Có được ủy quyền xử lý sa thải người lao động?

Nội dung bài viết

Trong bài "Có được ủy quyền xử lý sa thải người lao động?" đăng trên báo An ninh thủ đô, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thị Thu - Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Câu hỏi: Tôi đang công tác trong một doanh nghiệp Nhà nước. Do vi phạm nội quy, quy định của công ty nên tôi đang bị xem xét xử lý kỷ luật với hình thức sa thải. Tuy vậy, Giám đốc Công ty tôi lại ủy quyền cho một Phó Giám đốc xử lý việc này. Xin hỏi luật sư, điều này có đúng quy định không, quy trình về việc xử lý kỷ luật lao động theo quy định hiện hành? Nguyễn Thanh Hoài (Thành phố Hải Phòng)

Luật sư tư vấn:

Theo Điều 30 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định về trình tự xử lý kỷ luật lao động tại Điều 123 của Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động gửi thông báo bằng văn bản về việc tham dự cuộc họp xử lý kỷ luật lao động cho Ban chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành Công đoàn cấp trên cơ sở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở, người lao động, cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật của người lao động dưới 18 tuổi ít nhất 5 ngày làm việc trước khi tiến hành cuộc họp.

Cuộc họp xử lý kỷ luật lao động được tiến hành khi có mặt đầy đủ các thành phần tham dự được thông báo theo quy định tại Khoản 1 Điều này. Cuộc họp xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản và được thông qua các thành viên tham dự trước khi kết thúc cuộc họp. Biên bản phải có đầy đủ chữ ký của các thành phần tham dự cuộc họp. Người giao kết hợp đồng lao động là người có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động. Người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động chỉ có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động theo hình thức khiển trách. Quyết định xử lý kỷ luật lao động phải được ban hành trong thời hạn của thời hiệu xử lý kỷ luật lao động.

Căn cứ vào các quy định nêu trên, trường hợp công ty bạn tiến hành xử lý kỷ luật sa thải bạn thì Giám đốc công ty không được ủy quyền cho Phó Giám đốc thực hiện. Trong trường hợp này, người được ủy quyền chỉ có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ, đề nghị Giám đốc xem xét, ra quyết định chứ bản thân họ không có quyền ban hành quyết định sa thải người lao động.

Nguồn: http://anninhthudo.vn/doi-song/co-duoc-uy-quyen-xu-ly-sa-thai-nguoi-lao-dong/746281.antd

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan