Bộ Luật hình sự 2015 có hiệu lực từ 1/1/2018 và những điều Luật đáng chú ý

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời phỏng vấn trong Chương trình Bạn và Pháp luật về nội dung: Bộ Luật hình sự 2015 có hiệu lực từ 1/1/2018 và những điều Luật đáng chú ý. Dưới đây là nội dung chi tiết bài phỏng vấn:

Câu 1: Ngày 1/1/2018, Bộ Luật hình sự 2015 sẽ chính thức có hiệu lực, tăng 2 chương và 72 điêu so với BLHS 1999 trong có nhiều nội dung đổi mới, bao quát cả phần những quy định chung lẫn phần các tội phạm cụ thể, có những nội dung mang tính đột phá trên tinh thần đổi mới tư duy, đổi mới nhận thức về chính sách hình sự, về vấn đề tội phạm và hình phạt. Ông đánh giá sao về những thay đổi này?

Luật sư trả lời:

Tại Kỳ họp thứ 3 mới đây, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 (BLHS năm 2015) với nhiều nội dung mới cơ bản và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018.

Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong tư duy lập pháp hình sự; tiếp tục thể hiện tinh thần chủ động phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh chống tội phạm, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước và tổ chức, bảo vệ và thúc đẩy nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của nước ta.

Câu 2: Theo Bộ luật hình sự 2015, sẽ có 5 tội không còn áp dụng án tử hình, việc loại bỏ áp dụng án tử hình với các tội này cho thấy điều gì, thưa luật sư?

Luật sư trả lời:

Bộ luật hình sự năm 2015 (đã sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã bỏ tử hình ở 7 tội danh:

1.Tội Cướp tài sản (Điều 168);

  1. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193);
  2. Tội đầu hàng địch (Điều 399);
  3. Tội chống mệnh lệnh (Điều 394);
  4. Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 303);
  5. Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249);
  6. Tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252).

Đồng thời, Bộ luật đã bỏ tội danh hoạt động phỉ trước đây có quy định hình phạt tử hình.

Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, khi yêu cầu bảo vệ quyền con người nói chung và quyền sống nói riêng ngày càng được đề cao trong Hiến pháp 2013, lần đầu tiên Hiến pháp quy định một điều riêng về bảo vệ quyền sống “mọi người có quyền sống” thì việc giảm quy định hình phạt tử hình trong BLHS (sửa đổi) và hạn chế việc áp dụng hình phạt tử hình là yêu cầu tất yếu. Việc BLHS (sửa đổi) bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh nêu trên đã quán triệt tư tưởng cải cách tư pháp, bám sát các tiêu chí cũng như điều kiện áp dụng hình phạt tử hình.

Câu 3:

Điều 157 Bộ luật Hình sự 1999 nêu rõ người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh sẽ bị mức phạt thấp nhất là hai năm tù. Nếu có thêm các tình tiết tăng nặng như: phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ quyền hạn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng... mức án cao nhất là tử hình. Ở Bộ luật Hình sự 2015, tội danh này được quy định tại Điều 193. Các hành vi và yếu tố cấu thành tội phạm không thay đổi nhưng mức án cao nhất là tù chung thân. Xung quanh quy định này, nhiều thính giả đã bày tỏ sự lo ngại.

Thính giả Phạm Văn Hùng bày tỏ quan điểm:

Băng: “Tôi không đồng ý giảm khung hình phạt tử hình đối với tội buôn bán thực phẩm giả, bẩn. Thực phẩm độc hại có thể giết chết hàng ngàn người, ảnh hưởng sức khỏe rất nhiều người mà bỏ tử hình là không hợp lý trong khi tình trạng thực phẩm giả bẩn kém chất lượng ... đang tràn lan và thành thảm họa”

Ý kiến của Luật sư ra sao về vấn đề này?

Luật sư trả lời:

Theo tôi, mục đích phạm tội là vì tư lợi và gây thiệt hại cho trật tự quản lý kinh tế. Hình phạt tử hình được tuyên và áp dụng đối với người phạm tội này thì mục đích khắc phục hậu quả do tội phạm kinh tế gây ra là rất khó, mục tiêu thu hồi tài sản sẽ không đạt được.

Hơn nữa, thực tiễn xét xử tội phạm này thời gian qua cho thấy, hầu như không có Tòa án nào áp dụng hình phạt tử hình trong trường hợp này. Thực tế cho thấy bởi sự lơi lỏng trong việc quản lý các hoạt động này của các cơ quan chức năng cũng là nguyên nhân chính dẫn tới sự gia tăng của tội phạm này. Do đó, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cần phải quản lý nghiêm ngặt trong lĩnh vực này thì cơ chế phòng ngừa tội phạm mới có hiệu quả.

Câu 4: Một tội nữa cũng không áp dụng hình phạt tử hình khi Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực từ 1/1/2018 nhận được nhiều sự quan tâm của quý thính giả, đó là Tội Cướp tài sản. Nhiều người lo ngại rằng việc bỏ khung hình phạt tử hình với tội này thì cướp sẽ ngày càng lộng hành và hành vi cướp của, giết người có nghiêm trọng như thế nào đi nữa thì cũng không phải chịu mức hình phạt cao nhất như trước đây. Những lo ngại này có đúng theo tinh thần của Luật không thưa Luật sư? Có phải tội Cướp dù nghiêm trọng đến mức nào cũng không phải chịu hình phạt cao nhất như trước đây?

Luật sư trả lời:

Tội cướp tài sản (Điều 168), thực tế cho thấy cướp tài sản là một trong ba tội phạm nghiêm trọng nhất trong số các tội xâm phạm sở hữu. Bản chất của tội này là tước đoạt quyền sở hữu của người khác bằng vũ lực hoặc bằng các hành động khác tấn công nạn nhân làm cho họ không thể chống cự được. Vì vậy, trong khi thực hiện hành vi cướp tài sản, người phạm tội có thể gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của nạn nhân.

Tuy nhiên, cần phải thấy rằng đây là tội xâm phạm quyền sở hữu của người khác, đối tượng chính bị xâm hại ở đây là tài sản. Mục đích của người phạm tội này là chiếm đoạt tài sản của người khác chứ không phải là xâm phạm tính mạng, sức khỏe. Việc gây thương tích hoặc làm chết người khi thực hiện hành vi cướp không nằm trong ý định chủ quan của người phạm tội cướp. Hơn nữa, không phải mọi trường hợp phạm tội cướp tài sản đều gây chết người, do vậy việc áp dụng hình phạt tù chung thân đối với tội phạm này là đã đủ nghiêm khắc.

Câu 5: Luật sửa đổi bổ sung của Bộ luật Hình sự 2015 thông qua ngày 20/6/2017 và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018. Một trong những điểm mới của bộ luật này được dư luận đặc biệt quan tâm, đó là quy định về chế tài xử phạt đối với hành vi nhận hối lộ phi vật chất. Cụ thể điều luật này có thay đổi gì so với Luật trước đây, thưa luật sư?

Luật sư trả lời:

Điều 279 Bộ luật hình sư năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có quy định về Tội nhận hối lộ như sau:

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Gây hậu quả nghiêm trọng;

b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm …”.

Ngoài lợi ích vật chất, Điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015 đã bổ sung hành vi đưa, nhận hoặc môi giới hối lộ “lợi ích phi vật chất” trong Tội nhận hối lộ. Cụ thể:

“Điều 354. Tội nhận hối lộ

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Lợi ích phi vật chất …”.

Như vậy, người đưa, môi giới hoặc nhận “hối lộ tình dục”, “đổi tình lấy chức”, … cũng bị xử lý hình sự như nhận tài sản, tiền bạc.

Với việc bổ sung hành vi nhận hối lộ lợi ích phi vật chất này sẽ góp phần tích cực bảo vệ hạnh phúc gia đình; đồng thời đáp ứng yêu cầu đấu tranh về phòng, chống tội phạm tham nhũng ở nước ta hiện nay.

Câu 6: Như vậy, người đưa, môi giới hoặc nhận “hối lộ tình dục”, “đổi tình lấy chức” cũng bị xử lý hình sự như nhận tài sản, tiền bạc. Vậy “hối lộ tình dục” ở đây có thể được hiểu là những hành vi như thế nào?

Luật sư trả lời:

Hiện trong hệ thống văn bản pháp luật, khái niệm “hối lộ tình dục” chưa tồn tại, cho nên về mặt pháp lý, chưa có căn cứ nào để xác định. Tuy nhiên, ở góc độ xã hội, “hối lộ tình dục” được hiểu là người đưa hối lộ dùng “tình dục” để hối lộ cho người có chức vụ, quyền hạn để yêu cầu người đó thực hiện hoặc không thực hiện một việc gì đó vì lợi ích của mình.

Câu 7: Tuy nhiên, hành vi hối lộ tình dục rất khó để phát hiện và kiểm tra, trên thực tế hành vi này xảy ra khá nhiều nhưng hiếm có trường hợp nào phát giác hay tố cáo. Theo ông việc áp dụng điều luật này có khả thi không khi mà việc xác định lợi ích tinh thần hay đơn giản làm sao để xác định đó là lợi ích hay không sẽ gặp rất nhiều khó khăn ?

Luật sư trả lời:

Phải nhìn nhận thực tế rằng, ở nước ta đúng là có chuyện nhiều người dùng tình dục để hối lộ. Tuy nhiên, để bắt quả tang người hối lộ tình dục rất khó, bởi họ hoàn toàn có thể ngụy biện là trên cơ sở tự nguyện. Thêm vào đó, trước nay ta vẫn xem đó là tội bán dâm. Thiết nghĩ, muốn xử lý hành vi “hối lộ tình dục”, phải có nghiên cứu khoa học, cân nhắc kỹ, bởi việc hối lộ tình dục nếu đưa vào luật thì mang tính cảm tính nhiều hơn và chắc chắn sẽ khó xác định cơ sở pháp lý, bằng chứng khoa học.

Câu 8: Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự 2017, tại khoản 3 Điều 19 quy định trường hợp Luật sư phải tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này và tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà luật sư biết rõ khi thực hiện việc bào chữa. Điều luật này có gây khó khăn gì cho các Luật sư trong quá trình hành nghề của mình không, thưa ông?

Luật sư trả lời:

Ví dụ luật sư thấy thân chủ chuẩn bị thực hiện việc khủng bố hoặc tham gia kế hoạch khủng bố, đặt bom ở đâu đó sẽ gây thiệt hại cho cộng đồng xã hội và nhà nước, trong trường hợp đó đương nhiên luật sư có trách nhiệm tố giác tội phạm, vì đây là trách nhiệm công dân. Tuy nhiên, trong Bộ luật Hình sự ngoài quy định về các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia thì có tới 70 điều quy định về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác (liệt kê theo Điều 389). Điều này rất dễ dẫn đến “tai nạn nghề nghiệp” cho luật sư.

Câu 9: Về nội dung này, thính giả Nguyễn Văn Linh ở Hà Nội bày tỏ băn khoăn:

Băng: “Luật sư là người đại diện pháp luật của thân chủ. Bây giờ có đến 87 tội bắt buộc Luật sư phải tố giác thân chủ của mình. Vậy quan hệ giữa luật sư và thân chủ sẽ như thế nào? Liệu còn ai tin tưởng để tìm đến luật sư nữa không?”

Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Luật sư trả lời:

Nhìn vào các hệ thống luật pháp trên thế giới hiện nay thì việc quy định người bào chữa (phần lớn là luật sư) phải tố cáo hành vi phạm tội của thân chủ tỏ ra rất lạc lõng, nhưng cũng có một số ngoại lệ rất hiếm hoi.

Khoản 3 của Điều 19 Bộ luật hình sự năm 2015 sẽ gây ra ảnh hưởng đến công việc của các luật sư, và có thể khiến họ không thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân trong các vụ kiện. Vì:

Thứ nhất, nghĩa vụ im lặng của luật sư xuất phát từ quyền im lặng của bị can, bị cáo. Vốn dĩ bị can, bị cáo không phải khai báo bất kỳ điều gì về bản thân, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan điều tra. Bị can, bị cáo cần luật sư, trong hầu hết các trường hợp là thuê luật sư, để bảo vệ quyền của mình, chứ không phải để luật sư đem thông tin đi nói cho người khác biết.

Thứ hai, mối quan hệ giữa luật sư và thân chủ được bảo vệ bởi đặc quyền về bảo mật thông tin (confidentiality), bất kể là vụ án hình sự hay dân sự. Đây

cũng là vấn đề nguyên tắc đạo đức của nghề luật sư, được các luật sư đoàn quy định. Luật sư và thân chủ cần có đặc quyền về bảo mật thông tin, vì đó chính là điều kiện tối cần thiết để thiết lập sự tin tưởng tuyệt đối giữa họ.

Đặc biệt, trong các vụ án hình sự, nghi phạm sẽ không thể nào tin tưởng nhân viên điều tra để chia sẻ tất cả thông tin, vì họ sợ sẽ có thông tin gây bất lợi cho họ. Vì thế, luật sư biện hộ chính là người mà nghi phạm phải tin tưởng nhất.

Vậy thì làm thế nào để khiến một người tin tưởng và chia sẻ tất cả với luật sư, kể cả những thông tin mang tính bất lợi hay có thể gây ra tranh cãi?

Trong các hệ thống tư pháp trên thế giới, đặc biệt ở châu Âu và Mỹ, thông tin trao đổi giữa luật sư và khách hàng được bảo vệ bởi “đặc quyền của mối quan hệ giữa luật sư và thân chủ” (attorney-client relationship). Đặc quyền này bắt buộc luật sư phải bảo vệ thông tin của người khách một cách tuyệt đối.

Câu 10: Bộ luật tố tụng hình sự 2015 chính thức có hiệu lực nhiều khái niệm mới bắt đầu được làm rõ hơn, đơn cử như khái niệm về người chứng kiến. Nếu chỉ nghe qua về người làm chứng, người chứng kiến, chắc hẳn các nhiều thính giả sẽ nhầm lẫn giữa hai khái niệm này. Luật sư có thể phân tích rõ hơn về sự khác nhau của hai khái niệm này?

Luật sư trả lời:

Thứ nhất, đối với người làm chứng (Điều 66 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015):

-Khái niệm: Là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng.

- Bản chất: Biết được tình tiết liên quan đến vụ án, tội phạm và được cơ quan có thẩm quyền triệu tập đến làm chứng.

- Những người không được làm người làm chứng:

+ Người bào chữa của người bị buộc tội;

+ Người do nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết liên quan nguồn tin về tội phạm, về vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn.

-Quyền:

+ Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ theo quy định.

+ Yêu cầu cơ quan triệu tập bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa.

+ Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc mình tham gia làm chứng.

+ Được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác theo quy định pháp luật.

-Nghĩa vụ: +Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải;

+ Trình bày trung thực những tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và lý do biết được những tình tiết đó.

-Xử lý vi phạm trong trường hợp cung cấp thông tin sai sự thật:

+ Phạt cảnh cáo

+ Phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm

+ Phạt tù từ 03 tháng đến 07 năm.

Ngoài ra, còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

-Xử lý vi phạm trong trường hợp từ chối thực hiện nếu không có lý do chính đáng:

Không áp dụng đối với ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội)

+ Phạt cảnh cáo

+ Phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm

+ Phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

Ngoài ra, còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Thứ hai, đối với người chứng kiến (Điều 67 BLTTHS năm 2015):

-Khái niệm: Là người được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu chứng kiến việc tiến hành hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này.

-Bản chất: Được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu chứng kiến.

- Những người không được làm người chứng kiến:

+ Người thân thích của người bị buộc tội, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

+ Người do nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức đúng sự việc;

+ Người dưới 18 tuổi;

+ Có lý do khác cho thấy người đó không khách quan.

-Quyền:

+ Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ theo quy định.

+ Yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tuân thủ quy định của pháp luật, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp, ….

-Nghĩa vụ:

+ Có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

+ Chứng kiến đầy đủ hoạt động tố tụng được yêu cầu;

+ Ký biên bản về hoạt động mà mình chứng kiến;

+ Giữ bí mật về hoạt động điều tra mà mình chứng kiến;

+ Trình bày trung thực những tình tiết mà mình chứng kiến theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

-Xử lý vi phạm trong trường hợp cung cấp thông tin sai sự thật: Không bị xử lý.

- Xử lý vi phạm trong trường hợp từ chối thực hiện nếu không có lý do chính đáng: Không bị xử lý.

Câu 11: Ngoài những Luật đã được đề cập từ đầu chương trình thì có điều Luật nào đáng chú ý bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2018 mà Luật sư muốn chia sẻ cùng quý thính giả?

Luật sư trả lời:

Ngoài những điều luật đã kể trên, về quy định liên quan đến người chưa thành niên phạm tội, Luật sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 của BLHS năm 2015 theo hướng kế thừa quan điểm của BLHS năm 1999 là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nhưng chỉ giới hạn trong một số tội danh cụ thể được liệt kê tại khoản 2 Điều 12 của BLHS năm 2015 nhằm bảo đảm tính nhất quán trong chủ trương nhân đạo hóa chính sách hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.

Hay liên quan đến pháp nhân thương mại phạm tội, Luật bổ sung nội dung quy định về phân loại tội phạm, tổng hợp hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội vào một số điều của BLHS năm 2015 (các Điều 9 và 86 của BLHS năm 2015); mở rộng phạm vi trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với 02 tội danh (Điều 76 của BLHS năm 2015), đó là tội tài trợ khủng bố (Điều 300) và tội rửa tiền (Điều 324), ...

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan