Đề xuất mới về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty Luật TNHH SB LAW trả lời phỏng vấn về vấn đề tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.

Nghị định số 30/2012/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, từ thiện là văn bản có tính pháp lý quan trọng. Bên cạnh những kết quả đạt được, qua công tác đánh giá 8 năm triển khai thi hành Nghị định đã cho thấy một số nội dung tại Nghị định cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

Bộ Nội vụ đang dự thảo Nghị định về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện nhằm tăng cường hoạt động quản lý nhà nước về quỹ, tránh tình trạng lợi dụng các quy định của pháp luật còn chưa hoàn chỉnh để trục lợi của một số tổ chức quỹ. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã có cuộc trò chuyện với Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SB LAW, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

Thưa ông, về điều kiện, thủ tục thành lập, dự thảo quy định rõ hơn về trường hợp cá nhân vi phạm pháp luật hình sự không được tham gia sáng lập viên như không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa được xóa án tích, không bị cơ quan Tòa án cấm các hoạt động về quỹ. Quan điểm của ông như thế nào về quy định này?

Trả lời:

Quy định này được đặt ra là hợp lý. Theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể là tại Nghị định 30/2012/NĐ-CP, Quỹ được hiểu là tổ chức phi chính phủ do cá nhân, tổ chức tự nguyện dành một khoản tài sản nhất định để thành lập hoặc thành lập thông qua hợp đồng, hiến tặng, được tổ chức và hoạt động nhằm mục đích hỗ trợ và khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học, từ thiện, nhân đạo và các mục đích phát triển cộng đồng, không vì mục đích lợi nhuận. Với mục đích hoạt động mang tính đóng góp cho xã hội như vậy, sáng lập viên của quỹ đối với cá nhân đòi hỏi phải có nhân thân tốt, lý lịch trong sạch. Điều này cũng được quy định cụ thể trong Nghị định 30/2012/NĐ-CP hiện hành. Theo đó, cá nhân để được là sáng lập viên của quỹ phải Có đủ năng lực hành vi dân sự không có án tích.

Quy định này có một hạn chế là có thể hiểu là cá nhân đang bị truy cứu TNHS vẫn có thể tham gia thành lập quỹ và làm sáng lập viên của quỹ. Đây là một điểm bất hợp lý bởi người bị truy cứu TNHS là người có hành vi phạm tội, gây nguy hiểm cho xã hội, đang phải chịu hình phạt theo quy định của pháp luật hình sự. Việc quy định cá nhân có án tích không được tham gia thành lập quỹ mà lại vẫn cho phép cá nhân trong thời gian bị truy cứu TNHS rõ ràng là không hợp lý.

Như vậy, quy định mới được đặt ra trong dự thảo đã khắc phục được nhược điểm này. Tuy nhiên, ở đây, thuật ngữ sử dụng trong Điều luật còn tương đối khó hiểu, không rõ ràng, có thể gây nhiều cách hiểu khác nhau. Cụ thể, điểm a, khoản 3 Điều 11 Dự thảo như sau:

“3. Điều kiện đối với các sáng lập viên:

a) Đối với công dân Việt Nam: Có đủ năng lực hành vi dân sự, không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa được xóa án tích, không bị cơ quan Tòa án cấm thực hiện các hoạt động về quỹ.”

Quy định như thế này có thể dẫn tới 2 cách hiểu khác nhau như sau:

Cách hiểu thứ nhất, người trong thời gian bị truy cứu TNHS hoặc người chưa được xóa án tích sẽ không được là sáng lập viên của quỹ;

Cách hiểu thứ hai, người chưa được xóa án tích đang trong thời gian bị truy cứu TNHS sẽ không được là sáng lập viên của quỹ.

Do đó, quy định tại điểm này nên được sửa lại như sau:

“3. Điều kiện đối với các sáng lập viên:

a) Đối với công dân Việt Nam: Có đủ năng lực hành vi dân sự, không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không có án tích và không bị Tòa án cấm thực hiện các hoạt động về quỹ.”

Thưa ông, đối với mức chi hoạt động quản lý quỹ xã hội, quỹ từ thiện, trong dự thảo đề xuất sẽ không vượt quá 10% tổng thu hàng năm của quỹ, thay vì 5% như quy định cũ. Vì sao lại có mức đề xuất như vậy và ý nghĩa của mức đề xuất này là gì thưa ông?

Trả lời: Bộ Nội vụ đã có lý giải cho quy định này, theo đó, quan điểm của Bộ cho rằng quy định mức chi hoạt động quản lý quỹ hiện nay 5% là thấp, không đủ kinh phí để chi cho hoạt động quản lý, trong đó có việc vận động, tiếp nhận và tài trợ cho các đối tượng theo quy định tại điều lệ quỹ, làm khó khăn trong quá trình vận động, tiếp nhận, tài trợ của quỹ. Do đó, việc đặt ra quy định mới như vậy là để khắc phục thực trạng này.

Bộ Nội vụ đã tiến hành xin ý kiến các cơ quan Trung ương, địa phương và một số quỹ về nội dung tăng định mức chi hoạt động quản lý quỹ từ 5% lên 10%. Một số cơ quan, trong đó có Bộ Tài chính và các quỹ đều thống nhất nội dung này.

Thực tế hiện nay có rất nhiều quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập. Tuy nhiên có một số tổ chức, cá nhân lợi dụng quỹ để trục lợi. Từ góc độ chuyên môn, thưa ông việc xây dựng dự thảo lần này có ý nghĩa như thế nào?

Trả lời:

Việc xây dựng dự thảo lần này của Bộ Nội vụ có 2 ý nghĩa chính như sau:

Ý nghĩa thứ nhất, về mặt pháp lý.

Nghị định 30/2012/NĐ-CP hiện hành được xây dựng căn cứ trên cơ sở các quy định pháp luật cũ, các Luật, Bộ luật cũ như Luật tổ chức Chính phủ 2001; Bộ Luật dân sự 2005. Hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật này đã hết hiệu lực, không còn giá trị áp dụng. Do đó, để phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành như quy định của Luật tổ chức chính phủ 2015; Bộ luật dân sự 2015, việc xây dựng Nghị định mới thay thế cho Nghị định 30/2012/NĐ-CP là hết sức cần thiết.

Ý nghĩa thứ hai, về mặt thực tiễn.

Cũng xuất phát từ việc đã được ban hành cách đây một khoảng thời gian khá dài (từ năm 2012) và căn cứ trên các quy định cũ, do đó, thời điểm hiện tại, một số quy định của Nghị định 30 không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay, ví dụ cụ thể như quy định về mức chi hoạt động quản lý quỹ như tôi đã nói ở trên. Do đó, trên khía cạnh này, việc xây dựng Nghị định mới cũng là hết sức cần thiết.

Còn về vấn đề các hành vi lợi dụng quỹ để trục lợi hay các hành vi vi phạm pháp luật của thành viên quỹ, vấn đề này không thuộc đối tượng điều chỉnh trực tiếp của Nghị định 30 cũng như Dự thảo Nghị định mới. Nghị định 30 hay Dự thảo Nghị định chỉ điều chỉnh về vấn đề tổ chức, hoạt động của quỹ. Việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật sẽ được điều chỉnh cụ thể trong các văn bản như: Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn; Bộ Luật hình sự.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan