Vì sao hàng triệu hộ kinh doanh cá thể "ngại" chuyển đổi sang doanh nghiệp?

Nội dung bài viết

Trong bài "Vì sao hàng triệu hộ kinh doanh cá thể "ngại" chuyển đổi sang doanh nghiệp?" đăng trên báo The Leader, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Việc doanh nghiệp cần tuân thủ chế độ hạch toán, sổ sách, chứng từ, kế toán chặt chẽ và phức tạp; chi phí cho công tác quản lý tài chính, kế toán cao; chịu sự thanh tra, kiểm tra nhiều… chính là những lý do hộ kinh doanh cá thể không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Một trong những giải pháp quan trọng nhằm hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động là tạo điều kiện, hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi và đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này đã và đang gặp không ít thách thức, khó khăn.

Hộ kinh doanh cá thể – Thiệt đủ đường

Câu chuyện về việc chuyển đổi mô hình từ hộ kinh doanh sang đăng ký hoạt động dưới mô hình doanh nghiệp không phải đến bây giờ mới được nhắc tới. Hộ kinh doanh giống với doanh nghiệp, đều là thương nhân theo Luật Thương mại năm 2005 và buộc phải đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp.

Trong cả 3 luật Doanh nghiệp vào các năm 1999, 2005, 2014 cũng đều có quy định cụ thể định danh loại hình này dưới tư cách một tổ chức kinh doanh chuyên nghiệp, đồng nghĩa với việc hộ kinh doanh là một loại hình hoạt động hợp pháp, bình đẳng với các loại hình khác như doanh nghiệp tư nhân.

Trong một số trường hợp, hộ kinh doanh được ví von như một doanh nghiệp tư nhân siêu nhỏ, là một tổ chức kinh doanh có quyền tự do kinh doanh nhưng lại không có tư cách pháp nhân và chịu trách nhiệm vô hạn đối với các nghĩa vụ tài sản. Sự tồn tại của hình thức này mang yếu tố lịch sử khi đây là một giải pháp thay thế cho doanh nghiệp tư nhân trong suốt thời kỳ dài không muốn thừa nhận các công ty, doanh nghiệp tư nhân.

Dù sau đó, các hình thức công ty, doanh nghiệp tư nhân đã được thừa nhận, tuy nhiên, mô hình hộ kinh doanh vẫn tiếp tục được duy trì cho đến hiện tại như một tổ chức kinh doanh chuyên nghiệp như nêu ở bên trên và cũng có đóng góp khá quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội.

Theo thống kê từ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, hiện nay khu vực hộ kinh doanh cá thể có số lượng rất lớn với khoảng 4,671 triệu hộ kinh doanh, tổng tài sản ước tính 655 ngàn tỷ đồng, tạo ra 2,188 triệu tỷ đồng doanh thu, nộp 12.362 tỷ đồng tiền thuế, giải quyết 7,945 triệu lao động. Trong số đó, khoảng 80% hoạt động trong ngành công nghiệp - xây dựng; 20% trong ngành thương mại dịch vụ, trong đó tập trung vào bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (45%), lưu trú, ăn uống (16%).

Điều này cho thấy vai trò của các hộ kinh doanh hiện nay là khá quan trọng và có tác động và ảnh hưởng không kém cạnh so với khôi công ty hay doanh nghiệp tư nhân vào thời điểm hiện tại. Dẫu vậy, cần phải hiểu rõ, không ngẫu nhiên hiện nay, Nhà nước đang đẩy mạnh việc khuyến khích các mô hình hộ kinh doanh chuyển đổi sang hình thức doanh nghiệp tư nhân.

Về bản chất hộ kinh doanh và doanh nghiệp vừa và nhỏ là một, nhưng chính sách hiện nay còn phân biệt và có nhiều trường hợp hộ kinh doanh loại ra khỏi chính sách khiến hộ kinh doanh có nhiều hạn chế so với doanh nghiệp. Cụ thể, là việc hạn chế quyền kinh doanh, chỉ được đăng ký tại một địa điểm, hoạt động kinh doanh trong phạm vi quận, huyện, không mở chi nhánh, văn phòng đại diện tại địa bàn khác…

Bên cạnh đó, một số ngành nghề phải là doanh nghiệp, và hạn chế quy mô sử dụng lao động, dưới 10 lao động thường xuyên. Hộ kinh doanh cũng bị hạn chế huy động vốn ngân hàng, hỗ trợ vốn của các hiệp hội ngành nghề, chủ yếu là sử dụng vốn từ chính thành viên tham gia hộ.

Trong một số trường hợp, mô hình hộ kinh doanh thể hiện sự kém minh bạch, tính đại chúng, huy động vốn để phát triển của hộ kinh doanh, kèm theo đó là những vấn đề liên quan đến các biện pháp chế tài, thực thi, bảo vệ lợi ích hợp pháp khi có sự cố… đều không thể thuận lợi so với pháp nhân là doanh nghiệp.

Một vấn đề nữa cũng liên quan đến hộ kinh doanh là việc có những hộ hộ kinh doanh có doanh thu hàng trăm tỉ đồng/năm và số lượng sử dụng hóa đơn gấp nhiều lần doanh nghiệp. Theo phân tích nêu trên, do không có tư cách pháp nhân và chịu trách nhiệm vô hạn đối với các nghĩa vụ tài sản nên dễ xảy ra những trường hợp núp bóng, lợi dụn thuế khoán để xuất hóa đơn bất hợp pháp, ảnh hưởng tới quá trình minh bạch của ngành thuế, thất thu ngân sách Nhà nước.

Vì vậy, nếu có thể chuyển đổi và "chính thức hóa" hoạt động kinh doanh, hộ kinh doanh sẽ nâng cao chất lượng lao động như điều kiện, thu nhập, an toàn, phúc lợi và tính ổn định trong hoạt động. Ngoài ra, còn đảm bảo tính chính xác, công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế giữa các loại hình kinh doanh.

Ngoài ra, điểm quan trọng là khả năng nhận tiếp cận được các chương trình hỗ trợ của Nhà nước cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, như: Nghị định số 56/2009/NĐ-CP, ngày 30/06/2009 thay thế Nghị định số 90/2001/NĐ-CP, ngày 23/11/2001 về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; Sắp tới là Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành… Chính vì vậy, khi trở thành doanh nghiệp, hộ kinh doanh sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với những ưu đãi của Nhà nước hơn so với trước kia.

Muốn chuyển đổi phải có cơ chế phù hợp

Dẫu vậy, thống kê cho thấy, số lượng các hộ kinh doanh chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp vẫn tương đối là hạn chế. Cũng theo nghiên cứu điều tra mới đây của CIEM được thực hiện với khoảng 400 hộ kinh doanh ở 6 tỉnh thành. Trong số này có đến 11% hộ kinh doanh thuộc diện phải chuyển thành doanh nghiệp, tức là sử dụng lao động thường xuyên từ 10 lao động trở lên, nhưng chỉ có 5,6% hộ kinh doanh dự kiến sẽ chuyển đổi. Trên thực tế con số chuyển đổi là rất ít.

Ghi nhận từ rất nhiều khách hàng đến xin tư vấn làm thủ tục chuyển đổi mô hình hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp, sau khi được tư vấn, ý kiến chung cho biết họ rất rất cân nhắc, thận trọng khi chuyển đổi mô hình vì lo ngại phức tạp.

Việc chuyển thành doanh nghiệp sẽ khiến các hộ kinh doanh phải mở sổ sách, thuê kế toán, lập báo cáo tài chính. Đồng nghĩa với việc khi có giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp thì thủ tục hành chính phức tạp hơn lên, rất nhiều thủ tục như bảo hiểm, công đoàn, thuế, lao động, phòng cháy chữa cháy... sẽ khiến chi phí của doanh nghiệp sẽ tăng lên.cháy chữa cháy, ... sẽ khiến chi phí của doanh nghiệp sẽ tăng lên. Trong khi với hộ kinh doanh cá thể thực hiện chế độ sổ sách kế toán, hồ sơ, trình tự, thủ tục thành lập đơn giản; lệ phí thành lập chỉ bằng 50% lệ phí thành lập doanh nghiệp.

Hiện nay, nhiều thông tin cho biết, nếu chuyển hộ kinh doanh sang mô hình công ty, doanh nghiệp tư nhân thì sẽ nhận được nhiều ưu đãi, tuy nhiên, hầu hết các hộ kinh doanh chưa nhìn thấy những ưu tiên, ưu đãi bằng hiện thực. Theo lý thuyết, hộ kinh doanh lên doanh nghiệp được miễn phí, giảm thuế, … nhưng thực tế lại chưa có gì.

Nhà nước chủ yếu chỉ đang khuyến khích về trình tự thủ tục để hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, còn hàng loạt vấn đề lớn vẫn đang bị bỏ ngỏ như: Tuân thủ chế độ hạch toán, sổ sách, chứng từ, kế toán chặt chẽ và phức tạp; Chi phí cho công tác quản lý tài chính, kế toán cao; Chịu sự thanh tra, kiểm tra nhiều…

Chính những vấn đề đó là lý do hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Trước những băn khoăn, ngần ngại của người dân, theo đánh giá của người viết, thiết nghĩ các cơ quan có chức năng phải bám sát để tư vấn cho người dân, giúp người dân hiểu được Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiểu được quy trình vay vốn, cung cấp mặt bằng, hiểu được những ưu đãi đối với những hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Mà nguyên tắc là người ta thấy có lợi thì mới vào.

Muốn hộ kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp thì chính sách phải hỗ trợ được toàn diện và nhất quán cho doanh nghiệp về lâu dài. Trong khi hiện nay, chính sách dường như mới chỉ hỗ trợ trong việc thành lập doanh nghiệp và động viên khởi nghiệp. Do đó, để hiện thực hóa Đề án “Hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp”, Chính phủ cần sớm có nghị định về thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cụ thể hóa vấn đề hỗ trợ cũng như trách nhiệm của cơ quan nhà nước.

Đồng thời, với vấn đề thủ tục, các cơ quan chức năng cũng cần đơn giản hóa theo hướng hỗ trợ chuyển đổi từ hộ gia đình thành doanh nghiệp để giảm bớt lo lắng, áp lực cho doanh nghiệp.

Tóm lại, vấn đề cơ bản cần giải quyết là, dù lựa chọn cách thức khuyến khích hay bắt buộc chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, thì vẫn cần phải có những quy định riêng cho phù hợp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ.

Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Lao động, Luật Kế toán, các Luật Thuế,… cần có những quy định riêng cho doanh nghiệp siêu nhỏ tránh phải tuân thủ pháp luật về quản lý, điều hành, lao động, hạch toán, báo cáo,... rất lằng nhằng, phức tạp.

Chẳng hạn, hiện nay tuy đã có chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng vẫn hoàn toàn không phù hợp với doanh nghiệp siêu nhỏ nói chung và việc khuyến khích chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp nói riêng

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả: Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLaw
Nguồn: http://theleader.vn/vi-sao-hang-trieu-ho-kinh-doanh-ca-the-ngai-chuyen-doi-sang-doanh-nghiep-20171005060645789.htm

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan