về chỉ việc may, đính lên quần áo là đã có hàng “Made in Vietnam” xịn. Với giá 200.000 – 250.000 đồng/túi, mỗi túi 1.000 chiếc, người ta có thể biến những chiếc áo hàng chợ hay hàng Trung Quốc thành sản phẩm “Made in Vietnam” xuất khẩu và bán với giá gấp 2-3 lần giá gốc.

Luật sư Nguyễn Tiến Hòa– Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng, chiêu kinh doanh này đang khiến cho nhiều mặt hàng bị mất thương hiệu quốc gia. Nắm được tâm lý người tiêu dùng ngày càng tẩy chay hàng hóa kém chất lượng của Trung Quốc, ý thức người Việt dùng hàng Việt ngày càng được nâng cao nên nhiều mặt hàng may mặc kém chất lượng xuất xứ Trung Quốc được nhiều chủ cửa hàng hám lợi “phù phép” thành hàng “Made in Việt Nam” để bán tại thị trường trong nước. Đây là hành vi gian lận thương mại, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng cũng như uy tín của thương hiệu Việt. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời và triệt để vấn đề này thì uy tín hàng hóa của Việt Nam tại thị trường trong nước cũng như quốc tế sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan