ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC CẤP BẰNG SÁNG CHẾ

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời trên Truyền hình Quốc hội, trong Chương trình Hiểu Đúng - Làm Đúng về ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC CẤP BẰNG SÁNG CHẾ. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Tình huống: Anh Tú là một người đam mê nghiên cứu sản phẩm mới, chị Hoa là hàng xóm nhưng lại thích anh Tú nên tìm mọi cách tiếp cận với anh Tú. Để giúp anh Tú tìm hiểu về thủ tục cấp bằng sáng chế độc quyền, chị Hoa đã đến gặp luật sư xin tư vấn

Luật sư tư vấn:

Theo quy định tại Khoản 12 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) (Luật SHTT) thì “Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên”.

Một sáng chế muốn được bảo hộ phải đáp ứng được các điều kiện sau:

+ Có tính mới;

+ Có trình độ sáng tạo; và

+ Có khả năng áp dụng công nghiệp.

Cụ thể:

Thứ nhất, sáng chế phải có tính mới

Theo Điều 60 Luật SHTT sáng chế được coi là có tính mới nếu chưa bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên.

Tính mới của sáng chế phải mang tính chất tuyệt đối, tức là sáng chế cũng phải mới so với toàn thế giới chứ không phải chỉ ở riêng Việt Nam. Để đáp ứng tiêu chí tính mới, sáng chế phải thỏa mãn hai tiêu chí là: Chưa bị bộc lộ công khai và không trùng lặp với bất kì một giải pháp kĩ thuật nào trước đó.

Sáng chế được coi là chưa bị bộc lộ công khai nếu chỉ có một số người có hạn được biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về sáng chế đó. Thời điểm để xác định một sáng chế bị bộc lộ công khai là ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên. Hình thức bộc lộ công khai có thể là sáng chế sáng chế đã được sử dụng, mô tả bằng ấn phẩm tư liệu, mô tả bằng thuyết trình, giảng dạy, đăng tải trên Internet, lưu thông trên thị trường…hoặc bằng bất kỳ cách bộc lộ nào khác miễn để cho người khác biết đến sáng chế của mình.

Để xác định một sáng chế có tính mới hay không thì cần có sự so sánh, đối chiếu với các đối chứng cụ thể. Các đối chứng này không chỉ giới hạn trong phạm vi những đăng kí sáng chế, văn bằng bảo hộ trong nước và nước ngoài mà còn phải tra cứu ở cả những công trình khoa học, tài liệu nghiên cứu thuộc lĩnh vực.

Sáng chế để bảo đảm tính mới thì phải đảm bảo sự không trùng lặp hoặc có ít nhất một dấu hiệu kỹ thuật cơ bản khác biệt so với các giải pháp kỹ thuật đã được cấp bằng bảo hộ hoặc đã nộp đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ.

Tuy nhiên, pháp luật cũng có quy định về trường hợp ngoại lệ trong việc xác định tính mới của sáng chế. Theo đó, sáng chế không bị coi là mất tính mới nếu được công bố trong các trường hợp sau đây với điều kiện đơn đăng ký sáng chế được nộp trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày công bố:

– Sáng chế bị người khác công bố nhưng không được phép của người có quyền đăng ký.

– Sáng chế được người có quyền đăng ký công bố dưới dạng báo cáo khoa học;

– Sáng chế được người có quyền đăng ký trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức.

Thứ hai, sáng chế phải có trình độ sáng tạo

Theo Điều 61 Luật SHTT sáng chế được coi là có trình độ sáng tạo nếu căn cứ vào các giải pháp kỹ thuật đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc dưới bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên, sáng chế đó là một bước tiến sáng tạo, không thể được tạo ra một cách dể dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng.

Như vậy, tính sáng tạo có thể được hiểu là kết quả của một ý tưởng (có thể bắt nguồn từ những sáng chế khác), nhưng không nảy sinh một cách hiển nhiên từ trình độ kỹ thuật hiện tại đối với một người có kỹ năng thông thường (trình độ trung bình) trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng. Những gì mà một người có trình độ trung bình ở cùng ngành kỹ thuật tương ứng có thể tự tìm ra được mà không cần phải có bản mô tả sáng chế của người yêu cầu nộp đơn được coi như “hiển nhiên“. Sau nữa, đây phải là một sự sáng tạo có trình độ, nghĩa là phải có sự khác biệt cơ bản giữa trình độ kỹ thuật vào ngày ưu tiên và sáng chế được yêu cầu bảo hộ (phải nêu được ví dụ về tính sáng tạo).

Thứ ba, sáng chế phải có khả năng áp dụng công nghiệp

Theo Điều 62 Luật SHTT sáng chế được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể thực hiện được việc chế tạo, sản xuất hàng loạt sản phẩm hoặc áp dụng lặp đi lặp lại quy trình là nội dung của sáng chế và thu được kết quả ổn định.

Mục 25.4 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 16/2016/TT-BKHCN) đã hướng dẫn rõ về khả năng áp dụng công nghiệp của sáng chế như sau:

Giải pháp kỹ thuật được coi là “có thể thực hiện được” nếu:

– Các thông tin về bản chất của giải pháp cùng với các chỉ dẫn về điều kiện kỹ thuật cần thiết được trình bày một cách rõ ràng, đầy đủ đến mức cho phép người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể tạo ra, sản xuất ra hoặc có thể sử dụng, khai thác hoặc thực hiện được giải pháp đó;

-Việc tạo ra, sản xuất ra, sử dụng, khai thác hoặc thực hiện giải pháp nêu trên được lặp đi lặp lại với kết quả giống nhau và giống với kết quả nêu trong bản mô tả sáng chế.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan