Lưu ý khi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

Nội dung bài viết

Câu hỏi: Chúng tôi là nhà thầu xây dựng, hiện tại chủ đầu tư vi phạm nghĩa vụ thanh toán, trong hợp đồng có nêu cơ quan giải quyết tranh chấp là trọng tài VIAC, đề nghị SBLAW cung cấp thông tin về vấn đề này:

Trả lời: SBLAW gửi tới Quý khách hàng những lưu ý về việc áp dụng phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.

1. Điều kiện giải quyết tranh chấp tại Trọng tài

Theo quy định tại Điều 5 Luật trọng tài thương mại, tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài.

Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp. Theo Hợp đồng đã ký kết giữa Khách hàng và Chủ đầu tư, hai bên đều thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, vì vậy, tranh chấp liên quan đến nghĩa vụ thanh toán của Chủ đầu tư đáp ứng đủ điều kiện giải quyết bằng Trọng tài.

2. Trình tự tố tụng tại Trọng tài

Theo quy định tại Luật trọng tài thương mại và Quy tắc tố tụng trọng tài, trình tự thực hiện thủ tục tố tụng tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (sau đây được gọi tắt là “Trung tâm”) sẽ được thực hiện theo các bước dưới đây:

+ Bước 1: Nộp đơn khởi kiện

+ Bước 2: Thụ lý đơn khởi kiện

+ Bước 3: Thành lập Hội đồng trọng tài

+ Bước 4: Phiên họp giải quyết tranh chấp

CỤ THỂ NHƯ SAU:

Bước 1: Nộp đơn khởi kiện

  • Một bên muốn khởi kiện ra Trung tâm phải gửi Đơn khởi kiện tới Trung tâm. Đơn khởi kiện phải có các nội dung sau đây:
  • Ngày, tháng, năm làm Đơn khởi kiện;
  • Tên, địa chỉ của các bên;
  • Tóm tắt nội dung của vụ tranh chấp;
  • Cơ sở khởi kiện;
  • Trị giá của vụ tranh chấp và các yêu cầu khởi kiện khác của Nguyên đơn;
  • Tên của người được Nguyên đơn chọn làm Trọng tài viên hoặc yêu cầu Trung tâm chỉ định Trọng tài viên;
  • Chữ ký của người đại diện theo pháp luật hoặc của người đại diện theo ủy quyền.
  • Kèm theo Đơn khởi kiện phải có phải có thỏa thuận trọng tài, bản chính hoặc bản sao các tài liệu có liên quan đến vụ việc. Đơn khởi kiện và các tài liệu liên quan do Nguyên đơn gửi tới Trung tâm phải đủ số bản để Trung tâm gửi tới thành viên của Hội đồng Trọng tài mỗi người một bản, tới Bị đơn một bản và lưu một bản.
  • Khi nộp Đơn khởi kiện, Nguyên đơn cần chú ý điều kiện thụ lý đơn khởi kiện theo quy định của Luật trọng tài thương mại, bao gồm:
  • Có thỏa thuận trọng tài có hiệu lực giữa các bên;
  • Tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài, bao gồm: (1) Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; (2) Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; (3) Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.

Bước 2: Thụ lý Đơn khởi kiện

Trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được Đơn khởi kiện và tài liệu liên quan, Trung tâm sẽ gửi cho Nguyên đơn thông báo tạm ứng phí trọng tài.

Trong vòng 10 ngày tiếp theo kể từ ngày nhận được chứng từ nộp tạm ứng phí trọng tài từ Nguyên đơn, Trung tâm sẽ gửi cho Bị đơn Thông báo, Đơn khởi kiện của nguyên đơn, thỏa thuận trọng tài và các tài liệu khác có liên quan.

Trừ khi các bên có thỏa thuận khác về thời hạn, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiếp theo của ngày nhận được Thông báo, Đơn khởi kiện, thỏa thuận trọng tài và các tài liệu khác có liên quan, Bị đơn phải gửi tới Trung tâm Bản tự bảo vệ. Bản tự bảo vệ phải có các nội dung sau đây:

  • Ngày, tháng, năm làm Bản tự bảo vệ;
  • Tên, địa chỉ của Bị đơn;
  • Cơ sở tự bảo vệ;
  • Tên của người được Bị đơn chọn làm Trọng tài viên hoặc yêu cầu Trung tâm chỉ định Trọng tài viên;
  • Chữ ký của người đại diện theo pháp luật hoặc của người đại diện theo ủy quyền.

Trong trường hợp Bị đơn cho rằng thỏa thuận trọng tài không tồn tại, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì Bị đơn phải nêu rõ trong Bản tự bảo vệ. Nếu Bị đơn không nêu rõ điều đó trong Bản tự bảo vệ thì Bị đơn mất quyền phản đối. Trong trường hợp này, Bị đơn vẫn phải chọn Trọng tài viên hoặc yêu cầu Trung tâm chỉ định Trọng tài viên.

Trung tâm có thể gia hạn thời hạn gửi Bản tự bảo vệ khi có yêu cầu gia hạn của Bị đơn. Yêu cầu gia hạn phải được lập bằng văn bản và phải gửi để Trung tâm nhận được trước khi hết thời hạn gửi Bản tự bảo vệ hoặc trước khi hết thời hạn gia hạn gửi Bản tự bảo vệ.

Trong trường hợp có yêu cầu gia hạn thời hạn gửi Bản tự bảo vệ, Bị đơn vẫn phải chọn Trọng tài viên hoặc yêu cầu Trung tâm chỉ định Trọng tài viên trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được Thông báo, Đơn khởi kiện.

Bản tự bảo vệ và các tài liệu có liên quan phải được gửi đủ đủ số bản để Trung tâm gửi tới thành viên của Hội đồng Trọng tài mỗi người một bản, tới Nguyên đơn một bản và lưu một bản.

Tố tụng trọng tài vẫn được tiến hành kể cả khi Bị đơn không gửi Bản tự bảo vệ.

Bước 3: Thành lập Hội đồng trọng tài

Số lượng Trọng tài viên: Vụ tranh chấp được giải quyết bởi Hội đồng Trọng tài gồm ba Trọng tài viên hoặc một Trọng tài viên duy nhất. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận vụ tranh chấp được giải quyết bởi Hội đồng Trọng tài gồm Trọng tài viên duy nhất thì vụ tranh chấp được giải quyết bởi Hội đồng Trọng tài gồm ba Trọng tài viên.

Quy định về thành lập Hội đồng trọng tài gồm 3 Trọng tài viên:

+ Nguyên đơn chọn hoặc yêu cầu Trung tâm chỉ định 1 Trọng tài viên. Trường hợp Nguyên đơn yêu cầu chỉ định Trọng tài viên, Chủ tịch Trung tâm ra quyết định chỉ định một Trọng tài viên sau 07 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu.

+ Bị đơn chọn hoặc yêu cầu Trung tâm chỉ định 1 Trọng tài viên và phải thông báo cho Trung tâm trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiếp theo của ngày nhận được Thông báo, Đơn khởi kiện, thỏa thuận trọng tài và các tài liệu khác có liên quan. Trường hợp Bị đơn yêu cầu chỉ định Trọng tài viên, Chủ tịch Trung tâm ra quyết định chỉ định một Trọng tài viên sau 07 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu.Trường hợp Bị đơn không chọn Trọng tài viên hoặc không yêu cầu Trung tâm chỉ định Trọng tài viên trong, thời hạn 30 ngày nêu trên, trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày hết thời hạn, Chủ tịch Trung tâm ra quyết định chỉ định một Trọng tài viên thay cho Bị đơn.

+ Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Trọng tài viên được Bị đơn chọn hoặc được Chủ tịch VIAC chỉ định, các Trọng tài viên phải bầu người thứ ba làm Chủ tịch Hội đồng Trọng tài và thông báo cho VIAC. Trường hợp hết thời hạn 15 ngày mà VIAC không nhận được thông báo về việc bầu Chủ tịch Hội đồng trọng tài từ Trọng tài viên, trong vòng 07 ngày tiếp theo kể từ ngày hết thời hạn, Chủ tịch VIAC sẽ ra quyết định chỉ định Chủ tịch Hội đồng Trọng tài.

Quy định về thành lập Hội đồng trọng tài có 1 trọng tài viên duy nhất (nếu hai bên có thỏa thuận):

+ Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiếp theo của ngày Bị đơn nhận được Thông báo, Đơn khởi kiện, thỏa thuận trọng tài và các tài liệu khác có liên quan, các bên phải thống nhất chọn hoặc yêu cầu Trung tâm chỉ định Trọng tài viên duy nhất và phải thông báo cho Trung tâm.

+ Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày hết thời hạn 30 ngày nêu trên mà Trung tâm chưa nhận được thông báo, Chủ tịch Trung tâm ra quyết định chỉ định Trọng tài viên duy nhất.

Thẩm quyền của Hội đồng trọng tài. Theo quy định tại Quy tắc tố tụng trọng tài, Hội đồng trọng tài có thẩm quyền sau đây:

+ Thẩm quyền xác minh sự việc: Hội đồng Trọng tài có quyền gặp hoặc trao đổi với một bên với sự tham gia của bên kia bằng các hình thức thích hợp để làm rõ các vấn đề có liên quan đến vụ tranh chấp.

+ Thẩm quyền thu thập chứng cứ: yêu cầu các bên cung cấp chứng cứ; yêu cầu người làm chứng cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ tranh chấp theo yêu cầu của một bên hoặc của các bên; yêu cầu trưng cầu giám định, định giá tài sản trong vụ tranh chấp.

+ Thẩm quyền triệu tập người làm chứng.

+ Thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Theo yêu cầu của một bên, Hội đồng Trọng tài có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với các bên tranh chấp.

Bước 4: Phiên họp giải quyết tranh chấp

Chuẩn bị phiên họp giải quyết tranh chấp:

+ Thời gian và nơi tiến hành phiên họp giải quyết vụ tranh chấp do Hội đồng Trọng tài quyết định, trừ khi các bên có thỏa thuận khác. Hội đồng Trọng tài có thể tiến hành phiên họp giải quyết vụ tranh chấp bằng hình thức teleconference, video-conference hoặc các hình thức thích hợp khác nếu các bên có thỏa thuận.

+ Giấy triệu tập tham dự phiên họp giải quyết vụ tranh chấp được Trung tâm gửi cho các bên chậm nhất là 15 ngày trước ngày mở phiên họp, trừ khi các bên có thỏa thuận khác. Trường hợp hoãn phiên họp hoặc Hội đồng Trọng tài quyết định mở phiên họp tiếp theo, thời hạn gửi giấy triệu tập do Hội đồng Trọng tài quyết định, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.

– Thành phần, thủ tục phiên họp giải quyết tranh chấp:

+ Phiên họp giải quyết vụ tranh chấp không công khai, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.

+ Các bên có thể trực tiếp hoặc uỷ quyền cho người đại diện tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp; có quyền mời người làm chứng, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình tham dự phiên họp giải quyết vụ tranh chấp và phải thông báo cho Hội đồng Trọng tài trước ngày mở phiên họp giải quyết tranh chấp.

+ Hội đồng Trọng tài tự mình hoặc theo yêu cầu của một bên, có quyền mời tổ chức, cá nhân giám định, định giá tài sản và chuyên gia tham dự phiên họp giải quyết vụ tranh chấp. Trong trường hợp có sự đồng ý của các bên, Hội đồng Trọng tài có thể cho phép những người khác tham dự phiên họp giải quyết vụ tranh chấp.

+ Tại phiên họp giải quyết vụ tranh chấp, nếu thấy các bên không còn bất kỳ tài liệu hoặc chứng cứ có liên quan nào để cung cấp, Hội đồng Trọng tài tuyên bố phiên họp giải quyết vụ tranh chấp này là phiên họp cuối cùng. Sau khi kết thúc phiên họp cuối cùng, Hội đồng Trọng tài không có nghĩa vụ xem xét bất kỳ tài liệu hoặc chứng cứ bổ sung nào, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.

– Hoãn phiên họp giải quyết tranh chấp:

+ Các bên có thể yêu cầu Hội đồng trọng tài hoãn phiên họp bằng bằng văn bản, nêu rõ lý do, kèm theo chứng cứ và gửi tới Trung tâm. Trong trường hợp Trung tâm không nhận được yêu cầu hoãn trước ngày mở phiên họp giải quyết vụ tranh chấp chậm nhất là 07 ngày làm việc thì bên yêu cầu hoãn phải chịu mọi chi phí phát sinh, nếu có.

+ Nguyên đơn đã được triệu tập nhưng vắng mặt mà không có lý do chính đáng hoặc rời phiên họp giải quyết vụ tranh chấp mà không được Hội đồng Trọng tài chấp thuận thì được coi là đã rút Đơn khởi kiện. Hội đồng Trọng tài chỉ tiếp tục giải quyết vụ tranh chấp khi Bị đơn có yêu cầu hoặc có Đơn kiện lại.Trường hợp tương tự như trên nhưng đối với Bị đơn thì phiên họp vẫn tiếp tục.

+ Phiên họp giải quyết tranh chấp vẫn có thể diễn ra mà không có sự có mặt của các bên nếu các bên yêu cầu.

– Tại phiên họp giải quyết tranh chấp, theo yêu cầu của các bên, Hội đồng Trọng tài sẽ tiến hành hòa giải. Biên bản hòa giải thành phải được lập trong trường hợp hòa giải thành. Biên bản hòa giải thành phải có chữ ký của các bên và chữ ký Trọng tài viên. Trong trường hợp này, Hội đồng Trọng tài ra Quyết định công nhận hòa giải thành. Quyết định công nhận hòa giải thành của Hội đồng Trọng tài có hiệu lực như Phán quyết trọng tài.

– Trường hợp hai bên không yêu cầu hòa giải, Hội đồng trọng tài sẽ tiếp hành xét xử vụ tranh chấp và ban hành Phán quyết trọng tại.

3. Phán quyết trọng tài

Nguyên tắc lập phán quyết trọng tài: Hội đồng trọng tài ra phán quyết trọng tài bằng cách biểu quyết theo nguyên tắc đa số. Trường hợp biểu quyết không đạt được đa số thì phán quyết trọng tài được lập theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng trọng tài.

Nội dung, hình thức của phán quyết trọng tài. Phán quyết trọng tài phải được lập bằng văn bản và có các nội dung chủ yếu sau đây:

+ Ngày, tháng, năm và địa điểm lập Phán quyết trọng tài;

+ Tên, địa chỉ của Nguyên đơn và Bị đơn;

+ Tên của các Trọng tài viên hoặc Trọng tài viên duy nhất;

+ Tóm tắt Đơn khởi kiện và các vấn đề tranh chấp; tóm tắt Đơn kiện lại và các vấn đề tranh chấp, nếu có;

+ Căn cứ lập Phán quyết trọng tài, trừ khi các bên thỏa thuận không cần nêu căn cứ trong Phán quyết trọng tài;

+ Kết quả giải quyết vụ tranh chấp;

+ Thời hạn thi hành Phán quyết trọng tài;

+ Phân bổ phí trọng tài và các chi phí khác có liên quan;

+ Chữ ký của các Trọng tài viên.

Thời hạn lập Phán quyết trọng tài: trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc phiên họp cuối cùng giải quyết vụ tranh chấp.

Hiệu lực của Phán quyết trọng tài: Phán quyết trọng tài là chung thẩm, ràng buộc các bên và có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

– Phán quyết trọng tài phải được Hội đồng Trọng tài gửi tới Trung tâm ngay sau ngày lập. Trung tâm gửi ngay tới các bên bản chính hoặc bản sao có chứng thực của Phán quyết trọng tài. Các bên có quyền yêu cầu Trung tâm cấp thêm bản sao Phán quyết trọng tài và phải trả phí theo quy định của Trung tâm.

– Khi có Trọng tài viên không ký vào Phán quyết trọng tài, Chủ tịch Hội đồng Trọng tài phải ghi việc này trong Phán quyết trọng tài và nêu rõ lý do. Trong trường hợp này, Phán quyết trọng tài vẫn có hiệu lực.

4. Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong quá trình tố tụng tại Trọng tài

a) Quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Trong quá trình giải quyết vụ tranh chấp, Nguyên đơn hoặc Bị đơn có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của các bên, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ tranh chấp hoặc việc thi hành phán quyết Trọng tài.

b) Các biện pháp khẩn cấp tạm thời bao gồm:

– Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp;

– Cấm hoặc buộc bất kỳ bên tranh chấp nào thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định nhằm ngăn ngừa các hành vi ảnh hưởng bất lợi đến tố tụng trọng tài;

– Kê biên tài sản đang tranh chấp;

– Yêu cầu bảo tồn, cất trữ, bán hoặc định đoạt bất kỳ tài sản nào của một bên hoặc các bên tranh chấp;

– Yêu cầu tạm thời về việc trả tiền giữa các bên;

– Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.

c) Thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài

– Bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải làm đơn gửi đến Hội đồng trọng tài. Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải có các nội dung chính sau đây:

  • Ngày, tháng, năm làm đơn;
  • Tên, địa chỉ của bên có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
  • Tên, địa chỉ của bên bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
  • Tóm tắt nội dung tranh chấp;
  • Lý do cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
  • Biện pháp khẩn cấp tạm thời cần được áp dụng và các yêu cầu cụ thể.

Kèm theo đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, bên yêu cầu phải cung cấp cho Hội đồng trọng tài chứng cứ để chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó.

– Theo quyết định của Hội đồng trọng tài, bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá do Hội đồng trọng tài ấn định tương ứng với giá trị thiệt hại có thể phát sinh do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng gây ra để bảo vệ lợi ích của bên bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá được gửi vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng do Hội đồng trọng tài quyết định.

– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, ngay sau khi bên yêu cầu đã thực hiện biện pháp bảo đảm thì Hội đồng trọng tài xem xét ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Trường hợp không chấp nhận yêu cầu, Hội đồng trọng tài thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho bên yêu cầu biết.

5.Thi hành phán quyết trọng tài

– Nhà nước khuyến khích các bên tự nguyện thi hành phán quyết trọng tài. Hết thời hạn thi hành phán quyết trọng tài mà bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành và cũng không yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận phán quyết trọng tài, bên được thi hành phán quyết trọng tài có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài.

– Thời hiệu yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài là 05 năm kể từ ngày phán quyết trọng tài có hiệu lực.

– Trình tự, thủ tục yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài được thực hiện theo lộ trình như sau:

+ Người yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài nộp đơn yêu cầu đến cơ quan thi hành án có thẩm quyền giải quyết.

+ Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu, thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành phán quyết trọng tài và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành đối với phán quyết trọng tài.Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định, các quyết định về thi hành phán quyết trọng tài phải được gửi cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

+ Quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập và văn bản khác có liên quan đến việc thi hành án sẽ được thông báo cho bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ theo nội dung của văn bản đó. Việc thông báo phải thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định thi hành án, trừ trường hợp cần ngăn chặn bị đơn tẩu tán, huỷ hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành phán quyết.

+ Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên tiến hành xác minh điều kiện thi hành phán quyết; trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải tiến hành xác minh ngay.

+ Cưỡng chế thi hành án: hết thời hạn tự nguyện thi hành án, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế. Các biện pháp cưỡng chế thi hành phán quyết gồm: (1) Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành phán quyết; (2) Trừ vào thu nhập của người phải thi hành phán quyết; (3) Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ; (4) Khai thác tài sản của người phải thi hành phán quyết; (5) Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ; (6) Buộc người phải thi hành phán quyết thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.

– Tùy thuộc vào từng loại tài sản của người phải thi hành ánh, Chấp hành viên lập kế hoạch cưỡng chế và thực hiện quy trình của kế hoạch cưỡng chế để thi hành phán quyết cho người yêu cầu.

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan