Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời phỏng vấn về gian lận thương mại điện tử

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà đã có một buổi trả lời về vấn đề gian lận thương mại hiện nay trên kênh INFO TV

Phóng viên: Nhận xét của ông về vấn đề gian lận thương mại điện tử hiện nay?

Luật sư trả lời: Thực trạng gian lận thương mại hiện nay đang là vấn đề nhức nhối đối với cơ quan chức năng, đặc biệt là vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước những chiêu thức ngày càng tinh vi của các trang mua bán điện tử.

Các khiếu nại của khách hàng chủ yếu liên quan đến việc khách hàng đã thanh toán nhưng không nhận được sản phẩm, dịch vụ, hoặc sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng, hoặc bị mất thông tin cá nhân của chủ tài khoản. Nạn ăn cắp thông tin, gian lận tài chính và quảng cáo quấy rối người dùng là thực trạng đáng buồn của TMĐT tại Việt Nam hiện nay.

Việc thực hiện xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp gian lận cũng rất khó khăn do việc thực hiện kiểm tra, truy tìm được những doanh nghiệp “ảo” này không đơn giản. Chế tài xử phạt cũng mới chỉ dừng lại ở xử phạt vi phạm hành chính, so với khoản lợi nhuận từ hành vi bất chính gây ra không đáng là bao.

Chính vì thế, các doanh nghiệp gian lận vẫn tìm đến TMĐT để thực hiện hành vi, và trốn tránh sự quản lý của các cơ quan chức năng. Nếu người tiêu dùng không tỉnh táo, họ sẽ rất dễ rơi vào bẫy của các doanh nghiệp này.

Phóng viên:Vì sao thương mại điện tử ở Việt Nam chưa thực sự tạo được niềm tin với NTD?

Luật sư trả lời: Thương mại điện tử (TMĐT) xuất hiện đã góp phần phát triển một phương thức kinh doanh mới, hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, xã hội của đất nước, đặc biệt là trong quá trình mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế. Đến nay, ngày càng nhiều người biết đến TMĐT.

Tuy nhiên, hình thức kinh doanh mua bán này ở nước ta vẫn chưa thu hút được doanh nghiệp và cả người tiêu dùng. Đối với người tiêu dùng thì đa phần không tin tưởng vào chất lượng hàng hóa, dịch vụ của TMĐT, không an tâm khi thanh toán trực tuyến và nhiều người không biết cách mua hàng trực tuyến.

Cụ thể, trong giao dịch điện tử, khách hàng luôn phải tuân theo các hợp đồng mà mình hoàn toàn không có quyền thương lượng, trong đó giá cả có thể bị đội lên nhiều lần so với giá thực tế trên thị trường, sau đó sử dụng chiêu thức giảm giá, khuyến mại để thu hút người tiêu dùng.

Các sản phẩm, dịch vụ mà người tiêu dùng xem xét và chấp nhận đặt mua trên website TMĐT có thể không hoàn toàn giống với sản phẩm, dịch vụ được cung cấp trên thực tế, điều này rất dễ gây mất niềm tin cho người tiêu dùng. Về vấn đề thông tin cá nhân, rất nhiều người tiêu dùng bức xúc khi tên tuổi, số điện thoại, địa chỉ của họ có thể bị các doanh nghiệp sử dụng phương thức TMĐT cung cấp cho bên thứ ba, gây ảnh hưởng đến sự an toàn và bảo mật thông tin của khách hàng. Việc thanh toán thực tuyến cũng khó khăn khi phần lớn người tiêu dùng vẫn chưa có thói quen thanh toán qua thẻ, và chế độ bảo mật thẻ cũng không được các doanh nghiệp chú trọng.

Phóng viên: Người tiêu dùng cần phải có những kiến thức cơ bản như thế nào để không là nạn nhân của thương mại điện tử?

Luật sư trả lời: Để giao dịch TMĐT an toàn, người tiêu dùng cần lưu ý những điều sau đây:

– Chỉ nên tham gia vào các sàn giao dịch, website uy tín, đảm bảo quyền lợi cho người mua, hỗ trợ người dùng khi có sự cố xảy ra.

– Chú ý đến danh sách đen (black list) mà các thành viên tham gia mua sắm trực tuyến thông báo cho nhau để biết các địa chỉ, các tên giao dịch trực tuyến có dấu hiệu lừa đảo, không có uy tín và bị cấm hoạt động.

– Tìm kiếm thông tin về mặt hàng (các đặc tính kỹ thuật, hình ảnh ở nhiều góc độ,…)

– Kiểm tra thông tin về công ty, người bán hàng trực tuyến (tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc, email…).

– Giữ lại bản sao của tất cả các tài liệu, bao gồm kể cả hồ sơ điện tử dự thầu, đấu giá, giới thiệu sản phẩm, địa chỉ thư điện tử (email) và các hóa đơn, khoản thu để đề phòng trường hợp có vấn đề phát sinh.

– Tìm hiểu kỹ các chính sách mua bán, quy định, bảo hành…

– Chọn lựa hình thức thanh toán an toàn (Chọn phương thức thanh toán có độ an toàn cao, kèm các chính sách hoàn trả lại tiền khi gặp rủi ro…)

– Nếu trả tiền bằng thẻ tín dụng mà không nhận được sản phẩm hàng hóa hoặc dịch vụ, hãy liên hệ với ngân hàng thực hiện việc thanh toán qua thẻ yêu cầu họ hủy bỏ ngay khoản phí thanh toán trái phép.

– Không cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu trên những website, đường dẫn lạ, có dấu hiệu lừa đảo.

Phóng viên: Khi gặp vấn đề về gian lận thương mại điện tử thì NTD có thể khiếu nại đến những cơ quan nào?

Luật sư trả lời: Người tiêu dùng gửi bộ hồ sơ khiếu nại lên tổ chức hòa giải, cán bộ tiếp nhận sẽ kiểm tra tính hợp lệ của bộ hồ sơ, nếu bộ hồ sơ hợp lệ tổ chức hòa giải sẽ tiến hành giải quyết trong thời hạn 15 ngày làm việc. Trong trường hợp hồ sơ không hợp lệ cán bộ tiếp nhận gửi lại người tiêu dùng yêu cầu bổ sung hồ sơ, người tiêu dùng có nghĩa vụ hoàn thiện hồ sơ trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo của tổ chức hòa giải.

Để khiếu nại có kết quả, người tiêu dùng nên thực hiện một số việc sau đây:

– Tìm hiểu về thông tin của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ như tên tổ chức, cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, người đại diện …;

– Thu thập các chứng cứ liên quan đến khiếu nại như hợp đồng mua bán, giấy bảo hành, giấy biên nhận …;

– Chuẩn bị đơn khiếu nại lên tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ trong đó nêu rõ yêu cầu của mình cũng như đưa ra một thời hạn để giải quyết vấn đề. Kèm theo đơn khiếu nại là các tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc khiếu nại;

– Trong trường hợp việc khiếu nại lên tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ không đem lại kết quả, người tiêu dùng có thể liên hệ với Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương, Sở Công thương hoặc Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng địa phương để khiếu nại các vi phạm đó. Trong đơn khiếu nại cần trình bày rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc của người khiếu nại và tên, địa chỉ, số điện thoại của người bị khiếu nại, quá trình giao dịch, yêu cầu cụ thể cũng như các chứng cứ liên quan đến việc khiếu nại.

Phóng viên: Nhà nước cần phải có những quy định cụ thể hoặc là những chế tài như thế nào đối với thương mại điện tử để giảm bớt gian lận thương mại điện tử?

Luật sư trả lời: Sau khi Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010 được thực thi trong một thời gian ngắn, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử.

Theo đó, các hành vi bị cấm trong hoạt động thương mại điện tử bao gồm: Vi phạm về hoạt động kinh doanh thương mại điện tử; Vi phạm về thông tin trên website thương mại điện tử; Vi phạm về giao dịch trên website thương mại điện tử; Và các vi phạm khác như: đánh cắp, sử dụng, tiết lộ, chuyển nhượng, bán các thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác hoặc thông tin cá nhân của người tiêu dùng trong thương mại điện tử khi chưa được sự đồng ý của các bên liên quan, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; Giả mạo hoặc sao chép giao diện website thương mại điện tử của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để kiếm lợi hoặc để gây nhầm lẫn, gây mất lòng tin của khách hàng đối với thương nhân, tổ chức, cá nhân đó.

Các nguyên tắc hoạt động trong thương mại điện tử, bao gồm:

Nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận trong giao dịch thương mại điện tử: Các chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử có quyền tự do thỏa thuận không trái với quy định của pháp luật để xác lập quyền và nghĩa vụ của từng bên trong giao dịch. Thỏa thuận này là căn cứ để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình giao dịch.

Nguyên tắc xác định phạm vi hoạt động kinh doanh trong thương mại điện tử: Nếu thương nhân, tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và xúc tiến thương mại trên website thương mại điện tử không nêu cụ thể giới hạn địa lý của những hoạt động này, thì các hoạt động kinh doanh đó được coi là tiến hành trên phạm vi cả nước.

Nguyên tắc xác định nghĩa vụ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử: Người sở hữu website thương mại điện tử bán hàng và người bán trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử phải tuân thủ các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng; Khách hàng trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là người tiêu dùng dịch vụ thương mại điện tử và là người tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ do người bán trên website này cung cấp; Trường hợp người bán hàng trực tiếp đăng thong tin về hàng hóa, dịch vụ của mình trên website thương mại điện tử thì thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và thương nhân, tổ chức cung cấp hạ tầng không phải là bên thứ ba cung cấp thông tin theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Nguyên tắc kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh hoặc hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện thông qua thương mại điện tử: Các chủ thể ứng dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh hoặc hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện phải tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến việc kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định về cơ chế thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong thương mại điện tử cũng như việc giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức sản xuất, kinh doanh. Những chế tài được đưa ra cụ thể bao gồm:

Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử đối với các hành vi:

  1. Vi phạm quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động thương mại điện tử;
  2. Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng trong thương mại điện tử;
  3. Vi phạm quy định về trách nhiệm của các chủ thể trong thương mại điện tử;
  4. Vi phạm quy định về thông báo thiết lập website thương mại điện tử bán hàng;
  5. Vi phạm quy định về đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;
  6. Vi phạm quy định về hoạt động đánh giá và chứng thực trong thương mại điện tử;
  7. Vi phạm quy định về bảo vệ thông tin cá nhân trong thương mại điện tử;
  8. Vi phạm quy định về an toàn thanh toán trong thương mại điện tử;
  9. Không chấp hành các yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi tiến hành thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật;
  10. Tiếp tục hoạt động sau khi thương nhân, tổ chức đã bị chấm dứt đăng ký cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;
  11. Tiếp tục hoạt động sau khi đã chấm dứt hoặc bị hủy bỏ đăng ký, chấm dứt hoặc bị thu hồi giấy phép hoạt động đánh giá, giám sát và chứng thực trong thương mại điện tử;
  12. Vi phạm các quy định khác của Nghị định này.

Ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan quản lý xem xét tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của thương nhân, tổ chức để ra quyết định đình chỉ hoạt động/tước quyền sử dụng giấy phép hoặc hủy bỏ đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử đối với các vi phạm quy định.

Xin chân thành cảm ơn Ông!

Xin mời các bạn xem video tại đây

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan