Xung quanh việc xử phạt hành vi vi phạm về quảng cáo theo Nghị định 28/2017/NĐ-CP

Nội dung bài viết

Câu 1:

Thưa Luật sư…, có thể thấy là mặc dù chúng ta đã có nhiều văn bản pháp luật quy định về việc xử phạt các hành vi phát tờ rơi, thực hiện các loại hình quảng cáo sai quy định trên đường phố, tuy nhiên tình trạng này vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Theo Luật sư, nguyên nhân là do đâu?

Luật sư trả lời:

Nghị định 28/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 131 về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định số 158 quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo đã có hiệu lực từ ngày 5/5/2017 với mức phạt tăng nặng nhiều lần đối với vi phạm quảng cáo. Thế nhưng, vi phạm vẫn diễn ra phổ biến trên nhiều đường phố.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do:

– Một phần là do ý thức của người dân, doanh nghiệp còn thấp; một số doanh nghiệp vì lợi ích riêng đã bất chấp các quy định để phát tờ rơi, treo, dán quảng cáo khắp nơi; thậm chí nhiều trường hợp còn lợi dụng buổi tối để vẽ, dán, gắn quảng cáo bừa bãi.

– Một nguyên nhân khác là lực lượng kiểm tra chuyên ngành văn hóa còn quá ít so với nhu cầu, dẫn đến không kiểm soát hết các điểm thường xuyên xuất hiện tình trạng vi phạm quảng cáo, phát tờ rơi tràn lan. Các địa phương chưa có đủ lực lượng trực để phát hiện và xử lý kịp thời đối với những vi phạm liên quan. Do đó, việc bắt quả tang người vi phạm còn gặp nhiều khó khăn, mặc dù người có sản phẩm quảng cáo đã ghi tên, số điện thoại cụ thể trên tờ rơi quảng cáo, rao vặt.

Câu 2:

Vậy khi Nghị định 28 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 158 về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi dán, phát và treo quảng cáo không đúng nơi quy định có hiệu lực thi hành sẽ mang lại những thuận lợi gì trong việc xử phạt các hành vi vi phạm này, thưa luật sư?

Luật sư trả lời:

Có thể nói Nghị định số 28/2017/NĐ-CP ra đời đã tạo điều kiện cho ngành chức năng căn cứ vào đó để đề ra những biện pháp chế tài trong quá trình quản lý hoạt động quảng cáo, nhất là tình trạng dán, treo bảng quảng cáo không đúng quy định.

Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi treo, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, cột tín hiệu giao thông, cây xanh nơi công cộng bị phạt từ 1 – 2 triệu đồng thì Nghị định 28/2017/NĐ-CP xác định rõ hơn các chủ thể bị xử lý. Đó là ngoài việc xử phạt người có hành vi như đã nêu, cá nhân, đơn vị, cơ sở có sản phẩm, dịch vụ hàng hóa quảng cáo cũng sẽ bị phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng.

Đây là một tín hiệu vui để lực lượng Thanh tra có thể mạnh tay xử lý vi phạm.

Câu 3:

So với Nghị định 158, Nghị định 28 có những điểm mới gì nổi bật, thưa Luật sư?

Luật sư trả lời:

So với Nghị định 158/2013/NĐ-CP, Nghị định 28/2017/NĐ-CP đã bổ sung thêm những chế tài xử lý nhiều hành vi vi phạm mà trước đây chưa có cơ sở pháp lý làm căn cứ xử phạt và tăng thêm mức phạt. Cụ thể:

  • Điều 51 của Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng bị phạt từ 1-2 triệu đồng thì Nghị định 28 xác định rõ hơn các chủ thể phải bị xử lý. Đó là ngoài việc xử phạt người có hành vi nêu trên thì các cá nhân, đơn vị có sản phẩm, dịch vụ hàng hóa quảng cáo cũng sẽ bị xử phạt từ 5-10 triệu đồng.
  • Một điểm mới nổi bật nữa là tại Điều 61, phạt tiền từ 200.000 – 500.000 đồng đối với hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội; phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi đó.
  • Nghị định 28/2017/NĐ-CP cũng quy định phạt 2-5 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo tại mặt trước, mặt sau và trên nóc của một phương tiện giao thông; quảng cáo vượt quá diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của một phương tiện giao thông được quy định.
  • Với những quảng cáo thiếu chuẩn xác, sai sự thật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo bị phạt tiền từ 15- 20 triệu đồng. Thậm chí, có hành vi bị xử phạt lên đến 30 triệu đồng nếu quảng cáo trên các sản phẩm in là bản đồ hành chính, giấy tờ có giá, văn bằng chứng chỉ và văn bản quản lý nhà nước…
  • Ngoài ra, Nghị định 28/2017/NĐ-CP cũng bổ sung quy định xử phạt hành vi vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh tại khu vực lễ hội, di tích. Theo đó, việc ném, thả tiền xuống giếng, ao hồ tại di tích sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 – 500.000 đồng.

Hy vọng, đây sẽ là cơ sở để các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh xử lý triệt để tình trạng quảng cáo, rao vặt sai quy định; góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Câu 4:

Thưa quý vị, thưa các bạn! Xung quanh việc xử phạt các hành vi sai phạm về quảng cáo, chương trình Bạn và Pháp luật đã nhận được nhiều thắc mắc của người dân. Ông Lê Khắc Hòa, ở thành phố Ninh Bình có ý kiến như sau: theo tôi được biết, thì Nghị định số 28 có quy định người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo được treo, dán tại những nơi như cột điện, cây xanh… bị phạt từ 5-10 triệu đồng. Tôi thấy quy định này rất khó để thực hiện vì khó mà truy ra được chủ sản phẩm hoặc có khi chủ sản phẩm cũng không kiểm soát được chỗ dán, treo quảng cáo do thuê người làm.

Vâng, về ý kiến của ông Hòa, Luật sư… có bình luận như thế nào?

Luật sư trả lời:

Việc xử phạt người treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ… sai quy định và phạt cả chủ nhân của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ là cần thiết để đảm bảo mỹ quan đô thị.

Trường hợp Điểm b Khoản 1 Điều 51 Nghị định 28/2017/NĐ-CP quy định:

Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo” được quảng cáo trên tờ rơi được treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây là cụ thể hóa Khoản 16 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 (các hành vi bị cấm).

Do vậy nếu các cá nhân, tổ chức biết rằng việc thực hiện hành vi đó là trái với quy định của pháp luật thì sẽ bị xử phạt là chuyện đương nhiên. Ví dụ: các cá nhân, tổ chức không có chức năng quảng cáo nhưng thuê người phát tờ rơi, treo băng rôn, … quảng cáo cho đơn vị mình mà vi phạm quy định pháp luật thì đương nhiên bị phạt.

Trường hợp xử phạt người có hàng hóa, dịch vụ như đề cập trên nhằm hạn chế việc cá nhân, tổ chức thông qua các cá nhân không có chức năng quảng cáo thực hiện hành vi bị cấm.

Tuy nhiên, quy định tại Nghị định 28/2017/NĐ-CP cần hướng dẫn cụ thể, chặt chẽ hơn, nếu không sẽ khó tránh trường hợp bị oan đối với chủ sản phẩm được quảng cáo. Bởi không loại trừ trường hợp sản phẩm trên mẩu quảng cáo dán ở những vị trí vi phạm nằm ngoài ý muốn của chủ sản phẩm hoặc thậm chí là chơi xấu, hạ uy tín nhau. Đồng thời đơn vị thực thi có thể bị đối mặt với các vụ kiện nếu gây thiệt hại cho chủ thể có quyền quảng cáo.

Câu 5:

Chị Lê Ngọc Lan, ở số điện thoại có đuôi là 397 gọi điện về cho chương trình hỏi như sau: Tôi rất đồng tình với chủ trương xử phạt hành chính những hành vi phát tờ rơi quảng cáo, treo, đặt, dán, vé quảng cáo sai quy định. Tuy nhiên tôi có thắc mắc là cơ quan, ban ngành nào sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc thực thi và nếu phát hiện những hành vi vi phạm, chúng tôi cần thông báo đến ai đầu tiên?

Luật sư trả lời:

Theo quy định tại Nghị định 158/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 28/2017/NĐ-CP) thì thẩm quyền xử phạt hành vi phát tờ rơi quảng cáo, treo, dán, vẽ quảng cáo sai quy định thuộc về Chủ tịch UBND các cấp, lực lượng công an nhân dân và thanh tra chuyên ngành.

Cụ thể:

  • Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp được quy định tại Điều 80 Nghị định 58/2013/NĐ-CP.
  • Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Thanh tra được quy định tại Điều 81 Nghị định 28/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 158/2013/NĐ-CP.
  • Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Công an nhân dân được quy định tại Điều 82 Nghị định 58/2013/NĐ-CP.

Nếu phát hiện những hành vi vi phạm, bạn có thể thông báo đến một trong số các cơ quan này.

Câu 6:

Bạn Hoàng Ngọc Tùng ở địa chỉ mail: ……….hỏi: tôi mới thành lập công ty và muốn làm biển quảng cáo trước trụ sở của công ty, tôi không biết pháp luật hiện hành quy định như thế nào về biển quảng cáo này. Mong luật sư giúp đỡ.

Luật sư trả lời:

Điều 34 Luật Quảng cáo năm 2012 có quy định Biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh phải có các nội dung sau:

  • Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có);
    • Tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
    • Địa chỉ, điện thoại.

    -Việc thể hiện chữ viết trên biển hiệu phải tuân thủ quy định tại Điều 18 của Luật này.

    – Kích thước biển hiệu được quy định như sau:

    • Đối với biển hiệu ngang thì chiều cao tối đa là 02 mét (m), chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà;
    • Đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 01 m, chiều cao tối đa là 04 m nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.

    -Biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hoả; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng. Việc đặt biển hiệu phải tuân thủ các quy định của Luật này và quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

    Lưu ý: Đối với trường hợp xây dựng biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích một mặt trên 20 mét vuông (m2) kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình xây dựng có sẵn phải xin giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương căn cứ theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 31 Luật Quảng cáo năm 2012.

    – Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo gồm có:

a) Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo;

b) Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo;

c) Bản sao có chứng thực một trong những loại giấy tờ sau: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; văn bản thoả thuận hoặc hợp đồng thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với công trình quảng cáo đứng độc lập; hợp đồng thuê địa điểm giữa chủ đầu tư xây dựng công trình quảng cáo với chủ sở hữu hoặc chủ sử dụng hợp pháp đối với công trình quảng cáo gắn với công trình xây dựng có sẵn hoặc văn bản thông báo kết quả trúng thầu đối với trường hợp địa điểm quảng cáo trong quy hoạch phải tổ chức đấu thầu;

d) Trường hợp công trình quảng cáo gắn với công trình đã có trước phải có văn bản thoả thuận hoặc hợp đồng của chủ đầu tư xây dựng công trình quảng cáo với chủ sở hữu hoặc người được giao quyền quản lý công trình đã có trước;

đ) Bản vẽ thiết kế của tổ chức thiết kế hợp pháp thể hiện được vị trí mặt bằng, mặt cắt, mặt đứng điển hình; mặt bằng móng của công trình có chữ ký và đóng dấu của chủ đầu tư xây dựng công trình quảng cáo. Trường hợp công trình quảng cáo gắn vào công trình đã có trước thì bản vẽ thiết kế phải thể hiện được giải pháp liên kết công trình quảng cáo vào công trình đã có trước.

Vì vậy, bạn cần lưu ý kích cỡ của biển hiệu để thực hiện việc đặt biển hiệu theo đúng quy định của pháp luật.

Câu 7:

Thính giả ở số điện thoại có đuôi 215 gọi điện đến chương trình có hỏi: Bên mình đang tính dán Logo công ty bên hông hai cửa xe ô tô. Như vậy có vi phạm luật gì không và nếu có thì có phải xin giấy phép gì không, thủ tục như thế nào?

Vâng, xin mời Luật sư giải đáp thắc mắc của bạn thính giả vừa rồi.

Luật sư trả lời:

Theo quy định của Luật Quảng cáo 2012, quảng cáo trên phương tiện giao thông không phải xin giấy phép thực hiện quảng cáo tại sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, tổ chức, cá nhân phải thực hiện theo quy định tại Điều 32 Luật Quảng cáo 2012, cụ thể:

“Không được thể hiện sản phẩm quảng cáo ở mặt trước, mặt sau và trên nóc của phương tiện giao thông. Sản phẩm quảng cáo không được vượt quá 50% diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của phương tiện giao thông. Việc thể hiện biểu trưng, logo, biểu tượng của chủ phương tiện giao thông hoặc hãng xe trên phương tiện giao thông phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông”.

Như vậy, nếu Công ty bên bạn muốn dán logo Công ty bên hông hai cửa và thực hiện như điều luật đã nêu ở trên thì không trái với pháp luật, tuy nhiên Công ty bạn cần tuân thủ các quy định của pháp luật để tránh trường hợp vi phạm.

Câu 8:

Thính giả ở địa chỉ email ……….. gửi thư về cho chương trình hỏi: bạn em là sinh viên đi làm thêm, thỉnh thoảng có nhận phát tờ rơi, dán biển quảng cáo ở trên đường theo chỉ dẫn của người chủ. Chương trình cho em hỏi, theo quy định mới của Nhà nước thì nếu bị phát hiện sai phạm, bạn em có phải chịu trách nhiệm gì không? Việc phát tờ rơi bị cấm hoàn toàn hay là có quy định trong một số trường hợp cụ thể?

Luật sư trả lời:

  1. Đối với hành vi phát tờ rơi:

Nếu bạn của bạn phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội thì có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng theo quy định tại Khoản 1 Điều 61 Nghị định 28/2017/NĐ-CP.

Về bản chất, việc phát tờ rơi không bị xử phạt nếu người phát ý thức được và giữ gìn, bảo vệ môi trường, không làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội.

  1. Đối với hành vi dán biển quảng cáo:

Nếu bạn của bạn có hành vi dán quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng thì sẽ bị phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 51 Nghị định 28/2017/NĐ-CP.

Câu 9:

Quay trở lại với Nghị định 28 sửa đổi, bổ sung một số điều của hai nghị định xử phạt vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan và trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, một số ý kiến cho rằng có một số điểm trong Nghị định vẫn chưa được mô tả một cách rõ ràng. Luật sư nghĩ sao về điều này. Và để Nghị định 28 thực sự đi vào cuộc sống, đạt được hiệu quả như mong đợi, chúng ta cần phải có những biện pháp nào, thưa Luật sư?

Luật sư trả lời:

Các quy định xử phạt tại Nghị định 28/2017/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của hai nghị định xử phạt vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan và trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo) đều cao hơn mức xử phạt cũ rất nhiều lần, bổ sung thêm các hành vi vi phạm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng khi thực thi pháp luật. Tuy nhiên, có một số điểm trong Nghị định 28/2017/NĐ-CP chưa được quy định một cách rõ ràng.

Ví dụ: quy định xử phạt đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo tại Điều 51 và 61.

Để các quy định của Nghị định này đi vào cuộc sống, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân những nội dung trong nghị định, giải thích để các chủ thể biêt, hiểu và không thực hiện các hành vi mà pháp luật cấm.

Đồng thời, UBND các cấp cũng nên yêu cầu các địa phương thường xuyên thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời tình trạng phát tờ rơi, dán, đặt quảng cáo sai quy định, đặc biệt tại các điểm giao thông quan trọng vào các giờ cao điểm.

Khi phát hiện sai phạm thì phải cương quyết xử phạt, không bao che, chống lưng cho những vi phạm. Nếu phát hiện trường hợp nào tái phạm sẽ đề xuất xử lý ở mức nặng nhất; cần thiết sẽ cưỡng chế, buộc trả lại những nơi đã đặt, dán quảng cáo về hiện trạng ban đầu.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan