Các biện pháp phòng vệ thương mại

Nội dung bài viết

Trong chương trình truyền hình của Kênh InfoTV, luật sư Nguyễn Thanh Hà đã trả lời các phóng viên về vấn đề phòng vệ thương mại.

Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn này:

Phóng viên: Xin ông cho biết hiện nay có các hình thức phòng vệ thương mại nào mà các doanh nghiệp nước ngoài thường xuyên sử dụng?

Trả lời: Hiện nay, có ba biện pháp phòng vệ thương mại đang được áp dụng phổ biên là:

  • Chống bán phá giá: đây là biện pháp để đối phó với hành vi bán sản phẩm với giá thấp nhằm chiếm lĩnh thị trường và tiến tới loại bỏ dần các đối thủ cạnh tranh;
  • Chống trợ cấp: là biện pháp được áp dụng để loại bỏ tác động tiêu cực gây ra cho ngành sản xuất hàng hóa trong nước xuất phát từ các chính sách trợ cấp của chính phủ nước xuất khẩu.
  • Biện pháp tự vệ: là một công cụ bảo vệ ngành sản xuất hàng hóa tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp trong nước trong trường hợp khẩn cấp nhằm hạn chế những tác động không thuận lợi gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước do tình trạng gia tăng bất thường của hàng hóa nhập khẩu. Biện pháp này thường được áp dụng một cách khắt khe hơn so với hai biện pháp còn lại. Nếu như yêu cầu về điều kiện để áp dụng biện pháp chống phá giá và chống trợ cấp chỉ dừng lại ở mức cơ quan điều tra phải chứng minh có tình trạng bán phá giá hay trợ cấp và việc bán phá giá hoặc trợ cấp đó gây thiệt hại “đáng kể” cho ngành sản xuất hàng hóa tương tự trong nước thì trong các cuộc điều tra để áp dụng biện pháp tự vệ, cơ quan điều tra phải chứng minh được tình trạng thiệt hại “nghiêm trọng” mà ngành sản xuất hàng hóa “tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp” trong nước phải hứng chịu do việc gia tăng “bất thường” của luồng hàng hóa nhập khẩu.

Phóng viên: Vì sao họ lại thường xuyên sử dụng công cụ phòng vệ như vậy và điều này đã gây khó khăn như thế nào cho các DN xuất khẩu của VN?

Trả lời: Việc các doanh nghiệp nước ngoài thường xuyên sử dụng các công cụ phòng vệ là một trong các biện pháp nhằm cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Việc này có thể được lý giải một phần khi mà các doanh nghiệp trong nước của nước nhập khẩu có năng lực cạnh tranh yếu không thể cạnh tranh được với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài về giá cả, chất lượng. Việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như đã nêu ở trên chính là một công cụ hữu hiệu nhằm bảo vệ nền sản xuất hàng hóa trong nước.

Các biện pháp phòng vệ thương mại về bản chất là các biện pháp hợp pháp để hạn chế các hình thức cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp nhập khẩu. Tuy nhiên, ở một mức độ nào đó, trong thực tế các biện pháp này lại có thể biến thành các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nhập khẩu.

Việc các quốc gia quyết định áp dụng các mức thuế chống bán phá giá hay chống trợ cấp cũng như tự vệ thương mại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực cạnh tranh của các hàng hóa của các nước xuất khẩu nói chung cũng như của VN nói riêng.

Hiện tại một trong những thế mạnh quyết dịnh năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp VN cũng như các doanh nghiệp tại các quốc gia đang phát triên là giá do các chi phí nhân công rẻ hơn rất nhiều lần sơ với tại các nước phát triển. Khi bị áp dụng các mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp thì hậu quả nhãn tiền là giá thành sản phẩm sẽ bị tăng lên khiến cho người tiêu dùng quay về lựa chọn hàng hóa sản xuất trong nước. Tuy nhiên, hậu quả lâu dài chính là việc đánh mất thị trường tại nước nhập khẩu đồng thời gây khó khăn lâu dài cho việc sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị áp các mức thuế này.

Phóng viên: Ở Việt Nam thì việc các doanh nghiệp sử dụng công cụ phòng về thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước lại rất ít, theo Ông nguyên là do đâu?

Trả lời: Về vấn đề này tôi cho rằng có rất nhiều nguyên nhân cả ở các doanh nghiệp và cả từ phía các cơ quan quản lý.

Đối với các doanh nghiệp: trước hết là ý thức sử dụng các công cụ pháp lý hợp lý để cạnh tranh với các hàng hóa nhập khẩu. Ở đây là các biện pháp phòng vệ thương mại đã được thế giới thừa nhận và sử dụng rộng rãi trong khi đó ở VN vẫn chỉ đang bước đầu áp dụng.

Một trong những lý do nữa từ phía các doanh nghiệp là chưa có các hiệp hội hoạt động thực sự hiệu quả nhằm nâng cao sức mạnh đoàn kết của các doanh nghiệp. Thực tế các vụ việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thời gian gần đây cho thấy chỉ là hoạt động của một vài doanh nghiệp đơn lẽ mà không phải là của cả một hiệp hội ngành nghề. Điều này khiến cho việc áp dụng thành công các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ thêm khó khăn.

Đối với cơ quan quản lý rõ ràng là việc quản lý kém hàng hóa nhập khẩu vào thị trường VN. Do không quản lý tốt đã dẫn đến tình trạng nhập lậu hàng hóa tràn lan đặc biệt là các mặt hàng gia cầm và nông sản từ khu vực biên giới phía Bắc và Tây Nam gây hậu quả nghiêm trọng cho nền sản xuất trong nước (gia cầm nhập lậu, rau củ quả nhập lậu, đường nhập lậu).

Một trong những lý do nữa từ phía các cơ quan quản lý là chưa chủ động trong việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại này ít nhất là hướng dẫn các hiệp hội, các doanh nghiệp phương hướng xử lý vụ việc.

Lấy ví dụ rõ ràng từ các vấn đề nhập lậu gia cầm trong thời gian vừa qua, việc nhập lậu này đã khiến cho hàng hóa này gia tăng ở mức trên cả bất thường gây hậu quả đặc biệt nghiêm trong cho nền sản xuất trong nước nhưng thay vì áp dụng biện pháp tự vệ thương mại thì các cơ quan chức năng chỉ có thể áp dụng các biện pháp bằng cách tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm bắt hàng hóa nhập lậu.

Khi nói đến vụ việc mang tính chất điển hình này chúng ta cũng thấy rõ sự yếu kém của các doanh nghiệp trong nước như đã nêu ở trên, chỉ đến khi ngành sản xuất gia cầm trong nước gần như chạm đáy thì mới lên tiếng với cơ quan nhà nước để tăng cường biện pháp quản lý trong khi trước đó hầu như không có bất cứ tiếng nói kêu cứu nào được đưa ra.

Phóng viên: Qua tìm hiểu về những vụ việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại được các doanh nghiệp tiến hành thì theo ông điểm yếu của các doanh nghiệp VN hiện nay là gì và nguyên nhân là do đâu?

Trả lời: Hiện nay theo tôi được biết thì đang có hai vụ việc mà VN đang thụ lý để áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại gồm việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với dầu thực vật tinh luyện nhập khẩu và khởi kiện chống bán phá giá đối với sản phẩm ống thép không gỉ cán nguội nhập khẩu có nguồn gốc từ các nước Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và Indonesia.

Đối với vụ việc dầu thực vật tinh luyện thì vào ngày 12/06/2013 vừa qua đã tổ chức phiên tham vấn công khai (hearing public) giữa các bên để nghe quan điểm trình bày của các bên có liên quan. Đây là vụ việc tự vệ thương mại do Bộ Công Thương tiến hành với sự ủng hộ của hai doanh nghiệp trong nước chiếm hơn 56% thị phần.

Đối với vụ việc ống thép không gỉ cán nguội nhập khẩu thì Cục quản lý cạnh tranh vừa mới tiếp nhận đơn yêu cầu của các doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, vụ việc ống thép không gỉ tuy vừa mới nộp đơn đã gần như ngay lập tức bộc lộ những điểm yếu ngay trong nội bộ ngành sản xuất này, khi mà có nhiều doanh nghiệp lại lên tiếng không đồng tình với quyết định khởi kiện này của một số doanh nghiệp VN (INOX Hòa Bình và POSCO VST) vì cho rằng chính các doanh nghiệp này đang áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại như một công cụ để thâu tóm nền sản xuất mặt hàng này ở thị trường trong nước.

Nguyên nhân cho tình trạng này có thể được lý giải là do các doanh nghiệp trong nước cho tìm được tiếng nói chung, sự đoàn kết về việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại mà như tôi đã trình bày ở trên, nếu có một hiệp hội ngành nghề hoạt động hiệu quả vấn đề này có thể đã không phải đặt ra.

Mời các bạn đón xem tại đây:

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan