Cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi, được không?

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời trên ANTV về vấn đề: Cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi, được không? Dưới đây là nội dung chi tiết:

Câu 1: Thưa ông, một trong những quy định rất đáng chú ý trong Nghị định 105 về kinh doanh rượu là cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi, nhiều ý kiến cho rằng khó khả thi. Bởi hiện nay, chúng ta đang cho phép kinh doanh rượu một cách tràn làn, ở đâu, khi nào và bất kỳ ai cũng có thể sở hữu cho mình những chai rượu mạnh. Gần như chẳng có cơ quan chức năng nào quản lý đối với các cơ sở bán rượu này. Vậy ông đánh giá như thế nào về mức độ khả thi của Nghị định mới?

Luật sư trả lời:

Nghị định 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh rượu có hiệu lực từ 1/11/2017. Nghị định này quy định về hoạt động kinh doanh rượu, bao gồm: Hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu; hoạt động bán rượu tiêu dùng tại chỗ.

Đáng chú ý nhất trong Nghị định mới của Chính phủ là việc cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi; bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet; bán rượu bằng máy bán hàng tự động. Việc quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi là một quy định đúng đắn, đưa hệ thống pháp luật nước ta đến gần hơn với quy định của các nước tiên tiến trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em, rất phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội.

Pháp luật thì quy định rất chặt về các điều kiện liên quan đến sản xuất, bán buôn, bán lẻ rượu. Tuy nhiên, điều quan trọng là làm thế nào để quy định này có thể đi vào cuộc sống, bởi vẫn có không ít trẻ đi mua rượu với danh nghĩa “mua hộ”, không ít nhà tự nấu rượu rồi cho con em mình uống. Ngoài ra, việc xác định nồng độ cồn trong rượu cũng là điều đáng bàn, đặc biệt là đối với việc sản xuất rượu thủ công tại các gia đình. Rõ ràng, nếu nhìn vào thực tiễn việc kinh doanh rượu hiện nay ở nước ta thì có thể thấy khó có thể thực hiện quy định này.

Câu 2: Hiện nay tình trạng rượu lậu, rượu giả diễn biến phức tạp, gây tác hại lớn cho người dùng, đặt biệt là thanh thiếu niên nếu bày bán tràn lan, công khai. Vậy quy định nào xử lý hành vi bán rượu cho người dưới 18 tuổi, thưa ông?

Luật sư trả lời:

Điều 45 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 124/2015/NĐ-CP) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó có quy định về hành vi vi phạm về bán sản phẩm rượu, theo đó:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không niêm yết bản sao hợp lệ giấy phép kinh doanh sản phẩm rượu, chủng loại rượu, giá các loại rượu đang bán tại địa điểm kinh doanh của mình;

b) Bán sản phẩm rượu cho người chưa đủ 18 tuổi.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo hoặc báo cáo không đúng về tình hình, kết quả kinh doanh và hệ thống phân phối của thương nhân kinh doanh sản phẩm rượu theo quy định.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Bán lẻ sản phẩm rượu bằng máy bán hàng tự động hoặc bán qua mạng internet;

b) Kinh doanh sản phẩm rượu tại các địa điểm cấm kinh doanh theo quy định.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định

tại khoản 3 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh phân phối, bán buôn hoặc bán lẻ sản phẩm rượu từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 3 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Như vậy, căn cứ theo quy định trên người nào có hành vi bán sản phẩm rượu cho người chưa đủ 18 tuổi thì sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Đồng thời, có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đó là tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh phân phối, bán buôn hoặc bán lẻ sản phẩm rượu từ 01 tháng đến 03 tháng, trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Câu 3: Rõ ràng, pháp luật thì quy định rất chặt về các điều kiện liên quan đến sản xuất, bán buôn, bán lẻ rượu, tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động bán lẻ rượu và bán rượu để sử dụng tại chỗ gần như bị buông lỏng hoàn toàn và không phải chịu bất kỳ một cơ chế quản lý nào. Ông có bình luận gì về thực tế này?

Luật sư trả lời:

Như tôi đã nói ở trên khó nhất là khâu thực hiện như thế nào để quy định pháp luật đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả. Kinh nghiệm ở nhiều nước trong quản lý rượu bia là khi đã cấm kinh doanh thì người bán đều không dám làm. Vì sao lại như vậy? Vì chỉ cần bị phát hiện thì cơ quan có thẩm quyền sẽ phạt rất nặng, thậm chí là bắt đóng cửa, để người bán nhận thấy rằng: nếu vi phạm – lợi ích thì chưa thấy đâu mà đã thấy thiệt hại.

Do đó, quy định là cần thiết, nó sẽ là hàng rào kỹ thuật, là có sở để xử lý, nếu không có quy định thì người bán sẽ “vô tư” bán và gây bất lợi cho khách hàng (người tiêu dùng) nhưng để có hiệu quả cao thì phải có những chính sách cụ thể.

Câu 4: Để thực thi có hiệu quả Nghị định mới này thì cơ quan nào phải chịu trách nhiệm cao nhất, thưa ông?

Luật sư trả lời:

Để thực thi có hiệu quả quy định này thì cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm cao nhất, gồm những bộ ngành liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Y tế, các cơ quan quản lý thị trường, quản lý phân phối, bán lẻ, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, thiết nghĩ để quy định này thực sự đi vào cuộc sống thì cần được thực hiện đồng bộ trên toàn xã hội, thông qua các biện pháp như tuyên truyền, đặt các biển báo, … nhằm nâng cao nhận thức của doanh nhân kinh doanh rượu và của cả cộng đồng.

Câu 5: Thực ra không phải bây giờ nước ta mới có quy định cấm bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi. Trong Nghị định 92/2012 trước đó có quy định rất rõ ràng, cụ thể. Nhưng giữa quy định và thực hiện có khoảng cách vì không quản lý được người bán. Người ta dễ dàng mua rượu ở bất kỳ đâu, không giống như ở nước ngoài là chỉ chỗ nào cấp phép mới được bán. Theo ông thì giải pháp nào để khắc phục được khó khăn này?

Luật sư trả lời:

Quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi không phải xuất hiện lần đầu tiên trong Nghị định 105/2017/NĐ-CP, mà nó được kế thừa, phát triển từ Nghị định 40/2008/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu và cồn rượu. Tiếp theo đó, Nghị định 73/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội cũng quy định phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng đối với chủ khách sạn, nhà hàng, quán ăn bán các loại rượu, nước uống hoặc các chất kích thích khác có nồng độ cồn từ 14 độ trở lên cho người chưa thành niên; bán rượu, bia cho trẻ em dưới 16 tuổi. Tuy vậy, những quy định này vẫn đang nằm trên giấy, không có tính khả thi.

Theo tôi, để quy định này có tính khả thi và đi vào cuộc sống:

Thứ nhất, các nhà làm luật phải đưa rượu vào danh sách các mặt hàng cần phải kiểm soát đặc biệt từ khâu sản xuất, phân phối, tiêu thụ và sử dụng. Muốn làm được điều này, các nhà hoạt động chính sách, nhà quản lý phải có tầm nhìn liên quan đến quy hoạch chung cho hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu hiện nay.

Thứ hai, làm thế nào biết người mua chưa 18? Hiện nay, việc xác định tuổi sẽ chỉ được các cửa hàng thực hiện với khách hàng có vẻ bề ngoài trong độ tuổi cần cân nhắc, khoảng 25 tuổi trở xuống. Các giấy tờ được chấp nhận để chứng minh độ tuổi là CMND, hộ chiếu, giấy phép lái xe, thẻ sinh viên,Do vậy, nhân viên bán rượu nên kiểm tra giấy tờ của khách và có quyền từ chối đối với khách hàng không đủ điều kiện và pháp luật cũng nên quy định cụ thể điều này.

Thứ ba, cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn, yêu cầu các đơn vị, ban, ngành liên quan nhanh chóng xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh rượu, xử lý nghiêm hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu để hạn chế tình trạng sử dụng rượu bia, ngăn chặn hiện tượng uống rượu bia quá nhiều gây tai nạn giao thông, bạo lực gia đình cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe của chính người tiêu dùng.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan