Bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo quy định của Việt Nam

Nội dung bài viết

Trong chương trình sở hữu trí tuệ của Invest TV thuộc Đài Truyền hình Cáp Việt Nam (VCTV15), luật sư Nguyễn Thanh Hà đã trả lời các phóng viên chương trình các câu hỏi liên quan tới việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo quy định của pháp luật Việt Nam. Sau đây là nội dung câu hỏi và ý kiến trả lời của Luật sư Nguyễn Thanh Hà, mời quý vị đón xem video tại đây:

NỘI DUNG CÂU HỎI VÀ TRẢ LỜI

1. Thưa ông? Ông có thể cho biết những điều kiện chung đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ?

Chỉ dẫn địa lý là một trong những đối tượng sở hữu trí tuệ được bảo hộ theo quy định của pháp luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) ở các nước nói chung và Việt Nam nói riêng. Trước khi tìm hiểu những điều kiện để tên của một vùng, miền có thể được công nhận bảo hộ là chỉ dẫn địa lý cho một loại sản phẩm hàng hóa nào đó, chúng ta cần hiểu thế nào là chỉ dẫn địa lý ?

Theo Điều 4 khoản 22 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 của Việt Nam, chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ, hay quốc gia cụ thể. Như vậy trước hết chỉ dẫn địa lý phải là một dấu hiệu (có thể là hình ảnh hoặc bằng chữ hoặc kết hợp cả hai ) nhìn thấy được, dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.

Về những điều kiện chung đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ được quy định tại Điều 79 Luật SHTT 2005 bao gồm:

- Thứ nhất, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý;

- Thứ hai, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.

Như vậy, để có thể được bảo hộ dưới danh nghĩa chỉ dẫn địa lý, thì cần phải tồn tại một địa danh, và tại địa danh này một loại sản phẩm nào đó được sản xuất ra mà danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu của sản phẩm được quyết định bởi những điều kiện địa lý của địa danh đó. Vậy để sản phẩm có được những đặc tính khác biệt, bắt buộc sản phẩm đó phải được sản xuất tại địa danh đó. Chúng ta có thể lấy một số ví dụ điển hình đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận, bảo hộ là chỉ dẫn địa lý như: Nước mắm Phú Quốc; Cà phê nhân Buôn Ma Thuột; Bưởi Đoan Hùng; Vải thiều Thanh Hà; Gạo Tám Xoan…

2. Vậy những đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý?

Theo quy định tại Điều 80 Luật SHTT 2005 thì có 4 loại đối tượng sau không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý, bao gồm:

- Thứ nhất, tên gọi, chỉ dẫn đã trở thành tên gọi chung của hàng hóa ở Việt Nam

- Thứ hai, chỉ dẫn địa lý của nước ngoài mà tại nước đó chỉ dẫn địa lý không được bảo hộ, đã bị chấm dứt bảo hộ hoặc không còn được sử dụng.

- Chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đang được bảo hộ, nếu việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó được thực hiện thì sẽ gây nhầm lẫn về nguồn gốc của sản phẩm.

- Chỉ dẫn địa lý gây hiểu sai lệch cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý thực của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.

Như vậy, nếu một địa danh đăng ký cho sản phẩm được sản xuất tại đó thuộc một hoặc nhiều hơn trong bốn trường hợp nêu trên sẽ không được bảo hộ là chỉ dẫn địa lý.

3. Một bộ hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý gồm những đầu mục tài liệu gì, thưa ông?

Theo quy định hiện hành thì một bộ hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý cần phải có những tài liệu sau đây:

- 02 Đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN của Bộ Khoa học Công nghệ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT;

- 02 Bản đồ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý;

- 02 Bản mô tả tính chất/ chất lượng/ danh tiếng của sản phẩm đăng ký cho chỉ dẫn địa lý đó;

- 10 mẫu thể hiện cách trình bày chỉ dẫn địa lý (hình ảnh, bằng chữ hoặc kết hợp cả hai) với kích thước không quá 80mm x 80mm và không nhỏ hơn 20mm x 20mm (trong trường hợp chỉ dẫn địa lý không phải là từ ngữ)

Những tài liệu trên sẽ được nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và phí đăng ký kèm theo. Sau một khoảng thời gian luật định để xem xét tính hợp pháp của đơn, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ quyết định cấp hoặc không cấp Văn bằng bảo hộ dưới dạng Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho chỉ dẫn địa lý đó.

4. Ông có thể đưa ra những tư vấn về phạm vi bảo hộ của chỉ dẫn địa lý?

Đối với phạm vi bảo hộ về mặt lãnh thổ, các đối tượng sở hữu trí tuệ nói chung, và chỉ dẫn địa lý nói riêng, trong trường hợp được Cục SHTT Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý thì Giấy chứng nhận đó chỉ có hiệu lực tại Việt Nam, do đó phạm vi bảo hộ của chỉ dẫn địa lý là trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

Về mặt thời gian, Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý có hiệu lực vô thời hạn kể từ ngày cấp.6

Về phạm vi quyền, chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý của Việt Nam là Nhà nước. Nhà nước trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho tổ chức, cá nhân tiến hành việc sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý tại địa phương tương ứng và đưa sản phẩm đó ra thị trường. Nhà nước trực tiếp thực hiện quyền quản lý chỉ dẫn địa lý cho tổ chức đại diện quyền lợi của tất cả các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý.

Tổ chức được trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý có quyền cho phép người khác sử dụng chỉ dẫn địa lý đó theo quy định của pháp luật. Các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng hoặc tổ chức được trao quyền quản lý có quyền ngăn cấm người khác sử dụng chỉ dẫn địa lý đó theo quy định pháp luật hiện hành.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan